Kinh Nguyệt Không Đều Do Đâu, Làm Sao Để Cải Thiện?
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênKinh nguyệt không đều là một trong những dấu hiệu sinh lý bất thường ở phụ nữ. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như lối sống, chế độ ăn uống hoặc do bệnh phụ khoa. Để tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này cũng như tìm cách xử lý, phòng tránh rối loạn kinh nguyệt hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.
Thế nào là kinh nguyệt không đều?
Kinh nguyệt không đều là hiện tượng hành kinh không theo chu kỳ nhất định (28 – 32 ngày). Kỳ kinh lúc này có thể tới sớm, tới muộn hoặc vô kinh. Đồng thời mức độ, thời gian hành kinh cũng nhiều hoặc ít hơn bình thường.
Kinh nguyệt không đều có thể là hiện tượng sinh lý bình thường, không đáng lo ngại. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những dấu hiệu bất thường liên quan tới một số bệnh phụ khoa. Vậy nên, chị em cần theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình xem có ổn định hay không. Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt thường xuyên và kéo dài thì cần tới bệnh viện thăm khám, điều trị ngay.
Dấu hiệu kinh nguyệt không đều
Các dấu hiệu kinh nguyệt không đều ở phụ nữ thường khá rõ ràng, phổ biến nhất là những triệu chứng như sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt sớm hoặc muộn hơn 28 – 32 ngày.
- Thời gian hành kinh ngắn hơn 3 ngày hoặc dài quá 7 ngày.
- Lượng máu kinh nguyệt mỗi chu kỳ ít hơn 20ml hoặc nhiều hơn 100ml.
- Máu kinh có màu khác lạ như nâu, đen, bị vón cục, có lẫn cục máu đông, có mùi hôi.
- Bị ướt nhiều hơn một miếng băng vệ sinh – miếng lót trong vòng 1 giờ. Bởi hiện tượng này thường xảy ra trong nhiều giờ, nếu kinh ra quá nhiều sẽ khiến bạn bị tỉnh giấc vào ban đêm hoặc phải thường xuyên thay băng.
- Không sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bình thường do chảy máu quá nhiều. Trong vài trường hợp, chị em còn thấy xuất hiện các cục máu đông lớn, kéo dài hơn 1 tuần.
- Chảy máu bất thường, nghiêm trọng làm da nhợt nhạt, mệt mỏi, có cảm giác chóng mặt, thở dốc do thiếu máu.
Nguyên nhân kinh nguyệt không đều
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên, các chuyên gia thường chia nguyên nhân thành 2 loại, đó là vấn đề do ngoại cảnh và do bệnh lý. Trong đó, các yếu tố ngoại cảnh như môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tâm lý đều có thể tự điều chỉnh và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý thì cần được điều trị sớm.
Dưới đây là những thông tin chi tiết về yếu tố ngoại cảnh gây rối loạn kinh nguyệt ở chị em phụ nữ:
- Bị stress: Căng thẳng, lo lắng lâu ngày sẽ làm cho tuyến thượng thận tiết ra các hormone cortisol gây gián đoạn quá trình sản xuất nội tiết tố nữ như progesterone, estrogen dẫn tới kinh nguyệt không đều.
- Mang thai: Khi chị em mang thai, lớp niêm mạc tử cung sẽ dày lên nhằm chuẩn bị cho trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Vậy nên, chị em sẽ bị mất kinh trong suốt giai đoạn mang thai.
- Cho con bú: Không chỉ ở thời kỳ mang thai, giai đoạn cho con bú, mẹ bỉm cũng bị mất kinh. Lúc này, chất hormone prolactin chịu trách nhiệm sản xuất sữa mẹ sẽ cản trở rụng trứng nên mẹ bỉm sẽ bị chậm kinh khoảng 6 tháng sau sinh. Nhiều trường hợp, chị em còn bị mất kinh lâu hơn và kinh chỉ xuất hiện lại sau khi con ngừng bú sữa mẹ.
- Mất cân bằng nội tiết tố nữ: Kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ được điều chỉnh bởi hoạt động của hệ nội tiết, bao gồm estrogen, progesterone. Việc mất cân bằng nội tiết tố sẽ khiến chu kỳ kinh nguyệt bị gián đoạn, gây chậm kinh hoặc khiến kỳ kinh tới sớm hơn.
