Mãn Kinh Có Mang Thai Được Không, Có Nguy Hiểm Không?
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênPhụ nữ bước đến giai đoạn mãn kinh sẽ thay đổi về mọi mặt, kéo theo đó là không ít thắc mắc như mãn kinh còn trứng không, mãn kinh có mang thai được không?,… Được biết, phụ nữ ở độ tuổi này sẽ không có nhu cầu cao về đời sống tình dục, việc quan hệ cũng dần thưa thớt hơn. Tuy nhiên, mãn kinh có sinh con được không vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra nghi vấn. Để tìm đáp án cho những nghi hoặc trên, mọi người có thể tham khảo ngay bài viết dưới đây.
Sức khỏe sinh sản trong thời kỳ mãn kinh
Trước khi giải đáp vấn đề “mãn kinh có mang thai được không”, chúng ta cần nắm được những thay đổi liên quan tới sức khỏe sinh sản trong thời kỳ này ở nữ giới. Trên thực tế, bất kỳ người phụ nữ nào cũng sẽ trải qua giai đoạn mãn kinh theo cơ chế sinh lý thông thường. Giai đoạn này sẽ bắt đầu từ khoảng 45 – 55 tuổi – thời điểm chức năng buồng trứng ngừng hoạt động, kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Điều này thể hiện qua việc trong 12 tháng liên tục kinh nguyệt không xuất hiện mà không phải do nguyên nhân bệnh lý gây ra.
Trước khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ tiền mãn kinh. Chúng có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp với những dấu hiệu cho thấy cơ quan sinh sản không còn hoạt động mạnh mẽ như trước, tuy nhiên chưa ngừng hoàn toàn. Lúc này, các hormone giới tính được sản sinh ít hơn, chu kỳ kinh nguyệt cũng khá bất thường. Kéo theo đó là hiện tượng đổ mồ hôi, bốc hỏa, tử cung khô hạn, da sạm, nhăn nheo, đàn hồi kém,…
Khi bước hoàn toàn sang thời kỳ mãn kinh, các cơ quan sinh sản sẽ ngừng hoạt động. Những hiện tượng trên cũng sẽ kéo dài cho tới cuối đời và không thể phục hồi lại.
Phụ nữ mãn kinh có thai được không?
Theo những thông tin như đã chia sẻ, vậy phụ nữ mãn kinh rồi có thể có thai không? Phụ nữ đã mãn kinh rồi sẽ không thể có thai, bởi khi tới độ tuổi này, buồng trứng đã ngừng hoạt động nên không thể sản sinh trứng, dẫn tới không thể mang thai tự nhiên. Có nghĩa là, khi ở thời kỳ mãn kinh, chị em có thể quan hệ tình dục mà không lo lắng về việc mang thai và không cần áp dụng các biện pháp tránh thai.
Song, việc sử dụng bao tránh thai hoặc các biện pháp an toàn khác vẫn được khuyến khích áp dụng. Vì bao cao su có thể bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV/AIDS, viêm gan B, bệnh lậu, giang mai,…
Mặc dù khả năng mang thai tự nhiên là không thể, nhưng vẫn có những trường hợp có con khi tuổi đã cao, có thể là gần 60, thậm chí là hơn. Lý do là bởi họ chưa mãn kinh, có những người mãn kinh muộn hoặc do sự can thiệp của các biện pháp y học hiện đại. Những trường hợp đã mãn kinh nhưng vẫn mong muốn có con, làm mẹ thì có thể can thiệp y tế.
Lúc này, bác sĩ có thể khuyên bạn áp dụng theo các phương pháp sau đây:
- Trường hợp mãn kinh chưa lâu, buồng trứng vẫn còn các nang noãn, bác sĩ sẽ tác động để kích thích các noãn phát triển trở lại. Tuy nhiên, phôi phát triển từ trứng của những phụ nữ mang kinh thường xuất hiện nhiều bất thường trong nhiễm sắc thể. Thậm chí rất khó phát triển thành thai nhi hoặc thai nhi có thể bị dị tật.
- Với những nhóm đối tượng đã mãn kinh quá lâu, buồng trứng sẽ teo dần lại, các nang noãn cũng thu nhỏ kích thước theo nên không thể thực hiện phương pháp kích thích. Lúc này, nếu vẫn muốn có con, cách duy nhất là tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Bạn có thể dùng “trứng đông lạnh” để thụ tinh trong ống nghiệm cùng với tinh trùng của người chồng. Nhưng nếu không dự trữ trứng, chị em có thể thụ tinh nhân tạo nhờ xin trứng của người hiến.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải thực hiện một số liệu pháp hormone để cơ thể sẵn sàng cho việc thụ tinh và mang thai. Cùng với đó, bác sĩ sẽ theo dõi, quyết định xem liệu sức khỏe của bạn có phù hợp để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm hay không. Chính vì thế, bạn cần tham khảo ý kiến từ chuyên gia sản khoa trước khi có ý định mang thai ở tuổi mãn kinh.
