Khô Âm Đạo
Khô âm đạo là tình trạng phổ biến ở nữ giới, nhất là phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, tiền mãn kinh. Âm đạo bị khô không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng đời sống tình dục mà còn là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm, bệnh phụ khoa nguy hiểm. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng khô hạn, dấu hiệu nhận biết và cách khắc phục ra sao? Mọi thắc mắc về vấn đề này sẽ được Nhất Nam Y Viện chia sẻ chi tiết trong bài viết dưới đây.
Khô âm đạo là gì?
Khô âm đạo hay còn gọi là khô hạn, chính là tình trạng thiếu chất nhờn bôi trơn tại thành âm đạo khiến “cô bé” thiếu ẩm, bị khô rát. Đồng thời không đủ lượng dịch nhầy để bảo vệ âm đạo trước khi tấn công, xâm nhập của vi khuẩn, vi nấm cũng như khiến chị em không đạt được khoái cảm khi quan hệ tình dục.
Ở nữ giới, hàm lượng hormone sinh dục nữ – estrogen sẽ đảm nhận vai trò tăng tiết chất nhờn âm đạo, giúp chúng trở nên mềm mại, duy trì độ ẩm và đàn hồi tốt. Tuy nhiên, nếu nồng độ estrogen suy giảm, lượng chất nhờn sẽ ít đi, khiến âm đạo khô và thành âm đạo cũng mỏng hơn.
Âm đạo bị khô là triệu chứng điển hình ở những người đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh. Trên thực tế, cứ 10 phụ nữ ở tuổi này sẽ có 3 người phải trải qua tình trạng khô rát âm đạo. Chưa kể, còn có những chị em bị teo âm đạo và hiện tượng khô hạn còn diễn ra thường xuyên hơn sau giai đoạn trên.
Nguyên nhân bị khô âm đạo?
Dựa theo các số liệu được thống kê, có khoảng 17% phụ nữ từ 18 – 50 tuổi gặp phải vấn đề khô hạn. Rất nhiều trường hợp bị khô âm đạo khi quan hệ tình dục không được kích thích. Vậy nên có nhiều trường hợp chỉ mới 20, 25 tuổi nhưng đã bị khô hạn, giảm ham muốn.
Theo các bác sĩ phụ khoa, nguyên nhân gây nên tình trạng khô âm đạo rất đa dạng. Tuy nhiên phần lớn đều do hàm lượng estrogen trong cơ thể suy giảm do tiền mãn kinh, mãn kinh. Bên cạnh đó, âm đạo khô hạn còn xuất phát từ một số nguyên nhân khác như sau:
- Do quá trình sinh nở và cho con bú.
- Đang điều trị ung thư, xạ trị, hóa trị hoặc đã từng làm phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
- Do sử dụng thuốc kháng estrogen để điều trị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
- Do thụt rửa âm đạo quá sâu, vệ sinh vùng kín sai cách.
- Bị căng thẳng quá mức.
- Đang dùng thuốc trị dị ứng, cảm lạnh, thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai,…
- Sử dụng các loại xà phòng có độ tẩy rửa mạnh cho vùng kín, tiếp xúc nhiều với hóa chất trong bể bơi, tắm bồn nước nóng, do cặn bột giặt.
- Không được kích thích khi quan hệ, tức khi quan hệ không có “màn dạo đầu”.
- Hút thuốc lá.
- Người uống rượu bia, bởi rượu bia có thể làm mất nước trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến âm đạo. Đồng thời cũng là một chất suy nhược hệ thần kinh trung ương, khiến chúng kém nhạy cảm so với những người không sử dụng rượu bia. Kết quả là sự kết nối giữa tâm trí – cơ thể có thể không mang lại hiệu quả trong việc kích thích bôi trơn âm đạo như bình thường.
- Mắc hội chứng rối loạn tự miễn tấn công các tế bào sản xuất độ ẩm của cơ thể, hay còn gọi là hội chứng Sjogren.
- Thuốc hen suyễn như ipratropium bromide và tiotropium bromide có khả năng ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, giúp giãn đường thở. Tuy nhiên điều này có thể gây khô niêm mạc, bao gồm cảm miệng, âm đạo.
Triệu chứng khô âm đạo
Phụ nữ mắc chứng khô âm đạo sẽ có những triệu chứng phổ biến như sau:
- Ngứa âm đạo: Âm đạo khô, không có đủ độ ẩm cần thiết rất dễ khiến vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng ngứa ngáy.
