Các Giai Đoạn Của Chu Kỳ Kinh Nguyệt Và Những Lưu Ý Khác
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênChu kỳ kinh nguyệt là một quá trình tự nhiên của phụ nữ, diễn ra hàng tháng từ độ tuổi dậy thì cho đến khi mãn kinh. Trong suốt chu kỳ này, cơ thể phụ nữ trải qua một loạt các giai đoạn với những đặc điểm riêng, làm ảnh hưởng đến cơ thể cũng như tâm trạng của nhiều chị em. Vậy các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt ổn định là gì? Hãy theo dõi bài viết dưới đây cùng Nhất Nam Y Viện để hiểu hơn về vấn đề này.
Chu kỳ kinh nguyệt có những giai đoạn nào?
Chu kỳ kinh nguyệt là những thay đổi sinh lý ở phụ nữ, diễn ra mỗi tháng một lần dưới sự điều khiển của hormone sinh dục. Một chu kỳ ổn định của nữ giới là từ 28 đến 32 ngày, thời gian hành kinh từ 3-7 ngày. Kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu diễn ra từ giai đoạn dậy thì cho đến khi mãn kinh (không kể thời gian mang thai).
Trong chu kỳ, mỗi buồng trứng sẽ giải phóng ra một quả trứng, lớp niêm mạc tử cung hình thành. Nếu không mang thai, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và chu kỳ bắt đầu. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thông thường được chia thành bốn giai đoạn khác nhau, độ dài của mỗi giai đoạn khác nhau tùy thuộc cơ địa. Dưới đây là thông tin về các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt:
Giai đoạn hành kinh
Giai đoạn hành kinh xảy ra khi trứng từ chu kỳ trước không được thụ tinh. Trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thải ra máu, chất nhầy và mô từ tử cung. Các triệu chứng xảy ra trong giai đoạn này phải kể đến là chuột rút, đầy hơi, mất tập trung, hay cáu gắt, đau đầu, đau bụng, mệt mỏi, đau lưng dưới. Trung bình thời gian hành kinh sẽ diễn ra từ 3 – 7 ngày.
Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng bắt đầu vào ngày đầu tiên và có thể kéo dài đến ngày 13 của chu kỳ kinh nguyệt. Cũng có nghĩa, ngày đầu tiên hành kinh là ngày đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn này. Khi đó, vùng dưới đồi sẽ gửi tín hiệu đến tuyến yên để giải phóng hormone kích thích nang trứng, mỗi buồng trứng lúc này sẽ sản xuất khoảng 5 – 20 túi nhỏ (nang trứng). Mỗi nang lại chứa một trứng chưa trưởng thành. Đây cũng chính là giai đoạn cơ thể chuẩn bị sẵn sàng cho việc mang thai.
Trong số các nang trứng, sẽ chỉ có một nang khỏe nhất mới phát triển được. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số trường hợp hiếm hoi cơ thể phụ nữ có thể có 2 nang cùng trưởng thành (khả năng sinh đôi). Kích thước đường kính trung bình của nang khi trưởng thành là từ 18 đến 25 mm. Nang trứng đó chính là nang sẽ được phóng thích trong chu kỳ kinh nguyệt lần này. Những nang không phát triển sẽ được tái hấp thu vào trong cơ thể. Nang trứng khi trưởng thành sẽ tạo ra một lượng estrogen làm dày niêm mạc tử cung, tạo ra một môi trường giàu chất dinh dưỡng cho phôi thai phát triển.
Giai đoạn rụng trứng
Rụng trứng là giai đoạn khi trứng được phóng ra từ buồng trứng, thông thường sẽ xảy ra ở ngày thứ 14-15 của chu kỳ kinh nguyệt (nếu chu kỳ 28 ngày). Lúc này, trứng sẽ di chuyển xuống ống dẫn trứng về phía tử cung để thụ tinh.
Giai đoạn rụng trứng là thời điểm duy nhất trong chu kỳ kinh nguyệt mà phụ nữ có thể mang thai. Trứng sẽ tồn tại trong ống dẫn trứng khoảng 12 đến 24 giờ. Tuy nhiên, tinh trùng lại có thể tồn tại đến năm ngày trong đường sinh dục. Nên do đó, bất kỳ quan hệ tình dục không an toàn nào diễn ra trong khoảng từ ngày 10 đến ngày 15 đều có khả năng mang thai cao. Khi nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ, tiết dịch đặc và có màu sắc trắng đục là những dấu hiệu cho biết phụ nữ đang trong giai đoạn rụng trứng.
