Viêm Cầu Thận Cấp
Viêm cầu thận cấp là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, vì nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể diễn tiến thành suy thận và gây nguy hiểm đến tính mạng. Bạn đã biết dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân cũng như cách điều trị bệnh lý này hiệu quả nhất hay chưa? Hãy cùng dành vài phút tìm hiểu với bài viết dưới đây.
Viêm cầu thận cấp là gì?
Viêm cầu thận cấp được định nghĩa là tình trạng viêm sưng đột ngột xảy ra trong một thời gian ngắn ở các cuộn máu nhỏ nằm bên trong thận (được gọi là cầu thận). Thận vốn là cơ quan đảm nhận vai trò đào thải những chất độc hại ra khỏi cơ thể. Mỗi ngày, bộ phận này phải lọc khoảng 120 – 150 lít máu đồng thời xử lý 2 lít nước tiểu. Chính vì thế, một khi thận gặp tổn thương, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Hội chứng viêm cầu thận cấp có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng phổ biến nhất là với trẻ em. Tình trạng này trong một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời thì có thể diễn tiến thành dạng mãn tính.
Nguyên nhân viêm cầu thận cấp
Nguyên nhân của bệnh lý viêm cầu thận cấp thường là do các vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch trong cơ thể, cụ thể như sau:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra. Vi khuẩn streptococcus không chỉ tấn công trên da hay cổ họng mà nó còn có khả năng xâm nhập vào cầu thận, gây ra tình trạng viêm nhiễm. Bệnh lý này được xem là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm cầu thận cấp tính ở trẻ em từ 5 – 15 tuổi.
- Lupus ban đỏ hệ thống: Lupus ban đỏ khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công ngược vào các tế bào khỏe mạnh do nhận tín hiệu sai lệch từ cơ quan thần kinh. Nếu tình trạng này kéo dài không được điều trị, nó có thể dẫn đến một số biến chứng ảnh hưởng đến nội tạng, ví dụ như đau tim và viêm sưng cầu thận cấp tính.
- Bệnh thoái hóa tinh bột: Bệnh thoái hóa tinh bột, hay còn được biết đến với cái tên amyloidosis, xảy ra khi các protein bất thường tích tụ trong mô tế bào và cơ quan bên trong cơ thể. Nếu các protein này tập trung nhiều tại cầu thận, chúng có thể gây viêm sưng cấp tính tại khu vực này.
- Bệnh u hạt Wegener: Bệnh lý này còn được biết đến với tên gọi u hạt đại mạch, gây ra tình trạng viêm ở các mạch máu nhỏ li ti trong cơ thể. Kết quả là lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan đều bị cản trở. Tuy nhiên, u hạt Wegener khá hiếm gặp ở cả trẻ em và người lớn.
- Viêm đa nốt sần: Nếu như u hạt Wegener chủ yếu tấn công các mạch máu nhỏ thì viêm đa nốt sần xảy ra ở những động mạch chủ. Bệnh lý này khiến hàm lượng oxy trong máu không đủ cũng như gây tắc nghẽn tuần hoàn máu trong cơ thể.
Bên cạnh các nguyên nhân bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch, viêm cầu thận cũng có thể là do những yếu tố sau gây ra:
- Hội chứng Alport: Đây là một dạng bệnh di truyền viêm cầu thận, có khả năng ảnh hưởng đến trẻ em ở cả hai giới. Tuy nhiên, tỷ lệ này thường cao hơn ở bé trai. Bên cạnh đó, hội chứng Alport cũng làm tăng nguy cơ cao huyết áp ở trẻ.
- Lạm dụng các loại thuốc chống viêm liều nhẹ: Một trong những tác dụng phụ có thể gây ra bởi các thuốc chống viêm NSAIDs là bệnh thận, trong đó có cả tình trạng viêm cầu thận cấp tính. Ví dụ một số loại thuốc naproxen; aspirin; ibuprofen;….
Triệu chứng viêm cầu thận cấp
Nhận biết các biểu hiện của bệnh từ giai đoạn khởi phát sẽ giúp việc điều trị nhanh chóng hơn. Viêm cầu thận cấp có thể khiến người bệnh gặp phải một số các triệu chứng dưới đây:
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là một trong những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng cầu thận viêm nhiễm cấp tính. Nguyên nhân là do sự mất cân bằng lượng muối và chất lỏng tự nhiên trong cơ thể, dẫn đến áp suất trong mạch máu tăng cao hơn so với bình thường.
- Nước tiểu sẫm màu hoặc có lẫn máu: Giống như cao huyết áp, sự thay đổi của màu nước tiểu cũng đặc trưng cho những tổn thương mà thận đang gặp phải. Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em bị viêm cấp tính cầu thận do vi khuẩn streptococcus gây ra.
- Số lần đi tiểu ít hơn bình thường: Khi tình trạng viêm xảy ra, chức năng đào thải của thận suy giảm dẫn đến lượng nước tiểu sản xuất ra ít hơn. Đây là lý do mà người bệnh có số lần đi nhẹ trong ngày cũng thay đổi so với bình thường.
