Ngộ độc thực phẩm: Nguyên nhân, biểu hiện và cách sơ cứu
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênNgộ độc thực phẩm hay còn gọi là trúng thực từ lâu đã không phải là một hiện tượng hiếm gặp. Nếu người gặp phải tình trạng này không được sơ cứu kịp thời thì có thể bị đe dọa đến tính mạng.
Ngộ độc thực phẩm là gì? Có nguy hiểm không?
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xuất hiện sau khi con người dung nạp phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay bị ôi thiu, biến chất, có chứa lượng lớn chất bảo quản và chất phụ gia… Thông thường, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện sau 1 đến 2 phút hoặc nhiều nhất là 2 đến 2 ngày sau khi bị nhiễm độc từ thức ăn.
Trường hợp bị ngộ độc nhẹ, người bệnh nếu được chăm sóc tốt sẽ cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần tới bệnh viện điều trị. Ngược lại, các ca ngộ độc nặng với những biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, tinh thần và thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, lúc này người bệnh cần phải nhập viện để được điều trị và theo dõi từ y, bác sĩ chuyên khoa.
Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng ở đường tiêu hoá hoặc khi bị mất nước, nhiễm trùng, thậm chí là xuất hiện thêm các triệu chứng như:
- Thần kinh bị rối loạn với các biểu hiện là nhìn mờ, song thị, nói ngọng, tê liệt cơ, co giật hay là đau đầu, chóng mặt.
- Rối loạn tim mạch với dấu hiệu tụt huyết áp, loạn nhịp tim và khó thở.
- Rối loạn tiêu hóa với việc xuất hiện cả máu và chất nhầy trong phân, đi tiểu ít hay đau ở ngực, cổ, họng,…
- Sức đề kháng bị ảnh hưởng, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi, người cao tuổi, những người đang sử dụng các thuốc gây ức chế miễn dịch, người bị mắc các bệnh đau dạ dày, tá tràng, gan, rối loạn sắc tố hay người bị suy dinh dưỡng,…
Nguyên nhân, biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Xác định sớm được nguyên nhân và biểu hiện ngộ độc sẽ giúp chúng ta xử lý tình huống kịp thời và hiệu quả.
Nguyên nhân
Có thể nói nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm rất đa dạng, tuy nhiên ta có thể phân thành 4 nhóm chính gồm:
- Do nhiễm vi sinh vật gây hại: Bao gồm vi khuẩn, virus; ký sinh trùng; hay nấm mốc và nấm men. Ngộ độc thực phẩm do nguyên nhân này thường xuất hiện khi người bệnh ăn thức ăn sống, ôi thiu hay không vệ sinh tay trước khi dùng bữa.
- Do ăn thức ăn để lâu ngày bị biến chất, ôi thiu: Một số loại thực phẩm khi để lâu hay đã bị ôi thiu rất dễ phát sinh ra các loại độc tố. Đặc biệt là dầu mỡ dùng lại nhiều lần có thể tạo ra các chất độc khi được đun sôi ở nhiệt độ cao. Chú ý, với đồ ăn đã có sự biến đổi về màu sắc, mùi vị, hình dáng so với nguyên bản thì chúng ta nên vứt bỏ.
- Ngộ độc do ăn phải thực phẩm có độc: Cá nóc, nấm độc hay khoai tây mọc mầm,… là một số loại thực phẩm có sẵn độc. Vì vậy khi chế biến chúng không cẩn thận thì khi ăn, cơ thể người có khả năng bị ngộ độc cao.
- Do nhiễm chất hóa học: Các động, thực vật được nuôi trồng và sinh sống tại vùng nước vùng đất bị ô nhiễm kim loại nặng, chất phóng xạ; hay bị dư thừa lượng thuốc BVTV, thuốc thú y; hay phụ gia thực phẩm cũng là những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Triệu chứng
Tùy thuộc vào trường hợp nặng hay nhẹ mà ngộ độc thực phẩm có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, thường thấy nhất là:
- Buồn nôn và nôn, kèm theo đau bụng và tiêu chảy cấp.
- Sốt cao, chảy mồ hôi.
- Các cơ mệt mỏi và thậm chí là đau đến mức không thể vận động bình thường.
- Người ớn lạnh, sởn gai ốc.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Có trường hợp còn bị đau tức ngực khó thở.
Ngoài ra, người bị ngộ độc thực phẩm cũng có những triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Vậy, khi gặp tình trạng này, bạn nên gặp bác sĩ khi nào? Thông thường người bệnh nên đến ngay trung tâm y tế nếu có những dấu hiệu nghiêm trọng sau:
- Nôn mửa liên tục.
- Bị nôn ra máu hoặc đi tiểu tiện, đại tiện ra máu
- Bị tiêu chảy kéo dài liên tục hơn 3 ngày
- Bị đau bụng dữ dội, đi đại tiện mất kiểm soát.