Những rủi ro khi mang thai ở tuổi mãn kinh
Rủi ro khi mang thai ở tuổi mãn kinh sẽ tăng và tỷ lệ thuận với độ tuổi của người mẹ. Theo nghiên cứu, phụ nữ mang thai ngoài 35 tuổi, đặc biệt là đối tượng tiền mãn kinh, mãn kinh thực hiện thụ thai nhân tạo có thể đối diện với các nguy cơ tiềm tàng như:
- Những đối tượng thụ thai ống nghiệm khi đã có tuổi có thể gặp tình trạng mang đa thai, tức mang 2 thai trở lên. Điều này dễ khiến cân nặng của bé thấp, có nguy cơ sinh non cao hoặc sinh khó.
- Sẩy thai hoặc thai chết lưu.
- Mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác cho cả mẹ lẫn bé.
- Càng lớn tuổi, sức khỏe thai phụ càng yếu nên không đủ sức sinh thường, buộc phải sinh mổ để đảm bảo an toàn.
- Mẹ bầu dễ mắc phải tình trạng nhau tiền đạo, gây chảy máu và cần phải tiến hành điều trị bằng thuốc.
- Nguy cơ có thể gặp phải khi mang thai ở tuổi mãn kinh là huyết áp cao. Nếu được chẩn đoán huyết áp cao trong lúc mang thai, bác sĩ sĩ tiến hành theo dõi, cho mẹ bầu dùng thuốc để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe bà bầu, quá trình mang thai, thai nhi sinh ra từ những bà mẹ đã tới tuổi mãn kinh có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như:
- Dễ bị sinh non, không đảm bảo cân nặng tiêu chuẩn khi sinh.
- Có nguy cơ cao mắc phải các dị tật bẩm sinh như dị tật cơ xương, chứng Down hoặc các bệnh lý liên quan tới tim mạch, phổi,… Được biết, tỷ lệ mắc dị tật bẩm sinh ở những trường hợp này thường cao. Do đó, chị em cần tiến hành các biện pháp chẩn đoán sàng lọc trước khi mang bầu, trong thời gian mang bầu để phát hiện dị tật bẩm sinh ở trẻ. Từ đó xem xét liệu mình có nên giữ thai lại hay không.
- Trẻ sinh ra trong trường hợp này cũng có thể bị chậm phát triển hoặc gặp vấn đề về nhận thức.
Cần chuẩn bị gì nếu muốn có thai khi đã mãn kinh?
Giai đoạn mang thai vốn dĩ đã rất mệt mỏi với những người có sức khỏe, còn trẻ, tuy nhiên đối với những chị em đang ở độ tuổi mãn kinh thì còn đáng lo ngại hơn. Vậy nên, nếu có thai, phụ nữ mãn kinh cần chú ý chuẩn bị những điều sau:
- Trước khi mang thai, chị em cần đảm bảo sức khỏe của bản thân. 3 tháng trước thời gian dự định có thai, hãy uống bổ sung axit folic và vitamin, vitamin D, canxi để giúp củng cố xương, răng và tạo điều kiện để có một chu kỳ mang thai khỏe mạnh.
- Chị em nên trao đổi kỹ và thực hiện theo đúng kế hoạch mà bác sĩ đưa ra để hạn chế rủi ro khi mang thai.
- Ăn uống điều độ, tránh tăng cân mất kiểm soát, không hút thuốc hay hít khói thuốc, sử dụng chất kích thích hoặc để bản thân mắc các bệnh lý làm ảnh hưởng tới thể trạng.
- Cố gắng duy trì chỉ số khối cơ thể – BMI nằm trong khoảng 18.5 – 24.9% trước khi muốn mang thai. Bởi tình trạng béo phì là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn tới thai kỳ của bạn, đặc biệt là với những phụ nữ đã mãn kinh. Theo đó, bạn nên cân nhắc chế độ ăn nhiều protein, giảm lượng calo tiêu thụ để đảm bảo cân nặng cùng chỉ số BMI phù hợp. Chị em tránh dùng những thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm đóng hộp, đồ ăn – thực phẩm chứa nhiều đường.
- Cần thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khỏe để lựa chọn thời điểm mang thai tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện một số xét nghiệm như PAP, chụp X-quang tuyến vú, lipid, hemoglobin, xét nghiệm tìm ra các bệnh lây qua đường tình dục và đái tháo đường,… Những phương pháp xét nghiệm này cực kỳ hữu ích, bởi chúng giúp tìm ra những yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng tới quá trình mang thai của chị em.
- Trong quá trình mang thai cần tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ định theo dõi, kiểm tra của bác sĩ để hạn chế nguy cơ xấu có thể xảy ra.
- Thông báo cho bác sĩ ngay nếu trong quá trình mang thai có những dấu hiệu bất thường như đau bụng, có dịch tiết âm đạo khác thường,…
Như vậy, bài viết đã giúp bạn giải đáp chi tiết vấn đề “mãn kinh có mang thai được không” và những vấn đề liên quan. Việc mang thai ở độ tuổi này thường khá khó và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vậy nên các bà mẹ cần lưu ý trong việc chăm sóc – đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như thai nhi.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!