Viêm Nang Lông Chân Là Gì? Triệu Chứng, Cách Xử Lý Hiệu Quả
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênViêm nang lông chân là bệnh lý da liễu phổ biến, có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào kể cả trẻ nhỏ và người lớn. Trường hợp chủ quan không điều trị, bệnh có thể lây nhiễm toàn thân và gây ra những triệu chứng khó chịu, khiến làn da trở nên kém sắc, thiếu thẩm mỹ. Để hạn chế tình trạng này cũng như tránh nguy cơ để lại sẹo thâm, các bạn cần nắm được một số thông tin liên quan tới bệnh và cách điều trị trong bài viết dưới đây.
Bệnh viêm nang lông chân là gì?
Viêm nang lông chân là bệnh lý nhiễm trùng nang lông ở chân do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm hoặc virus,… Bệnh gây nên các nốt sần sùi, mụn mủ, vảy tiết ở nang lông cùng cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Vùng da bị sần sùi lâu ngày sẽ chuyển thành các nốt đỏ, đen do lông mọc ngược vào bên trong thay vì chồi lên trên. Những nốt đỏ – đen bọc quanh vùng da bị viêm không quá lớn nhưng chúng khá dày và gây mất thẩm mỹ tại vùng da đó.
Tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng hơn tới các vùng nang lông khác trên cơ thể nếu không được quan tâm xử lý đúng cách. Tình trạng viêm nang lông ở chân có thể chuyển qua thành mụn mủ, khi sờ vào có cảm giác đau nhức. Nếu không may mụn bị vỡ, chúng sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, đóng vảy trên da và có thể gây ra biến chứng áp xe, mụn nhọt, ổ gà, viêm mô dưới da hoặc là những vết sẹo xấu xí.
Nguyên nhân gây viêm nang lông chân
Tình trạng viêm nang lông ở chân có thể hình thành do những nguyên nhân sau:
- Bít tắc lỗ chân lông: Lỗ chân lông có thể bị bít tắc do tế bào chết, vi khuẩn, bụi bẩn khi da không được làm sạch đúng cách. Những lỗ chân lông bị bít tắc có thể chuyển sang màu tối khi tiếp xúc với không khí. Từ đó khiến da bị viêm và có hình dáng tương tự như mụn đầu đen.
- Cạo chân lông: Cạo lông chân không đúng cách, sử dụng dao đã cũ, xỉn màu hoặc không có kem cạo cũng có thể gây nên tình trạng viêm nang lông. Trong một số trường hợp, những sợi lông thay vì mọc lên sẽ mọc ngược lại vào da gây ngứa ngáy, đau rát và cực kỳ khó chịu.
- Da quá khô: Đây cũng là lý do khiến bệnh viêm nang lông chân bùng phát. Nếu da quá khô, bạn sẽ bị đau rát khi cạo lông, vệ sinh da và từ đó khiến da bị tổn thương, gây viêm nhiễm và các vấn đề da liễu khác.
- Dày sừng nang lông: Là bệnh lý lành tính thường xuất hiện trên đùi, cánh tay. Dày sừng nang lông nhìn thoáng qua rất giống những nốt mụn nhỏ, trông như khi bị nổi da gà và cực kỳ thô ráp. Những vết dày sừng này chính là sự tích nhỏ của protein keratin và các tế bào chết. Chúng gây ngứa ngáy, khô ráp da nhưng hoàn toàn có thể điều trị được bằng kem dưỡng ẩm. Bệnh có thể xuất hiện theo mùa hoặc bùng phát thường xuyên khi vào những tháng mùa đông và từ đó làm tăng nguy cơ bị viêm nang lông ở chân.
Dấu hiệu viêm lỗ chân lông ở chân
Việc nhận biết triệu chứng viêm lỗ chân lông chân sẽ giúp ích cho quá trình điều trị đúng bệnh và cho hiệu quả nhanh chóng, tránh nhầm lẫn với các bệnh da liễu khác. Theo đó, viêm lỗ chân lông ở chân thường có những dấu hiệu nhận biết điển hình như:
- Vùng da ở chân xuất hiện những nốt đỏ sần sùi.
- Da có cảm giác ngứa rát, sưng đau bất kể thời điểm nào trong ngày.
- Với những trường hợp nặng, những nốt đỏ sẽ lan rộng và lông bắt đầu mọc ngược hoặc xoắn vào bên trong làm tăng cảm giác khó chịu.
- Xuất hiện mụn mủ, nhọt nếu không được can thiệp xử lý đúng cách hoặc kịp thời.
- Mụn mủ khi chảy ra có dịch, rò rỉ máu.
Mặc dù viêm nang lông ở chân không nguy hiểm nhưng nếu không được tiến hành điều trị, người bệnh có thể đối diện với nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt là làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tâm lý và nguy cơ hình thành để lại sẹo sau điều trị.
Viêm nang lông có thể hết nếu bạn chăm sóc da cẩn thận sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên bạn cần tới gặp bác sĩ ngay nếu:
- Các triệu chứng của viêm nang lông ở chân không có dấu hiệu thuyên giảm khi bạn đã tiến hành điều trị tại nhà.
- Da đã xuất hiện các nốt mụn mủ, nhọt.
- Nhiễm trùng lan rộng qua những vùng da khỏe mạnh xung quanh.
- Tổn thương da gây chảy dịch, rò rỉ máu hoặc bạn không thể kiểm soát được cơn ngứa ngáy.
Đối tượng có nguy cơ cao
Bệnh viêm nang lông chân có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên nguy cơ cao nhất vẫn nằm trong nhóm đối tượng sau:
- Trường hợp bị viêm da, mụn trứng cá.
- Lông mọc ngược do cọ xát với quần áo hoặc do sử dụng dao cạo lông.
- Thừa cân, béo phì.
- Dùng thuốc kháng sinh trị mụn trứng cá hoặc kem bôi có chứa steroid trong thời gian dài tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí phát triển.
- Gặp chấn thương do tai nạn hoặc do phẫu thuật.
- Sinh sống ở những vùng khí hậu nóng ẩm cộng với việc vệ sinh cơ thể không sạch sẽ, lười tắm.
- Do mắc bệnh suy thận, bạch cầu, HIV/AIDS, người ghép tạng, bị tiểu đường khiến sức đề kháng suy giảm, dễ mắc bệnh lý ngoài da.
Cách trị viêm nang lông chân
Viêm nang lông chân thường được điều trị theo 3 cách là dùng mẹo tự nhiên, sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định từ bác sĩ và can thiệp hỗ trợ. Tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể và yếu tố cơ địa mà bạn có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể như sau:
Cách trị viêm nang lông ở chân tại nhà
Với tình trạng viêm nang lông chân không quá nghiêm trọng, các bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng những mẹo đơn giản như sau:
- Sử dụng nha đam: Sử dụng 1 – 2 lá nha đam tùy theo vùng da bị viêm nang lông rồi gọt bỏ vỏ bên ngoài. Rửa sạch lớp nhựa trong với nước rồi thái chúng thành từng miếng nhỏ để xay nhuyễn. Trộn gel nha đam với 1 thìa mật ong rồi thoa lên vùng da trên sau khi đã làm sạch. Để hỗn hợp trên da khoảng 20 phút thì bạn rửa sạch lại ra. Thực hiện tuần 2 – 3 lần cho tới khi tình trạng viêm nang lông ở chân khỏi hẳn.
- Dùng chanh tươi: Mix 1 thìa nước cốt chanh với 3 muỗng mật ong, 3 muỗng dầu dừa để tạo thành hỗn hợp đặc sệt. Dùng phần vỏ chanh đã được làm sạch chà nhẹ lên vùng da cần điều trị trong 5 phút. Tiếp đó, thoa hỗn hợp đã chuẩn bị lên da và tiến hành massage nhẹ nhàng trong vài phút. 20 phút sau bạn rửa lại với nước ấm là được.
