Tăng sản tuyến tiền liệt là gì? Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênTăng sản tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới ngoài 60 tuổi. Tuy là bệnh lành tính nhưng tăng sản tiền liệt tuyến có thể gây tắc tiểu, tiểu són, thậm chí là tiểu không tự chủ làm nước tiểu bị ứ đọng, hình thành sỏi bàng quang, viêm nhiễm đường tiết niệu, cùng nhiều vấn đề về sức khỏe khác.
Tăng sản tuyến tiền liệt là gì?
Tăng sản tuyến tiền liệt còn được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt là tình trạng một hoặc một số tế bào của tuyến tiền liệt tăng sinh lành tính khiến cho tuyến này tăng cả thể tích và trọng lượng. Tình trạng tăng sản xuất tuyến tiền liệt có thể khiến niệu đạo bị chèn ép, cổ bàng quang bị biến dạng, đồng thời gây ra các rối loạn tiểu tiện.
Tăng sản tiền liệt tuyến là bệnh chỉ có ở nam giới với tỷ lệ mắc lên đến hơn 70% số người trên 60 tuổi. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới còn cho thấy, lối sống sinh hoạt chưa khoa học, lạm dụng quá nhiều đồ ăn nhanh và đồ uống có hại cho sức khỏe làm số ca mắc tăng sản tuyến tiền liệt ngày một nhiều hơn.
Nguyên nhân gây ra tăng sản tuyến tiền liệt
Nguyên nhân gây tăng sản tuyến tiền liệt hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì có hai yếu tố có liên quan đến sự tăng sinh tế bào tuyến tiền liệt là độ tuổi và nội tiết.
Bên cạnh đó, các giả thiết khác lại cho rằng bệnh tăng sản xuất tuyến tiền liệt có liên quan trực tiếp tới các yếu tố kích thích như tiểu tiện, phóng tinh viêm nhiễm. Thậm chí là các yếu tố tăng trưởng tế bào xơ non hoặc tế bào biểu mô. Tuy nhiên tất cả mới chỉ là giả thuyết, chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra mối liên hệ giữa các yếu tố này với tình trạng tăng sản xuất tuyến tiền liệt.
Do nhu cầu “yêu” quá lớn
Thống kê cho thấy, phần đông những người bị tăng sản tiền liệt tuyến đều có nhu cầu tình dục cũng như tần suất làm “chuyện ấy” dày đặc. Việc “yêu” quá nhiều sẽ gây ra tình trạng sung huyết. Khi sung huyết kéo dài, các tế bào tuyến bị vỡ và phình to, gây ra tăng sản tiền liệt tuyến
Do vận động ít
Khi nam giới ít vận động, lượng máu lưu thông tới tuyến tiền liệt bị tích tụ cục bộ. Lâu ngày, tình trạng này không được cải thiện sẽ dẫn đến hội chứng tăng sản tuyến tiền liệt.
Tinh hoàn dị thường
Các biểu hiện bất thường ở tinh hoàn nam giới như viêm tinh nang, chức năng tinh hoàn suy giảm, viêm tinh hoàn,… cũng có thể là nguyên nhân khiến cho các tế bào tuyến tiền liệt tăng sản gây phì đại.
Chế độ ăn uống kém khoa học
Các món ăn chín nhờ lên men (đồ muối chua), thức ăn cay nóng,… là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng sung huyết. Đến một giai đoạn nhất định, sung huyết khiến cho tế bào tuyến bị vỡ và hình thành nên phì đại tuyến tiền liệt.
Niệu đạo, bàng quang viêm nhiễm
Tình trạng viêm đường tiết niệu và bàng quang có thể xâm lấn sang tuyến tiền liệt. Chúng vừa là tác nhân gây ra tình trạng sung huyết, vừa khiến cho các tế bào tuyến tiền liệt tăng sinh nhanh chóng. Cơ chế này khiến cho tuyến tiền liệt phình to, gây nên tăng sản tuyến tiền liệt.
Triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt
Ở một số bệnh nhân, phì đại tuyến tiền liệt đôi khi không có biểu hiện bất thường mặc dù các tế bào tuyến đã tăng sinh. Đối với các trường hợp khác, người bệnh có thể có các triệu chứng rối loạn tiểu tiện sau:
- Tiểu sót: Mặc dù đã đi tiểu xong nhưng vẫn có cảm giác mót vì nước tiểu chưa ra hết.
- Luôn phải tiểu gắng sức: Người bệnh gặp khó khăn khi tiểu tiện, phải cố rặn hết sức thì nước tiểu mới ra.
