Sâm Ngọc Linh – Tại sao lại quý đến vậy?
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênSâm Ngọc Linh còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm),… là loại sâm rất quý được tìm thấy tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc huyện Đăk Tô và huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum, và một số vùng lân cận…
Sâm Ngọc Linh mọc trên độ cao 1.200 đến 2.100m, là loài cây thân thảo đặc biệt ưa ẩm, ưa bóng với nhiệt độ không khí trung bình từ 15 – 18°C. Thường mọc thành từng đám nhỏ dưới tán rừng kín thường xanh của cây lá rộng hay lá kim…
Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.
Thực tế, người ta thường sử dụng bộ phận thân rễ và rễ củ của sâm Ngọc Linh làm dược liệu chữa bệnh. Đặc biệt, dựa vào số nốt sẹo trên đầu củ mà có thể ước tính tuổi của sâm. Phải mất ít nhất 3 năm tuổi mới xuất hiện một sẹo.
Điều tạo nên sự Quý hiếm của Sâm Ngọc Linh là hàm lượng thành phần saponin vượt trội, gồm khoảng 49 – 52 loại saponin, trong đó có 25 – 26 loại đã biết. Còn lại là những loại có cấu trúc mới chưa từng được công bố, được gọi chung là vina-ginsenoside-R1-R24, hàm lượng này dồi dào hơn rất nhiều những loại sâm đến từ Hàn Quốc, Mỹ…
Bên cạnh hoạt chất chính, Sâm Ngọc Linh còn chứa khoảng 17 loại acid amin, 20 loại vi khoáng chất, tinh dầu (0,1%) và 17 loại acid béo (0,53%)…
Để đánh giá về giá trị và chất lượng của nhân sâm, người ta thường dựa vào hàm lượng và thành phần Saponin chứa trong nó. Có nghĩa là, giá trị và chất lượng của một loại sâm sẽ tỷ lệ thuận với hàm lượng và thành phần Saponin mà nó có. Đối với Sâm Ngọc Linh, hàm lượng Saponin được coi là cao nhất, cao hơn cả sâm Hàn Quốc và sâm Mỹ về cả hai chỉ tiêu trên. Hơn 50 luận án Tiến sĩ đã chứng minh điều đó.
Đây chính là điều làm nên sự tự hào của Đất nước Việt Nam chúng ta khi sở hữu loại sâm cực kỳ quý giá này!
Sâm Ngọc Linh có tác dụng gì?
Đối với hệ thần kinh
Những nghiên cứu và dữ liệu chứng minh cho các ảnh hưởng của sâm Ngọc Linh lên hệ thần kinh:
- Tài liệu ghi nhận, sử dụng dược liệu liều thấp (10 – 100 mg/kg) có thể kích thích thần kinh, cải thiện các vận động thể lực và trí lực rõ rệt, điều hòa não bộ khi bị rối loạn phản xạ… Ngược lại, liều cao (0.5 – 2 g/kg) sẽ thể hiện quá trình ức chế thần kinh trung ương.
- Vị thuốc có khả năng chống trầm cảm với liều uống 200 mg/kg/lần hoặc 50 – 100 mg/kg/ngày ở chuột nhắt trắng.
- Majonoside–R2 có trong thảo dược giúp phục hồi các rối loạn chức năng do stress gây ra như viêm dạ dày, giảm khả năng miễn dịch, mất ngủ.
Tăng cường sinh lực
Hiện nay, nhiều bằng chứng mới về tiềm năng của sâm Ngọc Linh đối với sức đề kháng ở người:
- Với liều (5 – 100 mg/kg) được ghi nhận có cơ chế tác động tương tự như sâm Triều Tiên. Nghĩa là làm gia tăng khả năng dùng chất nền lipid năng lượng cao, đồng thời hạn chế dùng nguồn hydratcacbon.
- Trong thí nghiệm ở chuột, dược liệu làm tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, hồi phục năng lượng và sức lực.
Hồi phục máu và sinh lý
Trong thực nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu ở động vật, sâm Ngọc Linh thể hiện khả năng làm phục hồi đáng kể số lượng tế bào máu đã giảm.
Ngoài ra, dược liệu này còn hỗ trợ tăng cường nội tiết tố sinh dục. Điều này thể hiện rõ ở đối tượng suy nhược sinh dục, giảm ham muốn, thông qua việc kích thích hoạt động này của não bộ.
Kháng khuẩn và chống viêm
Nhiều ý kiến đồng tình về khả năng chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn, đặc biệt ở vùng hầu họng do chủng Streptococcus gây ra. Hơn thế, sâm Ngọc Linh còn có tác động hiệp lực với một số kháng sinh thông dụng như Erythromycin, Ampicillin, Tetracyclin, Bactrim… Đồng thời không gây ảnh hưởng lên hệ lợi khuẩn ở ruột.
Tác động ở những hệ cơ quan khác
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, sâm Ngọc Linh còn mang lại lợi ích phong phú ở nhiều hệ cơ qua khác. Chẳng hạn như:
- Điều hòa hoạt động hệ thống tim mạch, hỗ trợ điều trị bệnh lý hạ huyết áp. Với liều 50 – 500 mg/kg, dược liệu thể hiện tác động ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Theo cơ chế giảm cholesterol huyết, giảm lipid toàn phần và lipoprotein, tăng hàm lượng HDL.
- Với tế bào gan, chiết xuất từ sâm có thể bảo vệ chúng trước những yếu tố gây hại.
- Với hệ hô hấp, các hoạt chất trong sâm hỗ trợ thông suốt đường thở. Kết hợp với khả năng làm loãng đờm trong các bệnh lý phế quản và phổi cũng như ngăn chặn sự tái phát của các cơn hen.
- Bước đầu, loại sâm này được chứng minh trên thực nghiệm về khả năng hạ đường huyết của với liều 50 mg/kg. Ngoài ra, nó còn được nhận xét có tác dụng hiệp lực đối với thuốc điều trị đái tháo đường.
Sâm ngọc linh theo YHCT: có vị đắng, tính hàn, không độc, quy kinh Tâm và Thận.
Cách sử dụng sâm Ngọc Linh:
- Thực tế, sâm Ngọc Linh có thể sử dụng độc vị, hoặc phối hợp cùng nhiều loại thảo dược khác. Đặc biệt là nhóm thuốc bổ khí, bổ huyết… Liều trung bình là 2 – 6 g/ngày dưới dạng thuốc thang, bào chế dạng viên, siro
Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong
- Chuẩn bị: Sâm phần củ (loại trên 10 năm tuổi), mật ong rừng cùng bình thủy tinh đã rửa sạch.
- Cách làm: Rửa sạch củ sâm, lau khô, để ráo trong 30 phút, sau đó đem đi thái lát mỏng độ dày từ 1 – 1,5mm, tiếp đến phơi dưới quạt gió trong thời gian 3 – 5 giờ. Lưu ý: không phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời có thể sẽ làm mất hoạt tính của sâm.
Quả thực, sâm Ngọc Linh là loại thuốc quý báu, mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe. Điều này đã được chứng minh qua kinh nghiệm dân gian cũng như bằng chứng khoa học. Tuy nhiên, mỗi người có cơ địa khác nhau, vì thế hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để đạt được hiệu quả rõ ràng hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!