Viêm Nang Lông Da Đầu Là Gì, Làm Sao Để Trị Dứt Điểm?
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênViêm nang lông da dầu là bệnh lý phổ biến, mặc dù không đe dọa trực tiếp tới tính mạng nhưng chúng lại là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng rụng tóc, gây sẹo mất thẩm mỹ. Vậy viêm nang lông trên da đầu do đâu, làm sao để điều trị hiệu quả, phòng tránh thế nào? Nếu bạn đang quan tâm về những vấn đề nêu trên, hãy dành ít phút tham khảo bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích.
Viêm nang lông da đầu là gì?
Viêm nang lông da đầu là bệnh lý liên quan tới tình trạng rối loạn viêm của cơ thể với biểu hiện đặc trưng là những nốt mụn mủ nhỏ và ngứa trên da đầu. Khi mới khởi phát, bệnh có thể bị nhầm lẫn với mụn trứng cá, tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng chúng khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Đồng thời tác động không nhỏ tới tính thẩm mỹ của người mắc, khiến họ trở nên tự ti, mặc cảm.
Trường hợp không được điều trị sớm, viêm nhiễm có thể lây qua các vùng nang tóc khỏe mạnh khác. Những nốt mụn mủ lúc này có thể tiến sâu vào trong nang tóc gây mưng mủ, chảy mủ và đóng vảy thành những mảng lớn. Sau đó, chúng có thể biến chứng thành những nốt mụn nhọt hoặc cụm nhọt dưới da đầu.
Viêm nang lông trên da đầu có thể phân thành 2 loại chính là viêm nang lông do tụ cầu và viêm nang lông do sợi nấm. Cụ thể như sau:
- Viêm nang lông da đầu do tụ cầu: Trường hợp này có thể gây viêm nang lông nông nhưng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ nang tóc. Trường hợp bị viêm toàn bộ vùng nang tóc, khả năng cao bệnh có thể để lại sẹo. Khi sẹo hình thành, vùng sẹo sẽ không thể mọc tóc mới. Viêm nang lông ở da đầu do tụ cầu vàng có thể tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi cũng như khi vệ sinh da đầu kém.
- Viêm nang lông da đầu do nấm sợi: Bệnh thường khởi phát với triệu chứng điển hình là những lớp sừng xung quanh nang tóc. Cụ thể: nấm Favus gây rụng tóc áp xe, nấm Trichophyton tonsurans và T. violaceum gây đứt sợi tóc gần gốc và thường xuất hiện các vết đen ở chân tóc. Nấm Microsporum gây bong vảy da đầu, làm đứt gãy tóc và nấm Kerion làm xuất hiện các mảng viêm có mủ, tạo ra các tổn thương sâu và có thể hình thành hạch, mụn nhọt gây đau đớn và để lại sẹo.
Triệu chứng
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh viêm nang lông thường rất khó phân biệt khi bệnh mới khởi phát. Tuy nhiên, các bạn vẫn có thể dựa theo những triệu chứng dưới đây để cảnh giác và tiến hành điều trị bệnh sớm nhất.
- Xuất hiện mụn dưới dạng đỏ/mụn đầu trắng xung quanh nang tóc.
- Ngứa ngáy, rát nóng vùng chân tóc.
- Có mụn nước chứa đầy mủ, chúng có khả năng vỡ ra và đóng vảy trên đầu.
- Tình trạng viêm nhiễm tích tụ thành khối u gây sưng và đau.
Nguyên nhân gây viêm nang lông ở da đầu
Không chỉ viêm nang lông da đầu, tình trạng viêm nang lông nói chung đều hình thành do nhiễm trùng khuẩn Staphylococcus aureus hoặc do virus, nấm gây ra. Dưới đây là những điều kiện thuận lợi khiến các loại vi khuẩn, vi nấm nêu trên phát triển và gây bệnh.
- Do thói quen thường xuyên gài, xoa đầu, giật tóc, xoắn tóc.
- Sử dụng các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc tóc nhưng không gội đầu thường xuyên khiến hóa mỹ phẩm tích tụ lâu ngày, gây viêm nang lông.
- Hay tết, buộc tóc đuôi ngựa quá chặt hoặc đội mũ thời gian, mũ bảo hiểm thường xuyên.