- Phù nề một số bộ phận trên cơ thể: Hiện tượng ứ nước tại thận có thể xảy ra khi cầu thận bị viêm nhiễm. Điều này khiến chất lượng tích tụ nhiều bên dưới lớp biểu bì nhưng nổi bật nhất là khu vực bọng mắt.
- Các triệu chứng khác: Bên cạnh các dấu hiệu đặc trưng kể trên, người bệnh cũng có thể xuất hiện những triệu chứng khác liên quan đến bệnh lý nền, ví dụ như: Đau họng, ho khan do phổi úng nước, khó thở, đau đầu, co giật, phát ban vùng mông và chân, giảm cân không rõ lý do, đau nhức các khớp và cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Viêm cầu thận cấp có nguy hiểm không?
Không chỉ các vấn đề liên quan đến nguyên nhân hay triệu chứng nhận được sự quan tâm, các câu hỏi “Viêm cầu thận cấp có nguy hiểm không?”. “Viêm cầu thận cấp có khỏi không?” cũng là băn khoăn của không ít người bệnh. Theo các bác sĩ, một số trường hợp viêm cấp tính do viêm họng liên cầu khuẩn nhóm A streptococcus gây ra có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, các trường hợp trên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Thông thường, nếu người bệnh không được chẩn đoán và chữa trị sớm, cầu thận bị viêm nhiễm có thể dẫn đến hội chứng thận hư, khiến cơ thể mất đi một lượng protein trong nước tiểu. Điều này cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tích giữ chất lỏng, muối bên trong nội tạng cũng như tiền đề cho hàng loạt biến chứng nguy hiểm như: Suy thận cấp, mất cân bằng điện giải, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù phổi, suy tim và tăng huyết áp.
Chính vì vậy, ngay khi người bệnh phát hiện những thay đổi bất thường với sức khỏe nên đi thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Chẩn đoán viêm cầu thận cấp
Các bác sĩ trước tiên sẽ yêu cầu người bệnh liệt kê một số triệu chứng thường gặp, kiểm tra tình trạng thể chất bên ngoài cũng như hỏi han về tiền sử bệnh lý trong gia đình để phân tích yếu tố di truyền nếu có. Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu dưới đây:
- Nuôi cấy cổ họng: Mục đích của xét nghiệm này là kiểm tra xem liệu có sự tồn tại của vi khuẩn liên cầu nhóm A streptococcus trong cơ thể hay không. Các chuyên gia dùng bông gạc thấm lấy dịch nhầy trong cổ họng và đem mẫu bệnh phẩm phân tích bằng thiết bị hiển vi chuyên dụng.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giám định số lượng tế bào hồng cầu, mức điện giải cũng như chức năng thận của cơ thể người bệnh. Từ kết quả này, các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân cũng như mức độ bệnh lý thông qua một số dấu hiệu như: Mức độ hồng cầu thấp, mức độ albumin bất thường, dư thừa lượng nitơ urê trong máu và hàm lượng creatinin cao.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu là một trong những kiểm tra quan trọng giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng suy giảm chức năng ở thận thông qua những bất thường như: Độ thanh thải creatinin, số lượng protein trong chất thải, nồng độ đậm đặc của nước tiểu, tế bào hồng cầu có trong nước tiểu.
- Xét nghiệm miễn dịch học: Mục đích của xét nghiệm này là để xác nhận liệu hệ miễn dịch có đang gây tổn thương hay không. Kết quả của miễn dịch học được thể hiện qua các thông số sau: Kháng cầu, kháng thể màng đáy, kháng thể nhân và bào chất antineutrophil.
- Sinh thiết thận: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách lấy một mẫu mô thận nhỏ rồi đem phân tích chuyên sâu trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết thận giúp các bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương của thận cũng như phòng ngừa nguy cơ xuất hiện tế bào lạ như polyp.
- Các xét nghiệm hình ảnh: Bên cạnh việc chẩn đoán thông qua số liệu, các bác sĩ cũng tiến hành thêm các xét nghiệm hình ảnh để có cái nhìn chính xác nhất về tình trạng suy giảm chức năng ở thận. Một số các thủ tục thường được thực hiện gồm: Chụp cắt lớp vi tính CT, chụp X-quang, siêu âm thận,…
Điều trị viêm cầu thận cấp như thế nào?
Sau khi đã chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành xây dựng phác đồ điều trị. Với các trường hợp ở mức độ nhẹ, bệnh nhân viêm cầu thận cấp có thể áp dụng những phương pháp sau:
Điều trị bằng các loại thuốc Tây y
Việc lựa chọn các loại thuốc điều trị Tây y phụ thuộc phần lớn vào bệnh lý nền mà người bệnh đang gặp phải cũng như các triệu chứng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt thường ngày, ví dụ như tiểu ít hay huyết áp tăng. Dưới đây là một số thuốc tân dược thường được bác sĩ chỉ định:
- Thuốc ổn định huyết áp: Việc điều chỉnh áp suất bên trong thành mạch máu là rất quan trọng, bời vì điều này giúp phòng tránh nguy cơ tim mạch nguy hiểm. Người bệnh được khuyến nghị sử dụng thuốc ức chế chuyển men như aceon, zestril, captopril và các thuốc đối kháng thụ thể ARB như diovan, avapro, cozaar.
- Các thuốc lợi tiểu: Việc giảm tần suất đi tiểu có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và tăng nguy cơ tích tụ chất lỏng trong nội tạng. Chính vì vậy, các bác sĩ có thể sẽ kê đơn một số các loại thuốc giúp gia tăng số lần đi tiểu cho bệnh nhân, ví dụ như bumetanide, diamox, ethacrynic acid.
- Các thuốc ức chế hệ miễn dịch: Các loại thuốc này sẽ giúp ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, khiến nó không thể tấn công các tế bào cầu thận và làm tổn thương chức năng thận. Ví dụ: Cyclosporin, tacrolimus, azathioprine,.. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường có tác dụng phụ nguy hiểm, vì vậy người bệnh cần dùng thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ.
\
Điều trị thay thế với viêm cầu thận cấp
Với những bệnh nhân bị viêm ở mức độ nặng, phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị thay thế dưới đây:
- Thẩm phân phúc mạc: Phương pháp này sử dụng lớp niêm mạc khoang bụng để lọc máu trong cơ thể. Thông qua việc đặt một ống mỏng vào trong thành bụng, chuyên gia sẽ cung cấp chất dịch vô trùng để làm sạch máu. Hủ tục này có thể được thực hiện tại nhà, thích hợp dùng với cả bệnh nhi.
- Chạy thận nhân tạo: Phương pháp này áp dụng bằng cách đưa máu chạy qua một thiết bị chuyên dụng để đào thải các độc tố rồi được đưa trở lại cơ thể người bệnh. Không giống như thẩm phân phúc mạc, người bệnh phải thực hiện chạy thận nhân tạo tại các cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa.
Cải thiện triệu chứng viêm cầu thận với mẹo dân gian
Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng Đông y hay Tây y, nhiều người bệnh còn tìm kiếm sự trợ giúp từ một số các bài thuốc nam trị viêm cầu thận, chúng gồm có:
- Bài thuốc từ lá nhãn: Lá nhãn từ lâu đã được người dân Việt Nam ta sử dụng như một loại dược liệu với công dụng chính là hỗ trợ điều trị bệnh thận, ví dụ như suy thận cấp hay cầu thận bị viêm nhiễm. Cách thực hiện rất đơn giản, người bệnh chỉ cần sử dụng lá nhãn tươi nấu nước uống hàng ngày là được.
- Bài thuốc từ cây dừa nước: Theo y học cổ truyền, loại cây này vị ngọt, tính bình, có công dụng tiêu trừ nhiệt lượng, mát gan, bổ thận và lợi tiểu. Người bệnh viêm cấp tính ở cầu thận có thể cây dừa nước sắc nước uống hàng ngày để cải thiện các triệu chứng khó chịu.
Biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả
Người bệnh viêm cầu thận cấp nên chú ý một số vấn đề sau trong quá trình chăm sóc để giúp cải thiện các triệu chứng bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn:
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với những người có vấn đề liên quan đến thận. Các bác sĩ khuyến nghị người bệnh nên xây dựng một thực đơn cho người bị viêm cầu thận bằng cách cắt giảm muối, protein, kali, natri và photpho để tránh khiến mức độ viêm nhiễm thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần bổ sung đủ nước, các loại rau xanh đậm, các loại thịt trắng như cá biển, ức gà và trái cây tươi hàng ngày.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Những người bị béo phì có nguy cơ biến chứng cao hơn những người có mức cân nặng ổn định. Việc duy trì trọng lượng cơ thể có thể phụ thuộc vào dinh dưỡng cũng như tần suất vận động, rèn luyện tiêu hao calo. Người bệnh nên lựa chọn các môn thể thao có cường độ từ nhẹ đến vừa đồng thời kết hợp điều chỉnh nhịp thở như yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,…
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ: Vi khuẩn liên cầu nhóm A streptococcus tồn tại ở những môi trường ô nhiễm hoặc đồ ăn không được chế biến kỹ càng. Chính vì vậy, một trong những điều quan trọng nhất trong việc phòng bệnh viên cấp tính ở cầu thận là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Người bệnh nên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và tắm rửa bằng xà bông diệt khuẩn hàng ngày.
- Không hút thuốc và sử dụng rượu bia: Đồ uống có cồn và thuốc lá đều là những tác nhân làm tăng nguy cơ viêm cấp tính cầu thận. Vì vậy, để đảm bảo cơ thể hồi phục tốt hơn, người bệnh cần xây dựng thói quen sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia hay hút thuốc lá.
Hy vọng với những thông tin được bài viết tổng hợp, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích liên quan đến bệnh lý viêm cầu thận cấp. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để đảm bảo sức khỏe của bản thân, bạn nên dành thời gian luyện tập, vận động rèn luyện thể chất cũng như bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhiều rau xanh và trái cây tươi.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!