Quy Trình 6 Bước Chăm Sóc Da Nhạy Cảm Đúng Cách Tại Nhà
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênChăm sóc da nhạy cảm là một việc không dễ, bởi làn da này khá “khó chiều”. Hơn nữa, chúng còn rất dễ bị dị ứng, kích ứng nếu sử dụng mỹ phẩm sai cách, không phù hợp. Để hiểu hơn về làn da nhạy cảm, nắm được các dấu hiệu, nguyên nhân cũng như quy trình chăm sóc cụ thể, các bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết dưới đây.
Da nhạy cảm là gì? Dấu hiệu nhận biết
Da nhạy cảm là loại da dễ bị viêm nhiễm, kích ứng, phát ban,…. chúng bao hàm mọi vấn đề của da khô, da hỗn hợp và da khô. Khác với những loại da còn lại, da nhạy cảm thường có biểu hiện khá đa dạng, chẳng hạn như:
- Màng bảo vệ da mỏng nên da thường dễ bị kích ứng với mỹ phẩm, từ đó hình thành mề đay, mẩn ngứa, mụn nhọt, phát ban,….
- Da nhạy cảm có cả đặc điểm của da dầu và da khô. Cụ thể là khi da tiết quá nhiều dầu sẽ gây bít tắc lỗ chân lông, gây mụn và khiến da bị viêm nhiễm, ngứa rát.
- Da bị đau nhức đột ngột, đỏ bừng do quá nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường như thời tiết, bụi bẩn,…
- Dễ bị cháy nắng, bỏng rát, nổi mụn li ti, phát ban khi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
Nguyên nhân khiến làn da trở nên nhạy cảm
Có rất nhiều yếu tố tác động khiến cho da trở nên nhạy cảm. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp việc chăm sóc da nhạy cảm trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả tốt hơn. Theo đó, nguyên nhân cụ thể như sau:
- Vệ sinh cá nhân sai cách: Làm sạch da quá mức hoặc sử dụng tẩy trang, sữa rửa mặt không, tẩy da chết phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân khiến da bị tổn thương, kích ứng.
- Tác nhân từ môi trường: Thời tiết thay đổi thất thường, sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời khiến làn da bị mất nước và nhạy cảm hơn. Đây là lý do vì sao, kể cả mùa hè hay mùa đông bạn vẫn thường xuyên bị nứt nẻ môi. Khi tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm môi trường hàng ngày, chức năng bảo vệ tự nhiên của da sẽ dần suy yếu và khiến việc chăm sóc da trở nên khó khăn hơn. Làn da lúc này cũng trở nên nhạy cảm, dễ kích ứng, khó chăm sóc.
- Thói quen sống thiếu khoa học: Thói quen sinh hoạt đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tổng thể nói chung và làn da nói riêng. Việc thức khuya, ngủ thiếu giấc, làm việc nhiều giờ với máy tính, hút thuốc, tiếp xúc với các chất hóa học, tắm nước nóng,… lâu ngày đều khiến da bị ảnh hưởng ít nhiều và dần trở nên suy yếu, nhạy cảm hơn.
- Chế độ ăn uống không đảm bảo: Khi chế độ ăn không phù hợp, nguồn dinh dưỡng cung cấp không đảm bảo, thiếu tính lành mạnh có thể khiến da nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Đặc biệt là việc sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, ăn đồ dầu mỡ, cay nóng và uống ít nước lọc, nước ép trái cây.
- Mất cân bằng hormone: Nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt và làn da của phụ nữ. Khi hoạt động nội tiết bị mất cân bằng, ngoài hình thành mụn, khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, chúng còn làm tăng sắc tố da, khiến nám da, tàn nhang hình thành.
- Bị stress: Áp lực, căng thẳng đầu óc bắt nguồn từ các vấn đề trong đời sống và công việc. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều tới hormone và là nguyên nhân khiến bạn trông “già” đi. Trường hợp không được cải thiện, stress có thể gây tác động xấu tới tinh thần, thể chất và khiến da trở nên nhạy cảm, suy yếu.
