Lang Ben Đỏ
Lang ben đỏ là một dạng bệnh da liễu bắt gặp rất nhiều ở nước ta, chỉ xếp sau bệnh chàm. Lang ben có thể xảy ra ở mọi đối tượng, xuất hiện nhiều ở các vùng da mặt, lưng, ngực hay tay chân,… Tuy không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến tính mạng nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tạo cảm giác tự ti, không thoải mái cho người bệnh.
Lang ben đỏ là gì? Dấu hiệu nhận biết
Lang ben đỏ là một bệnh lý da liễu xảy ra do một loại vi nấm có tên khoa học là Malassezia furfur (Pityrosporum ovale) gây bệnh trên da. Khi mắc bệnh, trên cơ thể của người bệnh sẽ xuất hiện những chấm màu đỏ, có vảy nhỏ như phấn, rất dễ bong tróc. Sở dĩ xuất hiện các vết lang ben đỏ này là bởi vì khi vi nấm xâm nhập gây bệnh trên bề mặt da, quá trình hấp thụ tia cực tím bị cản trở, khiến màu da bị biến đổi.
Thông thường, lang ben đỏ thường xuất hiện trên những vùng da không phơi nắng (ít phơi nắng như lưng, ngực,…). Hơn nữa, khi mắc bệnh, bệnh nhân cũng không cảm nhận thấy đau đớn mà chỉ là những cơn ngứa nhẹ nên thường khó nhận biết. Chỉ khi sau một khoảng thời gian, vùng da lang ben đỏ này có ranh giới rõ ràng với vùng da bình thường mới nhận ra.
Những dấu hiệu nhận biết và phân biệt lang ben đỏ với các loại bệnh da liễu khác đó là:
- Các vùng da bị tổn thương sẽ tăng hoặc giảm sắc tố, lan rộng với nhiều hình dạng khác nhau.
- Các đốm lang ben đỏ có hình tròn hoặc bầu dục, kích thước khác nhau, gồ lên hoặc bằng phẳng với bề mặt da, có viền màu sẫm phân biệt rõ ràng với vùng da khác. Vùng da tổn thương này được bao phủ bởi lớp vảy mịn, dễ tróc, cạo ra như phấn.
- Ban đầu, các vết lang ben đỏ chỉ nằm rải rác nhưng về sau sẽ liên kết lại với nhau, hình thành các đám lang ben màu đỏ rộng.
- Vùng da bị lang ben đỏ khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc khi cơ thể đổ mồ hôi sẽ gây ngứa ngáy kèm châm chích.
- Mảng da tổn thương biến đổi màu dựa vào sắc tố da và mức độ phát triển của bệnh.
Nguyên nhân gây ra lang ben đỏ
Theo nghiên cứu, lang ben đỏ gây ra do một loại vi nấm Malassezia. Vi khuẩn này rất thích hợp phát triển trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều và trên những đối tượng tiết nhiều mồ hôi. Một vài tác nhân có thể kích thích bệnh phát triển và lan rộng:
- Người có hệ miễn dịch yếu: Những người có cơ địa miễn dịch yếu hoặc mắc một vài bệnh lý liên quan khiến hệ miễn dịch suy giảm như cúm, sởi, HIV, ung thư,… sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho nấm phát triển và lan rộng bệnh lang ben.
- Do hormone thay đổi: Những đối tượng bị rối loạn hormone (như thanh niên trong độ tuổi dậy thì, bà bầu hoặc phụ nữ cho con bú, người già,…) cũng có nguy cơ gia tăng nguy cơ mắc lang ben đỏ khi quá trình tiết mồ hôi tăng.
- Vệ sinh cơ thể kém: Những người vệ sinh kém hoặc vệ sinh sai cách khiến dầu thừa ứ đọng ở các lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển và gây bệnh nhanh chóng.
- Do rối loạn tuyến bã nhờn: Khi bị rối loạn tuyến bã nhờn, người bệnh sẽ bị toát mồ hôi nhiều hơn, khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Do ảnh hưởng thời tiết nóng ẩm: Thời tiết nóng ẩm sẽ kích thích nhiều loại vi nấm phát triển mạnh, do đó bệnh lang ben đỏ cũng sẽ lây lan nghiêm trọng hơn.
- Một số yếu tố khác: Bệnh lang ben đỏ cũng có thể bùng phát khi người bệnh bị thừa cân béo phì, chế độ ăn uống không điều độ, nạp nhiều chất béo, chất ngọt, uống nhiều rượu bia,dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài,…
Lang ben đỏ có lây không?
Nhiều người cho rằng, lang ben đỏ chỉ là một bệnh da liễu cá nhân, không lây nhiễm giữa người với người. Nhưng không phải vậy, các chuyên gia đã nghiên cứu và cho biết rằng, nấm lang ben có thể lây nhiễm trực tiếp hoặc lây gián tiếp qua việc tiếp xúc với các đồ vật như quần áo, khăn tắm….
Không những lây nhiễm từ người sang người, lang ben còn có thể lây lan nhanh chóng từ vùng da này sang vùng da khác trên cơ thể người bệnh. Khi vừa mắc bệnh, tổn thương chỉ xuất hiện từng đốm nhỏ, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, bệnh sẽ lan rộng xuống cổ, ngực, lưng, mặt hay thậm chí là cả nửa thân trên.