- Thừa cân, sút cân: Cân nặng thay đổi một cách đột ngột, quá gầy hoặc quá béo cũng ít nhiều làm ảnh hưởng tới nồng độ hormone trong cơ thể, khiến kỳ kinh rối loạn.
- Tuổi dậy thì: Đây là độ tuổi dễ bị rối loạn kinh nguyệt do 2 – 3 năm đầu khi mới có kinh, hoạt động nội tiết tại vùng dưới đồi, tuyến yên hay buồng trứng chưa phát triển toàn diện. Từ đó khiến kỳ kinh nguyệt diễn ra thiếu tính ổn định, có tháng tới sớm, tháng tới muộn hoặc mất kinh 2 – 3 tháng,…
- Tiền mãn kinh: Do chức năng buồng trứng ở nữ giới bắt đầu suy giảm khi bước vào độ tuổi tiền mãn kinh. Vậy nên hàm lượng estrogen, progesterone cũng được sản xuất ít hơn nên dễ gây nên tình trạng rối loạn và dần biến mất.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Việc dùng thuốc tuyến giáp, thuốc chống đông máu, thuốc tránh thai, thuốc hóa trị, động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, liệu pháp thay thế hormone,… khiến kỳ kinh bị gián đoạn và là nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng kinh, chậm kinh ở nhiều chị em phụ nữ.
- Chế độ ăn uống không đảm bảo: Chế độ ăn uống nghèo nàn, thường xuyên bỏ bữa, sử dụng những thực phẩm không lành mạnh khiến cơ thể thiếu dưỡng chất. Bên cạnh đó cũng làm cản trở quá trình sản sinh các hormone nội tiết và làm kinh nguyệt ra không đều.
- Tập luyện quá sức: Chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của việc tập luyện thể thao đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập luyện quá sức trong thời gian dài, nhất là các vận động viên cũng khiến cơ thể bị lao lực và dẫn tới rối loạn kinh nguyệt.
- Sử dụng chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê là những chất kích thích mà bạn cần tránh xa. Chúng không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn là nguyên nhân gây nên tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Ngoài các nguyên nhân do yếu tố ngoại cảnh, như đã nói, kinh nguyệt không đều còn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc bệnh phụ khoa. Bởi các bệnh phụ khoa, các bệnh lý mãn tính có liên quan tới hoạt động của 3 cơ quan là vùng dưới đồi, buồng trứng và tuyến yên.
Do đó, chúng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nội tiết và là nguyên do gây nên chứng rối loạn kinh nguyệt. Trường hợp không được điều trị sớm, các bệnh phụ khoa này có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở nữ và làm gia tăng nguy cơ tử vong. Cụ thể như sau:
- Hội chứng đa nang buồng trứng: Là hiện tượng gia tăng bất thường của hormone androgen gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn. Từ đó làm buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ nhưng không thể trưởng thành. dẫn tới không có hiện tượng rụng trứng, mất kinh hoặc ra máu nhiều hơn khi có kinh.
- U xơ tử cung: Khi các khối u xuất hiện ở trong thành cơ tử cung sẽ khiến máu kinh ra nhiều và kéo dài. Mặt khác, bệnh còn gây đau dai dẳng vùng bụng – đau lưng dưới và đau khung xương chậu.
- Bệnh tuyến giáp: Chị em bị suy giáp thường có kỳ kinh nguyệt kéo dài ngày, máu kinh ra nhiều kèm tình trạng đau bụng dữ đội. Ngược lại, nếu bị cường giáp, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ngắn hơn và máu kinh cũng ra ít hơn.
- Viêm cổ tử cung: Bệnh lý sẽ làm xáo trộn chức năng của cổ tử cung và khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn dữ dội tại vùng bụng dưới. Nghiêm trọng hơn, ngoài việc gây kinh nguyệt không đều, viêm cổ tử cung còn khiến bạn khó có thai.
