Ho có đờm
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênHo có đờm là tình trạng người bệnh bị ho dai dẳng, kéo dài và xuất hiện các dịch đờm trong cổ họng. Tình trạng này có thể gặp phải ở cả trẻ em và người lớn, là dấu hiệu điển hình của các vấn đề về hệ hô hấp.
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm là tình trạng người bệnh bị ho kết hợp với việc xuất tiết đường hô hấp như dịch nhầy, bạch cầu mủ hoặc hồng cầu. Đờm được tống ra khỏi cơ thể từ phế nang, phế quản, hốc mũi, họng hoặc xoang trán.
Tình trạng ho có đờm lâu ngày không thể đánh giá là tình trạng mãn tính hay cấp tính. Đây là một trong những dấu hiệu điển hình của các bệnh lý hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm amidan, cảm cúm, lao phổi, viêm xoang…Các cơn ho có đờm thường có triệu chứng nặng hơn về đêm. Người bệnh có thể ho có đờm trắng, ho có đờm vàng hoặc ho có đờm xanh kéo dài.
Nguyên nhân gây ho có đờm
Hầu hết các nguyên nhân gây ra tình trạng này đều liên quan đến các bệnh lý về hô hấp. Các nguyên nhân gây ho có đờm điển hình có thể kể đến là:
- Do viêm phổi: Khi bị viêm phổi, người bệnh có triệu chứng ho nhiều hơn đi kèm với biểu hiện tức ngực, khạc đờm.
- Do lao phổi: Tình trạng ho sẽ xuất hiện liên tục, người bệnh xuất tiết qua họng các chất nhầy màu trắng đục kèm triệu chứng sốt về chiều tối.
- Do viêm phế quản: Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng ho khan, sau đó kéo theo tình trạng ho có dịch đờm.
- Cảm cúm: Triệu chứng điển hình của tình trạng này là ho có đờm sổ mũi. Tình chất đờm lỏng và thường không có màu.
- Giãn phế quản: Người bệnh ho nhiều vào sáng sớm, dịch đờm có thể có màu vàng đục và đặc quánh.
- Viêm nhiễm đường thở: Khi đường thở bị viêm nhiễm, niêm mạc phế quản hoặc phổi có khả năng bị thu hẹp lại dễ dẫn tới xuất tiết đờm và ho nhiều ngày không khỏi.
- Ngoài ra, yếu tố môi trường cũng có thể ảnh hưởng tới tình trạng bệnh và tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể gây viêm nhiễm đường hô hấp dẫn tới ho.
Các triệu chứng
Do nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là từ các bệnh lý về đường hô hấp nên các triệu chứng khá giống với bệnh hô hấp thông thường. Người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện bệnh sau:
- Có cảm giác nặng ở ngực, vướng víu cổ họng.
- Họng có chất nhầy màu trắng, vàng đục hoặc có màu xanh. Người bệnh thường ho nhiều về sáng sớm và ban đêm.
- Có thể đi kèm với tình trạng sốt ngắt quãng, ban đêm bị đổ mồ hôi lạnh.
- Có thể bị ho có đờm lẫn máu khi niêm mạc họng bị tổn thương.
- Các cơn ho khiến người bệnh thường xuyên bị đau tức ngực, thở khó và thở nhanh, gấp.
- Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon miệng và sụt cân.
Ho có đờm có nguy hiểm không?
Tình trạng ho có đờm kéo dài liên tục trên 3 tuần có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm cho người bệnh. Người bị bệnh ho có đờm có thể phải đối mặt với các biến chứng sau đây:
- Biến chứng bệnh đường hô hấp cấp: Các cơn ho có đờm có thể kéo dài khiến xoang mũi bị bít tắc, cản trở đường thở. Khi đó, người bệnh có thể gặp phải các bệnh lý hô hấp cấp như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản hoặc viêm xoang.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Tình trạng này có thể gây khó thở cho người bệnh do đường thở bị thu hẹp. Các triệu chứng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn.
- Bệnh lao phổi: Ho và xuất hiện dịch đờm có thể là biểu hiện của bệnh lao phổi. Khi tình trạng nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị áp xe phổi, xuất hiện mủ trong phổi và đờm có mùi hôi. Tình trạng này có thể gây suy hô hấp dẫn tới tử vong.
Cách điều trị
Hiện nay, người bệnh có thể điều trị tình trạng ho có đờm bằng nhiều phương pháp. Trước khi điều trị, người bệnh cần được chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp.
Tây y điều trị ho có đờm
Việc sử dụng thuốc Tây y trị ho là phương pháp điều trị rất phổ biến. Sau khi đánh giá bệnh lý và tình trạng của người bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc sau:
- Terpin hydrat: Giúp long đờm, loãng dịch nhầy ở phế quản. Thuốc này được sử dụng trong vòng 3 đến 5 ngày.
- Bromhexin hydroclorid: Có tác dụng điều hòa đường hô hấp là tiêu đờm. Người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa trong 10 ngày.
- Acetylcystein: Có tác dụng giảm độ đặc của đờm và giúp tống đờm ra ngoài.
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh có thể sử dụng máy hút đờm để giúp thông thoáng đường thở và làm sạch vi khuẩn trong vùng họng cũng như khoang mũi. Ngoài ra, có thể sử dụng máy khí dung để đưa thuốc điều trị vào cơ thể để hấp thụ tốt hơn.
Cách điều trị tại nhà
Bên cạnh hai phương pháp trên, người bệnh hoàn toàn có thể tự cải thiện tình trạng ho bằng cách áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà sau đây:
- Sử dụng gừng tươi: Gừng cạo vỏ, rửa sạch và giã nhuyễn sau đó lọc lấy nước và trộn với mật ong uống hàng ngày.
- Chanh đào trị ho: Chuẩn bị từ 1 đến 2 quả chanh đào, vắt lấy nước và trộn với mật ong nguyên chất, uống từ 2 đến 4 lần mỗi ngày.
- Tỏi: Người bệnh có thể ăn trực tiếp tép tỏi tươi hoặc đập dập tỏi, trộn với mật ong và hấp cách thủy ăn hàng ngày.
- Sử dụng lá húng chanh: Lấy một nắm lá húng chanh, để ráo nước và xay nhuyễn, thêm đường phèn rồi hấp cách thủy trong 10 phút. Sử dụng để ăn hàng ngày.
- Lá diếp cá trị ho: Người bệnh rửa sạch lá diếp cá, ngâm nước muối loãng và giã nhuyễn, lọc lấy nước cốt uống mỗi ngày.
Những lưu ý khi điều trị ho có đờm
Để việc điều trị bệnh đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh không chỉ cần nắm vững phương pháp điều trị mà còn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Cần vệ sinh tai mũi họng thật sạch sẽ bằng nước muối ấm hàng ngày.
- Vệ sinh môi trường sống xung quanh và bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường.
- Không tiếp xúc với những người đang có bệnh lý hô hấp.
- Người bệnh cần điều trị triệt để các bệnh hô hấp.
- Có chế độ ăn uống khoa học và giữ tinh thần thoải mái.
- Điều trị bệnh theo đúng phác đồ, không tự ý dùng thuốc.
- Người bệnh nên tắm nước ấm hàng ngày.
- Khi có triệu chứng ho kéo dài cần đến bệnh viện để được kiểm tra.
Trên đây là những thông tin về tình trạng ho có đờm người bệnh có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như biết cách điều trị, theo dõi phù hợp. Việc điều trị cần kiên trì để có hiệu quả tốt nhất.
CÙNG CHỦ ĐỀ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!