Kinh Nguyệt Ra Nhiều Do Đâu, Có Nguy Hiểm Không?
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênKinh nguyệt là một chu kỳ sinh lý hàng tháng của nữ giới, kéo dài từ 3-7 ngày. Lượng máu ra trong chu kỳ này của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào cơ địa. Tuy nhiên, khi kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài, rất có thể đó là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân, cũng như cách điều trị cho tình trạng này.
Như nào là kinh nguyệt ra nhiều?
Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì, lặp đi lặp lại hàng tháng. Một chu kỳ kinh sẽ dao động từ 28-35 ngày, thời gian hành kinh sẽ kéo dài từ 3-7 ngày. Trong trường hợp thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày sẽ được gọi là rong kinh.
Lượng máu trung bình trong mỗi chu kỳ nằm trong khoảng 50-80ml. Trong trường hợp lượng máu vượt quá 80ml thì được coi là kinh nguyệt ra nhiều. Tình trạng này nữ giới có thể theo dõi được thông qua tần suất thay băng vệ sinh hoặc số lượng cục máu đông có kích thước lớn xuất hiện. Kinh nguyệt ra nhiều có thể là dấu hiệu để nhận biết một số sự thay đổi bất thường. Vì vậy, chị em khi phát hiện cần điều trị sớm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.
Nguyên nhân
Kinh nguyệt ra nhiều là hiện tượng khá phổ biến, có đến 1/3 nữ giới gặp phải. Máu kinh ra nhiều là dấu hiệu bất thường, khiến cho việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Vậy vì sao kinh nguyệt ra nhiều?
- Rối loạn nội tiết tố trong cơ thể: Sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và làm tăng lượng máu chảy ra trong kỳ kinh.
- Sử dụng thuốc: Nữ giới thường xuyên sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc điều hòa kinh nguyệt, aspirin hay thuốc làm loãng máu,… có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và làm tăng lượng máu chảy ra.
- Ngày rụng trứng không đều đặn: Thường thì chu kỳ kinh nguyệt kéo dài khoảng 28 ngày và ngày thứ 14 của chu kỳ sẽ xảy ra rụng trứng. Tuy nhiên, nếu quá trình này không được chính xác, rụng trứng quá sớm hoặc quá muộn sẽ làm thay đổi hàm lượng hormone estrogen và progesterone trong cơ thể, gây ra hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều.
- U xơ và polyp tử cung: U xơ tử cung là sự phát triển bất thường của các tế bào, tạo thành một khối u. Còn polyp tử cung là một khối u lành tính trên niêm mạc tử cung. Hai bệnh này có thể làm tăng sản xuất estrogen trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt ra nhiều và đau bụng kinh.
- Lạc nội mạc tử cung: Lạc nội mạc tử cung là bệnh lý liên quan đến sự phát triển bất thường của mô nội mạc tử cung, chúng có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều, nặng hơn là vô sinh và tổn thương các cơ quan xung quanh.
Kinh nguyệt ra nhiều nguy hiểm như thế nào?
Kinh nguyệt ra nhiều có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nguyên nhân và lượng máu. Tuy nhiên, thông thường thì kinh nguyệt ra nhiều không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ, chúng kéo theo các triệu chứng đi kèm như đau bụng, mệt mỏi, chóng mặt và thiếu máu. Nếu không được điều trị kịp thời thì tình trạng thiếu máu sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe khác. Trên thực tế, kinh nguyệt ra nhiều là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh phụ khoa, khiến nữ giới khó mang thai. Do đó, nếu bạn đang gặp phải tình trạng này, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ.
Cách điều trị khi kinh nguyệt ra nhiều
Vậy nếu kinh nguyệt ra nhiều phải làm sao? Để điều trị kinh nguyệt ra nhiều thì bạn cần xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số cách điều trị phổ biến:
- Dùng thuốc: Các loại thuốc chống viêm không steroid cũng có tác dụng kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nguyệt và giảm đau bụng kinh. Bên cạnh đó, các thuốc khác cũng có thể giảm được tình trạng này phải kể đến là tranexamic acid, acid mefenamic,….
- Điều chỉnh hormone: Trong trường hợp kinh nguyệt ra nhiều do rối loạn nội tiết tố, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp điều chỉnh hormone để giúp cân bằng hệ thống nội tiết. Mặc dù vậy, trước khi quyết định sử dụng liệu pháp này, bạn cần cân nhắc kỹ bởi chúng có thể đem đến tác dụng phụ như tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ,….
- Điều trị các bệnh liên quan (nếu có): Nếu kinh nguyệt ra nhiều do u xơ tử cung, polyp tử cung hay lạc nội mạc tử cung, bạn cần phải điều trị các bệnh này bằng cách làm phẫu thuật cắt khối u, thuyên tắc động mạch tử cung, xoắn hoặc đốt polyp,…
Kiểm soát kinh nguyệt ổn định
Để kiểm soát kinh nguyệt ổn định, bạn cần có một lối sống lành mạnh và khoa học. Một vài gợi ý mà bạn có thể thực hiện theo:
- Ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng: Bạn nên ăn nhiều rau quả, ngũ cốc, các loại thực phẩm giàu chất sắt hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cơ thể hoạt động tốt hơn, đồng thời giúp hệ thống nội tiết được ổn định.
- Tập thể dục thường xuyên, giữ tinh thần khỏe mạnh, nói không với stress: Các bài tập luyện nhẹ mà bạn có thể áp dụng mỗi ngày là đi bộ, tập yoga, bơi lội,… đều có thể giúp tăng cường sức khỏe cơ thể và giảm thiểu các rối loạn về kinh nguyệt. Không những thế, những bài tập này còn giúp cơ thể giảm stress, giúp hệ thống nội tiết không bị rối loạn.
- Thực hiện các liệu pháp tự nhiên: Các liệu pháp tự nhiên để giúp cho kinh nguyệt ổn định có thể kể đến là uống các loại trà thảo mộc tự nhiên, ngâm chân với nước nóng, chườm bụng với nước nóng,…
- Sử dụng các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt: Nếu tình trạng kinh nguyệt ra nhiều vẫn tiếp diễn, chị em có thể tham khảo việc sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt. Tuy nhiên, phương pháp này cần được chỉ định bởi bác sĩ, không tự ý sử dụng.
Kinh nguyệt ra nhiều là một vấn đề khá phổ biến và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, việc biết được nguyên nhân và cách điều trị tình trạng này là vô cùng quan trọng mà nữ giới không nên chủ quan.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!