Mãn Kinh Sớm Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Phòng Ngừa
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênNhiều người cho rằng, mãn kinh sớm là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý, không đơn thuần chỉ là hiện tượng sinh lý thông thường. Vậy mãn kinh sớm là gì, nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa ra sao? Để giải đáp cho những băn khoăn trên, mời bạn đọc dành thời gian tham khảo thêm trong bài viết dưới đây cùng Nhất Nam Y Viện.
Mãn kinh sớm là gì?
Mãn kinh là thuật ngữ chỉ giai đoạn chấm dứt vĩnh viễn chu kỳ kinh nguyệt do sự suy giảm tự nhiên của tế bào trứng trong buồng trứng. Một người phụ nữ được xác định là mãn kinh khi không có kinh nguyệt trong suốt 12 tháng liên tục. Kèm theo đó là triệu chứng bốc hỏa, mệt mỏi, dễ cáu gắt, mất ngủ, khó ngủ,… Vậy mãn kinh sớm là gì? Mãn kinh sớm nhất là bao nhiêu tuổi?
Phần lớn phụ nữ bắt đầu mãn kinh từ 45 tuổi – 55 tuổi, tuy nhiên nếu giai đoạn mãn kinh bắt đầu diễn ra trước tuổi 45 thì được gọi là mãn kinh sớm. Còn nếu bị suy buồng trứng sớm, phụ nữ có thể mãn kinh trước tuổi 40. Được biết, bất cứ nguyên nhân nào làm tổn hại buồng trứng hoặc gây ngừng sản xuất estrogen đều có thể gây ra tình trạng mãn kinh sớm. Do đó chị em cần lưu ý và có những biện pháp chăm sóc sức khỏe thật tốt để làm giảm nguy cơ rơi vào trường hợp trên.
Nguyên nhân gây mãn kinh sớm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mãn kinh sớm, tuy nhiên tựu chung lại có thể kể đến những yếu tố sau đây:
- Do yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh mãn kinh sớm có thể phụ thuộc vào gen di truyền. Trường hợp các thành viên trong gia đình như bà ngoại, mẹ, dì, chị em gái,… bị mãn kinh sớm thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
- Lối sống thiếu khoa học: Các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, chế độ ăn kiêng quá khắt khe, thiếu dinh dưỡng, lười vận động, môi trường làm việc áp lực, stress kéo dài,… Những điều này rất dễ ức chế quá trình sản xuất hormone estrogen, đẩy nhanh tốc độ lão hóa, dẫn tới tình trạng mãn kinh sớm ở nhiều người.
- Hóa trị, xạ trị: Theo các nghiên cứu, việc điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị có ảnh hưởng trực tiếp tới độ tuổi mãn kinh ở nữ giới. Bởi việc điều trị có thể gây suy buồng trứng tạm thời hoặc vĩnh viễn nên chị em có thể bị mãn kinh sớm hơn bình thường.
- Mắc bệnh tự miễn: Bệnh lupus ban đỏ, bệnh đái tháo đường, viêm da,… là những bệnh tự miễn phổ biến có nguy cơ làm ảnh hưởng tới nội tiết tố và gây mãn kinh sớm.
- Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể: Một vài nghiên cứu cho thấy mãn kinh sớm có liên quan đến những khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Nổi bật nhất là hội chứng Turner ở các bé gái được sinh ra với một trong hai nhiễm sắc thể X bị mất. Trường hợp mắc hội chứng Turner, buồng trứng sẽ hoạt động kém hiệu quả, dẫn tới không có kinh, không có khả năng mang thai, gặp vấn đề về thị giác – thính giác và hormone tuyến giáp cũng rất thấp.
- Bệnh động kinh: Là chứng bệnh thần kinh có liên quan tới sự rối loạn của một số nơron thần kinh trong vỏ não. Những đối tượng bị bệnh động kinh hoặc có tiền sử động kinh có thể ảnh hưởng tới hoạt động buồng trứng, tuyến yên và dẫn tới hiện tượng mãn kinh sớm.
