Các Loại Thuốc Điều Trị Viêm Xoang Sàng Sau Hiệu Quả
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênViêm xoang sàng sau là một bệnh lý có liên quan đến đường hô hấp, tương đối khó điều trị dứt điểm và có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Một trong những phương pháp giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh phổ biến nhất đó là sử dụng thuốc điều trị viêm xoang sàng sau. Hãy cùng tìm hiểu về những loại thuốc này cùng những lưu ý liên quan để dùng thuốc một cách hiệu quả, an toàn.
Viêm xoang sàng sau là bệnh lý gì?
Viêm xoang sàng sau là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các xoang sàng nằm ở vị trí sau hốc mắt, phía sau xoang sàng trước và hướng ra phía sau gáy. Khi bị viêm, niêm mạc xoang sàng sau thường bị sưng tấy, ứ đọng dịch nhầy, dẫn đến các triệu chứng khó chịu như:
- Ho khan, ho có đờm, đặc biệt vào buổi đêm.
- Nghẹt mũi, chảy dịch mũi sau, đặc biệt vào buổi sáng hoặc vào ban đêm khi nằm ngủ.
- Đau nhức vùng sau gáy, cơn đau theo thời gian có thể lan ra hai bên thái dương, ở đỉnh đầu hoặc xuống vai gáy.
- Mệt mỏi, nhức đầu.
- Giảm khứu giác.
- Ù tai.
- Có thể sốt nhẹ.
Tham khảo: Bấm Huyệt Trị Viêm Xoang Có Hiệu Quả Không? Cần Lưu Ý Gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh này, đặc biệt phải kể đến:
- Do thay đổi thời tiết đột ngột và sức đề kháng kém.
- Do vi khuẩn, virus, nấm xâm nhập vào xoang sàng sau qua đường mũi.
- Do dị ứng hoặc bị Polyp mũi.
- Do vẹo vách ngăn mũi, cấu trúc xoang sàng sau hẹp bẩm sinh.
Viêm xoang sàng sau được chia thành hai dạng là viêm xoang sàng sau cấp tính (kéo dài dưới 4 tuần) và viêm xoang sàng sau mãn tính (kéo dài trên 12 tuần).
Viêm xoang sàng sau được xếp vào là một trong các bệnh lý viêm xoang nặng, rất khó điều trị dứt điểm. Một số biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị bệnh đúng cách phải kể đến viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm màng não, áp xe não,… Không những thế, do cấu trúc xoang sau nằm sâu bên trong nên dịch mủ cũng khó thoát ra ngoài hơn, vô tình tạo điều kiện tốt để các vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Các loại thuốc điều trị viêm xoang sàng sau tại nhà
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị viêm xoang sàng sau. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cần được thực hiện dựa trên nguyên nhân và mức độ bệnh. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị bệnh phổ biến:
Thuốc xịt mũi chứa Corticoid
Người mắc bệnh viêm xoang sàng sau dù là cấp tính hay mãn tính đều có thể sử dụng loại thuốc chứa Corticoid. Bởi trong các loại thuốc này thường chứa dẫn xuất của Corticoid như Beclomethasone, Fluticasone,… với công dụng giảm viêm, sưng niêm mạc mũi, nghẹt mũi, chảy dịch mũi.
Mặc dù vậy, người bệnh cũng cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bởi rất có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng sai cách. Một số tác dụng phụ dễ bắt gặp nhất phải kể đến nôn mửa, kích ứng mũi, chảy máu cam,…
Thuốc kháng sinh
Một số loại thuốc kháng sinh sẽ được bác sĩ kê đơn trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm xoang sàng sau do vi khuẩn và virus xâm nhập. Các loại thuốc kháng sinh này khi vào cơ thể sẽ giúp tiêu diệt các tác nhân gây viêm nhiễm mô xoang, ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
Xem thêm: 15 Bài Thuốc Nam Chữa Viêm Xoang Hiệu Quả, Dễ Thực Hiện
Một số loại kháng sinh thường được kê đơn phải kể đến thuốc Penicillin. Trong trường hợp dị ứng Penicillin thì có thể thay thế bằng các thuốc kháng sinh chứa sulfur như Trimethoprim, Sulfamethoxazole và Bactrim. Đối với những bệnh nhân viêm xoang sàng sau mãn tính, đã bị nhờn kháng sinh nhóm Penicillin và sulfur thì sẽ chuyển sang dùng nhóm kháng sinh Cephalosporin.