- Dùng mỹ phẩm không phù hợp: Da có thể bị rát, sưng đỏ, nổi mụn, phát ban nếu bạn sử dụng mỹ phẩm sai cách. Chất tạo mùi, tạo màu nhân tạo, có chứa hóa chất tẩy rửa mạnh đều là những tác nhân làm tăng nguy cơ kích ứng trên da. Ngoài ra, thành phần axit glycolic, retinol trong các sản phẩm chống lão hóa cũng dễ khiến da trở nên nhạy cảm hơn.
- Tiếp xúc với các chất tẩy rửa: Các chất tẩy rửa gia dụng thường có chứa hóa chất mạnh. Chúng không chỉ nguy hiểm với sức khỏe nói chung mà còn khiến da mất đi độ ẩm tự nhiên nếu tiếp xúc trực tiếp lâu ngày.
Quy trình 6 bước chăm sóc da nhạy cảm tại nhà
Dưới đây là quy trình chăm sóc da nhạy cảm được nhiều người áp dụng và cho hiệu quả tốt. Các bạn có thể tham khảo thực hiện tại nhà để giúp nuôi dưỡng làn da căng mịn, khỏe mạnh hơn.
Cách chăm sóc da nhạy cảm ở bước tẩy trang
Tẩy trang là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng với hầu hết các loại da, không riêng da nhạy cảm. Việc tẩy trang sẽ giúp làm sạch da, giúp lỗ chân lông thông thoáng. Đồng thời là tiền đề để giúp các dưỡng chất có trong các sản phẩm chăm sóc da dễ dàng thấm sâu, hấp thụ tốt vào da.
Những người có làn da nhạy cảm nên dùng nước tẩy trang dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa, hương liệu, cồn xấu làm mất cân bằng da. Trường hợp bạn muốn đổi nước tẩy trang hoặc mới bắt đầu skincare thì nên lựa chọn sản phẩm an toàn dành cho da nhạy cảm. Điều này sẽ giúp da có thời gian thích ứng, tránh phản ứng quá mức với các thành phần có trong sản phẩm.
Cách chăm sóc da nhạy cảm mụn với sữa rửa mặt
Sau bước tẩy trang, chị em nên duy trì thói quen rửa mặt 2 lần/ngày sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Lưu ý, việc lạm dụng sữa rửa mặt có thể khiến da bị mỏng, nhạy cảm hơn nên tốt nhất hãy duy trì ở tần suất được khuyến cáo nên trên.
Nếu có điều kiện, bạn nên chọn cho mình loại sữa rửa mặt chuyên vào buổi sáng và dòng chuyên vào buổi tối. Cụ thể, ban ngày, bạn nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, lành tính, có độ pH khoảng 5 – 5.5. Còn buổi tối nên ưu tiên chọn sản phẩm giúp loại bỏ bụi bẩn, tạp chất tích tụ trong ngày và có khả năng làm sạch sâu.
Chị em cần tránh sử dụng sản phẩm có chứa thành phần như Beta Hydroxy Acid (BHA), Alpha Hydroxy Acid (AHA) và Salicylic Acid. Vì đây là những thành phần hóa chất có tính tẩy rửa cao, dễ gây kích ứng. Những loại sữa rửa mặt có chứa hạt massage cũng cần loại bỏ khỏi danh sách các loại mỹ phẩm tốt nhất dành cho da nhạy cảm.
Dùng toner cho da nhạy cảm
Nước hoa hồng – toner có khả năng làm cân bằng môi trường trên bề mặt da, làm dịu cũng như giảm thiểu các bất thường ở da sau quá trình làm sạch. Tương tự như việc chọn nước tẩy trang, chị em nên hạn chế dùng những sản phẩm có chứa cồn, hương liệu. Hãy ưu tiên dùng những sản phẩm được chiết xuất từ thiên nhiên như trà xanh, thảo mộc,… bởi chúng phù hợp với làn da nhạy cảm, dễ kích ứng hơn.
Tinh chất dưỡng da
Tinh chất dưỡng da hay còn gọi là serum là những chiết xuất cô đặc, có khả năng thẩm thấu sâu vào da. Nhờ đó giúp nuôi dưỡng và bảo vệ da khỏi tác động từ môi trường và những thay đổi bên trong cơ thể.