- Bệnh tuyến giáp: Tuyến giáp đảm đương nhiệm vụ tạo hormone trong cơ thể nhưng cũng là bộ phận dễ bị tổn thương. Nếu mắc bệnh về tuyến giáp, ngoài triệu chứng mất kinh, thay đổi tâm trạng, bốc hỏa, mệt mỏi,… chị em còn bị mãn kinh sớm.
- Suy buồng trứng nguyên phát: Cho những ai chưa biết, buồng trứng chính là cơ quan sản sinh nội tiết tố trong cơ thể, chủ yếu là estrogen. Nếu hoạt động buồng trứng bị suy giảm thì việc chị em gặp các triệu chứng mãn kinh sớm cũng là điều dễ hiểu.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Đây là tình trạng xuất hiện các u nang trên buồng trứng và có thể gây sẹo hoặc viêm nhiễm. Khi mắc hội chứng đa nang, phụ nữ thường bị mất cân bằng nội tiết tố, giảm ham muốn, kinh nguyệt không đều, khó thụ thai và mọc nhiều lông,…
- Suy giảm hormone sinh sản tự nhiên: Bước qua độ tuổi 35, buồng trứng ở nữ giới sẽ bắt đầu sản xuất ít hormone estrogen, progesterone. Ngoài 40, chu kỳ kinh nguyệt của bạn cũng có những biểu hiện thất thường cho tới khi đến 50 tuổi. Lúc này buồng trứng sẽ dừng sản xuất trứng, phụ nữ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh.
- Phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng: Vì một số lý do nào đó mà chị em phải cắt bỏ cả tử cung lẫn buồng trứng sẽ ngay lập tức rơi vào trạng thái mãn kinh. Bởi cơ thể lúc này không thể sản xuất đủ hormone nội tiết tố, kinh nguyệt không còn thì nội tiết nữ sẽ suy giảm nhanh chóng. Với những trường hợp chỉ cắt bỏ tử cung, ngoài việc không thể sinh sản, quá trình mãn kinh tự nhiên cũng đến sớm hơn.
Dấu hiệu mãn kinh sớm
Tương tự như giai đoạn mãn kinh thông thường, triệu chứng ở người mãn kinh sớm cũng không có gì khác biệt. Điểm khác duy nhất chính là các triệu chứng đến sớm hơn so với những người bình thường khác. Theo đó, người bị mãn kinh sớm sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Dấu hiệu nhận biết dễ dàng nhất ở phụ nữ mãn kinh chính là sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, buồng trứng hoạt động kém hiệu quả khiến chu kỳ nguyệt san bị rối loạn, có thể dừng đột ngột vài tháng, rong kinh, lượng máu kinh nhỏ giọt,… và sau đó mất hẳn.
- Rối loạn nội tiết tố estrogen và progesteron do chức năng buồng trứng bị suy giảm, ngưng trệ chức năng.
- Xuất hiện những cơn bốc hỏa đột ngột trong thời gian ngắn, có cảm giác nóng bừng ở mặt, cổ, sau đó lan khắp cơ thể. Kèm theo đó là tình trạng đổ mồ hôi, tim đập nhanh, đánh trống ngực,… Khi những cơn bốc hỏa qua đi, người phụ nữ sẽ cảm thấy mệt mỏi, người ớn lạnh, cơ thể uể oải,…
- Khó ngủ, mất ngủ hoặc hay tỉnh giấc giữa đêm và khó chìm lại vào giấc ngủ. Những xáo trộn về giấc ngủ này có thể liên quan tới hiện tượng bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều về đêm,…
- Suy giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, đau rát khi quan hệ và khó đạt được khoái cảm khi “yêu”,… Từ đó sinh ra cảm giác ngại gần gũi với chồng, thậm chí còn sợ hãi khi quan hệ.
- Tiền mãn kinh, mãn kinh khiến chị em khó kiểm soát được cảm xúc, dễ nóng giận, phản ứng thái quá, hay lo lắng,…
- Nhịp tim tăng cao dễ gây ra cảm giác đánh trống ngực.
- Do hàm lượng nội tiết tố giảm nên ảnh hưởng tới mật độ canxi trong xương, làm xương dần mất dần canxi, khoáng chất, khiến xương bị giòn, loãng và dễ gãy hơn.
- Da dẻ trở nên kém sắc, chảy xệ, xuất hiện nám, tàn nhang, nếp nhăn, tóc rụng và nhanh bạc.
Mãn kinh sớm có ảnh hưởng gì không?
Mãn kinh sớm không đơn thuần là những triệu chứng giống như mãn kinh, tiền mãn kinh. Bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy chị em có thể đang gặp một số bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khác. Chẳng hạn như sau:
- Khả năng sinh sản: Có một sự thật là khi mãn kinh sớm, buồng trứng của phụ nữ sẽ không sản xuất trứng, chu kỳ kinh nguyệt cũng thưa dần và mất hẳn. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ không có khả năng mang thai hay sinh sản.
- Ảnh hưởng tới sức khỏe: Sụt giảm estrogen do mãn kinh sớm có liên quan tới một số vấn đề sức khỏe như triệu chứng bốc hỏa, đổ mồ hôi, rối loạn giấc ngủ,… Các triệu chứng kéo dài sẽ khiến chị em cảm thấy mệt mỏi, cơ thể bị suy nhược và dễ cáu gắt hơn. Thêm vào đó, mãn kinh sớm còn làm tăng nguy cơ bị loãng xương, xương yếu, giòn và dễ gãy. Phụ nữ cũng dễ mắc bệnh tim mạch, huyết áp do lượng cholesterol xấu trong máu tăng, làm cản trở quá trình lưu thông máu, dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
- Sinh lý bị ảnh hưởng: Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc tiết dịch nhờn âm đạo, tạo cảm giác hưng phấn cũng như giúp quá trình quan hệ diễn ra thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi âm đạo không được bôi trơn đủ sẽ khiến chị em bị đau rát, thậm chí là chảy máu và khó đạt được khoái cảm khi “yêu”. Từ đó sinh ra tâm lý lo lắng, bất an và sợ hãi khi “ân ái”.
- Tác động xấu tới sắc đẹp: Ngoài các triệu chứng điển hình như đã nêu, mãn kinh sớm còn kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới sắc đẹp như làm xuất hiện nám, tàn nhang, sạm da, da khô, giảm tính đàn hồi, kém săn chắc,…. Bên cạnh đó vòng 1 còn bị chảy xệ, béo bụng, dễ bị tăng cân,… Đây chính là những yếu tố khiến nhan sắc của một số chị em bị tàn phai, “xuống cấp”.
Cách chẩn đoán mãn kinh sớm
Khoảng thời gian trước thời kỹ mãn kinh được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Ở thời điểm này, chị em sẽ gặp hiện tượng kinh nguyệt không đều cùng vô số triệu chứng khác xảy ra. Phụ nữ chính thức bước vào thời kỳ mãn kinh nếu sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt.
Trên thực tế, bạn không nhất thiết phải đi khám để chẩn đoán mãn kinh. Phần lớn phụ nữ đều có thể dự đoán được thời kỳ mãn kinh của bản thân dựa trên các dấu hiệu mà bản thân gặp phải. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn về các triệu chứng do mãn kinh hay do vấn đề sức khỏe khác, bạn nên đi khám để xác nhận chính xác.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm các xét nghiệm hormone để xác định xem các triệu chứng xuất hiện là do đâu. Các xét nghiệm hormone được thực hiện trong trường hợp này gồm có:
- Bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ estradiol – một loại estrogen trong cơ thể phụ nữ để xác định nồng độ estrogen có bị suy giảm hay không.
- Xét nghiệm Pico AMH Elisa kiểm tra nồng độ hormone để xác định xem bệnh nhân đã bước tới giai đoạn mãn kinh hay chưa.
- Kiểm tra hormone kích thích nang trứng (FSH), nếu nồng độ FSH liên tục cao trên 30 mlU/ml và không có kinh nguyệt trong 1 năm thì khả năng cao là bạn đã bị mãn kinh. Tuy nhiên, nếu xét nghiệm 1 lần thì chưa thể xác định được.
- Kiểm tra nồng độ hormone TSH – hormone tuyến giáp để xác định chẩn đoán. Nếu tuyến giáp hoạt động kém, nồng độ TSH ở mức cao và có triệu chứng tương tự như các triệu chứng mãn kinh thì có thể đưa ra kết luận.
