Rối Loạn Kinh Nguyệt Tiền Mãn Kinh Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênBước qua tuổi 40, cơ thể chị em phụ nữ sẽ có những thay đổi tiêu cực cả về sức khỏe, sinh lý, tâm trạng lẫn sắc đẹp,… Bất cứ sự thay đổi nào trong thời kỳ này cũng khiến chị em cảm thấy lo lắng, phiền lòng, nhất là tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh. Vậy rối loạn kinh nguyệt trong giai đoạn mãn kinh có nguy hiểm không, làm cách nào để khắc phục? Nội dung chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết về những thắc mắc này.
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh là gì?
Trước khi mãn kinh, phụ nữ sẽ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài từ 2 – 5 năm. Ở khoảng thời gian này, nồng độ các hormone sinh dục trong cơ thể người phụ nữ sẽ dần bị suy giảm. Hai hormone chính đảm nhận chức năng điều hòa, kích thích hoạt động của buồng trứng là LS và FSH tăng lên, làm xuất hiện một số thay đổi, trong đó có hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.
Tiền mãn kinh thường xuất hiện vào sau độ tuổi 40 nhưng tùy theo cơ địa, lối sống, tình trạng này có thể đến sớm hoặc muộn hơn. Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể xảy ra trong khoảng 4 năm trước kỳ mãn kinh và chúng cũng có sự khác nhau ở từng người.
Theo đó, rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh là thuật ngữ dùng để chỉ những hiện tượng bất thường liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ tiền mãn kinh. Cụ thể là số ngày hành kinh, lượng máu kinh, hiện tượng rong kinh, vô kinh, cường kinh,… Nguyên nhân chính khiến phụ nữ tiền mãn kinh bị rối loạn kinh nguyệt là do sự suy giảm nội tiết tốt. Trong trường hợp chị em mất kinh trong 3 tháng liên tiếp thì nên đi khám sức khỏe để phòng ngừa nguy cơ mắc phải bệnh lý nguy hiểm.
Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu thường thấy khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh ở người phụ nữ sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Giảm dần lượng máu kinh: Mỗi kỳ kinh, chị em sẽ mất khoảng 50 – 80ml máu nhưng khi tới giai đoạn tiền mãn kinh, lượng máu kinh sẽ giảm xuống còn 50ml. Thậm chí có những trường hợp còn bị vô kinh, kèm theo đó là tình trạng máu có màu sẫm. Khi lượng máu kinh giảm dần, nghĩa là bạn đang bước đến giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh hoàn toàn.
- Thay đổi độ dài chu kỳ kinh nguyệt: Lúc này chị em sẽ thấy khoảng cách giữa các kỳ kinh kéo dài, có thể là từ 40 – 50 ngày hoặc hơn. Nếu khoảng cách giữa các kỳ kinh kéo dài trên 60 ngày, chị em có thể đang ở giai đoạn cuối của kỳ kinh nguyệt.
- Rong kinh tiền mãn kinh: Tình trạng rối loạn kinh nguyệt này tương đối nguy hiểm nên cần được can thiệp điều trị sớm. Nếu nhận thấy có những biểu hiện như máu kinh ra nhiều, phải thay băng liên tục, nhất là vào ban đêm. Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày, chu kỳ diễn ra thường xuyên dưới 21 ngày, có cục máu đông. Đau bụng dữ dội, đau âm ỉ hoặc cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, khó thở,… thì cần tới bệnh viện ngay.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh thường có liên quan mật thiết tới vấn đề nội tiết tố. Hoạt động của hệ trục vàng não bộ – buồng trứng – tuyến yên ở phụ nữ lúc này đều bị suy giảm. Hàm lượng nội tiết tố progesterone, estrogen, testosterone sản xuất không khiến các nhu cầu của cơ thể không được đáp ứng. Từ đó gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt với những triệu chứng như trên.
Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt thời kỳ tiền mãn kinh còn có thể bắt nguồn từ những bệnh lý như suy giảm chức năng buồng trứng, bệnh tuyến yên, tuyến giáp, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc, ung thư cổ tử cung,… Tâm lý căng thẳng hoặc do ảnh hưởng từ việc sử dụng thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai.
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh có nguy hiểm không?
Mặc dù người phụ nữ nào bước tới tuổi tiền mãn kinh đều bị rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý. Kinh nguyệt không đều ít nhiều đều có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đời sống sinh hoạt của chị em phụ nữ. Với những trường hợp nghiêm trọng, rối loạn kinh nguyệt còn gây vô sinh hay những bệnh nguy hiểm:
- Tác động xấu tới sắc đẹp: Da dẻ nhợt nhạt, dễ bị nám, hình thành mụn do rối loạn nội tiết cũng như kinh nguyệt không đều. Lúc này, chị em sẽ thấy da xuất hiện nhiều nếp nhăn ở vùng trán, khóe mắt, miệng. Cơ thể cũng trở nên “xồ xề”, kém thon hơn trước, đặc biệt là ở vùng bụng và mông.
- Ảnh hưởng tới chuyện chăn gối: Nếu vô kinh khiến âm đạo khô rát thì rong kinh lại khiến các cặp vợ chồng không thể quan hệ. Chưa kể, nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi khiến chị em dần mất hứng thú với chuyện quan hệ.
- Dễ bị mệt mỏi: Chị em sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi do hiện tượng cường kinh, rong kinh gây ra. Do mất máu nhiều, chị em có thể bị chóng mặt, đau đầu, thường xuyên buồn ngủ nhưng lại bị mất ngủ về đêm. Bên cạnh đó, chị em còn có cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng, dễ nổi nóng và hay suy nghĩ tiêu cực.