Những thành phần có trong serum thích hợp với làn da nhạy cảm có thể kể đến như lô hội, tảo biển, ceramide, niacinamide,… Mặc dù serum có chứa vitamin C rất tốt trong việc chống lão hóa, tái tạo da. Tuy nhiên, do bản chất có chứa citric acid nên dễ gây châm chích, kích ứng nhẹ. Để sử dụng an toàn, tránh dị ứng, người có làn da nhạy cảm nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ da liễu.
Kem dưỡng cho da nhạy cảm
Đây được xem là giải pháp bổ sung độ ẩm và dưỡng chất cho da nhằm hạn chế nguy cơ mất nước cũng như hỗ trợ bảo vệ da trước những tác động xấu từ môi trường. Sau khi thoa serum, để khóa tất cả các dưỡng chất, tránh tình trạng bay hơi, các bạn cần dùng thêm một lớp kem dưỡng ẩm.
Thông thường, dầu oliu, chiết xuất hoa cúc, trà xanh, dầu jojoba, ceramide hay lô hội đều là những thành phần tự nhiên được sử dụng phổ biến trong những loại kem dưỡng ẩm dành cho da nhạy cảm. Bên cạnh đó, hãy chọn dòng sản phẩm có kết cấu kem không quá đặc để tránh gây bít tắc lỗ chân lông.
Kem chống nắng dành cho da nhạy cảm
Sử dụng kem chống nắng vào ban ngày là điều bắt buộc trong quy trình chăm sóc da nhạy cảm. Các loại mỹ phẩm chống nắng sẽ giúp bảo vệ da toàn diện trước tác hại từ tia UV cũng như các tác nhân khác từ môi trường xung quanh.
Với làn da nhạy cảm, một số thành phần có trong kem chống nắng có thể gây kích ứng da. Vậy nên hãy ưu tiên chọn những sản phẩm có thành phần lành tính như kẽm oxit hoặc titanium dioxide để bảo vệ da tốt hơn.
Một số lưu ý khi chăm sóc làn da nhạy cảm
Ngoài việc nắm được các bước chăm sóc da nhạy cảm, để làn da trở nên khỏe mạnh, tránh tình trạng kích ứng, tổn thương, các bạn cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:
Chọn sản phẩm chăm sóc da nhạy cảm có nguồn gốc tự nhiên
Tại sao cần ưu tiên chọn những sản phẩm chăm sóc làn da nhạy cảm có nguồn gốc từ thiên nhiên? Bởi những sản phẩm này không có chứa các thành phần hóa học nên vô cùng lành tính, an toàn với da. Những sản phẩm này không gây bào mòn da nhưng lại cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Chưa kể, mỹ phẩm chăm sóc dạng hữu cơ – có nguồn gốc từ tự nhiên không chứa chất bảo quản, chất tạo mùi hương nên rất nhẹ dịu.
Test sản phẩm trước khi dùng
Khi bạn muốn thử một sản phẩm dưỡng da, trị mụn mới, tốt nhất hãy sử dụng một lượng nhỏ thoa lên da tay hoặc da cổ. Nếu làn da không có các dấu hiệu bất thường sau khoảng 30 – 60 phút, bạn mới nên dùng cho cả mặt. Việc test trước mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da sẽ tránh trường hợp tạo kích ứng không đáng có.
Thay đổi thói quen tắm
Các loại sữa tắm hương nước hoa luôn được nhiều chị em yêu thích sử dụng do khả năng làm sạch da và lưu hương tốt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, những trường hợp có làn da nhạy cảm dễ kích ứng không nên sử dụng những sản phẩm có chứa hương liệu quá nồng, chấy tẩy rửa hay khử mùi mạnh.
Song song với đó, các bạn nên tránh ngâm mình trong nước quá 10 phút vì điều này có thể gây khô da. Đồng thời không nên chà xát, cào gãi lên da để tránh gây kích ứng, tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh.