- Rau ngót: Chuẩn bị 1 nắm lá rau ngót đã được rửa cho đem đi giã hoặc xay nhuyễn để lọc lấy nước cốt. Vệ sinh sạch vùng chân bị viêm nang lông, lấy khăn mỏng thấm vào dung dịch nước cốt rau ngót rồi thoa lên vùng da cần điều trị. Sau 20 phút, bạn vệ sinh lại với nước sạch và kiên trì áp dụng cách chữa viêm nang lông chân 2 – 3 lần 1 tuần sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
Cách chữa viêm nang lông ở chân bằng Tây y
Cách chữa viêm nang lông ở chân bằng thuốc Tây được nhiều người lựa chọn do tính tiện lợi và hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi thì việc dùng thuốc Tây điều trị cũng mang đến không ít rủi ro, đặc biệt là khi sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thông thường, trong những trường hợp bị viêm nang lông chân nặng, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số thuốc sau đây:
- Thuốc điều trị tại chỗ
Kem hydrocortisone sẽ được sử dụng để làm giảm cảm giác ngứa ngáy và ngăn ngừa nguy cơ lan rộng. Ngoài ra, nếu có hiện tượng nhiễm trùng nhẹ liên quan tới tạp khuẩn thì có thể được kê đơn các loại thuốc kháng sinh tại chỗ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại kem bôi tại chỗ không kê toa để làm giảm các triệu chứng từ nhẹ tới trung bình. Trong đó, nổi bật nhất là kem bôi có chứa Benzoyl Peroxide và Axit Salicylic. Tuy là thuốc không kê đơn nhưng để đảm bảo an toàn, bạn vẫn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nhất là đối với người có cơ địa nhạy cảm.
- Thuốc uống
Với những trường hợp nặng hơn, việc sử dụng thuốc bôi tại chỗ thôi là chưa đủ. Bạn cần dùng thêm các loại thuốc uống để nhanh chóng đẩy lùi khả năng viêm nhiễm lan rộng và gây tổn thương cho da.
Levofloxacin, Cephalexin, Ciprofloxacin, Minocycline, Dicloxacillin, Doxycycline,… là những loại kháng sinh đường uống giúp ức chế hoạt động của ký sinh trùng và nấm gây bệnh. Ngoài ra, thuốc còn tác động tới hormone để giúp bệnh được cải thiện nhanh chóng.
Can thiệp hỗ trợ
Nếu việc sử dụng thuốc vẫn không thể ngăn chặn được tình hình. Kèm theo đó là tình trạng viêm nang nặng kèm mụn nhọt lớn. Bác sĩ sẽ cần thực hiện tiểu phẫu rạch 1 đường nhỏ để dẫn lưu mủ ra ngoài. Tiểu phẫu này sẽ giúp bệnh nhân bớt đau đớn, giảm nguy cơ để lại sẹo và tăng cường phục hồi da sau tổn thương.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tiến hành triệt lông bằng laser lâu dài để loại bỏ tình trạng nhiễm trùng trên da. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém và cần thực hiện trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả nên bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù tia laser có thể loại bỏ nang lông, làm giảm mật độ lông và hạn chế tình trạng viêm nhiễm nhưng cũng có thể để lại sẹo, gây phồng rộp da khiến da đổi màu.
Viêm nang lông chân nên ăn gì, kiêng gì?
Viêm nang lông chân không phải căn bệnh nguy hiểm nhưng dễ tái phát và có thể trở thành bệnh mãn tính. Ngoài cách hạn chế các kích ứng, chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ tái phát. Theo đó, người bị viêm nang lông chân nên bổ sung và kiêng những thực phẩm sau:
- Cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C để tăng sinh collagen, ngăn ngừa nguy cơ hình thành sẹo. Đồng thời cải thiện tốt tình trạng thâm da, giúp da trở nên căng bóng, mịn màng, sáng khỏe hơn. Nguồn vitamin A, C thường có trong các loại hoa quả, rau xanh lá, khoai lang, đu đủ,…
- Thực phẩm giàu axit béo Omega 3 là chất kháng viêm tự nhiên thường được tìm thấy trong cá hồi, hạt hạnh nhân, hạt óc chó,… Nhóm thực phẩm này có công chống oxy hóa, giảm viêm rất tốt. Chưa kể, nguồn đạm và khoáng chất sẽ giúp bệnh nhân phục hồi làn da bị tổn thương nhanh chóng.
