Những Dấu Hiệu Tiền Mãn Kinh Sớm Mà Chị Em Cần Biết
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênTiền mãn kinh là quá trình sinh lý theo quy luật phát triển tự nhiên ở chị em phụ nữ. Thời kỳ này thường diễn ra khi chị em bước vào độ tuổi sau 45, tuy nhiên có những trường hợp xuất hiện dấu hiệu tiền mãn kinh sớm từ năm 30 tuổi. Vậy người bị mãn kinh sớm thường có biểu hiện gì, nguyên nhân do đâu và làm cách nào để khắc phục hiệu quả? Chi tiết những vấn đề này sẽ được Nhất Nam Y Viện giải đáp trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc tham khảo.
Những dấu hiệu tiền mãn kinh sớm
Trước khi mãn kinh, phụ nữ sẽ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh với những triệu chứng khác nhau. Có những người đi qua nó một cách nhẹ nhàng nhưng cũng có trường hợp phải chịu đựng nhiều phiền toái, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Được biết, các biểu hiện tiền mãn kinh thường bắt đầu trong một vài tháng hoặc kéo dài vài năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt hoàn toàn dừng lại trong suốt 12 tháng liên tục.
Phần lớn các triệu chứng ở người phụ nữ sẽ kéo dài trong 4 – 5 năm kể từ chu kỳ cuối cùng của họ. Trường hợp chị em trải qua thời kỳ mãn kinh đột ngột thay vì chậm rãi, các triệu chứng lúc này có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhìn chung, dấu hiệu tiền mãn kinh sớm cũng tương tự như triệu chứng ở giai đoạn tiền mãn kinh bình thường. Điểm khác duy nhất là chúng diễn ra trước năm 40 tuổi. Theo đó, dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm gồm có:
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm: Có khoảng ⅔ tổng số phụ nữ tiền mãn kinh sớm có triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm. Bốc hỏa chính là cảm giác nóng đột ngột, đặc biệt là ở mặt, ngực khiến tim đập nhanh, đánh trống ngực,… Sau khi cơn bốc hỏa qua đi, bạn sẽ cảm thấy ớn lạnh. Khi bốc hỏa, cơ thể thường sẽ đổ mồ hôi nhiều, nhất là về đêm.
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh: Phụ nữ trong giai đoạn này sẽ gặp các vấn đề như: Lượng máu kinh thay đổi ít hoặc nhiều hơn, khó xác định được thời kỳ rụng trứng hay khoảng cách giữa các chu kỳ kinh nguyệt, thậm chí nhiều trường hợp còn bị mất kinh trong vài tháng,…
- Chóng mặt: Trong trường hợp chị em bị chóng mặt dữ dội hãy tới gặp bác sĩ để kiểm tra. Nếu bị chóng mặt do tiền mãn kinh, các bạn có thể khắc phục bằng cách tập thể dục và ăn uống lành mạnh, khoa học hơn.
- Bầu vú căng cứng: Căng cứng bầu vú là một trong những biểu hiện của dấu hiệu điển hình của tiền mãn kinh sớm. Sự thay đổi hormone gây tích tụ dịch ở vú khiến bầu ngực trở nên tròn đầy, có cảm giác căng tức và đau. Tuy nhiên, triệu chứng này thường hay xuất hiện vào nhiều thời điểm khác nhau như khi gần tới tháng hoặc thời kỳ đầu mang thai nên bạn cần hết sức lưu ý.
- Giảm ham muốn tình dục: Do sự sụt giảm hormone estrogen khiến âm đạo bị khô, các mô trở nên mỏng hơn, gây ra cảm giác căng tức – đau rát ở âm đạo khi quan hệ tình dục. Vậy nên, chị em có xu hướng né tránh việc quan hệ và không còn hứng thú với chuyện “yêu”.
