Polyp Cổ Tử Cung Khi Mang Thai: Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Polyp cổ tử cung khi mang thai tuy không phổ biến nhưng là tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị cụ thể, bệnh nhân có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây. 

Polyp cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là ống hẹp từ tử cung kéo dài đến âm đạo và được xem là lối đi để tinh trùng gặp trứng, giúp phụ nữ mang thai. Polyp cổ tử cung là sự xuất hiện của các khối u nhỏ, dài, có hình giọt nước nhô ra khỏi cổ tử cung với kích thước từ vài milimet đến vài centimet. Polyp thường mịn hoặc hơi xốp, có thể chảy máu khi chạm vào. 

Phần lớn các trường hợp bị polyp cổ tử cung không xuất hiện triệu chứng hoặc gặp phải các triệu chứng mơ hồ, khó phân biệt và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Đặc biệt là tình trạng rong kinh, chảy máu âm đạo bất thường giữa kỳ kinh hoặc sau khi đã mãn kinh. 

Hình ảnh polyp cổ tử cung
Hình ảnh polyp cổ tử cung

Theo ghi nhận thực tế, phụ nữ đã trải qua sinh nở, sinh nhiều con, phụ nữ từ 40 – 50 tuổi là nhóm đối tượng dễ mắc polyp tử cung. Phần lớn các trường hợp bị polyp tử cung thường khá lành tính, hiếm khi phát triển thành ung thư. Song vẫn có những trường hợp bệnh tiến triển, phát triển khó kiểm soát, gây biến chứng nặng nề tới sức khỏe nên cần thăm khám khi thấy những dấu hiệu bất thường. 

Nguyên nhân gây polyp tử cung khi mang thai

Polyp cổ tử cung khi mang thai có thể xuất hiện do những nguyên nhân sau:

  • Rối loạn nội tiết tố khi mang thai: Mất cân bằng nội tiết tố ở mẹ bầu chính là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng polyp cổ tử cung khi mang thai. 
  • Hệ quả của việc nạo phá thai: Nạo phá thai không ăn toàn, thực hiện nhiều lần sẽ làm cổ tử cung mỏng đi cũng như tăng nguy cơ hình thành các khối polyp. 
  • Có tiền sử hoặc chưa điều trị dứt điểm bệnh phụ khoa: Trong nhiều trường hợp sau khi điều trị, lớp niêm mạc bị bong tróc nhưng không được đào thải ra ngoài. Thay vào đó chúng dính vào các bộ phận khác như tử cung, cổ tử cung và hình thành nên các polyp. 
  • Tổn thương niêm mạc, tắc mạch máu cổ tử cung: Niêm mạc bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây bệnh. Bên cạnh đó, các mạch máu nơi cổ tử cung khi bị tắc sẽ làm các tĩnh mạch của thai phụ căng phồng, hình thành nên khối polyp. 
  • Viêm nhiễm: Mang thai là giai đoạn cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi nhất. Lúc này sức đề kháng của cơ thể cũng giảm đi, thai phụ gặp nhiều khó khăn khi vệ sinh vùng kín nên dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Từ đó tạo điều kiện hình thành các polyp trong tử cung, cổ tử cung. 

Dấu hiệu nhận biết polyp tử cung khi mang thai

Polyp tử cung khi mang thai thường được phát hiện khi thăm khám thai định kỳ. Bởi polyp thường không có các triệu chứng điển hình, rất khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. 

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường khi mang thai, mẹ bầu cần tới ngay cơ sở y tế để thăm khám, can thiệp điều trị kịp thời. Bởi polyp cổ tử cung khi mang thai gây chảy máu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. 

Polyp lòng tử cung có mang thai được không?

Polyp lòng tử cung có mang thai được không hay bị polyp tử cung có con được không là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Mối liên hệ giữa polyp cổ tử cung và vô sinh sẽ phụ thuộc vào vị trí chính xác của polyp. Mức độ ảnh hưởng này tùy thuộc vào từng trường hợp, kích thước cũng như mật độ của khối polyp.

Dựa theo đó, vấn đề bị polyp cổ tử cung có mang thai được không sẽ khó đưa ra câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, khi bị polyp tử cung, quá trình tinh trùng gặp trứng sẽ bị cản trở, khiến việc thụ thai gặp khó khăn.

Chưa kể, những khối polyp có kích thước to hơn thậm chí dễ gây ra nguy cơ tắc cổ tử cung. Khi cổ tử cung bị chặn bởi polyp sẽ khiến quá trình thụ tinh không thể diễn ra. Một số trường hợp khác, polyp có thể làm cản trở việc sản xuất chất nhầy cổ tử cung. Trong khi chất nhầy cổ tử cung phải mỏng và trơn để giúp tinh trùng gặp trứng. Tuy nhiên, nếu chất nhầy dày lên, có độ dính sẽ làm ngăn cản việc thụ thai, chuyển phôi.  