- Tiểu yếu: Dòng chảy nước tiểu yếu, thậm chí chỉ đến đầu mũi bàn chân.
- Tiểu đêm nhiều lần: Mỗi đêm người bệnh phải đi tiểu ít nhất 2 lần. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ và sức khỏe.
- Tiểu gấp: Khi buồn tiểu phải đi ngay lập tức, không thể nhịn, đôi khi nước tiểu còn bị ra ngoài nếu không kịp đi.
- Tiểu ngắt quãng: Nước tiểu đang chảy bỗng nhiên dừng lại vài giây, sau đó mới lại ra tiếp.
Khi gặp các biểu hiện trên, nhiều người cho rằng đó chỉ là dấu hiệu của tuổi già chứ không phải phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, cần chủ động thăm khám để được phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời (nếu có bệnh).
Thường thì các bác sĩ sẽ sắp xếp các triệu chứng này thành một bảng tương ứng với các cấp độ nghiêm trọng, từ đó xác định tình trạng tăng sản tuyến tiền liệt của bệnh nhân.
Các biến chứng của tăng sản tuyến tiền liệt
Theo các bác sĩ, tăng sản tiền liệt tuyến có thể tiến triển trong suốt thời gian dài mà không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh gây rối loạn tiểu tiện nên khiến cho cuộc sống của bệnh nhân gặp không ít phiền phức, đặc biệt là tình trạng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần làm giấc ngủ không sâu. Khi tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn có thể làm chức năng bàng quang suy giảm, ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Mặc dù tăng sản tiền liệt tuyến là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Bí tiểu hoàn toàn, bí tiểu cấp: Người bệnh bị đau quặn vùng bụng dưới, bàng quang căng to. Bệnh nhân luôn buồn tiểu nhưng không đi được, gây ra cảm giác vô cùng khó chịu.
- Bí tiểu không hoàn toàn: Mặc dù bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu được nhưng lượng nước tiểu còn dư trong bàng quang luôn còn đến hơn 100ml.
- Các bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu: Sỏi bàng quang, nhiễm khuẩn niệu, nước tiểu ngược dòng, viêm bể thận, tiểu ra máu, thậm chí là đái ra mủ.
Bên cạnh các biến chứng liên quan đến đường tiết niệu, tăng sản tuyến tiền liệt còn làm nặng thêm các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, tiểu đường…
Đối tượng dễ mắc tăng sản tuyến tiền liệt
Như đã nói ở trên, tăng sản xuất tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi. Cứ 100 người thì 70 người có nguy cơ cao mắc tăng sản tiền liệt tuyến.
Theo các chuyên gia, tuổi tác là yếu tố liên quan trực tiếp tới tình trạng tăng sinh của các tế bào tuyến tiền liệt. Nếu xét về mặt tế bào học, nam giới bước sang tuổi 40 đã bắt đầu gặp phải tình trạng tăng sản lành tính. Tuy nhiên, nếu xét về mặt lâm sàng thì tuổi ở 50 đến ngoài 60 hiện tượng này mới xảy ra.
Bên cạnh đó, những người thừa cân, béo phì cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị tăng sản tuyến tiền liệt hơn những người bình thường. Bởi béo phì là một trong những nguyên nhân khiến các triệu chứng của bệnh lý này ngày một rõ nét hơn.
Phương pháp chẩn đoán tăng sản tuyến tiền liệt
Bệnh tăng sản xuất tuyến tiền liệt diễn biến tương đối chậm, ít khi khiến bệnh nhân tử vong. Những người càng lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh càng cao, có những người ngoài 40 tuổi đã xuất hiện triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt.
Để chẩn đoán tăng sản xuất tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm như: Thăm dò hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt, siêu âm trực tràng, chụp X-Quang, đo niệu dòng đồ,… Cụ thể như dưới đây:
Xét nghiệm PSA trong máu
Xét nghiệm máu PSA – Prostatic Specific Antigen được xem là phương pháp hiệu quả khi có thể xác định được các rối loạn tiểu tiện là do bệnh lý hay chỉ là dấu hiệu của tuổi tác. Đây đồng thời cũng là xét nghiệm giúp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt mà hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa đang áp dụng.
Siêu âm trực tràng
Thông qua hình ảnh thu được từ siêu âm trực tràng, bác sĩ có thể đưa ra kết luận bệnh nhân có bị phì đại tiền liệt tuyến hay không.
Phương pháp chẩn đoán này được thực hiện bằng cách sử dụng một đầu dò để chèn vào trực tràng. Sóng âm của đầu dò này sẽ hướng về phía tuyến tiền liệt. Khi các sóng âm này có sự tương tác sẽ trả về hình ảnh cụ thể của các tế bào tuyến tiền liệt trên một màn hình đã được kết nối với đầu dò.
Siêu âm tuyến tiền liệt
Siêu âm tuyến tiền liệt được nhắc đến là phương pháp cận lâm sàng, dễ phát hiện bệnh mà độ chính xác lại cao. Vì thế, siêu âm luôn là lựa chọn của rất nhiều bác sĩ trong thăm khám và chẩn đoán bệnh về tiền liệt tuyến.
Phương pháp siêu âm giúp đánh giá kích thước của tuyến tiền liệt. Từ kết quả đó, bác sĩ dễ dàng đưa ra kết luận về tình trạng phì đại của tuyến. Ưu điểm của biện pháp này là tiết kiệm đáng kể thời gian, không gây sang chấn, độ chính xác cao.
Các hình thức siêu âm tuyến tiền liệt hiện nay bao gồm:
- Siêu âm khu vực trên xương mu.
- Siêu âm tầng sinh môn (hiệu quả thấp, ít được áp dụng).
- Siêu âm thông qua đầu dò được đưa qua đường niệu đạo. Tuy nhiên hình thức siêu âm này lại có thể khiến niệu đạo bị vỡ, gây viêm nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Phương pháp siêu âm Doppler (thường được kết hợp với một số phương pháp khác để thu về kết quả chính xác nhất).
Thăm dò tiết niệu và tuyến tiền liệt
Việc thực hiện các bước thăm dò tiết niệu cũng như tuyến tiền liệt cũng giúp phát hiện sớm sự tăng sinh của tế bào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nếu chỉ tiến hành thăm dò bằng tay thì rất khó để phát hiện chính xác tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành thêm một số xét nghiệm hoặc siêu âm trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Chụp X-Quang tuyến tiền liệt
Hình ảnh chụp X-Quang tuyến tiền liệt và hệ tiết niệu giúp bác sĩ:
- Xác định những thay đổi bất thường về cấu trúc của hệ tiết niệu do tình trạng tăng sản xuất tuyến tiền liệt gây nên.
- Đánh giá vị trí, mức độ co vào lòng bàng quang của các khối u ở tuyến tiền liệt (nếu có).
- Quan sát và đánh giá chức năng 2 bên thận, tình trạng niệu đạo cũng như những bất thường kèm theo dị tật.
Soi bàng quang
Là hình thức nội soi bàng quang thông qua đường tiết niệu hoặc lỗ niệu đạo bằng thiết bị có gắn camera. Phương pháp này giúp bác sĩ xác định được kích thước của các tế bào tuyến cũng như vị trí phì đại, từ đó đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp.
Theo dõi chảy nước tiểu
Hoàn toàn khác biệt với các xét nghiệm, siêu âm phía trên, phương pháp chẩn đoán này chỉ đơn giản là việc bác sĩ yêu cầu người bệnh tiểu tiện vào một thiết bị có tác dụng đo cường độ dòng chảy nước tiểu.
Thông qua những chỉ số thu thập được trên thiết bị về sự tăng/giảm của dòng chảy nước tiểu, bác sĩ cũng có thể đưa ra những đánh giá khách quan về khả năng mắc phì đại tuyến tiền liệt của người bệnh.
Phương pháp điều trị tăng sản tuyến tiền liệt
Tăng sản tuyến tiền liệt là bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm để tránh gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Cơ chế chung của các biện pháp chữa tăng sản tuyến tiền liệt hiện nay là thu nhỏ, làm chậm quá trình phát triển của tế bào tuyến, giúp bệnh nhân tiểu tiện dễ dàng hơn.
Dưới đây là các biện pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính theo Tây y, Đông y cùng một số liệu pháp chữa trị tại nhà đang được áp dụng phổ biến hiện nay.
Chữa tăng sản tuyến tiền liệt theo Tây y
Căn cứ vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu bệnh ở thể nhẹ có thể chỉ cần sử dụng thuốc, còn đối với các trường hợp bệnh tiến triển nặng, các bác sĩ sẽ hội chẩn để đưa ra biện pháp can thiệp ngoại khoa phù hợp.