- Cạo đầu khiến da bị mất lớp bảo vệ, da dễ bị cọ xát với các đồ vật khác và dễ tới tổn thương.
Đối tượng dễ bị viêm nang lông ở da đầu
Viêm nang lông ở da đầu là tình trạng da liễu phổ biến có thể bắt gặp ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, bệnh lý này thường sẽ bùng phát chủ yếu ở những người có hệ miễn dịch yếu, sức khỏe suy giảm. Cụ thể như:
- Người bị bệnh đái tháo đường, bệnh bạch cầu mãn tính, người nhiễm HIV/AIDS,…
- Trường hợp hay bị mụn trứng cá, viêm da hoặc đang sử dụng các loại thuốc trị mụn trứng cá có chứa steroid hay kháng sinh.
- Có tổn thương xảy ra khi cạo đầu, hoặc do nhuộm, tẩy, xịt tóc quá nhiều khiến da đầu bị tổn thương, dễ nhiễm bệnh.
Viêm nang lông da đầu có lây không?
Viêm nang lông da đầu có thể lây qua các bộ phận khác trên cơ thể nếu người bệnh thường xuyên gãi, chà xát trên da. Khi tác động tới các vùng da khác, vi khuẩn, nấm sẽ theo móng tay và tấn công vào những vùng da khỏe mạnh này.
Bệnh viêm nang lông ở da đầu không lây từ người qua người ngay cả khi tiếp xúc với người mắc. Tuy nhiên, trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch như người bị ung thư, HIV/AIDS đều có khả năng cao bị lây nhiễm. Chưa kể, bạn có thể liên quan tới đường chuyển hóa, phụ nữ mang bầu, mới sinh em bé, người có tiền sử bệnh viêm da đầu hoặc các bệnh viêm da khác cũng đều có nguy cơ cao mắc viêm nang lông ở da đầu.
Mặc dù tính lây nhiễm từ người qua người không cao, tuy nhiên viêm nang lông gây rụng tóc có thể lây từ động vật qua người. Tình trạng này thường xảy ra do các loại vi nấm như T. verrucosum, T. mentagrophytes hay Microsporum. Bạn sẽ nguy cơ mắc những loại nấm này nếu tiếp xúc trực tiếp với chó mèo hoặc khi tiếp xúc với lông bị rụng trên nền đất, chăn,… Được biết, động vật bị nhiễm nấm cũng xuất hiện tình trạng rụng lông bất thường kèm mẩn đỏ trên da, kẽ chân, kẽ tai nên cần hết sức lưu ý.
Cách điều trị viêm nang lông ở da đầu
Các cách điều trị viêm nang lông da đầu rất đa dạng, mặc dù rất khó để điều trị dứt điểm bệnh lý. Tuy nhiên, dựa theo từng tình trạng cụ thể, những phương pháp dưới đây sẽ giúp cải thiện và kiểm soát bệnh nhanh chóng.
Áp dụng mẹo dân gian
Chữa viêm nang lông da đầu tại nhà là mẹo dân gian thường được nhiều người lựa chọn khi bệnh không quá nặng. Với các nguyên liệu thiên nhiên lành tính, dễ kiếm cùng chi phí rẻ, các thực hiện đơn giản, hạn chế tối đa tác dụng phụ sẽ giúp bạn có một mái tóc khỏe mạnh hơn.
Theo đó, một trong những mẹo dân gian thường được người bệnh áp dụng trong tình trạng này chính là sử dụng quả bồ kết làm dầu gội đầu. Bồ kết sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm gây bệnh cũng như tăng cường củng cố cho các chân tóc, giúp tóc khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ gãy rụng.
Ghi nhớ, mỗi tuần bạn chỉ nên gội đầu với bồ kết 2 – 3 lần. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm tinh dầu tràm trà để thoa lên da đầu nhằm tăng khả năng kháng khuẩn. Mẹo chữa viêm nang lông ở da đầu bằng các nguyên liệu dân gian sẽ cho hiệu quả chậm nên bạn cần kiên trì. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần duy trì áp dụng đều đặn cách làm này ít nhất từ 3 – 6 tháng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 5 quả bồ kết đã khô, rửa sạch rồi cho vào nồi đun cùng 2 lít nước. Lưu ý khi đun, bạn nên cho quả bồ kết vào một túi lọc để lúc gội không bị dính bã, cặn bẩn có trong quả lên đầu.