- Cơ thể chậm chuyển hóa, dễ tăng cân: Trong giai đoạn tiền mãn kinh sớm có rất nhiều phụ nữ bị tăng cân không kiểm soát. Việc tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, bệnh cao huyết áp, tim mạch,… Đồng thời gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và làm các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm,… Lý do là bởi khi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến việc lưu trữ chất béo từ hông, đùi chuyển qua bụng. Khi estrogen giảm, cơ thể có xu hướng lưu trữ nhiều chất béo, từ đó làm chậm khả năng đốt cháy, khiến chị em dễ tăng cân.
- Thay đổi tâm trạng: Đây là hệ quả của việc mất ngủ và thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Tâm lý chị em lúc này sẽ bị rối loạn, dễ căng thẳng, lo lắng và thậm chí còn có nguy cơ phát triển thành bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chứng trầm cảm ở giai đoạn tiền mãn kinh sẽ nhanh chóng biến mất sau vài năm.
- Loãng xương: Một trong những triệu chứng đáng chú ý khác ở thời kỳ tiền mãn kinh sớm chính là nguy cơ bị loãng xương, giòn xương. Triệu chứng này xảy ra là do nồng độ estrogen suy giảm, trong khi estrogen là hormone quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe xương.
- Suy giảm trí nhớ, mất tập trung: Tiền mãn kinh – mãn kinh cũng có ảnh hưởng tới các kỹ năng ngôn ngữ và chức năng khác liên quan tới trí nhớ. Đó là lý do giải thích vì sao trong giai đoạn này bạn lại gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc những chuyện đã qua. Thêm vào đó, do tình trạng mất ngủ cũng như tác động khác khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, dễ khiến khả năng tập trung và ghi nhớ bị giảm sút.
- Khô da: Làn da khô ráp, mỏng, dễ bị kích ứng, bầm tím và chảy xệ hơn. Bên cạnh đó, chị em còn dễ bị mọc mụn trứng cá, phát ban, gặp chấn thương ngoài da, da dễ hình thành nếp nhăn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính thẩm mỹ.
Một số triệu chứng tiền mãn kinh sớm không phổ biến khác có thể kể đến như vị giác có mùi kim loại, mắt – miệng bị khô, chị em có mùi cơ thể, thay đổi nồng độ cholesterol,… Do các triệu chứng khá đa dạng, nên chị em cần chú ý để sớm phát hiện và có những điều chỉnh phù hợp. Tránh để các triệu chứng trên ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung cũng như làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, ham muốn tình dục của chị em.
Nguyên nhân gây tiền mãn kinh sớm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiền mãn kinh sớm, một trong những lý do có thể xuất phát từ những yếu tố như sau:
- Lối sống: Thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể tác động đến tuổi mãn kinh, chẳng hạn như việc hút thuốc lá, ăn uống thiếu khoa học dẫn tới thừa cân, béo phì,… Hay có những trường hợp ăn chay, không tập thể dục hoặc ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời lâu cũng có thể gây nên tình trạng mãn kinh sớm.
- Do yếu tố di truyền: Nếu mẹ hoặc bà của bạn có độ tuổi mãn kinh bắt đầu sớm, rất có khả năng bạn sẽ di truyền tình trạng này. Bởi việc biết được độ tuổi tiền mãn kinh ở mẹ có thể giúp bạn nắm được thời điểm mà bản thân có thể mãn kinh. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, gen chỉ là một phần nguyên nhân của dấu hiệu tiền mãn kinh sớm.
- Mắc bệnh tự miễn: Dấu hiệu của tiền mãn kinh sớm có thể là do bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh tuyến giáp. Khi mắc phải các bệnh này, hệ thống miễn dịch sẽ nhận nhầm một cơ quan trong cơ thể với các tác nhân lạ nên sẽ tấn công lại. Từ đó làm ảnh hưởng tới buồng trứng, khiến buồng trứng ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả hơn.
