Tán sỏi thận: Quy trình tán sỏi, chi phí và lưu ý cần biết
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên
Tán sỏi thận là một phương pháp nhằm loại bỏ sỏi ra khỏi hệ tiết niệu, cụ thể là ở thận, niệu quản hay bàng quang. Tiểu phẫu này thường được chỉ định cho những đối tượng nào, quy trình thăm khám và tiến hành cụ thể ra sao? Nên thực hiện tán sỏi thận ở đâu, chi phí khoảng bao nhiêu và cần lưu ý những gì trong quá trình tán sỏi?
Sỏi thận là một bệnh lý về thận khá phổ biến. Sỏi hình thành do nồng độ chất khoáng trong thận tăng cao đồng thời lượng nước tiểu suy giảm. Các khối sỏi nhỏ có thể được đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu nhưng nếu khối sỏi có kích thước quá lớn, thậm chí lên tới vài cm thì phải áp dụng các biện pháp tán sỏi.
Tán sỏi thận là gì?
Các khối sỏi nằm trong thận khiến người bệnh thường gặp các triệu chứng khó chịu như: Đau bụng từng cơn, đau dữ dội tại vùng thắt lưng, đau đớn khi đi tiểu, nước tiểu có lẫn máu, tiểu dắt, tiểu són, buồn nôn, nôn, sốt hay có cảm giác ớn lạnh.

Nhằm điều trị hiệu quả các biểu hiện kể trên, phục hồi thể trạng và sức khỏe cho người bệnh, y học hiện đại đã áp dụng các phương pháp tán sỏi để phân nhỏ viên sỏi, giúp chúng dễ dàng bị đào thải ra ngoài theo đường nước tiểu.
Hiện nay, có 4 phương pháp tán sỏi thận phổ biến thường được áp dụng và mang lại hiệu quả cao là:
- Tán sỏi ngoài cơ thể
- Tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng
- Tán sỏi qua da
- Phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Các phương pháp tán sỏi thận phổ biến
Sau quá trình thăm khám, đánh giá chức năng thận và xác định tình trạng mắc sỏi thận của bệnh nhân (kích thước, tính chất… của khối sỏi), bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp chữa trị phù hợp nhất. Theo đó, có thể là uống thuốc để hỗ trợ đào thải sỏi ra ngoài hoặc tán sỏi, phẫu thuật.
Tán sỏi ngoài cơ thể
Đây là phương pháp sử dụng các sóng xung động hoặc tia laser từ bên ngoài tác động vào cơ thể, tập trung vào vùng có sỏi. Các bước sóng sẽ xuyên qua bề mặt cơ thể, hội tụ tại vùng xác định có sỏi thận khiến khối sỏi vỡ thành từng mảnh nhỏ hơn. Sau đó người bệnh tiếp tục được chỉ định dùng thuốc để đào thải các khối sỏi ra ngoài cơ thể.

- Đối tượng chỉ định: Thực tế, tất cả các loại sỏi thận có kích thước nhỏ hơn 2cm đều có thể thực hiện điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Tuy nhiên, phụ thuộc vào kích thước của viên sỏi mà phương pháp này được ứng dụng một cách phù hợp nhất.
- Chống chỉ định: Bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn niệu, lao niệu chưa được điều trị dứt điểm, người bệnh mang thai, người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền. Tuyệt đối không áp dụng biện pháp này để tán sỏi thận cho những người bệnh các rối loạn về đông máu chưa được điều trị ổn định.
- Ưu điểm: Thực tiễn cho thấy kết quả của các trường hợp tán sỏi ngoài cơ thể là 90-96% khối sỏi được đào thải hoàn toàn, thời gian nằm viện khá ngắn (4-6 ngày) và chỉ khoảng sau 24 giờ thực hiện là bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng.
- Nhược điểm: Hiệu quả của phương pháp này không cao nếu khối sỏi có cấu tạo quá rắn chắc (sỏi oxalat canxi một phân tử nước, sỏi cystin…) Ngoài ra, tán sỏi ngoài cơ thể cũng không thể áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân có khối sỏi thận có kích thước lớn hơn 2cm.
Tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng
Trong trường hợp không thể áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể do kích thước khối sỏi qua lớn hoặc khối sỏi quá rắn thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng.

Theo đó, một ống soi niệu quản được đưa vào niệu đạo, đi lên bàng quang, tới niệu quản và tiếp cận trực tiếp viên sỏi trong thận. Sau đó, năng lượng khí nén hoặc tia laser sẽ phá vỡ viên sỏi thành các mảnh vụn đồng thời thiết bị chuyên dụng sẽ gắp các mảnh sỏi nhỏ, bơm rửa để loại bỏ hoàn toàn khối sỏi khỏi thận.
- Đối tượng chỉ định: Các trường hợp tán sỏi ngoài cơ thể thất bại, người bị chống chỉ định với tán sỏi ngoài cơ thể, bệnh nhân bị hẹp đường dẫn niệu do sỏi nằm trong túi thừa đài thận, nhất là trường hợp sỏi nằm trong túi thừa đài trên hay các trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng hẹp khúc nối bể thận niệu quản. Bên cạnh đó, phương pháp tán sỏi thận qua nội soi niệu quản ngược dòng còn thường được chỉ định với bệnh nhân là phi công, phụ nữ trẻ có ý định mang thai, bệnh nhân chuẩn bị tiến hành ghép tạng – các đối tượng bắt buộc phải lấy hết sỏi.
- Chống chỉ định: Về nguyên tắc, phương pháp này được phép áp dụng cho tất cả các trường hợp sỏi niệu quản ở mọi vị trí, mọi kích thước. Tuy nhiên, với các bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, viêm nhiễm đường tiết niệu thì không được áp dụng phương pháp tán sỏi thận này.
- Ưu điểm: Xâm nhập, tiếp cận sỏi theo đường ống tự nhiên của cơ thể (đường ống nước tiểu) nên phương pháp này không để lại vết mổ, hạn chế các tai biến, biến chứng ở mức tối thiểu, đạt tỷ lệ sạch sỏi xấp xỉ 100%. Bệnh nhân có thể phục hồi nhanh chóng sau quá trình tiểu phẫu. Theo đó, sau khoảng 3-6 tiếng người bệnh đã có thể ăn nhẹ, sau 12-24 tiếng theo dõi có thể xuất viện.
- Nhược điểm: Có thể xảy ra một số biến chứng như tổn thương đài bể thận và niệu quản ở mức độ nhẹ do quá trình đốt laser bị nhầm vị trí hoặc khu vực đốt bị lan rộng. Biến chứng này có thể gây ra tình trạng hẹp đường tiết niệu trên thứ phát, ảnh hưởng tới các chức năng của thận. Ngoài ra, cũng có trường hợp bị nhiễm khuẩn niệu sau thủ thuật.
Tán sỏi qua da
Phương pháp tán sỏi thận tiếp theo được đề cập tới là tán sỏi thận qua da. Theo đó, phương pháp này áp dụng kỹ thuật tạo một đường hầm nhỏ có kích thước khoảng 6-10mm chạy từ ngoài da vào trong thận hoặc vị trí có sỏi trong đường tiết niệu. Sau đó, tia laser được kích hoạt để phá vỡ khối sỏi và dụng cụ chuyên dụng sẽ hút các khối vụn sỏi ra ngoài.

- Đối tượng chỉ định: Áp dụng được với hầu hết các trường hợp mắc sỏi thận, kể cả với khối sỏi có kích thước lớn.
- Chống chỉ định: Các bệnh nhân đang bị viêm nhiễm đường tiết niệu, người già mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng.
- Ưu điểm: Phương pháp này có thể lấy toàn bộ viên sỏi chỉ sau một lần can thiệp, hiệu quả với cả những trường hợp sỏi có kích thước lớn.
- Nhược điểm: Quá trình tán sỏi có thể kéo dài khiến đường hầm cho ống nội soi vào cơ thể bị nhiễm trùng sau mổ hoặc gây chảy máu, mất máu. Sau quá trình phẫu thuật có thể để lại sẹo trên da. Ngoài ra phương pháp này có chi phí khá cao, người bệnh sau khi phẫu thuật cần điều trị nội trú khoảng 3-5 ngày.
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Với các trường hợp khối sỏi có kích thước quá lớn, tính chất rắn, các phương pháp tán sỏi thận kể trên không cho hiệu quả thì người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy sỏi.