Nhìn chung, các trường hợp mắc polyp cổ tử cung vẫn có thể mang thai. Nhưng tùy theo mức độ, chúng có thể làm giảm chức năng thụ thai của chị em. Trường hợp không được phát hiện sớm, polyp còn có thể dẫn tới một số tác động tiêu cực đến sức khỏe. Cụ thể như vô sinh hiếm muộn, mắc buồng trứng đa nang, ung thư cổ tử cung,… do các khối polyp lớn bị hoại tử, gây viêm nhiễm lan rộng tới các bộ phận xung quanh. 

Mẹ bầu bị polyp cổ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

Mang thai là giai đoạn vô cùng nhạy cảm, có thể xuất hiện nhiều bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Polyp cổ tử cung khi mang thai có nguy hiểm hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào vị trí, mật độ cũng như kích thước của khối polyp. 

Thông thường, với những polyp nhỏ, không gây triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc để thai phụ “sống chung” với bệnh. Tuy nhiên, trường hợp polyp có kích thước lớn, tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành ác tính, thai phụ sẽ cần can thiệp xử lý để tránh nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và bé. 

Ảnh hưởng tới mẹ bầu

Các triệu chứng bất thường khi xuất hiện polyp tử cung sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy lo lắng, khó chịu trong suốt thai kỳ. Từ đó vô tình làm ảnh hưởng tới sức khỏe, sự phát triển của thai nhi. Trường hợp polyp phát triển lớn dần, bịt kín cổ tử cung, làm cản trở đường ra của thai nhi, khiến mẹ khó sinh. 

Ảnh hưởng tới thai nhi

Khối polyp phát triển lớn về cả số lượng lẫn kích thước sẽ chiếm vị trí trong tử cung, cổ tử cung. Điều này làm chèn ép lên sự phát triển của thai nhi, khiến thai nhi phát triển không bình thường, dễ bị dị tật, sảy thai hoặc sinh non. Được biết, tỷ lệ sảy thai, sinh non ở phụ nữ mang thai bị polyp cổ tử cung cao hơn những bà bầu bình thường. 

Polyp cổ tử cung khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi
Polyp cổ tử cung khi mang thai có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi

Cách điều trị polyp tử cung khi mang thai

Phương pháp điều trị polyp cổ tử cung khi mang thai sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của thai phụ, vị trí, kích cỡ, sự phát triển của khối polyp. Với những khối polyp nhỏ, không gây triệu chứng, không có yếu tố nguy cơ, tạm thời sẽ để theo dõi. Sau đó thực hiện phẫu thuật cắt bỏ polyp sau khi sinh. Bởi việc can thiệp phẫu thuật trong lúc mang thai khá nguy hiểm và có khả năng dẫn tới nguy cơ sảy thai. Vậy nên chúng chỉ được thực hiện với những trường hợp bắt buộc, khẩn cấp mới được thực hiện. 

Trường hợp thăm khám, chẩn đoán thấy các khối polyp kích thước lớn, có nguy cơ tiềm ẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc tới việc tiến hành phẫu thuật. Cụ thể như sau:

  • Tiến hành xoắn polyp cổ tử cung bằng cách dùng kẹp giữ phần chân polyp rồi vặn, xoắn nhẹ nhàng để kéo polyp ra ngoài. 
  • Phẫu thuật cắt polyp tử cung được tiến hành trong tình huống không thể áp dụng cách điều trị xoắn polyp. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ polyp kết hợp với đốt chân polyp để ngăn ngừa sự tái phát trong tương lai. 

Lưu ý, việc điều trị polyp cổ tử cung gây chảy máu khi mang thai cần được tiến hành theo chỉ định từ bác sĩ. Mẹ bầu không được tự ý dùng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp điều trị khác nếu chưa có sự đồng ý từ bác sĩ chuyên môn. 

Cách phòng ngừa polyp cổ tử cung khi mang thai gây chảy máu

Để phòng ngừa nguy cơ bị polyp cổ tử cung khi mang thai gây chảy máu, nữ giới cần ghi nhớ những điều sau đây:

  • Thăm khám phụ khoa đều đặn 6 tháng/lần theo khuyến cáo hoặc ngay khi thấy các dấu hiệu phụ khoa bất thường. 
  • Hàng ngày cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, chọn dung dịch phù hợp, nhẹ dịu, không chứa chất tẩy rửa. 
  • Trong quá trình vệ sinh vùng kín cần tránh thụt rửa sâu trong âm đạo, không ngâm mình trong bồn tắm hoặc dưới nước quá lâu. 
  • Sau khi đi vệ sinh, nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh để vi khuẩn có cơ hội tấn công vùng kín, âm đạo. 
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. 
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, hợp lý khi mang thai. 
  • Không quan hệ tình dục tối thiểu sau 4 – 6 tuần điều trị. 
  • Tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng là một trong những cách để sớm phát hiện các khối polyp nếu có. 

Nhìn chung, polyp cổ tử cung khi mang thai không quá nguy hểm và rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông, thai phụ không nên chủ quan. Hãy tới bệnh viện thăm khám thai thường xuyên, biết cách vệ sinh vùng kín, sinh hoạt, ăn uống khoa học, điều độ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh lý này. 

 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *