Bí mật ngự y triều Nguyễn – Kỳ 6: Công hiệu của Minh Mạng Thang
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênSau khi tìm được bản gốc tờ châu bản với bài thuốc Quy tỳ hoàn gia giảm được dâng cho vua Minh Mạng dùng, mới đây trong một tài liệu y học của ngự y triều Nguyễn, các lương y còn phát hiện thêm mô tả công dụng của toa thuốc này trong điều trị chứng liệt dương rất thành công.
Ảnh 1 (từ trái qua phải): Phần bìa của cuốn Vân Khê yếu lục nguyên văn chữ Hán do Thái y viện quan phòng xuất bản năm Hàm Nghi thứ nhất (1885). Ảnh 2, 3: Phần nội dung mô tả công hiệu của Quy tỳ thang gia giảm để trị chứng dương nuy (liệt dương) ở nam giới – Ảnh: B.N.L chụp lại từ tư liệuTrong bài viết Tìm thấy bài thuốc huyền thoại Minh Mạng Thang (đăng trên Thanh Niên số ra ngày 11.4.2015), chúng tôi đã nêu việc Hội Đông y Thừa Thiên – Huế đã tìm thấy bản gốc tờ châu bản Thái y viện triều Nguyễn dâng bài thuốc cho vua Minh Mạng dùng, lâu nay được truyền tụng là Minh Mạng thang huyền thoại.
Theo đó, tờ châu bản được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (Hà Nội) trong đó nói đến việc Thái y viện triều Nguyễn kê đơn cho Minh Mạng dùng, đề ngày 26 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 10 (1829) với thang Quy tỳ hoàn gia giảm.
Toa thuốc được các lương y nghiên cứu, phân tích và nhận thấy sử dụng trên từ Quy tỳ thang của sách Tế sinh phương (1253), của Nghiêm Dụng Hòa, đời Tống (Trung Quốc), được các quan ngự y triều Nguyễn gia giảm cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của nhà vua.
Dùng chữa liệt dương
Mới đây, trong tập Vân Khê yếu lục, một quyển sách y học bằng chữ Hán, do Thái y viện triều Nguyễn xuất bản vào năm Hàm Nghi thứ nhất (1884) của tác giả là danh y Nguyễn Địch, làm quan ngự y dưới thời Tự Đức đến thời Hàm Nghi, được nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, cán bộ Phòng Nghiên cứu của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế dịch nghĩa, đã ghi chép công dụng chữa trị liệt dương của thang Quy tỳ hoàn gia giảm.
Ngay trong phần mở đầu của sách, Nguyễn Địch đã phân tích nguyên lý âm dương điều hòa trong việc chữa trị các bệnh vô sinh đối với nam giới như sau: “Trong phép cầu tin thành thai, người nam cần phải chú tâm điều dưỡng khiến tinh lực mạnh mẽ, phải biết giới hạn thất tình (các trạng thái tình cảm như vui, buồn, yêu, ghét, hờn, giận… – PV), chớ để rối loạn chân khí. Cần có tâm ý yên tĩnh, tinh thần sảng khoái. Nếu không như vậy, phải thu nhiếp khí lực giữ vững tụ tại đan điền, đợi người nữ đến. Sau đó, trăm thứ mạch lạc của ta cùng chảy đến tự nhiên có con, không phải hồ nghi gì”.
Ngự y Nguyễn Địch phân tích thêm (bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng): “Dương đạo là chỗ hội tụ của tông cân, chỗ hun đúc của nguyên dương. Các đường kinh mạch Túc thái âm, Túc dương minh, Túc quyết âm, Túc thiếu âm cùng 3 mạch Xung, Nhâm, Đóc cùng giao hòa. Các phần cân đều kết tụ ở âm khí, trong đó có tướng hỏa nương náu. Người mạnh mẽ thì tướng hỏa sung mãn. Do vậy, hỏa ở tam tiêu, trong ngoài, trên dưới đều thuận mà theo. Huyền phủ của trăm thể đều mở ra, tinh được sinh ra đều theo âm khí mà chảy thư sướng. Há chẳng dừng ở chỗ tàng tinh của thận thôi sao?”…
Từ những phân tích trên, ông đã ghi chép lại 3 trường hợp mắc chứng dương nuy (liệt dương) mà ông đã áp dụng Quy tỳ thang gia giảm chữa trị thành công. Người thứ nhất, mới vừa kết hôn, hoảng sợ quá độ dẫn đến chứng dương nuy, trường hợp này ông đã dùng Quy tỳ thang gia giảm, chữa một tể mà khỏi. Người thứ hai vừa mới nhập phòng, do hoảng sợ mà mỗi lần giao hợp thì có cương lên nhưng vô lực, không hưng phấn được. Khám bệnh thì thấy mạch hữu xích nhược, bộ tả thốn quay liệng như bánh xe luân chuyển gọi là mạch hồng, tức bị chứng giao cấu thụ kinh, thương tổn ở thận.
Với trường hợp này ông đã dùng Ký tế đan, tẩm với rượu dùng hằng ngày, chỉ một tể mà khỏi. Người này vui mừng mà gọi loại rượu này là Hùng kiện tửu. Lại có trường hợp là lính đánh trận, bị bắt làm tù binh, sau đó trốn thoát về được nhưng dần mắc chứng dương nuy, tinh dịch lạnh. Khám bệnh thì thấy bộ hữu xích nhược quá mức. Nguyên nhân do dầm nước nhiễm lạnh dẫn đến thương tổn phần dương.Với trường hợp này, ông đã dùng thang Thạc quẻ tân chế gia để điều trị và khỏi bệnh.
Trong cả 3 thang này, thành phần của thuốc chủ yếu vẫn dựa trên Quy tỳ thang, nhưng được gia giảm cho từng trường hợp khác nhau.
Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Vân Canh, Nguyễn Địch, tên thụy là Đoan Thuận, hiệu Khải Chi, người làng Vân Canh (nay thuộc xã Vân Canh, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) được mời vào cung làm quan ngự y dưới thời Tự Đức, giữ chức Phó chính ngự y và Trưởng viện Thái y bổ làm Hàn lâm cung phụng. Nhưng ông viện cớ mẹ già ngoài 80 tuổi, phải về quê, được vua Tự Đức khen là người có hiếu, thưởng 5 lạng bạc, sai lính đưa về quê phụng dưỡng mẹ già xong phải quay lại kinh ngay.
Đến tháng 5 năm Quý Mùi, vua Tự Đức lại triệu ông vào kinh, không lâu sau ông lại xin về. Đến năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc, ông lại được triệu vào kinh bổ chức Hàn lâm viện biên tu, sung vào Thái y viện, bổ làm Phó ngự y quan phòng, quyền giữ chức Thái y viện quan phòng. Đến năm Hàm Nghi thứ 2 (1885), ông lại cáo bệnh về quê, mở trường dạy nghề y và biên soạn các bộ sách: Mạch học y lý, Tự dục phụ nhân và Vân Khê bản thảo. Riêng tập Vân Khê yếu lục được Thái y viện quan phòng xuất bản năm Hàm Nghi thứ nhất (1884), như đã nói ở trên. |
Theo Báo Thanh niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/van-hoa/bi-mat-ngu-y-trieu-nguyen-ky-6-cong-hieu-cua-minh-mang-thang-601580.html
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!