Điều trị nội khoa
Trong điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính sử dụng các loại thuốc có tác dụng giãn cơ trơn ở tuyến tiền liệt cũng như cổ bàng quang. Từ đó, dòng nước tiểu được cải thiện, tình trạng tắc nghẽn, bí tiểu giảm đáng kể. Các loại thuốc điều trị tăng sản tuyến tiền liệt thường được sử dụng là:
- Doxazosin
- Alfuzosin (xatral)
- Terazosin (hytrin)
- Permixon
- Tadenan
- …
Cơ chế chung của các loại thuốc trên là ức chế quá trình phát triển của tế bào tuyến tiền liệt và thu nhỏ kích thước tuyến. Nhờ vậy mà người bệnh tiểu tiện dễ dàng hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị ngoại khoa
Khi tình trạng tăng sản tiền liệt tuyến ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Biện pháp này giúp loại bỏ nguy cơ chèn ép niệu đạo, bảo vệ các cơ quan thuộc hệ tiết niệu nói chung.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, phẫu thuật là giải pháp dài hạn, đem lại hiệu quả cao cho người bệnh tăng sản tuyến tiền liệt. Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là:
- Cắt đối nội soi: Là phương pháp đưa máy cắt nội soi qua đường niệu đạo nhằm khoét bỏ khối u, loại bỏ các tế bào tuyến tăng sinh.
- Mổ mở: Thường được chỉ định khi tế bào tuyến tăng sinh quá nhiều, bệnh nhân đã có dấu hiệu tổn thương bàng quang, suy thận và không thể can thiệp bằng phương pháp nội soi. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào bệnh án tăng sản tuyến tiền liệt cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ xem xét có nên mổ mở hay không.
Nói thêm, trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt các bác sĩ luôn ưu tiên các biện pháp nội khoa. Phương pháp ngoại khoa chỉ được áp dụng khi điều trị nội khoa bằng thuốc thất bại hoặc khi người bệnh đã gặp một số biến chứng, không thể chờ thuốc phát huy tác dụng.
Biện pháp chữa tăng sản tiền liệt tuyến tại nhà
Bên cạnh các bài thuốc Đông y, Tây y, người bệnh cũng có thể sử dụng các liệu pháp chữa tăng sản tuyến tiền liệt từ dân gian. Ưu điểm của phương pháp này là chỉ sử dụng những nguyên liệu quen thuộc, không yêu cầu cách chế biến phức tạp. Đấng mày râu có thể tham khảo một số bài thuốc sau:
Hạt bí đỏ
Trong hạt bí đỏ có chứa delta 7 -phytosterol – hoạt chất giúp ức chế hoạt động của enzyme alfa reductase-5. Nhờ vậy mà quá trình tăng sinh của các tế bào tuyến tiền liệt bị kìm hãm, thu nhỏ kích thước khối u phì đại tuyến tiền liệt. Ngoài ra, tinh dầu hạt bí đỏ cũng cải thiện đáng kể tình trạng tiểu đêm, tiểu buốt, tiểu khó.
Để sử dụng hạt bí đỏ chữa bệnh về tiền liệt tuyến, mỗi ngày bệnh nhân nên sử dụng 50gr hạt bí đỏ. Đây được xem là biện pháp cải thiện các triệu chứng bệnh cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát hiệu quả.
Cây trinh nữ hoàng cung
Từ xa xưa, trinh nữ hoàng cung đã được xem là loại thuốc quý được sử dụng để chữa bệnh cho vua chúa, hoàng tộc. Loại dược liệu dân gian này thường được dùng để chữa bệnh về dạ dày, bướu cổ, viêm họng,… và đặc biệt là tăng sản tiền liệt tuyến.
Theo các nhà khoa học Mỹ, trong cây trinh nữ hoàng cung có chứa 32 loại alkaloids, cao methanol. Chúng đều là những chất có tác dụng ức chế tế bào, giảm kích thước phì đại tuyến tiền liệt. Nhờ vậy mà niệu đạo, cổ bàng quang được “giải phóng” bởi sự tăng sinh quá mức của các tế bào tuyến tiền liệt.
Để sử dụng cây trinh nữ hoàng cung làm thuốc điều trị tăng sản tiền liệt tuyến, bạn chỉ cần lấy 3 lá trinh nữ hoàng cung tươi (hoặc 20gr loại khô) sắc cùng 2 chén nước, lấy 1 chén. Sau đó, chia phần nước thu được làm 3 phần rồi sử dụng dần trong ngày.
Cây náng hoa trắng
Náng hoa trắng cũng là loại cây phổ biến trong các bài thuốc dân gian. Nhờ chứa 0,97% alkaloid mà náng hoa trắng giúp các quý ông giải quyết tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, đồng thời kháng viêm và ngăn ngừa bệnh tiết niệu hiệu quả.
Cách dùng náng hoa trắng chữa tăng sinh tuyến tiền liệt tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần sắc lá, củ của loại cây này với nước và uống trong ngày. Kiên trì trong khoảng 1-2 tháng sẽ cảm nhận rõ hiệu quả.
