Bí mật ngự y triều Nguyễn – Kỳ 1: Khám chữa bệnh cho vua
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênTừ năm 2012 đến nay, Hội Đông y Thừa Thiên – Huế đã tiếp cận và giải mã kho tư liệu châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội). Từ đó, nhiều bí mật về cuộc sống, công việc, vinh nhục của các quan ngự y cũng như bệnh tật của các vua Nguyễn đã phần nào hé lộ.
Thái y viện triều Nguyễn
ThS – lương y Phan Tấn Tô, Phó chủ tịch thường trực Hội Đông y Thừa Thiên – Huế, cho biết từ năm 2012 đến nay, Hội Đông y Thừa Thiên – Huế đã chủ trì thực hiện đề tài khoa học Thu thập, biên dịch và đề xuất hướng sử dụng các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn. Để thực hiện đề tài này, ông Phan Tấn Tô cùng các cộng sự thuộc Hội Đông y Thừa Thiên-Huế đã vào các thư viện, trung tâm lưu trữ quốc gia ở TP.HCM, Đà Lạt và Hà Nội để sưu tập tài liệu Thái y viện triều Nguyễn.
Tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội), Hội Đông y đã tìm thấy hơn 300 trang châu bản về các bài thuốc của Thái y viện triều Nguyễn, có châu phê của nhà vua, chữ ký của các vị ngự y, đóng dấu Thái y viện, dấu Ngự tiền chi bảo và dấu Cơ mật viện… được lưu trữ. Qua tư liệu châu bản, cùng với những ghi chép trong sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (Quốc sử quán triều Nguyễn) và nhiều tư liệu lịch sử liên quan khác đã cho thấy cơ cấu bộ máy tổ chức Thái y viện, quy trình khám bệnh, bốc thuốc cho nhà vua, hoàng thân quốc thích, cung tần, mỹ nữ cùng quan lại trong triều đình nhà Nguyễn.
Thái y viện triều Nguyễn được hình thành từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đến tháng tư năm Giáp Tý (1804) cơ bản được hoàn chỉnh. Cơ sở Thái y viện ban đầu được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong kinh thành vào năm Canh Ngọ (1810). Đến thời Minh Mạng dời về phía đông Duyệt Thị đường, trong Tử Cấm thành. Năm Minh Mạng thứ nhất (1820) cơ cấu bộ máy Thái y viện mới hoàn chỉnh, đứng đầu là quan chính ngự y (hàm chánh ngũ phẩm), cấp phó có 2 người quan Phó ngự y (hàm tòng ngũ phẩm), tiếp đến là các quan y chính (12 người, hàm chánh thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), quan y phó (12 người, hàm tòng thất phẩm, bát phẩm và cửu phẩm), dưới quan y chính là quan chính y sinh (12 người, hàm chánh cửu phẩm) và phó y sinh (30 người, hàm tòng cửu phẩm); ngoại khoa, có 20 người, gồm y chính (2 người, hàm chánh bát phẩm), phó y chính (2 người, hàm tòng bát phẩm) và quan y sinh (16 người, hàm tòng cửu phẩm). Đến năm Minh Mạng thứ 10 (1829) người đứng đầu Thái y viện được nâng lên chức viện sứ, hàm chánh tứ phẩm; đến năm 1823 thì đặt thêm chức viện phán, làm công việc ghi chép sổ sách, công văn của viện.
Nghiêm ngặt quy trình khám chữa bệnh
Quy trình khám bệnh và dâng thuốc cho nhà vua được thực hiện thường xuyên, thể hiện ở châu bản dưới hình thức bản tấu. Thời Gia Long có cả thảy 94 trang châu bản ghi chép các bản tấu dâng thuốc cho nhà vua dùng.
Trước hết là quan nội giám truyền chỉ cho Thái y viện biết là vua đang mắc bệnh, “long thể bất an”. Nhận được chỉ, Thái y viện họp lại và cử người vào ngự chẩn. Những người xem mạch cho vua hay người trong cung thường được chọn trước. Như năm Minh Mạng thứ 19 (1838) chuẩn lời tâu: “Y chính Viện Thái y là Đặng Văn Giảng, Trần Duy Huân đều là người cẩn hậu, cấp cho bài ngà (thẻ bài bằng ngà voi – PV) để vào cung xem mạch”. Thời Thiệu Trị thì chọn y chính Hoàng Đức Hạ, y phó Nguyễn Văn Đường. Thời Tự Đức chọn Nguyễn Tất Cát, Lê Quang, đều là người lão thành, am hiểu mạch, được đeo bài ngà vào cung xem mạch.
Ngự chẩn xong phải giải thích biện chứng cho vua biết. Sau đó trở về viện họp nghị bàn luận trị. Sau khi “hội chẩn”, Thái y viện làm bản tấu (tờ khải) dâng tiến ngự dược, có tên, chữ ký, khuôn dấu của các ngự y, ấn triện “Thái y viện quan phòng” và tên, chữ ký, dấu triện của quan kiểm thị, cùng tên của người viết bản tấu dâng lên cho nhà vua xem. Xem xong, nhà vua có ý kiến ghi vào bằng nét son gọi là châu phê, với các nội dung là: Dĩ lãm (đã xem), hoặc Tri đạo liễu (đã biết rồi).
Các châu bản thời Gia Long cho thấy nhà vua thường châu phê dài, có tính động viên như: Đã thấy công hiệu thật sự (Dĩ kiến chân hiệu, châu bản ngày 11 tháng 11 năm Gia Long 18); hoặc một tờ khác nhà vua phê: Kính cẩn luận cho được y lý, cốt thấy được công hiệu (Kính cẩn biện lý vụ kiến công hiệu, châu bản ngày 2 tháng 12 năm Gia Long thứ 18).
Ngự y tham gia khám chữa bệnh cho vua, có khi 1 người, có khi 2 đến 4 người, hoặc nhiều hơn, tùy bệnh trạng. Người khám bệnh được chỉ định có thể là quan ngự y, cũng có thể là các quan lại khác am tường về y thuật. Các tờ châu bản còn cho thấy có khi thầy thuốc không phải là người của Thái y viện mà là một vị quan hay thầy lang ở ngoài.
Các ngự y khi khám chữa bệnh cho vua đều cho thấy một tâm thế lo sợ, kính cẩn. Trong bản tấu thường mở đầu với các cụm từ: “Chúng thần ở Thái y viện cúi đầu sát đất, trăm lạy, cẩn tấu, dâng lên đấng bề trên…”.
Theo Báo Thanh niên.
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/bi-mat-ngu-y-trieu-nguyen-kham-chua-benh-cho-vua-599666.html
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!