VIÊM CẦU THẬN

Viêm cầu thận là bệnh lý thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và được coi là bệnh lý nguy hiểm bậc nhất trong các bệnh thận. Vậy viêm cầu thận là gì, có triệu chứng và nguyên nhân như thế nào và cách điều trị ra sao?

Định nghĩa

Viêm cầu thận là bệnh lý thận xảy ra khi xuất hiện tình trạng viêm nhiễm tại các tiểu cầu thận và trong các mạch máu của thận. Cầu thận có vai trò như những bộ lọc nhỏ trong thận có nhiệm vụ lọc máu và điều tiết máu cho cơ thể, điện giải và đưa chất thải vào nước tiểu.

Do đó, khi cầu thận bị viêm sẽ làm suy thoái chức năng thận nghiêm trọng và có thể dẫn tới tình trạng suy thậnViêm cầu thận gồm hai nhóm chính là mãn tính và viêm cấp tính.

Viêm cầu thận là tình trạng viêm nhiễm tại các tiểu cầu thận và trong các mạch máu của thận

Viêm cấp tính là tình trạng xuất hiện sau khi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu hoặc nhiễm khuẩn ngoài da. Đây là một cuộc tấn công bất ngờ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh.

Viêm mãn tính tiến triển qua thời gian dài, có thể biểu hiện qua các đợt viêm cấp tính và gây ra tình trạng xơ teo cả 2 thận. Tính trạng này có thể kéo dài gây ra suy thận mãn tính không thể hồi phục.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm cầu thận. Một số nguyên nhân chủ yếu có thể dẫn tới tình trạng này là:

  • Người bệnh bị nhiễm khuẩn ngoài da hoặc viêm họng do liên cầu khuẩn tan máu beta thuộc nhóm A trong một số type gây viêm cầu thận cấp tính. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Tình trạng này có thể xảy ra sau 10 đến 15 ngày nhiễm liên cầu.
  • Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể tấn công mô thận gây hư hại chức năng thận và cầu thận.
  • Bệnh lý này là một trong những biến chứng của bệnh lý đái tháo đường.
  • Người bệnh bị xơ hóa cầu thận khu trú có thể gây ra các sẹo mô thận gây ra viêm nhiễm ở khu vực cầu thận và hội chứng thận hư.
  • Ngoài ra, một số nguyên nhân như người bệnh tăng huyết áp không kiểm soát, bị viêm nhiễm do hóa chất và thuốc điều trị hoặc do viêm mạch nhỏ dạng nút gây ra tình trạng này.

Ngoài các nguyên nhân gây bệnh, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ là:

  • Người bệnh sử dụng thuốc hoặc hóa chất ảnh hưởng tới chức năng thận.
  • Người sử dụng các loại thuốc kháng viêm không chứa steroids.
  • Trong trường hợp viêm cầu thận cấp tái phát nhiều lần có thể gây bệnh mãn tính.

Nhiễm liên cầu là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này

Triệu chứng

Các triệu chứng viêm cầu thận khá đa dạng. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến một cách lặng lẽ, không gây ra các triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể nhận biết rõ ràng qua một số triệu chứng sau đây:

Có triệu chứng phù

  • Đây là triệu chứng lâm sàng rất đặc trưng ở những người có bệnh lý về cầu thận.
  • Người bệnh có cảm giác nặng mặt, phù chân hoặc phù nề mi mắt. Tình trạng phù xuất hiện nhiều vào buổi sáng, giảm dần về chiều.
  • Tình trạng phù xuất hiện nhiều trong 10 ngày đầu, sau khi bệnh nhân đi tiểu nhiều tình trạng này sẽ suy giảm nhanh chóng.
  • Ngoài ra, triệu chứng phù còn đi kèm với tình trạng cổ trướng, tràn dịch màng phổi hoặc tràn dịch màng tinh hoàn.

Tăng huyết áp bất thường

  • Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng tăng huyết áp bất thường kèm các biểu hiện đau đầu, choáng váng.
  • Đối với bệnh nhân mãn tính, tình trạng tăng huyết áp diễn ra không thường xuyên và chỉ xuất hiện nhiều khi trải qua các đợt viêm cấp tính.
  • Người bệnh có thể bị tổn thương đáy mắt, tai biến mạch máu não hoặc suy tim.

Đi tiểu ra máu

  • Đi tiểu ra máu là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán tình trạng này. Người bệnh có thể đi tiểu ra nước như nước luộc rau dền và không xuất hiện thường xuyên.
  • Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc đi tiểu, lượng nước tiểu ít thậm chí có tình trạng không đi tiểu được.
  • Nếu protein niệu xuất hiện trong nước tiểu, cần làm xét nghiệm protein. Nếu lượng protein trong nước tiểu cao tiên lượng bệnh sẽ nặng hơn.

Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như suy tim, sốt nhẹ, đau bụng hoặc thắt lưng, thậm chí còn có triệu chứng thiếu máu.

Bệnh có nguy hiểm không?

Viêm cầu thận là một bệnh lý về thận vô cùng nguy hiểm. Nếu không điều trị tình trạng này nhanh chóng có thể gây ra các biến chứng có hại cho sức khỏe như sau:

  • Suy thận cấp tínhKhi chức năng lọc của cầu thận bị suy giảm có thể khiến chất thải tích tụ lại trong thận dẫn tới hoạt động của thận bị quá tải. Lúc này người bệnh cần lọc máu khẩn cấp hoặc lọc máu nhân tạo để duy trì.
  • Suy thận mãn tính: Đây là biến chứng rất nghiêm trọng có thể xảy ra. Lúc này, thận mất chức năng lọc máu, người bệnh phải chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục để duy trì sự sống hoặc ghép thận.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp cũng là biến chứng của viêm cầu thận. Người bệnh có thể bị tăng huyết áp mãn tính và có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
  • Hội chứng thận hư: Khi chức năng lọc của thận bị ảnh hưởng có thể dẫn tới hội chứng thận hư khiến nồng độ cholesterol trong máu tăng cao, người bệnh có hiện tượng phù nước ở mí mắt, bụng và chân.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm cầu thận, các bác sĩ sẽ dựa trên những triệu chứng lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm để chẩn đoán một cách chính xác.

Người bệnh sẽ được tiến hành xét nghiệm nước tiểu để đo hồng cầu trong nước tiểu và tìm ra những tổn thương trong tiểu cầu. Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu sẽ thể hiện tình trạng nhiễm trùng, viêm hoặc tổn thương niệu.

Bên cạnh đó, người bệnh cần xét nghiệm máu để xác định nồng độ sản phẩm thải, đặc biệt là creatinin và ure huyết.

Một phương pháp khác có thể chẩn đoán tình trạng này một cách hiệu quả là tiến hành sinh thiết thận. Các bác sĩ sẽ lấy mô thận nhỏ và kiểm tra dưới kính hiển vi, phát hiện tình trạng viêm và nguyên nhân gây bệnh.

Giải pháp điều trị

Viêm cầu thận là bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời tình trạng này là vô cùng quan trọng.

Việc điều trị viêm cầu thận cần dựa vào tình trạng bệnh là cấp tính hay mãn tính và dựa vào các nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.

Thông thường, các trường hợp viêm cầu thận cấp cần được cấp cứu kịp thời, đối với tình trạng bệnh này có thể sẽ được chỉ định lọc máu tạm thời để thay thế chức năng thận. Cùng với đó, nếu người bệnh bị viêm cầu thận cấp do nhiễm trùng hoặc nhiễm liên cầu khuẩn, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.

Cần điều trị các đợt viêm cấp tính một cách nhanh chóng

Trong trường hợp người bệnh bị lupus ban đỏ hoặc viêm mạch gây viêm cầu thận có thể sử dụng thuốc corticosteroid và các loại thuốc ức chế miễn dịch để cải thiện. Các phương pháp điều trị dài hạn như tiến hành lọc máu, chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận chỉ được thực hiện khi bệnh nhân gặp biến chứng suy thận nghiêm trọng.

Lời khuyên

Người bị viêm cầu thận gần như phải “sống chung với lũ” khi căn bệnh mãn tính này không thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì thế, người viêm cầu thận cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như sau:

  • Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng phù, tăng huyết áp.
  • Giảm lượng đạm và kali trong bữa ăn để hạn chế sự tích tụ chất thải trong máu.
  • Người bệnh cần kiểm soát lượng đường trong máu, kiểm soát huyết áp để tránh biến chứng do tiểu đường hoặc tăng huyết áp gây ra.
  • Duy trì trọng lượng của cơ thể ở mức vừa phải, tránh nguy cơ béo phì.
  • Khi bị nhiễm trùng hoặc viêm họng, cần theo dõi và đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân gây bệnh.
  • Người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám và điều trị nhanh chóng. Không được tự ý dùng thuốc.
  • Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm nguy cơ gây bệnh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *