Kinh Nguyệt Không Đều Ở Tuổi Dậy Thì Và Cách Khắc Phục
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênKinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là vấn đề thường gặp và phần lớn đều không đáng lo ngại. Tình trạng này thường kéo dài trong khoảng 1 – 2 năm đầu sau khi có kinh do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này kéo dài kèm theo những dấu hiệu bất thường khác thì bạn nên có sự can thiệp y tế để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản về sau. Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nhất Nam Y Viện để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì là gì?
Kinh nguyệt là hiện tượng lớp niêm mạc tử cung bong ta, rồi được đào thải ra khỏi cơ thể qua âm đạo. Quá trình thay đổi nội tiết tố này mang tính chu kỳ hàng tháng, bắt đầu khi các bé gái bước vào giai đoạn dậy thì (trung bình là 12 – 16 tuổi).
Kinh nguyệt sẽ lặp lại hàng tháng và duy trì đến khi phụ nữ bước sang giai đoạn mãn kinh, thường là 51 tuổi. Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài 28 ngày, nhưng cũng có những trường hợp chu kỳ kinh nguyệt ngắn từ 24 ngày hoặc kéo dài tới 38 ngày và vẫn được xem là bình thường. Thời gian hành kinh theo phần lớn chị em sẽ kéo dài khoảng 3 – 5 ngày. Lượng máu kinh ở mỗi chu kỳ của từng người là khác nhau, dao động trong khoảng 50 – 150ml. Máu kinh ở người khỏe mạnh sẽ có màu đỏ tươi, không mùi nồng hay bị hôi tanh.
Vậy kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là gì? Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì chính là tình trạng số ngày kinh – lượng máu kinh diễn ra không theo chu kỳ bình thường như đã nêu trên. Các chị em có thể có chu kỳ kinh nguyệt sớm hoặc muộn hơn, số ngày kinh ngắn hoặc dài hơn, lượng máu kinh ra quá ít hoặc quá nhiều,…
Như đã đề cập, kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên, diễn ra theo chu kỳ nhất định ở nữ giới khi bước tới tuổi dậy thì. Những trường hợp mới xuất hiện kinh nguyệt, chu kỳ kinh thường có những biến đổi lớn nên khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều. Tùy theo thể chất ở từng cá nhân mà kinh nguyệt có thể tới sớm hoặc muộn hơn (sớm nhất là 8 tuổi và muộn nhất là 16 tuổi). Nếu con bạn đã bước qua tuổi 16 nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt hãy đưa bé tới khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân.
Tại sao kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì?
Nguyên nhân kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì chủ yếu xuất phát từ những yếu tố sau đây:
- Thay đổi nội tiết tố nữ: Ở tuổi dậy thì, cơ thể các bạn nữ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Cơ quan sinh dục, đặc biệt là buồng trứng chưa thể ổn định nên có thể khiến nồng độ hormone trong cơ thể bị mất cân bằng. Dẫn tới trứng không thể rụng hoặc không phóng noãn khiến các bạn bị chậm kinh, kinh nguyệt không đều.
- Căng thẳng, lo lắng quá mức: Do là giai đoạn bước ngoặt trong quá trình phát triển cả về thể chất và tâm sinh lý. Cộng thêm áp lực từ việc học hành, thi cử nên nhiều bạn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dẫn tới mất kinh trong thời gian dài. Chưa kể, do lần đầu có kinh nguyệt nên dễ cảm thấy hoang mang, lo lắng, chưa kịp chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho sự thay đổi nên cần thời gian để các bé làm quen.
- Tập luyện thể thao quá mức: Luyện tập thể dục, thể thao quá sức cũng khiến số ngày hành kinh giảm xuống, thậm chí là mất kinh trong nhiều tháng. Do đó, bố mẹ nên tư vấn cho các bé gái lựa chọn những bộ môn luyện tập phù hợp.
- Thói quen ăn uống thiếu khoa học: Biếng ăn, hay bỏ bữa, ăn nhiều đồ ăn được chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ,… vừa không tốt cho sức khỏe, lại cung cấp ít chất dinh dưỡng cho cơ thể. Từ đó dẫn tới tình trạng cơ thể bị suy nhược, thiếu dưỡng chất và gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Bên cạnh đó, tình trạng thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân khiến nhiều bạn nữ có kinh nguyệt không đều.
- Các bệnh lý phụ khoa: Viêm nhiễm phụ khoa, đa nang buồng trứng là những bệnh lý phổ biến khiến các bạn nữ dễ bị rối loạn kinh nguyệt. Ngoài tình trạng kinh nguyệt hàng tháng không đều, nếu thấy trẻ có biểu hiện da nhờn, có mụn trứng cá, dễ tăng cân, tâm trạng thay đổi thất thường, đau bụng kinh dữ dội,… thì cha mẹ nên đưa các bé tới bệnh viện uy tín để thăm khám và can thiệp y tế kịp thời.