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa cực kỳ phổ biến hiện nay. Hiện tượng lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung bị bong tróc, không ra ngoài theo đường máu. Thay vào đó, chúng lại đi lạc vào các bộ phận khác thuộc cơ quan sinh dục như buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng, niệu quản, bàng quang, ruột hay trực tràng,… Trường hợp bạn bị rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện như máu kinh ra bất thường kèm đau bụng kinh dữ dội thì khả năng cao là bị lạc nội mạc tử cung.
- Ung thư cổ tử cung: Nếu thấy kinh nguyệt ra nhiều hay có hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh thì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị ung thư cổ tử cung.
Phân loại hiện tượng rối loạn kinh nguyệt
Kinh nguyệt không đều sẽ được phân loại dựa vào lượng máu kinh, thời gian hành kinh và ngày có kinh có đúng với chu kỳ hay không. Dựa theo đó, việc rối loạn kinh nguyệt sẽ được chia thành những loại sau đây:
- Chậm kinh: Là hiện tượng hành kinh đến muộn hơn so với chu kỳ bình thường (quá 7 ngày).
- Kinh sớm: Tức là chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn dự định khoảng 7 ngày trở lên.
- Kinh thưa: Đây là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài bất thường, vượt quá 35 ngày và khoảng cách 2 lần hành kinh có thể là 2 – 3 tháng, thậm chí là 5 tháng.
- Rong kinh: Khi chu kỳ kinh nguyệt kéo dài vượt quá 10 ngày và máu kinh ra nhiều vượt quá 80ml được gọi là rong kinh.
- Vô kinh: Kinh nguyệt biến mất trong khoảng 6 tháng – 1 năm gọi là vô kinh. Trong đó, phụ nữ trên 35 tuổi không có kinh trong suốt 3 tháng sẽ được coi là vô kinh.
- Cường kinh: Là hiện tượng máu kinh ra nhiều một cách ồ ạt và kéo dài trong nhiều ngày. Lượng máu kinh vượt quá 80ml khiến chị em phải thay băng liên tục và không thể tham gia các hoạt động.
- Thiểu kinh: Ngược lại với cường kinh, thiếu kinh là tình trạng lượng máu kinh ra ít, chỉ nhỏ giọt và thời gian ra máu dưới 2 ngày.
Kinh nguyệt không đều có sao không?
Kinh nguyệt không đều mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra những hệ lụy nhất định tới sức khỏe. Dưới đây là những vấn đề mà chị em có thể gặp phải khi bị rối loạn kinh nguyệt:
- Tâm lý bất ổn: Chị em lúc này sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hay cáu gắt, stress, suy giảm trí nhớ,…
- Ảnh hưởng tới nhan sắc: Rối loạn nội tiết tố, tâm lý không ổn định, mất ngủ khiến da tái xanh, khô ráp, dễ bị nám – tàn nhang, lỗ chân lông to, nổi mụn và xuất hiện các dấu hiệu lão hóa khác.
- Cơ thể suy nhược: Mất máu nhiều do chu kỳ kinh nguyệt kéo dài có thể gây suy nhược cơ thể, choáng váng, nhịp tim nhanh, thở gấp,…
- Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản: Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt xuất phát từ bệnh lý buồng trứng đa nang, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, thậm chí là ung thư buồng trứng,… có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, khiến bạn khó khăn trong việc mang thai và sinh con.
- Vô sinh, hiếm muộn: Kinh nguyệt bị rối loạn, không đều có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý và gây cản trở tới quá trình thụ thai.
Khi nào nên đi khám?
Thông thường, chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa ít nhất 1 năm 1 lần. Tuy nhiên, nếu việc hành kinh có những dấu hiệu bất thường thì bạn nên đi khám ngay lập tức. Đặc biệt là hiện tượng chảy máu giữa kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục (không phải lần đầu), khi đang mang thai hoặc sau thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, nếu thấy núm vú tiết dịch, mọc tóc bất thường, đau bụng dữ dội, bị sốt, mọc nhiều mụn trứng cá. Dịch máu có mùi bất thường, tăng – giảm cân không rõ nguyên nhân, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần hoặc rất lâu không có kinh. Hoặc cần nhiều hơn một miếng băng vệ sinh mỗi giờ hoặc trong vài giờ liên tiếp thì đều nên tới bệnh viện thăm khám ngay.