Theo đó, thiết bị nội soi đi qua phúc mạc hay sau phúc mạc để tiếp cận và lấy sỏi trong niệu quản hoặc thận. Hiện nay, các kỹ thuật viên thường tiếp cận từ sau phúc mạc để tránh phải đi vào trong ổ bụng.
- Đối tượng chỉ định: Bệnh nhân có sỏi niệu quản đoạn trên và sỏi bể thận. Bệnh nhân trải qua tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi thận qua da hay tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng nhưng không cho hiệu quả mong muốn.
- Chống chỉ định: Những bệnh nhân có rối loạn về đông máu chưa được điều trị dứt điểm, có nhiễm khuẩn niệu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính ở các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài ra, những bệnh nhân bị sốc do giảm thể tích máu lưu hành cũng không được thực hiện phương pháp này.
- Ưu điểm: Hiệu quả với các trường hợp không đáp ứng với các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da và niệu quản ngược dòng.
- Nhược điểm: Với sự phát triển của các phương pháp tán sỏi hiện đại, mổ nội soi lấy sỏi thận ngày càng ít được áp dụng. Một nhược điểm nữa của biện pháp này là thời gian nằm viện theo dõi lâu hơn. Có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật như động mạch, tĩnh mạch bị tổn thương khiến bác sĩ phải chuyển sang mổ mở để cầm máu.
Như vậy, sau khi xác định được tình trạng sỏi thận của bệnh nhân thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tán sỏi thận phù hợp nhất. Người bệnh cần trao đổi kỹ, yêu cầu bác sĩ giải đáp mọi thắc mắc trước khi thực hiện tiểu phẫu.
Giải đáp một số thắc mắc về tán sỏi thận
Xung quanh vấn đề tán sỏi thận, có rất nhiều thắc mắc của bệnh nhân như tán sỏi thận ảnh hưởng gì, nên tán sỏi ở đâu, thời gian điều trị khoảng bao lâu hay chi phí một ca tán sỏi là bao nhiêu.
Tán sỏi thận có nguy hiểm không?
Như đã nói sơ qua ở phần trên, bất cứ phương pháp tán sỏi thận nào cũng tồn tại những ưu nhược điểm riêng.
Mặc dù các phương pháp như tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng ít xâm lấn, hạn chế ảnh hưởng tới cơ thể người bệnh hơn so với phương pháp mổ hở nhưng vẫn có tỉ lệ xảy ra biến chứng. Trong đó, các biện pháp hiện đại này có thể gây ra các biến chứng như:
- Trong quá trình tạo đường vào tiếp cận khối sỏi trong thận, thiết bị chuyên dụng có thể gây tổn thương dẫn tới hiện tượng chảy máu cần truyền máu khẩn cấp (tỉ lệ 10%), can thiệp làm tắc mạch hoặc thậm chí phải cắt thận (tỉ lệ 1%).
- Tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi trong trường hợp yêu cầu phải tạo đường vào đài bể thận thông qua phía bên bờ sườn (tỉ lệ 2%).
- Xảy ra tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
- Thủng đại tràng nếu thiết bị tiếp cận sai vị trí.
- Tổn thương đài bể thận và niệu quản nếu tia laser hay năng lượng khí nén tác động quá mức hoặc không đúng vị trí của viên sỏi.
Phương pháp nào cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng do đó bên cạnh việc tìm hiểu thông tin thì người bệnh cần trao đổi cụ thể với bác sĩ đồng thời tuân theo đúng các hướng dẫn mà bác sĩ đưa ra.
Nên tán sỏi thận ở đâu?
Việc lựa chọn thăm khám và điều trị ở một bệnh viện uy tín, có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ nhiệt huyết, có chuyên môn và kinh nghiệm là điều cần thiết mà mỗi bệnh nhân bị sỏi thận cần tìm hiểu.

Dưới đây là một số cơ sở y tế uy tín mà người bệnh có thể tham khảo:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện E, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
- Tại TP.HCM: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy…
Tán sỏi thận hết bao nhiêu tiền?
Chi phí tán sỏi thận bao nhiêu tiền cũng là một mối quan tâm hàng đầu với những bệnh nhân đang có khối sỏi trong thận.
Theo đó, giá tán sỏi thận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Đơn vị tiến hành tán sỏi thận (công lập hay tư nhân), phí thăm khám, làm xét nghiệm, phương pháp chỉ định tán sỏi thận, loại máy móc và thiết bị hỗ trợ tán sỏi thận, thời gian nằm viện theo dõi và một số chi phí kèm theo khác.
Cụ thể, chi phí tán sỏi thận qua da có giá dao động khoảng 12-20 triệu đồng, chi phí tán sỏi thận ngoài cơ thể, nội soi niệu quản ngược dòng cũng rơi vào khoảng trên 10 triệu đồng.
Nếu có Bảo hiểm Y tế, người bệnh cần mang theo để được hỗ trợ chi phí điều trị nội trú. Hiện nay các gói bảo hiểm sức khỏe cũng hỗ trợ người bệnh tán sỏi thận trong các trường hợp cụ thể.
Tán sỏi thận nằm viện bao lâu?
Thời gian nằm viện sau khi tán sỏi phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp tiến hành. Các phương pháp tán sỏi hiện đại chỉ yêu cầu người bệnh theo dõi tại viện từ 1-3 ngày. Phương pháp phẫu thuật lấy sỏi thì cần thời gian lâu hơn, thậm chí khoảng 5-7 ngày.
Trước khi tiến hành tán sỏi thận, người bệnh cần trao đổi cụ thể với bác sĩ phụ trách, hỏi rõ mọi thông tin về chi phí, quy trình tiến hành và dự kiến thời gian hồi phục sau khi thực hiện tiểu phẫu.
Trong quá trình thăm khám và tiến hành tán sỏi thận, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, không tự ý điều trị, thay đổi liều lượng thuốc đồng thời hỗ trợ điều trị và phục hồi bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp với người vừa tán sỏi thận.