- Sau khi nước sôi, bạn chờ thêm 5 phút, sau đó cho nước ra chậu, đổ thêm một ít nước lạnh để gội đầu.
- Vắt túi lọc có chứa bồ kết cho ra hết hoạt chất rồi hòa tan chúng trong nước.
- Lấy nước làm ướt tóc rồi xả từ từ nước bồ kết từ chân tóc tới ngọn tóc, massage nhẹ nhàng để các dưỡng chất thấm sâu vào da.
- Lặp lại vài lần cho tới khi dùng hết lượng nước bồ kết đã pha.
- Cuối cùng, bạn xả lại tóc với nước ấm sạch, tránh dùng nước quá nóng là xong.
Dùng thuốc điều trị
Viêm nang lông da đầu cần ngăn chặn ngay khi bệnh mới khởi phát để tránh nguy cơ bị rụng tóc và để lại sẹo. Ngay khi thấy các dấu hiệu của bệnh, các bạn cần tới bệnh viện ngay để thăm khám, lúc này tùy theo tình trạng bệnh cụ thể, các bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc bôi – kem bôi ngoài để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng: Dùng trong trường hợp bệnh viêm nang lông chưa tiến triển nặng. Lúc này bệnh nhân sẽ dùng thuốc hoặc kem bôi thoa lên những vùng da đầu để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm lan rộng.
- Kem bôi và thuốc chống nấm: Nếu bệnh nhân bị viêm nang lông do nhiễm nấm thì cần dùng tới các loại kem – thuốc bôi có khả năng chống nấm để điều trị bệnh hiệu quả hơn.
- Kem bôi và thuốc uống giảm viêm: Ngoài các loại thuốc kháng nấm, chống nhiễm trùng, để giảm ngứa, giảm viêm cho người bệnh, bác sĩ sẽ kê thêm cho bạn một số loại thuốc – kem bôi có chứa steroid.
- Thuốc uống chống nhiễm trùng: Trong trường hợp bệnh đã tiến triển nặng hơn, có xuất hiện vết thương hở gây sưng viêm, mưng mủ. Bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân sử dụng các loại kháng sinh dạng uống để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Bởi lúc này các loại kem – thuốc bôi không còn hiệu quả, thậm chí chúng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Isotretinoin: Đây là loại viên uống được dẫn xuất từ vitamin A có tác dụng giảm dầu, bã nhờn tiết trên da. Từ đó hạn chế nguy cơ ứ đọng, sưng viêm, hình thành mụn nhọt, mụn mủ,…
- Corticosteroid: Thuốc thường được dùng theo đường uống để làm giảm và ngăn chặn tình trạng lan rộng qua vùng nang tóc khác.
Các loại thuốc sẽ cho hiệu quả nhanh chóng trong việc kiểm soát bệnh cũng như ngăn chặn bệnh lây lan, gây ảnh hưởng tới vùng da khác. Tuy nhiên, để dùng thuốc có hiệu quả, tránh tác dụng phụ, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ. Không tự ý tăng – giảm liều lượng, tự ý mua thuốc, dùng thuốc nếu chưa có sự đồng ý, kê đơn từ bác sĩ có chuyên môn.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc, có bất cứ dấu hiệu phản ứng, kích ứng hoặc tình trạng bệnh không được cải thiện. Bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc tới bệnh viện để kiểm tra trực tiếp để được đổi thuốc và có biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Biện pháp phòng tránh viêm nang lông da đầu
Để hạn chế nguy cơ rụng tóc vĩnh viễn, tránh bị ngứa ngáy, khó chịu dẫn tới mất ngủ, mệt mỏi, mặc cảm vì các triệu chứng của bệnh,… Các bạn có thể tham khảo áp dụng một số biện pháp phòng tránh viêm nang lông da đầu sau đây:
- Vệ sinh da đầu thường xuyên với những loại dầu gội nhẹ dịu, an toàn và phù hợp với tình trạng da đầu. Chỉ nên gội đầu 2 – 3 lần/tuần, tránh gội đầu hàng ngày vì điều này có thể làm khô da đầu và gây ra nhiều bệnh lý khác.