- Mắc bệnh phụ khoa: Rối loạn, rong huyết trong nhiều ngày sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển. Bởi môi trường âm đạo dưới sự ảnh hưởng của máu, lớp niêm mạc bong tróc sẽ khiến vi nấm, vi khuẩn tăng sinh. Cộng thêm việc chị em vệ sinh vùng kín không đúng cách, không cẩn thận rất dễ mắc phải các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Điều trị rối loạn kinh nguyệt do tiền mãn kinh
Trong trường hợp bạn thấy kỳ kinh có những dấu hiệu bất thường, kèm theo các triệu chứng khác lạ thì nên tới bệnh viện thăm khám. Sau khi được thực hiện các xét nghiệm, có kết quả chẩn đoán cụ thể về nguyên nhân, chị em sẽ được hướng dẫn điều trị chi tiết.
Với những đối tượng bị rối loạn kinh nguyệt không phải bệnh lý, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng để cải thiện tình trạng. Thông thường để giải quyết các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt do tiền mãn kinh gây ra, bác sĩ sẽ kê cho bạn những loại thuốc sau:
- Thuốc bổ sung sắt nhằm tránh tình trạng thiếu máu do rong kinh kéo dài.
- Thuốc tránh thai.
- Thuốc ngăn ngừa xuất hiện cục máu đông, chống tiêu sợi huyết.
- Thuốc giảm đau.
- Liệu pháp hormone tổng hợp để làm giảm rối loạn nội tiết tố, hỗ trợ cải thiện tình trạng rong kinh, cường kinh, vô kinh.
Ở cách điều trị này, chị em cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc. Không tự ý dùng hay kết hợp các loại thuốc với nhau, tăng – giảm liều lượng hoặc lạm dụng thuốc. Nếu có bất cứ vấn đề nào bất thường, hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn xử lý.
Còn nếu rối loạn kinh nguyệt do bệnh phụ khoa, với tình trạng nghiêm trọng chị em sẽ cần tiến hành điều trị ngoại khoa theo chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn như:
- Nội soi buồng tử cung nhằm triệt tiêu các khối u, polyp xuất hiện bất thường ở bộ phận này.
- Phẫu thuật tiến hành nạo loại bỏ niêm mạc tử cung để tránh bị mất máu do rong kinh, cường kinh.
- Cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn nội mạc tử cung để hạn chế máu kinh ra nhiều.
- Cắt tử cung với những đối tượng bị ung thư tử cung, u xơ tử cung phức tạp và không có nhu cầu sinh con.
Trước khi tiến hành điều trị ngoại khoa, các bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên nhiều vấn đề cũng như tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Loại hình phẫu thuật sẽ được quyết định dựa vào nhu cầu của người bệnh và điều kiện tài chính của gia đình.
Biện pháp khắc phục rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Để cải thiện và hạn chế ảnh hưởng do rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, bạn có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục dưới đây:
Xây dựng chế độ ăn uống
Những chị em có chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo – cân đối nguồn dinh dưỡng thường trải qua thời kỳ tiền mãn kinh nhẹ nhàng hơn. Các chuyên gia khuyến cáo, ở giai đoạn này, chị em nên ăn ít thịt hơn trước. Thay vào đó hãy dung nạp nhiều rau xanh, ngũ cốc, trái cây, thực phẩm chứa canxi, thực phẩm có chứa nhiều axit béo lành mạnh, sản phẩm từ đậu nành hoặc cỏ đinh lăng để tăng cường bổ sung estrogen tự nhiên.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Hãy điều chỉnh chế độ nghỉ ngơi – làm việc hợp lý, tránh thức khuya hoặc ngủ thiếu giấc. Tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng là một trong những cách giúp khắc phục rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.
Thêm vào đó, chị em cũng cần hạn chế sử dụng chất kích thích, nhất là rượu bia, thuốc lá, cà phê, nước ngọt có ga.
Giữ tâm lý thoải mái
Chị em bước tới độ tuổi mãn kinh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Trong trường hợp vẫn đi làm, chị em nên làm việc – sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, trong lành và ít căng thẳng nhất có thể. Hãy nghĩ tới những chuyện làm bản thân vui vẻ, để sống tích cực và lạc quan hơn.
Nếu bạn không cân bằng được cảm xúc, hãy bình tĩnh trò chuyện với mọi người hoặc bật một bản nhạc mà bạn yêu thích để ổn định lại tâm trạng.
Thuốc tránh thai
Tuổi tiền mãn kinh là giai đoạn chuẩn bị kết thúc cho quá trình sinh nở. Mặc dù ở độ tuổi này chị em sẽ có nguy cơ mang thai thấp hơn so với thời kỳ trước đó, tuy nhiên để hạn chế có thai ngoài ý muốn, nhiều chị em vẫn sử dụng thuốc tránh thai.
Nếu bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh, bạn không nên lạm dụng loại thuốc này. Bởi thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, làm ảnh hưởng tới hoạt động nội tiết trong cơ thể. Vì thế, chị em nên tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ để tìm ra biện pháp tránh thai phù hợp và an toàn hơn.
Thăm khám định kỳ
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo định kỳ 6 tháng 1 lần là điều cần thiết để sớm phát hiện những bệnh phụ khoa bất thường. Đồng thời cũng giúp bạn hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực từ tình trạng rối loạn kinh nguyệt do tiền mãn kinh gây ra.
Mong rằng với những chia sẻ phía trên sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh. Từ đó có thêm sự hiểu biết, kinh nghiệm để trải qua giai đoạn này một cách thuận lợi, dễ chịu, thoải mái hơn. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được giải đáp chi tiết và chính xác nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!