Kinh không đều ở tuổi dậy thì có sao không?
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có sao không là vấn đề thắc mắc của nhiều bé gái và bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này. Được biết, chu kỳ kinh nguyệt hoạt động phụ thuộc vào hệ trục vàng của tuyến yên, buồng trứng và vùng đồi dưới. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận này mà chu kỳ kinh nguyệt có thể diễn ra điều đặn.
Với bạn nữ trong giai đoạn dậy thì, cơ quan sinh dục nữ vẫn đang hoàn thiện nên hoạt động của hệ trục này có thể bị rối loạn. Vậy nên có thể khiến kinh nguyệt bị rối loạn trong khoảng 1 – 2 năm đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn thấy tình trạng kinh nguyệt không đều kéo dài thường xuyên thì nên tới bệnh viện thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và tiến hành điều trị. Bởi những dấu hiệu bất thường này có thể cảnh báo tới khả năng sinh sản của bé gái trong tương lai cũng như nhiều hệ lụy khác tới sức khỏe.
Khi nào cần thăm khám bác sĩ?
Cha mẹ cần cho các bé gái dậy thì có kinh nguyệt không đều đi khám nếu bé rơi vào những trường hợp sau đây:
- Bé có kinh lần đầu nhưng sau đó ngừng kinh trong khoảng thời gian dài.
- Trẻ hành kinh kéo dài hơn 7 ngày kèm theo hiện tượng chảy máu nặng, phải thay băng vệ sinh liên tục.
- Bé có kinh thường xuyên – chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.
- Độ dài chu kỳ kinh nguyệt trên 45 ngày.
- Trẻ bị đau bụng dữ dội, chuột rút, buồn nôn, nôn mỗi khi đến kỳ kinh.
- Vùng kín bị ngứa ngáy, sưng đỏ, máu kinh có màu lạ và có mùi hôi.
- Vùng kín của bé tiết dịch, khí hư bất thường.
- Trẻ cáu gắt bất thường giữa các kỳ kinh hoặc đã có kinh 3 năm trở nên nhưng kinh nguyệt lại không đều.
Thông thường ở những trường hợp này, các bác sĩ sẽ thăm khám và kê toa thuốc nội tiết, bổ sung sắt cho trẻ. Hoặc kê đơn thuốc đặc trị nếu phát hiện tình trạng kinh nguyệt không đều trong giai đoạn dậy thì là do bệnh lý. Lúc này cha mẹ cần đảm bảo các bé tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc thay đổi lối sống, sử dụng thuốc để giúp kỳ kinh trở nên đều đặn hơn.
Cách chữa kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì kinh nguyệt không đều mặc dù là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, các bạn nữ không nên chủ quan, bởi đây vẫn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Dưới đây là những biện pháp an toàn, hữu ích giúp bạn cải thiện nhanh chóng tình trạng kinh không đều ở tuổi dậy thì. Chi tiết như sau:
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Chu kỳ kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có thể xảy ra do bị căng thẳng, rối loạn tâm lý, chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học,… Do đó, để cải thiện tình trạng này, mọi người cần chú ý hơn tới thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng như cách kiểm soát tâm lý của bản thân. Những thói quen tốt mà bạn nên duy trì mỗi ngày để có được kỳ kinh nguyệt ổn định gồm có:
- Nói không với chất kích thích, thuốc lá và những đồ uống, thực phẩm có hại khác.
- Ngủ đủ giấc, trung bình là 7 – 8 tiếng mỗi ngày, không thức khuya, trước khi ngủ nên tránh vận động mạnh hoặc sử dụng điện thoại hay thiết bị điện tử khác.
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày với những bài tập có cường độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, yoga, bóng rổ,…
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất
Có thể nói, xây dựng chế độ ăn uống khoa học là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng hành kinh không đều ở tuổi dậy thì. Bởi chúng ta đều biết rằng, chế độ ăn uống hàng ngày không chỉ giúp cung cấp nguồn năng lượng nuôi sống cơ thể, làm còn tăng khả năng miễn dịch, đảm bảo các hoạt động của cơ thể. Để có một chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng, các bạn cần:
- Ăn nhiều rau xanh, các loại ngũ cốc, trái cây, nhất là đậu nành – thực phẩm giúp tăng cường nội tiết tố ở nữ giới.
- Ưu tiên sử dụng những thực phẩm có chứa hàm lượng sắt cao như thịt gà, thịt bò, gan, nghệ, cá, củ cải, hạt óc chó,… Bởi những thực phẩm này đều có khả năng thúc đẩy tái tạo hồng cầu, ngăn tình trạng thiếu máu do rong kinh, cường kinh kéo dài liên tục.