Giai đoạn chế tiết
Giai đoạn chế tiết, hay còn được xem là giai đoạn hoàng thể của chu kỳ buồng trứng. Thời điểm này bắt đầu sau khi trứng rụng, thường là vào ngày thứ 15. Trong buồng trứng, các nang trứng rỗng sẽ xẹp xuống và đổi thành màu vàng, nên được gọi là hoàng thể. Hoàng thể sản xuất progesterone và một số estrogen khiến niêm mạc tử cung dày và cho trứng đã thụ tinh làm tổ.
Ở trường hợp mang thai, lớp niêm mạc sẽ tiết ra các chất đặc biệt nuôi trứng đã được thụ tinh. Sau đó khoảng một tuần, hợp tử sẽ bắt đầu bám vào thành niêm mạc tử cung để làm tổ. Chị em có thể kiểm tra được khi sử dụng bằng que thử thai, các triệu chứng mang thai cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Ở trường hợp không mang thai, hoàng thể sẽ bắt đầu teo đi và được tái hấp thụ. Niêm mạc tử cung sẽ dần bong ra, dẫn đến giảm nồng độ estrogen và progesterone, khiến phụ nữ bắt đầu có kinh. Lớp niêm mạc tử cung bị phân hủy khiến cơ tử cung co thắt, các mạch máu trong niêm mạc vỡ ra, đào thải ra ngoài qua đường âm đạo. Sau đó, một chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ được bắt đầu.
Kinh nguyệt như nào được xem là ổn định?
Chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến đến ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo, thông thường là 28- 32 ngày. Trong một số trường hợp, chu kỳ ngắn hơn hay dài hơn một chút nhưng đều đặn, khoảng 21 ngày hoặc 35 ngày cũng được coi là bình thường.
Thời gian hành kinh thông thường sẽ kéo dài từ 3-7 ngày. Nếu nữ giới có lượng máu kinh rất ít, chảy chậm thì kỳ kinh nguyệt từ 7- 10 ngày cũng được gọi là bình thường. Đôi khi do một vài yếu tố như căng thẳng hay bệnh tật, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị trì hoãn trong một chu kỳ thì cũng không cần quá căng thẳng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt trên 40 ngày mà không mang thai thì bạn nên gặp chuyên gia.
Một số tình trạng bất thường của kỳ kinh nguyệt:
- Rong huyết: Tình trạng máu kéo dài trên 7 ngày nhưng không mang tính chu kỳ. Rong kinh trên 15 ngày sẽ gọi là rong huyết. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu cảnh báo sự nghiêm trọng của sức khỏe, vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng cần phải điều trị kịp thời.
- Cường kinh: Là tình trạng lượng máu kinh vừa nhiều vừa lâu, gây ảnh hưởng tới thể trạng vì mất nhiều máu.
- Thiểu kinh: Là tình trạng số lượng máu kinh ra ít và ra trong thời gian ngắn, thường chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Chăm sóc cơ thể thế nào trong kỳ kinh nguyệt?
Trong kỳ kinh nguyệt, các triệu chứng khó chịu sẽ làm chị em mệt mỏi, uể oải, bực bội. Vì vậy, việc chăm sóc cơ thể đúng cách trong những ngày này có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Dưới đây là một số lưu ý để chăm sóc cơ thể trong kỳ kinh nguyệt:
- Vệ sinh cá nhân: Vệ sinh sạch sẽ bằng nước vệ sinh chuyên dụng, hãy thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh sự phát triển vi khuẩn và mùi hôi.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chị em cần tăng cường việc bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ, hạt, rau xanh lá và trái cây để giảm nguy cơ thiếu máu. Đồng thời cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường, mỡ để giảm triệu chứng khó chịu như căng thẳng và khó ngủ.
- Giảm căng thẳng: Một số bài tập như yoga, đi bộ có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng như đau bụng và mệt mỏi. Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim hoặc tham gia các hoạt động yêu thích khác để cải thiện tâm trạng. Quan trọng nhất, hãy đảm bảo bạn có ngủ đủ ít nhất 7 tiếng một ngày.
Việc theo dõi và nhận biết các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể của mình. Nếu bạn gặp bất kỳ biến đổi lạ nào trong chu kỳ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và chăm sóc phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!