Lưu ý rằng, quá trình sử dụng thuốc kháng sinh cũng có thể gặp tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, dị ứng, phát ban, sưng họng,…
Thuốc kháng nấm men
Trong trường hợp bị viêm xoang sàng sau do nhiễm nấm hoặc bị bội nhiễm nấm, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc kháng nấm như Voriconazole, Amphotericin B. Tuy nhiên cũng một một số đối tượng chống chỉ định dùng nhóm thuốc này, đặc biệt là những người mắc hội chứng porphyrin niệu cấp tính.
Thuốc kháng Histamin H1
Thuốc chứa hoạt chất kháng Histamin H1 được chia thành 2 loại là thuốc uống và thuốc nhỏ mũi. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng cho phù hợp. Tuy nhiên thông thường, các thuốc này có thể dùng cho trẻ từ 5 – 6 tuổi trở lên và những người trưởng thành.
Đối với thuốc kháng Histamin H1 dạng uống, thuốc sẽ đi vào tuần hoàn máu nên những bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt, cường giáp, xơ cứng động mạch,… nên lưu ý khi sử dụng.
Thuốc co mạch dạng xịt
Thuốc co mạch dạng xịt là loại thuốc được sử dụng nhiều hơn bởi có thể có tác dụng ngay từ 1-3 phút từ sau khi sử dụng. Tuy nhiên song song với đó, khả năng bị nhờn thuốc cũng sẽ cao hơn so với những loại thuốc khác. Một số loại thuốc co mạch dạng xịt phổ biến trên thị trường hiện nay là Naphazolin, Xylometazolin, Pseudoephedrine,…
Các tác dụng phụ đã được ghi nhận trên những bệnh nhân sử dụng thuốc co mạch dạng xịt đó là hoại tử niêm mạc mũi (Ở trẻ em), loét mũi, giãn đồng tử,…
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm xoang sàng sau
Viêm xoang sàng sau có nhiều triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh là một phương pháp phổ biến, nhưng nếu dùng không đúng cách có thể dẫn đến nhiều tác hại. Do đó, người bệnh cần lưu ý những điều sau khi dùng thuốc trị viêm xoang sàng sau:
- Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ, về loại thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng. Không nên tự ý mua thuốc dùng hoặc tự ý tăng hoặc giảm liều lượng thuốc đột ngột.
- Thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc khác đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng, thảo dược,… để tránh tương tác thuốc.
- Nếu gặp tác dụng phụ, bệnh nhân cần tự theo dõi và thông báo cho bác sĩ sớm.
- Ngừng sử dụng thuốc và đến gặp bác sĩ ngay nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như phản ứng dị ứng, khó thở, sưng mặt, mày đay…
- Giữ thói quen sinh hoạt lành mạnh như uống nhiều nước để giúp làm loãng dịch nhầy, giúp thông mũi và giảm nghẹt mũi. Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp làm ẩm không khí, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, xông hơi bằng nước nóng để giúp làm loãng dịch nhầy,… Đặc biệt nhất, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
Dùng thuốc điều trị viêm xoang sàng sau là một phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát các triệu chứng, đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Mặc dù vậy, việc sử dụng thuốc điều trị cần được thực hiện cẩn thận và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đọc thêm:
- Viêm Xoang Kiêng Ăn Gì, Nên Ăn Gì Chóng Khỏi Bệnh?
- Viêm Xoang Có Di Truyền Không? Chăm Sóc Như Nào?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!