Cây tầm ma
Theo Ủy ban Châu Âu và tổ chức WHO, tầm ma là cây thuốc có chứa các dược chất quý giúp kháng viêm, ngăn không cho các mô tuyến tiền liệt phát triển. Nam giới có thể sử dụng rễ cây tầm ma sắc với nước và uống hằng ngày, qua đó cải thiện chứng rối loạn tiểu tiện, cải thiện tình trạng phì đại tuyến tiền liệt.
Bị tăng sản tuyến tiền liệt nên ăn gì, kiêng gì?
Tăng sản tuyến tiền liệt là bệnh lành tính nhưng cần chữa trị ngay để không gây hại cho sức khỏe. Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định, người bệnh cũng cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học để nhanh chóng đẩy lùi bệnh. Theo đó, quý ông bị bệnh tăng sản xuất tuyến tiền liệt nên tăng cường các thực phẩm sau:
- Cá hồi, cá mòi, cá nước lạnh: Chứa Omega-3 và các chất béo có lợi giúp chống viêm, cải thiện tình trạng phì đại tuyến tiền liệt.
- Cà chua: Chứa nhiều lycopene – chất chống oxy hóa tốt cho tuyến tiền liệt. Khi nam giới bổ sung cà chua đúng cách còn giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
- Nhóm các loại quả mọng (mâm xôi, dâu tây, việt quất): Là những loại quả giàu chất chống oxy hóa, tiêu diệt gốc tự do, thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt bị phì đại.
- Bông cải xanh: Giàu sulforaphane, đây là hoạt chất chống ung thư, giúp tuyến tiền liệt hoạt động khỏe mạnh, ngăn nguy cơ phì đại.
- Các loại hạt giàu kẽm (hạt bí, vừng): Bảo vệ tuyến tiền liệt khỏi tác nhân gây phì đại.
- Nhóm hoa quả có múi: Cung cấp nguồn vitamin C dồi dào, ngăn nguy cơ tăng sinh tế bào tuyến tiền liệt bất thường.
- Hành và tỏi: Mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình điều trị tăng sản tuyến tiền liệt, đồng thời tăng khả năng miễn dịch để cơ thể khỏe mạnh, hạn chế mắc bệnh về tiết niệu.
Ngoài nhóm những thực phẩm nên bổ sung kể trên, người bệnh phì đại tuyến tiền liệt cũng nên kiêng:
- Các loại thịt đỏ: Vì chúng có thể khiến kích thước tuyến tiền liệt tăng từ 2-3 lần.
- Đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ: Men 5-alpha reductase có thể khiến tế bào tuyến tiền liệt liên tục tăng sinh. Việc bổ sung quá nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân khiến men 5-alpha reductase hoạt động mạnh hơn.
- Thức ăn mặn: Muối khiến cho thận liên tục phải hoạt động, dẫn đến nhiều vấn đề về đường tiết niệu trong đó có chứng rối loạn tiểu tiện. Vì vậy, giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh.
- Các gia vị cay: Tác động tiêu cực đến bàng quang, tăng kích thước tuyến tiền liệt.
- Các loại đồ uống: Sữa, đồ uống chứa caffeine, rượu…
Biện pháp phòng tránh tăng sản tuyến tiền liệt
Để phòng tránh phì đại tuyến tiền liệt, nam giới thực hiện những việc sau:
- Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học. Cần duy trì tâm lý thoải mái, lạc quan, thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất tăng cường sức khỏe.
- Tuyệt đối không được lạm dụng chất kích thích, các loại đồ uống có hại cho sức khỏe. Nên từ bỏ thói quen uống rượu bia, cafe,… Nếu công việc bắt buộc phải uống thì chỉ nên dùng với liều lượng nhỏ, không nên dùng nhiều vì rượu bia không những gây hại cho gan, thận mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến tiền liệt.
- Ăn uống đầy đủ, tăng cường bổ sung rau xanh và các loại trái cây, hạn chế những món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.
- Ngủ đủ giấc, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi để cơ thể luôn khỏe mạnh.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể tăng cường đào thải độc tố, tránh mắc các bệnh về đường tiết niệu.
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp sớm phát hiện bệnh (nếu có) và kịp thời có biện pháp can thiệp, tránh để bệnh tiến triển xấu gây bất lợi cho sức khỏe.
Tăng sản tuyến tiền liệt là bệnh lý mà đa số nam giới phải đối diện. Tuy hiếm bệnh nhân nào tử vong do tăng sản tiền liệt tuyến nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng cho hệ tiết niệu và sức khỏe. Vì vậy, ngay khi có những triệu chứng ban đầu của bệnh, nam giới cũng nên chủ động thăm khám để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!