- Nhiệt độ ở trong khoang miệng cao hơn 38,6 độ C
- Cơ thể bị mất nước: Khô miệng, mắt trũng, tiểu ít hoặc không tiểu, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn.
- Thị lực kém đi.
- Các cơ bị đau, ngứa.
- Tay, chân cóng lạnh hơn.
- Thở gấp liên tục hoặc thở hụt hơi.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thức ăn
Ngộ độc thực phẩm dạng nặng nếu không được sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, tìm hiểu kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc là việc làm vô cùng cần thiết.
Khi bản thân hoặc người thân có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thì chúng ta cần bình tĩnh và thực hiện tuần tự các bước sơ cứu như sau:
- Gây nôn
Đây là bước sơ cứu đầu tiên, giúp người bệnh loại bỏ những thức ăn gây ngộ độc ra ngoài. Với cách này, bạn hãy rửa sạch tay rồi móc vào lưỡi, họng để kích thích gây nôn. Thực hiện cho đến khi những thức ăn bị đào thải hoàn toàn. Chú ý, trong khi gây nôn, người bệnh cần được đặt nằm nghiêng, gối cao đầu để tránh hiện tượng thức ăn, nước uống trào ngược vào phổi gây sặc.
Trong trường hợp người bị ngộ độc không thể nôn được thì sẽ cần uống than hoạt tính. Tác dụng của loại than này khi được dung nạp vào cơ thể sẽ giúp hút các chất độc và ngăn không cho chúng thấm vào máu. Bên cạnh đó với trường hợp người bị ngộ độc đã hôn mê thì chúng ta không nên thực hiện sơ cứu bằng cách gây nôn vì sẽ dễ gây sặc dẫn đến ngạt thở và tử vong.
- Uống nước
Bước sơ cứu quan trọng thứ hai đó là cho người bệnh uống thật nhiều nước. Bởi người bị ngộ độc thực phẩm rất dễ bị mất nước do nôn, đi tiểu tiện, đại tiện nhiều lần hay sốt cao, ra mồ hôi.
Đối với việc “ngộ độc thực phẩm nên uống gì” thì các bác sĩ khuyên rằng nên sử dụng nước lọc. Bên cạnh đó, việc uống nước điện giải hoặc nước gạo rang cũng là cách rất tốt để bù nước cho cơ thể người bệnh.
- Gọi cấp cứu
Để đảm bảo an toàn nhất, bạn nên gọi cấp cứu theo số 115 hoặc trực tiếp đưa bệnh nhân bị ngộ độc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và theo dõi. Bởi mặc dù đã tiến hành sơ cứu, song bệnh nhân vẫn có khả năng gặp những biến chứng nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Lưu ý khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngoài các biện pháp sơ cứu, khi bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cũng nên lưu ý một số vấn đề quan trọng như:
- Trường hợp bị ngộ độc gây tiêu chảy thì không nên dùng thuốc hãm lại, mà hãy để cơ thể tiếp tục đào thải chất độc ra ngoài.
- Khi sơ cứu xong mà vẫn thấy người bị ngộ độc chưa bình phục mà còn có biểu hiện tím tái thì nên đưa tới cơ sở y tế ngay lập tức.
- Nên ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và có chứa nhiều lợi khuẩn.
- Chúng ta nên giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, bao gồm cả nhãn mác, bao bì. Điều này sẽ giúp ích cho quá trình điều ra nguyên nhân và truy cứu trách nhiệm.
- Trong trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tập thể thì cần thông báo đến chúng quyền địa phương để có đủ nguồn nhân lực ứng cứu kịp thời. Đồng thời, việc làm này cũng giúp ngăn chặn tình trạng ngộ độc tiếp tục tiếp diễn cơ khu vực.
Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong cuộc sống
Trong xã hội hiện đại khi mà lợi ích cao hơn đạo đức thì tình trạng thực phẩm bẩn, chứa chất độc hại ngày càng nhiều. Chính vì vậy, để bảo vệ chính bản thân cũng như người thân trong gia đình trước nguy cơ bị ngộ độc thì bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng tránh như:
- Chỉ mua thực phẩm tươi sống, tại cơ sở bán uy tín, có nguồn gốc rõ ràng.
- Chú ý hạn sử dụng và cả màu sắc, mùi vị, hình dạng thực phẩm có bị biến đổi hay không.
- Bảo quản thức ăn đúng cách, thường xuyên lau dọn tủ lạnh.
- Không ăn thực phẩm chín đã để lâu qua nhiều ngày.
- Luôn ăn chín, uống sôi.
- Dụng cụ chế biến thực phẩm, đồ ăn phải được đảm bảo sạch sẽ.
- Khi ăn hàng quán, nên chọn nhà hàng uy tín, đảm bảo VSATTP.
- Chú ý sát khuẩn tay trước khi ăn.
Việc sử dụng thực phẩm bẩn, không hợp vệ sinh đều có thể gây nên tình trạng ngộ độc. Hiểu rõ được nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách sơ cứu và biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm là điều quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và toàn xã hội.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!