- Cải thiện chế độ sinh hoạt, tránh để bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng, stress kéo dài. Nên ngủ đúng giờ, đủ giấc, vận động thể dục, thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng thuốc nhuộm, tẩy tóc, uốn, ép, xịt tóc nhiều lần.
- Tránh để da đầu ẩm ướt, ngay sau khi gội đầu xong, bạn nên dùng khăn có khả năng hút ẩm tốt để lau tóc. Lưu ý khăn lau tóc nên được giặt sạch, phơi khô ngoài nắng trước khi sử dụng. Hãy ngồi trước quạt hoặc dùng máy sấy ở nhiệt độ vừa phải để làm khô tóc.
- Không cào gãi, chà mạnh lên vùng da đầu đang bị tổn thương.
- Không đội mũ, nón chật mà hãy để đầu tóc thông thoáng.
- Không sử dụng chung đồ cá nhân, mũ – nón, chăn, gối,… với người khác, đặc biệt là với những trường hợp đang bị bệnh.
- Khi ra ngoài, bạn nên che chắn tóc, da đầu bằng lớp khăn mỏng, ô dù hoặc nón.
- Cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nếu có nuôi chó mèo nên tắm rửa cho chúng thường xuyên để tránh bị nhiễm nấm từ vật nuôi.
- Nên bổ sung các loại rau củ quả tươi có chứa nhiều khoáng chất, vitamin như cam, táo, đu đủ, các loại rau xanh,… để bổ sung các chất dinh dưỡng nhằm củng cố và nuôi dưỡng mái tóc khỏe mạnh, mềm mượt hơn. Đừng quên uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để đào thải độc tốt, hạn chế tình trạng khô da.
- Kiêng ăn đồ cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ, uống chất kích thích, đồ ngọt, hút thuốc,…
- Tới bệnh viện thăm khám và kiểm tra ngay nếu thấy trên da đầu xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Các bạn không nên tự ý áp dụng mẹo dân gian, dùng thuốc mà chưa có sự đồng ý từ bác sĩ. Bởi điều này có thể khiến tình trạng viêm nang lông ở da đầu trở nên nghiêm trọng cũng như làm tăng nguy cơ nhờn thuốc, gây khó khăn cho các lần điều trị về sau.
Một số câu hỏi khác
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, khi bị bệnh viêm nang lông ở da đầu, nhiều người còn đặt ra một số câu hỏi như:
- Có nên gội đầu khi bị viêm nang lông da đầu không?
Khi bị viêm nang lông, làn da khá nhạy cảm, dễ bị tổn thương nên các bạn cần hạn chế gội đầu. Lưu ý không dùng những loại dầu gội chứa hóa chất, hãy ưu tiên dùng dung dịch vệ sinh da đầu với các nguyên liệu thiên nhiên như tràm trà hay bồ kết. Đồng thời chỉ nên gội đầu 2 – 3 lần/tuần để giữ gìn vệ sinh da đầu nhưng lại không khiến chúng bị tổn thương.
- Tóc có mọc lại sau khi điều trị viêm nang lông ở da đầu không?
Viêm nang lông trên da đầu nếu được điều trị kịp thời, nang tóc sẽ được phục hồi và có thể mọc lại. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nghiêm trọng, nang tóc bị thoái hóa hoàn toàn thì tóc vĩnh viễn không thể mọc lại, nhất là vùng da có sẹo.
- Viêm nang lông trên da đầu có tái phát không?
Viêm nang lông ở trên da đầu hoàn toàn có thể tái phát nếu như người bệnh không chú ý vệ sinh da đầu sạch sẽ, đúng cách. Đồng thời, chế độ ăn uống kém hợp lý, thiếu dinh dưỡng, sinh hoạt không điều độ cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Trong trường hợp bệnh viêm nang lông thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
Nhìn chung viêm nang lông da đầu là bệnh lý da liễu có khả năng lây truyền. Tuy nhiên, không phải ai bị lây nhiễm vi khuẩn, vi nấm cũng có các biểu hiện cụ thể. Bởi điều này còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng da và sức đề kháng của mỗi người. Vậy nên để hạn chế điều này, các bạn cần tích cực chăm sóc – vệ sinh da đầu đúng cách và chủ động tăng cường sức đề kháng cho cơ thể nhằm phòng tránh bệnh tốt hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!