- Nóng, khô rát vùng kín: Lượng chất nhầy tiết ra không đủ nên dễ dẫn tới hiện tượng nóng, kích ứng vùng âm đạo, nhất là khi quan hệ tình dục.
- Thay đổi hình dạng của âm đạo, âm hộ: Khô hạn kéo dài khiến thành âm đạo mỏng đi, dẫn tới hiện tượng teo âm đạo, môi âm đạo mỏng dần.
- Đau khi quan hệ: Khi chất nhờn bôi trơn tiết ra quá ít, dù một tác động ma sát nhẹ cũng thấy đau, dẫn tới việc ngại quan hệ, giảm ham muốn. Trong một số trường hợp còn cảm thấy khó khăn khi ngồi, đứng, đi tiểu, tập thể dục, làm việc,…
- Viêm nhiễm vùng kín: Thành niêm mạc mỏng, yếu hơn, cộng thêm độ đàn hồi kém, môi trường âm đạo không ổn định dễ hình thành nguy cơ viêm nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm.
- Thay đổi dịch âm đạo: Dịch âm đạo có màu khác lạ, thậm chí là mùi hôi tanh cực kỳ khó chịu.
Đối tượng có nguy cơ cao bị khô âm đạo
Khô âm đạo thường xảy ra ở phụ nữ trưởng thành, một phần do lượng estrogen thấp hoặc do bị nhiễm trùng. Theo đó, âm đạo bị khô phần lớn rơi vào những nhóm đối tượng sau:
Phụ nữ sau sinh
Nội tiết tố của phụ nữ sẽ có sự thay đổi lớn khi mang thai để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Lúc này, âm đạo của chị em cũng có thể bị tổn thương, dễ bị một số vi khuẩn, vi nấm tấn công và gây bệnh phụ khoa. Sau khi sinh, nồng độ estrogen và progesterone đột ngột quay trở về chỉ số bình thường khiến chị em dễ bị đau bụng dưới, đầy bụng và khô hạn sau sinh.
Cộng thêm việc phải cho con bú kích thích tuyến yên sản xuất hormone prolactin tạo sữa. Chính điều này đã làm ức chế buồng trứng và làm giảm hàm lượng estrogen, âm đạo chị em sẽ bị khô, ham muốn giảm, kèm theo tình trạng đau rát khi quan hệ. Chưa kể các tổn thương ở tầng sinh môn do vết khâu, vết mổ làm ảnh hưởng tới sức khỏe chị em. Trong khi việc chăm sóc con nhỏ cũng khiến các mẹ bỉm mệt mỏi, làm tăng nguy cơ stress, áp lực, khô hạn sau sinh nở.
Những thay đổi về cơ thể, vóc dáng cùng tình trạng khô âm đạo sau sinh khiến chị em dần mất tự tin về ngoại hình, không cảm thấy thoải mái khi quan hệ. Lâu dần, phụ nữ sẽ không còn hứng thú với việc quan hệ, ngại gần gũi với chồng.
Phụ nữ sau 30 tuổi
Ngoài 30 tuổi, chị em rất dễ gặp phải tình trạng suy giảm nội tiết tố. Một trong những biểu hiện cụ thể nhất của tình trạng này chính là hiện tượng khô âm đạo, giảm ham muốn. Từ đó làm ảnh hưởng tới chất lượng đời sống tình dục, tình cảm vợ chồng và vô số những rắc rối khác.
Trường hợp phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
Cho những bạn chưa biết, buồng trứng được ví như “nhà máy” sản xuất nội tiết tố nữ estrogen. Trong trường hợp phải cắt bỏ 1 hoặc 2 bên buồng trứng sẽ khiến nội tiết tố nữ suy giảm hoặc không còn sản xuất được nữa. Điều này khiến phụ nữ phải đối mặt với những rắc rối trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh như có cảm giác khô rát khi quan hệ, lãnh cảm, hay cáu gắt, dễ nóng giận,…
Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh
40 – 45 tuổi là giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh ở phụ nữ. Lúc này hoạt động của buồng trứng sẽ suy giảm, kéo theo sự sụt giảm của nồng độ estrogen khiến độ ẩm trong âm đạo xuống thấp. Thành âm đạo mỏng đi, độ đàn hồi cũng kém hơn nhiều so với giai đoạn có kinh nguyệt. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khô âm đạo ở phụ nữ.
Một số trường hợp khác
Bên cạnh những nhóm đối tượng trên, tình trạng âm đạo khô còn có thể xuất hiện ở những trường hợp sau:
- Người hay bị căng thẳng, áp lực trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày.
- Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá, tập luyện thể dục thể thao với cường độ nặng.
- Người mắc chứng rối loạn hệ thống miễn dịch, người bị trầm cảm.
- Phụ nữ đang điều trị bệnh ung thư vùng chậu bằng phương pháp hóa trị, xạ trị,…
- Trường hợp chị em đang điều trị nội tiết.
- Phụ nữ dùng thuốc không đúng cách, thường xuyên thụt rửa âm đạo, lạm dụng dung dịch vệ sinh,…
Ảnh hưởng của âm đạo bị khô đến sức khỏe, đời sống
Triệu chứng khô hạn kéo dài không chỉ gây khó chịu vùng kín mà còn khiến sức khỏe chị em phụ nữ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tình trạng khô hạn kéo dài dễ làm giảm ham muốn tình dục, khiến chị em không đạt được khoái cảm khi “yêu”, quan hệ vợ chồng xa cách. Cụ thể như sau:
- Ảnh hưởng tới tinh thần, làm suy giảm ham muốn: Khô hạn khi “yêu” khiến chị em cảm thấy chuyện tình dục như một cực hình. Nếu để lâu, chị em dễ rơi vào cảm giác sợ quan hệ, mất dần ham muốn, thường xuyên trốn tránh gần gũi với chồng. Hơn nữa, phụ nữ bị khô hạn cũng khiến nam giới cảm thấy đau rát, giảm dần khoái cảm.
- Giảm khả năng thụ thai: Đau rát âm đạo do khô hạn không gây vô sinh, tuy nhiên đây chính là nguyên nhân cản trở quá trình thụ thai thành công. Từ đó làm giảm khả năng có con, dẫn tới tình trạng hiếm muộn ở nhiều cặp đôi.
- Tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Việc quan hệ tình dục dễ bị tổn thương, đau rát, nặng hơn là sưng tấy, chảy máu nếu âm đạo quá khô. Dịch tiết âm đạo kém còn làm mất cân bằng độ pH, dễ khiến các tác nhân gây gây bệnh dễ dàng tấn công và gây viêm nhiễm phụ khoa. Đây cũng chính là nguyên nhân giải thích vì sao nhiều chị em bị viêm nhiễm phụ khoa tái lại nhiều lần nhưng không khỏi.
- Ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình: Ảnh hưởng đáng buồn nhất của âm đạo bị khô chính là đe dọa tới hạnh phúc gia đình. Bởi khô hạn sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn đời, khiến các cặp đôi không thỏa mãn được nhu cầu tình dục. Lâu dần sẽ dẫn tới những bất đồng, làm tăng khả năng ngoại tình, khiến gia đình tan vỡ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Như đã nói, “cô bé” khô hạn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vợ chồng cũng như sức khỏe của phụ nữ. Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh lý, các bạn cần chú ý theo dõi cơ thể. Nếu thấy xuất hiện những biểu hiện sau, chị em cần nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra:
- Có cảm giác khô rát, đau khi quan hệ, thậm chí việc đứng, ngồi, di chuyển hay làm việc cũng trở nên khó khăn.
- Trường hợp cảm thấy nóng đỏ, khô hạn kéo dài gây kích ứng.
- Ma sát khi quan hệ dẫn tới chảy máu.
- Dịch nhầy có màu, mùi khác lạ khi bị khô hạn.
- Tình trạng khô hạn, giảm ham muốn kéo dài dù đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị nhưng không có dấu hiệu cải thiện tốt.
Chẩn đoán âm đạo bị khô
Muốn điều trị tình trạng khô âm đạo một cách hiệu quả, trước hết bác sĩ phải nắm được nguyên nhân gây bệnh. Để làm được điều này, bác sĩ sẽ cần thăm khám qua vùng kín, thăm hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang dùng và những biện pháp điều trị mà bệnh nhân đang áp dụng.
Dựa theo những thông tin có được, bác sĩ có thể yêu cầu chị em thực hiện một số kiểm tra nhằm củng cố tính xác thực cho kết quả chẩn đoán như:
- Thăm khám vùng chậu, xem mô bên trong âm đạo có mỏng, khô hay bị đỏ không.
- Xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone và những yếu tố khác.
- Xét nghiệm mẫu dịch tiết âm đạo để loại trừ các nguyên khác, chẳng hạn như dấu hiệu nhiễm trùng,…
Cách chữa khô âm đạo hiệu quả
Chữa khô âm đạo hiện nay thường được tiến hành theo cách dùng gel bôi trơn hoặc dùng thuốc đặt để cải thiện tình trạng. Chi tiết về cách chữa, loại thuốc sử dụng, liều lượng cụ thể sẽ được kê đơn sau khi bạn thăm khám và có kết quả chẩn đoán cụ thể từ bác sĩ. Dưới đây là một vài cách chữa âm đạo khô phổ biến nhất mà chị em có thể tham khảo thêm:
Dùng gel bôi trơn âm đạo
Các loại chất bôi trơn không kê đơn sẽ thoa trực tiếp vào vùng âm đạo để làm giảm tình trạng khô rát, khó chịu khi bị khô hạn. Những chất bôi trơn, kem dưỡng ẩm này sẽ giúp cải thiện nồng độ pH âm đạo cũng như làm giảm nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Một số dạng gel bôi trơn thường được dùng gồm có:
- Gel bôi trơn gốc silicon (Silicon-based): Giúp tạo độ trơn trượt tốt nhưng khá lâu khô, chỉ có thể dùng dung dịch vệ sinh chuyên nghiệp để làm sạch. Đồng thời việc dùng bao cao su, đồ chơi tình dục làm từ silicon có thể gây hại.
- Gel bôi trơn gốc dầu (Oil-based): Có thành phần chính là tinh dầu bôi trơn tự nhiên, an toàn và cho hiệu quả lâu dài.
- Gel bôi trơn hữu cơ: Được dùng trong trường hợp phụ nữ có cơ địa nhạy cảm, dễ mẫn cảm với các hóa chất.
- Gel bôi trơn gốc nước (Water-based): Khá an toàn, không gây bết dính, dễ dàng rửa sạch bằng nước thường nên được sử dụng phổ biến cho nhiều trường hợp.
Nhìn chung, mọi người nên lựa chọn chất bôi trơn dành riêng cho âm đạo, ưu tiên những sản phẩm có gốc nước vì chúng dễ sử dụng lại không gây kích ứng. Việc dùng gel bôi trơn chỉ là giải pháp tạm thời khi chị em bị khô âm đạo khi quan hệ. Muốn cải thiện từ gốc rễ, bạn cần bổ sung lượng estrogen cần thiết cho cơ thể để kích thích âm đạo tiết chất nhờn.
Dùng thuốc đặt âm đạo
Dùng thuốc đặt âm đạo là phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay. Phương pháp này sử dụng liệu pháp hormone thay thế tại chỗ khi nồng độ estrogen bị suy giảm, nhờ đó cải thiện hiệu quả triệu chứng rát âm đạo.
Đây là phương pháp an toàn so với đường uống, bởi việc đặt thuốc qua đường âm đạo chỉ đưa 1 lượng thuốc vừa đủ để cải thiện chất nhờn âm đạo, độ pH. Đồng thời giúp điều chỉnh vi khuẩn trong môi trường âm đạo, hạn chế nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa.
Có rất nhiều loại thuốc đặt âm đạo như vòng đặt âm đạo, viên đặt âm đạo hoặc kem bôi âm đạo. Cụ thể như sau:
- Vagifem: Dùng thuốc mỗi ngày 1 lần, thực hiện liên tục trong 2 tuần đầu tiên, sau đó dùng 1 tuần 2 lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- E String: Đây là dạng vòng âm đạo có estrogen tổng hợp, khi đưa vào âm đạo có thể giải phóng estrogen, đặt 3 tháng thay 1 lần.
- Estrace, Premarin: Đây là loại kem bôi vào âm đạo hàng ngày, thời gian 2 tuần đầu nên bôi thường xuyên rồi giảm tần suất còn 1 – 3 lần mỗi tuần.
Mặc dù các loại thuốc trên có độ rủi ro thấp nhưng nếu người bị ung thư vú, đang dùng thuốc ức chế men aromatase, người từng mắc ung thư nội mạc tử cung, người bị chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú,… đều không nên dùng những loại thuốc đã nêu trên.
Biện pháp phòng ngừa khô âm đạo
Để có đời sống tình dục viên mãn hơn, chị em phụ nữ có thể phòng ngừa tình trạng khô âm đạo bằng những cách sau:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, tránh dùng xà phòng hay các sản phẩm chăm sóc vùng kín có chứa chất kiềm, acid hoặc các hóa chất có hại khác.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Luyện tập thể thao điều độ, ăn uống khoa học, ưu tiên những thực phẩm giàu hàm lượng vitamin, khoáng chất đặc biệt là nguồn rau xanh, trái cây tươi.
- Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, ngủ đúng giờ và đủ 8 tiếng tiếng mỗi ngày.
- Tránh căng thẳng, làm việc quá sức và luôn nuôi dưỡng cảm xúc tích cực khi quan hệ.
- Trong trường hợp bị viêm nhiễm, mắc bệnh xã hội nên điều trị dứt điểm rồi mới quan hệ. Nếu không ít nhất cũng phải sử dụng các biện pháp phòng tránh như dùng bao cao su.
- Các cặp đôi có thể dùng gel bôi trơn, sản phẩm dưỡng ẩm để khắc phục chứng khô âm đạo. Tuy nhiên, không nên lạm dụng các sản phẩm này vì chúng có thể ảnh hưởng tới khả năng tiết dịch tự nhiên của âm đạo.
- Khi quan hệ nên có màn “dạo đầu” để kích thích âm đạo tiết chất nhờn, tránh tình trạng khô rát. Đồng thời, chị em nên quan hệ với tần suất đều đặn 3 – 4 lần/tuần.
- Quan hệ tình dục lành mạnh, quan hệ đều nhưng không quan hệ với nhiều người, trước và sau khi “yêu” nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín.
- Thăm khám phụ khoa thường xuyên để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng kín, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.
Các câu hỏi liên quan
Bên cạnh những nội dung đã chia sẻ phía trên, chị em đang gặp tình trạng khô hạn còn đặt ra một số câu hỏi thắc mắc như:
Âm đạo bị khô có chữa được không?
Âm đạo bị khô hoàn toàn có thể cải thiện được. Tuy nhiên trước khi sử dụng các biện pháp điều trị, bạn nên tới bệnh viện thăm khám để được hướng dẫn tư vấn áp dụng phương pháp chữa trị phù hợp, hiệu quả nhất.
Hiện nay, có rất nhiều loại chất bôi trơn không được kê đơn có thể bôi vào âm đạo nhằm giảm tình trạng khô, khó chịu. Những chất bôi trơn này có khả năng thay đổi nồng độ pH của âm đạo, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng,… Lưu ý, không dùng chất bôi trơn có chứa nước hoa, màu nhân tạo vì chúng có thể gây kích ứng vùng kín.
Một số trường hợp khác có thể được chỉ định dùng estrogen dạng viêm uống hoặc kem bôi. Thuốc tránh thai sẽ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ có triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa. Để biết thêm thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như phương pháp điều trị phù hợp, chị em nên tìm tới bệnh viện uy tín, tránh “tiền mất tật mang”.
Khô âm đạo nên ăn gì?
Chế độ ăn uống hàng ngày ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe nói chung và hàm lượng nội tiết tố nói riêng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, phụ nữ muốn cải thiện tình trạng khô âm đạo, tăng tiết dịch nhờn âm đạo có thể tham khảo bổ sung những thực phẩm như:
- Thực phẩm giàu vitamin E giúp tăng chất bôi trơn, giảm khô hạn có nhiều trong các loại hạt, quả bơ, hạt thông, thịt ngỗng, cá hồi, bào ngư, dầu hạt phỉ, dầu hạnh nhân, dầu hướng dương,…
- Để giúp âm đạo khỏe mạnh, tăng tiết chất nhờn bạn có thể ăn nhiều ổi, cà chua, dâu tây, rau ngót, ớt chuông, kiwi vì chúng có chứa hàm lượng vitamin C dồi dào.
- Những thực phẩm giàu vitamin A như gan động vật, cà rốt, hạt macca, khoai lang, cà chua,… giúp cải thiện hệ miễn dịch, giúp cân bằng hàm lượng nội tiết trong cơ thể.
Bên cạnh đó, chị em nên hạn chế dung nạp đồ ăn nhiều dầu mỡ, hạn chế ăn đồ cay nóng, rượu bia, chất kích thích, tránh ăn quá mặn. Mặt khác, chị em có thể kết hợp bổ sung các loại thực phẩm tăng cường estrogen tự nhiên theo sự tư vấn của bác sĩ.
Trên đây là những chia sẻ về tình trạng khô âm đạo ở nữ giới và biện pháp điều trị hiệu quả. Khô hạn không phải vấn đề quá nghiêm trọng nhưng chúng có ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ vợ chồng, đời sống sinh hoạt của nhiều cặp đôi nên chị em đừng ngại chia sẻ với bạn đời của mình. Đồng thời nên thăm khám phụ khoa và có những biện pháp điều trị cụ thể theo hướng dẫn của người có chuyên môn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!