- Khiếm khuyết nhiễm sắc thể: Theo nghiên cứu, có một số khiếm khuyết nhiễm sắc thể có khả năng gây ra tiền mãn kinh sớm như: Hội chứng Turner liên quan tới việc sinh ra một nhiễm sắc thể không hoàn chỉnh, cụ thể là chỉ có một nhiễm sắc thể X trong tế bào. Những phụ nữ mắc hội chứng này thường có buồng trứng hoạt động không hiệu quả, thậm chí là không hoạt động. Từ đó dẫn tới vô kinh hoặc bị tiền mãn kinh sớm so với những trường hợp khác.
- Điều trị ung thư: Hóa trị, xạ trị có thể gây suy buồng trứng sớm, tình trạng này có thể diễn ra vĩnh viễn hoặc tạm thời. Theo đó, nguy cơ tiền mãn kinh sớm ở bạn sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, loại hóa chất điều trị cũng như vị trí điều trị ung thư.
Biện pháp chẩn đoán tiền mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh sớm, muộn hay đúng quy luật tự nhiên đều diễn ra theo một quá trình chuyển đổi từ từ. Vậy nên không có một xét nghiệm nào đủ để xác định bạn bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hay chưa. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể dựa vào các dấu hiệu tiền mãn kinh sớm để đánh giá và xem xét. Chẳng hạn như vấn đề tiền sử kinh nguyệt, tuổi tác, các triệu chứng – thay đổi mà cơ thể đang gặp phải,… Để chắc chắn hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành làm các xét nghiệm kiểm tra nồng độ hormone.
Vậy kiểm tra nồng độ FSH có xác định được tiền mãn kinh sớm không? Được biết, FSH là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên, chúng đóng vai trò kích thích nang noãn phát triển. Việc kiểm tra nồng độ FSH có thể giúp xác nhận thời kỹ mãn kinh đã diễn ra hay chưa.
Trường hợp kết quả kiêm tra cho thấy nồng độ FSH cao liên tục trong ít nhất 3 lần liên tiếp trong 4 tuần lễ thì bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, xét nghiệm này có thể không chính xác trong một số tình huống sau:
- Thời kỳ tiền mãn kinh, nội tiết tố lên xuống thất thường nên khó để xác định nồng độ FSH cao hay thấp trong 1 thời gian dài.
- Chưa kể việc dùng các loại thuốc tránh thai, liệu pháp hormone có thể can thiệp và làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
- Ngoài ra, khi tuyến giáp hoạt động quá mức, cộng thêm hàm lượng prolactin cao có thể làm thay đổi kết quả chẩn đoán.
Tiền mãn kinh sớm phải làm sao? Cách điều trị hiệu quả
Tiền mãn kinh hay mãn kinh sớm muộn gì cũng diễn ra nên chúng ta chỉ có thể khắc phục hoặc giảm bớt các triệu chứng. Sau khi có kết quả kiểm tra và chẩn đoán chính xác về tình trạng tiền mãn kinh sớm, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo những cách sau đây:
Biện pháp không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, bác sĩ cũng có thể yêu cầu chị em thực hiện các biện pháp hỗ trợ cải thiện triệu chứng như:
- Ăn uống đủ chất, ưu tiên những thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và hạn chế dung nạp chất béo no.
- Tránh xa thuốc lá, kể cả hút trực tiếp hoặc gián tiếp ngửi khói thuốc. Đồng thời bạn cũng được yêu cầu bỏ sử dụng các chất kích thích, rượu bia,… nếu trước đó từng sử dụng.
- Tích cực rèn luyện thể dục thể thao với những bài tập vừa sức, tốt cho sức khỏe.
- Nên tắm nắng thường xuyên để giúp hạn chế nguy cơ bị loãng xương cũng như tăng cường sức đề kháng hiệu quả. Tốt nhất bạn nên tắm nắng vào mỗi buổi sáng từ 7 – 9 giờ, tránh tắm nắng vào trưa hoặc chiều.