- Ngoài ra, kẽm, thực phẩm giàu collagen cũng là nhóm thực phẩm được nhiều chuyên gia khuyến khích nên sử dụng khi đang gặp các bệnh lý ngoài da.
- Lô hội, dầu oliu không chỉ được đánh giá cao về công dụng đối với sức khỏe mà chúng còn giúp cải thiện tình trạng da khô cực kỳ tốt. Bên cạnh đó, cả nha đam và dầu oliu đều rất giàu chất chống oxy hóa, giúp kháng khuẩn, chống sưng viêm rất tốt.
- Ngoài các thực phẩm, các bạn cũng nên uống nhiều nước, có thể là nước lọc hoặc nước ép trái cây, rau củ quả. Nên hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt có ga, cà phê hoặc các chất kích thích có hại khác.
- Người bị viêm nang lông ở chân hay bất cứ bộ phận khác nên tránh ăn tinh bột đã qua tinh chế, kiêng ăn nội tạng động vật, thức ăn cay nóng nhiều dầu mỡ. Những thực phẩm này mặc dù rất kích thích vị giác nhưng lại là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe, dễ khiến da bị dị ứng cũng như làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Thức ăn mặn, thực phẩm có chứa nhiều đường cũng không được khuyến khích sử dụng cho những đối tượng đang bị viêm nang lông. Nếu bạn muốn sử dụng đường, hãy bổ sung đường qua việc hấp thu các loại trái cây, thực phẩm như mía,…
Biện pháp phòng tránh viêm nang lông ở chân
Viêm lỗ chân lông hoàn toàn có thể phòng tránh và ngăn ngừa nguy cơ lan rộng qua các vùng da khác nếu bạn tuân thủ thực hiện theo những lưu ý sau:
- Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày với xà phòng và sữa tắm dịu nhẹ, an toàn với da.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn lau hay bất cứ vật dụng cá nhân nào với người khác.
- Nên phơi khô quần áo dưới ánh nắng mặt trời và không mặc đồ khi quần áo hay cơ thể còn ướt sau khi tắm.
- Không tắm hay rửa chân bằng nước nóng, thay vào đó nên dùng nước mát hoặc nước ấm để hạn chế tình trạng khô da.
- Tránh chà xát, cào gãi da, đặc biệt là với những vùng da đang có dấu hiệu viêm.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, tránh mặc đồ bó.
- Dọn phòng, giặt giũ chăn màn, gối, ga giường thường xuyên.
- Tránh sử dụng dao cạo đã bị xỉn màu hoặc không dùng kem chuyên dụng để cạo lông. Đồng thời nên dưỡng ẩm cho da ở khu vực cần cạo trước khi tiến hành thực hiện.
- Tẩy da chết cho da thường xuyên để hạn chế nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông.
- Cải thiện độ ẩm cho da bằng các loại kem – gel dưỡng ẩm dịu nhẹ nhằm giảm thiểu nguy cơ bị viêm nang lông hoặc tránh để bệnh lan rộng.
- Che chắn da cẩn thận và nên dùng kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút.
- Nếu có sử dụng bồn tắm công cộng hoặc spa thì cần tắm lại ngay với xà phòng để tránh các nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Không hút thuốc, uống cà phê, sử dụng rượu bia vì điều này có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông.
Viêm nang lông chân là bệnh da liễu có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, để điều trị đạt kết quả tốt, các bạn cần điều trị đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy trên da xuất hiện các dấu hiệu bất thường, hãy tới các cơ sở da liễu uy tín để tham khảo và kiểm tra, tránh tự ý mua thuốc hoặc điều trị khi chưa nắm rõ tình hình.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!