- Các bạn nữ nên uống 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể loại bỏ độc tố, bài tiết và vận chuyển chất dinh dưỡng vào cơ thể hiệu quả hơn. Uống đủ nước mỗi ngày còn giúp điều hòa kinh nguyệt, tăng lượng máu kinh và cải thiện hiệu quả tình trạng kinh nguyệt ra ít, có màu có bất thường.
- Mặt khác, cần tránh uống bia rượu, cà phê, ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ cay nóng,….
- Hãy ăn uống đủ bữa, đúng giờ, không nhịn ăn, bỏ bữa hay ăn quá no,…
Kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì nên chú ý tới cách vệ sinh “cô bé”
Bước đến độ tuổi dậy thì, các bé gái chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vệ sinh vùng kín đúng cách. Do đó, có không ít trường hợp bị viêm nhiễm hoặc mắc bệnh phụ khoa như viêm âm đao, rối loạn kinh nguyệt, viêm cổ tử cung,…. Nếu bạn cũng đang rơi vào trường hợp này, có thể tham khảo cách chăm sóc “cô bé” đúng cách theo hướng dẫn sau đây:
- Đầu tiên cần đảm bảo vệ sinh “cô bé” hàng ngày từ 1 – 2 lần với nước sạch hoặc dùng dung dịch vệ sinh làm sạch có độ pH dịu nhẹ, an toàn và phù hợp với lứa tuổi.
- Trong quá trình vệ sinh vùng kín, tránh thụt rửa quá sâu vào âm đạo vì có thể khiến virus, nấm, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Cần thay đồ lót mỗi ngày, giặt ngay sau khi thay xong, đồng thời phới dưới ánh nắng để tiêu diệt nấm men, vi khuẩn tích tụ trên quần.
- Ở những ngày “đèn đỏ”, mọi người cần thay băng vệ sinh sau 3 – 4 giờ sử dụng, ngay cả khi chỉ ra một lượng máu kinh nhỏ. Điều này vừa tránh gây mùi hôi cũng như hạn chế nguy cơ tích tụ vi khuẩn, vi nấm hình thành bệnh lý.
- Chọn trang phục thoải mái, có chất liệu thấm hút mồ hôi, tránh mặc đồ bó sát, đồ còn ướt gây ngứa ngáy vùng kín,….
- Sau khi tắm xong, bạn lau khô vùng kín nhẹ nhàng sau đó mới mặc đồ.
Sử dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng
Rất nhiều người chọn cách điều trị chứng rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì bằng việc dùng thuốc. Việc sử dụng thuốc sẽ chủ yếu hướng tới những nhóm đối tượng bị thiếu máu, thống kinh để làm giảm cảm giác khó chịu trong kỳ kinh. Đồng thời cũng góp phần hạn chế tình trạng rối loạn, kinh nguyệt ra ít hoặc ra quá nhiều một cách hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cha mẹ hoặc các bạn nữ không tự ý mua về sử dụng để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Cách phòng tránh kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Để phòng tránh tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 15, kinh nguyệt không đều ở tuổi 13 hay bất kỳ độ tuổi nào khác, các bạn cần:
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng để tạo nên sự ổn định cho sức khỏe. Có vậy mới giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn, thuận lợi hơn. Cụ thể, bạn nên tích cực ăn những thực phẩm lành mạnh có chứa khoáng chất, vitamin từ rau củ, quả, các loại hạt,… Tránh ăn đồ chiên rán, cay nóng và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn trong giai đoạn dậy thì.
- Không thức khuya, bởi đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng rối loạn nội tiết tố. Khi hàm lượng nội tiết tố trong cơ thể bị mất cân bằng sẽ ảnh hưởng tới thời gian rụng trứng, khiến kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược, thiếu sức sống. Với những bạn nữ đang ở trong giai đoạn dậy thì, hãy cố gắng ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, ngủ sớm và ngủ sâu giấc nhất có thể.
- Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ học tập căng thẳng. Bên cạnh thời gian học, làm việc, bạn nữ cũng nên tạo cho bản thân không gian thoải mái, vui vẻ với các hoạt động giải trí nhẹ nhàng để tránh gây ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.
- Rèn luyện thể dục, thể thao là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người nếu muốn có sức khỏe tốt. Ở độ tuổi này, các bé gái nên chọn những bộ môn phù hợp để tập luyện nhằm tăng cường lưu thông máu, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và cân bằng nội tiết tố.
- Đừng quên vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thăm khám phụ khoa thường xuyên nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu sinh lý bất thường.
- Tránh quan hệ tình dục quá sớm, nhất là khi chưa đủ 18 tuổi.
Tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì sẽ không còn là mối bận tâm quá lớn nếu bạn đọc nắm được những thông tin đã chia sẻ phía trên. Tuổi dậy thì là giai đoạn khá nhạy cảm với các bé gái, vậy nên cha mẹ cần chú trọng trong việc chăm sóc và giáo dục giới tính cho con. Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết này sẽ mang tới những kiến thức hữu ích dành cho độc giả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!