Phương pháp điều trị mãn kinh sớm
Ngoài vấn đề mãn kinh sớm là gì, nhiều người sẽ quan tâm tới việc mãn kinh sớm có chữa được không. Trên thực tế, mãn kinh sớm có thể phòng ngừa và cải thiện thông qua việc áp dụng những giải pháp sau:
- Phương pháp thay thế hormone: Bổ sung estrogen và progestin có thể giúp thay thế một số hormone sinh sản mà cơ thể không thể sản xuất được nữa. Các bác sĩ thường áp dụng phương pháp này cho những trường hợp bị mãn kinh sớm để kiểm soát các triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên, việc thay thế hormone không được áp dụng cho tất cả các trường hợp vì một số rủi ro nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành điều trị.
- Bổ sung canxi và vitamin D: Do phụ nữ bị mãn kinh thường có nguy cơ bị loãng xương cao nên bạn có thể bổ sung canxi và vitamin D cho cơ thể. Việc làm này có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh lý về xương nếu cơ thể không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng thông qua việc ăn uống. Hàm lượng canxi dung nạp vào cơ thể mỗi ngày nên dùng theo chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả cải thiện triệu chứng tốt nhất.
Biện pháp phòng tránh mãn kinh sớm ở phụ nữ
Sau khi đã có được đáp án cho thắc mắc mãn kinh sớm là gì, bạn cũng cần nắm được nguyên nhân dẫn tới tình trạng này để có những cách phòng tránh phù hợp và hiệu quả. Được biết, trong số những lý do khiến nữ giới bị mãn kinh sớm chính là do sự mất cân bằng nội tiết tố, thói quen sống không lành mạnh, thường xuyên bị căng thẳng, stress,… Vậy nên, để khắc phục được tình trạng này, chị em phụ nữ cần lưu ý những điều sau đây:
- Rèn luyện thể dục thể thao: Tập luyện thể dục mỗi ngày là cách hiệu quả giúp trì hoãn thời kỳ tiền mãn kinh. Song, bạn nên chọn những bài tập phù hợp, vừa sức để tránh nguy cơ bị mất cân bằng hormone, gây rụng trứng không đều.
- Hạn chế tiêu thụ cồn, caffeine: Rượu, caffeine bản chất không gây mãn kinh sớm nhưng nếu dùng quá nhiều có thể kích hoạt yếu tố nguy cơ gây mãn kinh sớm. Việc tiêu thụ nhiều đồ chứa cồn caffeine được nghiên cứu là có liên quan tới các triệu chứng của mãn kinh. Vậy nên, chị em không nên uống nhiều hơn 1 cốc cà phê mỗi ngày và không nên uống quá 2 cốc đồ uống có cồn mỗi tuần.
- Không hút thuốc lá: Như chúng ta đã đề cập trước đó, hút thuốc là một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ dễ bị mãn kinh sớm. Các hóa chất có trong thuốc lá như xianua, carbon, nicotine có thể làm tăng tốc độ tổn thương của trứng, khiến chúng không thể tái tạo hay thay thế.
- Giữ cân nặng phù hợp: Estrogen được giữ trong mô mỡ nên thừa cân chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dư thừa estrogen, làm ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng. Tương tự, việc thiếu cân cũng khiến tình trạng mãn kinh diễn ra sớm hơn.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ muộn, thức khuya, làm việc quá sức, ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và hoạt động nội tiết của cơ thể. Vì thế, các bạn cần có lối sống lành mạnh hơn bằng cách ăn – ngủ – nghỉ đúng giờ, hạn chế căng thẳng và đặc biệt là nên đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
“Mãn kinh sớm là gì” đã được chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết trên. Mãn kinh sớm không phải vấn đề quá nghiêm trọng, tuy nhiên những triệu chứng của tình trạng này lại ảnh hưởng xấu tới chất lượng đời sống của chị em phụ nữ. Do đó, chị em nên chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích, đồng thời nên khám phụ khoa thường xuyên để sớm phát hiện những dấu hiệu sinh lý bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!