Cách trị kinh nguyệt không đều
Khi xác định được nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp dành cho từng bệnh nhân. Cụ thể như sau:
Cách chữa kinh nguyệt không đều tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, áp dụng các mẹo chữa dân gian thì chị em cũng cần chú ý tới các biện pháp hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt tại nhà. Dưới đây là những cách trị kinh nguyệt không đều đơn giản mà đối tượng nào cũng có thể áp dụng được.
- Xây dựng thói quen sinh hoạt, lịch làm việc phù hợp, tránh thức khuya, thiếu ngủ, làm việc quá sức.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh để bản thân rơi vào trạng thái stress, áp lực kéo dài nhiều ngày.
- Lên kế hoạch ăn uống khoa học, đảm bảo chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất.
- Nên dùng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày để tránh mang thai ngoài ý muốn. Không nên dùng quá nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp vì chúng có thể gây rối loạn kinh nguyệt và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản về sau.
- Tập luyện thể dục, thể thao mỗi ngày ít nhất 30 phút để giúp tăng cường tuần hoàn máu, trao đổi chất, giúp hệ nội tiết hoạt động ổn định.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, có thể dùng cả nước ép trái cây – rau củ phù hợp.
- Không dùng chất kích thích và luôn giữ cân nặng ở mức hợp lý.
Áp dụng mẹo dân gian
Trong dân gian có rất nhiều biện pháp giúp cải thiện chứng rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt không đều, thường xuyên bị đau bụng kinh. Một trong những cách thường xuyên được sử dụng nhiều nhất là:
- Sử dụng ích mẫu: Ích mẫu là một loại dược liệu nổi tiếng trong việc hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan tới rối loạn kinh nguyệt hay đau bụng kinh. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn cần chuẩn bị khoảng 30 – 60g cao ích mẫu nấu với 20g huyền hồ và 1 quả trứng gà. Khi trứng chín, bạn lấy trứng ăn và uống nước thuốc, bỏ phần bã. Chỉ dùng cách chữa kinh nguyệt không đều với ích mẫu 1 lần trước khi có kinh trong khoảng 7 ngày sẽ mang tới hiệu quả tốt nhất.
- Dùng ngải cứu: Trong Đông y, ngải cứu có tính ấm, có khả năng kích thích lưu thông máu và hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt. Dân gian thường dùng khoảng 200g ngải cứu tươi đã được rửa sạch, mang đun sôi với 500ml nước rồi chia thành 3 lần uống hết trong ngày. Hoặc bạn có thể dùng 10g ngải cứu khô, sắc với 200ml nước trong 10 phút, khi nước cạn còn nửa thì dùng uống khi đói. Đơn giản hơn là dùng ngải cứu rán cùng trứng và ăn cùng cơm, tuần ít nhất 3 lần.
- Mẹo dùng gừng: Để cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều, chị em có thể uống nước gừng đun sôi để giúp ổn định thân nhiệt. Đồng thời hỗ trợ làm tăng lưu thông khí huyết, giảm đau bụng kinh, chữa chậm kinh, tắc kinh hiệu quả. Theo đó, bạn dùng 1 nhánh gừng bằng đốt ngón tay, đập dập rồi đun sôi trong 5 phút. Cho thêm đường, mật ong vào nước gừng cho vừa uống rồi chia thành 3 lần, dùng sau bữa ăn. Kiên trì uống nước gừng trong suốt 1 tháng để cảm nhận hiệu quả cải thiện.
Điều trị bệnh lý gây kinh nguyệt không đều
Nếu tình trạng kinh nguyệt không đều xuất phát từ nguyên nhân mắc phải các bệnh lý như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, đa nang buồng trứng,… thì bạn nên tới bệnh viện để thăm khám và tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn.
Sau quá trình kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết như siêu âm ổ bụng, quan sát và soi vào bên trong âm đạo, siêu âm soi buồng trứng, xét nghiệm kiểm tra estrogen, progesterone,… Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và lên phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp cụ thể.