Thành phần cần tránh khi chăm sóc da nhạy cảm dị ứng
Để các bước chăm sóc da nhạy cảm đạt được hiệu quả tốt, các bạn cần tránh sử dụng những sản phẩm có thành phần có chứa những hợp chất dễ gây dị ứng, kích ứng như:
- Alcohol (cồn): Dễ gây cảm giác ngứa, nổi mẩn đỏ sau khi tiếp xúc với da.
- Paraben: Đây là chất bảo quản mỹ phẩm dễ gây tác dụng phụ, đặc biệt là Ethylparaben và Methylisothiazolinone.
- Hydroquinone: Hợp chất này có khả năng làm trắng da nhờ việc loại bỏ tế bào chết nhưng nếu quá lạm dụng, Hydroquinone có thể gây kích ứng, làm mỏng da.
- Nhóm Silicone: Cyclopentasiloxane, Phenyl trimethicone, Dimethicone,… là những thành phần phổ biến thuộc nhóm Silicone có thể gây dị ứng với những làn da nhạy cảm.
- Chất phẩm màu: Các loại thuốc nhuộm, sản phẩm có chứa phẩm màu là những sản phẩm dễ gây kích ứng, dị ứng da mạnh nhất.
- Nhóm parfum và essential oil: Tinh dầu, các hợp chất tạo mùi hương sẽ làm tăng nguy cơ phản ứng, kích ứng da.
Chế độ ăn cho người có làn da nhạy cảm
Để có làn da khỏe đẹp, có sức đề kháng tốt, bạn nên dung nạp những thực phẩm giàu vitamin C, các loại đậu, hạt lanh. Đây là những nguồn cung giàu acid béo – omega 3 để giúp duy trì độ đàn hồi, giúp da căng mịn, sáng bóng hơn.
Bên cạnh đó, chị em cũng nên hạn chế dung nạp đồ ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, đồ ăn cay nóng, dầu mỡ. Tránh uống rượu bia, hút thuốc và sử dụng các chất kích thích khác làm ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và làn da nói riêng. Hãy đảm bảo thói quen uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để góp phần ngăn ngừa mụn, tránh tình trạng kích ứng, khô da.
Tránh stress
Căng thẳng, stress trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng tới tinh thần, sức khỏe mà còn tác động tiêu cực tới làn da. Làn da lúc này sẽ trông thiếu sức sống, da khô, không có độ đàn hồi, thậm chí là thâm sạm, xỉn màu. Vậy nên, để hạn chế tình trạng này, các bạn nên sinh hoạt điều độ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tinh thần được thoải mái, làn da khỏe mạnh, trắng sáng hơn.
Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời
Tia UV từ ánh nắng mặt trời chính là nguyên nhân chính hình thành nám, tàn nhang và các dấu hiệu lão hóa khác. Do đó, không chỉ riêng với làn da nhạy cảm, kể cả da thường, bạn cũng cần thoa kem chống nắng cho da mỗi ngày.
Hãy ưu tiên chọn những loại kem chống nắng vật lý có thành phần titan dioxide hoặc oxit kẽm và có chỉ số SPF từ 50 trở lên. Bởi dòng kem chống nắng vật lý phù hợp và an toàn hơn kem chống nắng hóa học khi nói về những người có làn da nhạy cảm.
Bên cạnh đó, hãy đội mũ vành rộng, mặc quần áo dài và đừng quên bôi kem chống nắng lại sau 80 phút. Vào mùa hè, dù đã sử dụng kem chống nắng nhưng bạn cũng không nên nằm phơi nắng trực tiếp dưới ánh mặt trời vì da có thể bị cháy nắng và tổn thương. Nếu muốn tắm nắng, tốt nhất bạn nên thực hiện trước 9h sáng.
Trên đây là những hướng dẫn về quy trình chăm sóc da nhạy cảm đơn giản tại nhà. Mong rằng với những chia sẻ trên, các bạn sẽ hiểu hơn về làn da của mình cũng như biết cách chăm sóc và bảo vệ da tốt hơn. Từ đó sớm có được làn da mềm mịn, căng bóng và khỏe mạnh hơn trước các tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!