Áp dụng liệu pháp thay thế hormone sinh dục nữ
Xuất hiện dấu hiệu tiền mãn kinh sớm là do lượng hormone estrogen trong cơ thể bị suy giảm. Vì thế, bác sĩ sẽ bổ sung hormone estrogen nhằm trì hoãn thời kỳ mãn kinh, đồng thời giúp giảm triệu chứng do suy giảm nội tiết tố nữ gây ra một cách hiệu quả.
Hiện nay, có 2 nguồn estrogen thường được sử dụng là estrogen có nguồn gốc thực vật và estrogen tổng hợp. Mỗi loại estrogen sẽ có những ưu – nhược điểm riêng biệt nên tùy theo từng tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng loại thích hợp.
Lưu ý, việc dụng liệu pháp thay thế hormone sinh dục nữ cần hết sức thận trọng. Chị em phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng hay lạm dụng vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Biện pháp phòng tránh tình trạng tiền mãn kinh sớm
Theo các chuyên gia y tế, để phòng tránh nguy cơ bị tiền mãn kinh sớm, chị em có thể áp dụng các biện pháp sau đây:
- Xác định các yếu tố nguy cơ: Thời gian tiền mãn kinh ở mỗi phụ nữ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi hormone. Thường có yếu tố di truyền hoặc tiền sử gia đình, rối loạn nhiễm sắc thể, hóa trị, xạ trị, mắc bệnh tự miễn, động kinh hoặc bị suy dinh dưỡng hay béo phì,…. Vậy nên việc nắm được các yếu tố nguy cơ sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ bị tiền mãn kinh sớm một cách hiệu quả hơn.
- Tập thể dục vừa phải: Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày là cách tốt nhất để trì hoãn thời kỳ tiền mãn kinh sớm. Bởi hoạt động thể chất có khả năng điều chỉnh hormone cũng như duy trì mức độ mỡ của cơ thể. Nhưng bên cạnh đó, bạn cần chọn những bài tập vừa sức, phù hợp với thể trạng để tránh bị mất cân bằng hormone hoặc khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng thêm.
- Sinh hoạt, ăn uống lành mạnh: Chị em nên ngủ nghỉ đúng giờ, tránh thức khuya, làm việc quá sức. Đồng thời nên bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc những chất kích thích có hại cho sức khỏe. Thay vào đó nên uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi và những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
- Tránh độc tố từ môi trường: Một vài nghiên cứu được thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy, thời kỳ mãn kinh sớm có thể bị kích hoạt hoặc trầm trọng hơn do các hóa chất từ môi trường. Những độc tố từ môi trường có khả năng ảnh hưởng tới nội tiết tố ở nữ thường được tìm thấy trong chất dẻo, chất phthalate từ mỹ phẩm, hàng gia dụng hoặc hộp đựng thực phẩm,… Việc giảm tối đa sự tiếp xúc với những chất này sẽ giúp duy trì cân bằng hormone cũng như góp phần hạn chế nguy cơ bị tiền mãn kinh sớm.
- Duy trì trọng lượng cơ thể: Do estrogen được giữ trong mô mỡ nên nếu bị béo phì có thể gây dư thừa estrogen. Từ đó làm ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng và ngược lại, tình trạng thiếu cân có thể khiến bạn bị mãn kinh sớm. Vậy nên, chị em cần ăn uống lành mạnh, khoa học, ngủ đủ giấc và quản lý căng thẳng một cách nghiêm ngặt để duy trì cân nặng hợp lý.
- Xem xét liệu pháp hormone: Khi nhận thấy buồng trứng có dấu hiệu suy giảm sớm, các bạn có thể tới gặp bác sĩ để xem xét thực hiện liệu pháp thay thế hormone.
Trên đây là những nguyên nhân, dấu hiệu tiền mãn kinh sớm và biện pháp khắc phục, phòng tránh hiệu quả. Ở từng cá thể, các dấu hiệu mãn kinh sẽ có sự thay đổi nhất định. Vậy nên để chắc chắn cũng như đảm bảo sức khỏe tốt nhất, chị em nên tới bệnh viện để kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!