Phương pháp điều trị lang ben đỏ hiệu quả
Bệnh lang ben đỏ không thể tự khỏi nếu không điều trị tích cực. Thậm chí, trong điều kiện thời tiết thuận lợi như nóng nhiều, bệnh còn có thể lây lan nhanh chóng. Chính vì thế, ngay khi phát hiện ra những dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần tới các cơ sở da liễu để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp. Trong các phương pháp điều trị, có 2 hình thức được áp dụng nhiều nhất đó chính là:
Dùng thuốc Tây
Thuốc Tây có thể nhanh chóng chấm dứt những triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, sử dụng thuốc Tây lâu dài hay dùng quá liều lượng có thể gây ảnh hưởng xấu đến cho sức khỏe. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện tình hình.
Các loại thuốc trị lang ben đỏ phổ biến đó là:
- Thuốc chống nấm dùng tại chỗ: Là những loại thuốc có thành phần ứng chế sự phát triển của men nấm và làm giảm các tổn thương ngoài da. Các loại thuốc phổ biến hay được kê đơn đó là Ketoconazole, Terbinafine, Ciclopirox,… Thông thường, người bệnh có thể cảm nhận hiệu quả rõ rệt sau từ 2 ngày đến 4 tuần.
- Các loại thuốc bôi ngoài da khác: Như kẽm pyrithione, Selenium sulfide,… rất phù hợp cho đối tượng bị kháng thuốc chống nấm nhóm azol. Ngoài ra, các sản phẩm cũng mang đến hiệu quả không kém trong việc điều trị đó là propylene glycol, mỡ Whitfield, lưu huỳnh – salicylic,…
- Thuốc điều trị toàn thân: Trong trường hợp lang ben đỏ đã phát triển mạnh, thì bên cạnh việc dùng thuốc điều trị tại chỗ, bác sĩ sẽ khuyến cáo bệnh nhân sử dụng thêm các loại thuốc điều trị toàn thân như thuốc Ketoconazol, thuốc Sporal (Itraconazole),… Tuy nhiên những loại thuốc này uống nhiều sẽ ảnh hưởng đến gan, vì thế cần có sự chỉ định trực tiếp từ phía chuyên gia da liễu mới có thể sử dụng.
Mẹo dân gian
Trong dân gian cũng lưu truyền một số mẹo chữa lang ben đỏ tại nhà. Mặc dù vậy, mức độ hiệu quả của các mẹo chữa sẽ ảnh hưởng nhiều bởi cơ địa mỗi người và tình trạng bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trị bệnh an toàn thì có thể tham khảo một số mẹo chữa bệnh dưới đây:
- Sử dụng gừng tươi: Với khả năng chống nấm, kháng khuẩn và giảm đau, cải thiện các triệu chứng khó chịu ngoài da của gừng nên rất nhiều người đã sử dụng loại nguyên liệu này để điều trị lang ben. Bạn hãy chuẩn bị gừng tươi, rửa sạch sau đó giã nát và ngâm cùng rượu. Sau khoảng 1 tuần thì lấy rượu gừng bôi trực tiếp lên vùng da bị tổn thương, nên bôi vào buổi tối và để qua đêm để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Sử dụng phèn chua: Phèn chua hay còn gọi là mã xĩ hàn, là một loại dược liệu trong Đông y dùng để điều trị nhiều vấn đề về da liễu. Với tính sát trùng mạnh, người bệnh lang ben có thể giảm ngứa và ngăn ngừa được tổn thương lan rộng. Bạn hãy chuẩn bị khoảng 2 thìa phèn chua, 2 thìa lưu huỳnh và 1 thìa giấm ăn trộn đều với nhau. Sau đó bôi trên khu vực da bị tổn thương khoảng 1-2 tiếng rồi lấy nước ấm rửa sạch lại. Bôi đều đặn mỗi ngày 2-3 lần để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Sử dụng rau răm: Theo Y học cổ truyền, rau răm có tính ấm, vị cay, khả năng sát trùng mạnh, giảm ngứa ngáy và hồi phục tổn thương nên được nhiều người sử dụng để chữa lang ben tại nhà. Bạn hãy chuẩn bị khoảng 1 nắm lá rau răm, rửa sạch với nước muối sau đó giã nát và cho vào thêm một chút rượu trắng. Chắt lấy nước cốt và bôi lên vùng da bị lang ben khoảng 2-3 lần mỗi ngày.
Chăm sóc bệnh lang ben đỏ tại nhà
Lang ben đỏ nếu không được chăm sóc đúng cách rất dễ tái phát. Chính vì vậy, ngay cả khi đang điều trị hay đã hồi phục thương tổn, bạn cũng cần chú ý đến những vấn đề như sau:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ với sữa tắm chuyên dụng, đặc biệt là những vùng da thường chảy mồ hôi nhiều như lưng, chân, tay, cổ, ngực,…
- Sử dụng quần áo có chất liệu mỏng nhẹ và thấm hút mồ hôi tốt, không nên ra ngoài trời nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp.
- Không nên sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh hoặc người nghi bị bệnh lang ben.
- Bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng các loại vitamin và khoáng chất, đồng thời hạn chế chất kích thích.
- Nên đi khám bệnh tại những cơ sở y tế uy tín và tham khảo hướng dẫn điều trị từ chuyên gia.
Trên đây là tất cả thông tin có liên quan đến bệnh lang ben đỏ mà Nhất Nam Y Viện muốn gửi đến độc giả. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh cũng như biết thêm về cách chăm sóc và điều trị bệnh hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!