Căn cứ vào tình trạng riêng của mỗi người, biện pháp điều trị sẽ có sự khác nhau, chẳng hạn như:
- Đa buồng trứng: Các biện pháp chữa trị đa buồng trứng hiện nay chỉ xoay quanh việc giải quyết các triệu chứng của bệnh. Trường hợp đa nang buồng trứng gây vô sinh, bác sĩ sẽ điều trị vô sinh, nếu bệnh gây rối loạn kinh nguyệt, sẽ dùng thuốc điều trị để giúp kinh nguyệt ra đều hơn.
- Kinh nguyệt không đều do u xơ tử cung: Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc, bóc tách u xơ hay tiến hành làm phẫu thuật cắt bỏ u xơ. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ được cắt bỏ tử cung nếu không muốn sinh thêm con.
- Do suy giáp: Bệnh lý này có thể khiến bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn nên cần tiến hành điều trị sớm. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc thay thế hormone tổng hợp tuyến giáp hàng ngày. Chị em không thể dùng thuốc với liều lượng cao vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.
- Do viêm cổ tử cung: Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để giúp cải thiện bệnh lý hiệu quả, tránh biến chứng.
- Lạc nội mạc tử cung: Bệnh lý này đến nay vẫn chưa có cách điều trị, bác sĩ chỉ có thể dùng các biện pháp khắc phục để cải thiện những cơn đau thống kinh do bệnh gây ra.
Biện pháp phòng tránh kinh nguyệt không đều
Để tránh nguy cơ gặp phải tình trạng trên, chị em phụ nữ nên chú trọng quan tâm hơn tới chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt và thường xuyên thăm khám phụ khoa. Cụ thể như sau:
- Khám phụ khoa định kỳ: Thăm khám phụ khoa giúp theo dõi, phát hiện và điều trị sớm những bất thường có liên quan tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Trong đó có cả vấn đề rối loạn kinh nguyệt.
- Ăn uống khoa học: Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhất là nguồn vitamin và khoáng chất. Điều này sẽ giúp tăng sức đề kháng cũng như làm cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
- Sinh hoạt điều độ: Ngủ đúng giờ, đủ giấc, không thức khuya là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Bởi việc nghỉ ngơi không điều độ có thể khiến cơ thể suy nhược và làm tăng nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe cũng như dễ bị kinh nguyệt không đều.
- Quan hệ tình dục lành mạnh: Nên quan hệ tình dục lành mạnh, tránh quan hệ với nhiều người, quan hệ không có biện pháp phòng tránh, bảo vệ bản thân. Đồng thời cần kiêng “chuyện ấy” trong ngày “đèn đỏ” để tránh bị viêm nhiễm.
- Tập luyện thể dục, thể thao: Chị em nên tìm hiểu và luyện tập những bài tập phù hợp như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, yoga, bơi lội,… để cải thiện sức khỏe cũng như làm ổn định hệ nội tiết, giúp mệt mỏi, đau đớn trong kỳ kinh nguyệt. Đồng thời giúp chu kỳ hành kinh hoạt động đều đặn hơn.
- Nói “không” với chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê đều là những chất có hại cho sức khỏe và không tốt cho phụ nữ, đặc biệt là những người đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc đang bị rối loạn kinh nguyệt.
- Uống nhiều nước: Việc dung nạp đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể thanh lọc tốt mà còn giúp bộ máy trong cơ thể hoạt động trơn tru. Hỗ trợ cân bằng đường huyết, giúp da dẻ mịn màng và giảm thiểu các bệnh lý viêm nhiễm ngoài da và một số bệnh phụ khoa.
- Lưu ý khác: Ngoài ra, các bạn cũng cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kiểm soát cân nặng và quan hệ tình dục an toàn. Nên sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ, tránh dùng thuốc tránh thai khẩn cấp vì thuốc có thể gây hại cho sức khỏe sinh sản. Đồng thời nên sống lạc quan, tích cực, tránh áp lực, stress quá độ,…
Trên đây là những thông tin liên quan tới vấn đề kinh nguyệt không đều và những biện pháp giải quyết cụ thể. Mong rằng với những chia sẻ trên, chị em sẽ biết cách chăm sóc bản thân cũng như khắc phục tốt tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!