U tuyến thượng thận: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênU tuyến thượng thận là các khối u thường lành tính phát triển trong tuyến thượng thận. Đây là bệnh lý thận rất hiếm gặp nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tác động đến sức khỏe. Vậy dấu hiệu cảnh báo u tuyến thượng thận là gì?
U tuyến thượng thận là gì? Nguyên nhân hình thành
Tuyến thượng thận là một tuyến nội tiết có vị trí nằm trên 2 quả thận. Vai trò của tuyến nội tiết này là sản xuất các hormone điều hòa cơ thể, giúp cơ thể cân bằng nước và điện giải, điều hòa huyết áp.
U tuyến thượng thận là khối u hình thành trong tuyến thượng thận, thường là các u lành tính. Khối u trong cơ quan này thường gây ảnh hưởng lên 1 tuyến, trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến cả 2 tuyến thượng thận.
Vì khối u phát triển trong tuyến nội tiết này nên sẽ gây ra sự thay đổi hormone trong cơ thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động của các cơ quan khác, đặc biệt là cơ quan tim mạch.
Vậy nguyên nhân gây u tuyến thượng thận là gì? – Đây thường là các khối u lành tính và rất hiếm gặp. Hiện nay nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được biết rõ. Bệnh không có liên quan đến yếu tố di truyền.
Các khối u có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp hơn ở những người trẻ từ 20 đến 50 tuổi. Các khối u có thể không gây hại cho cơ thể nhưng trong một số trường hợp các tế bào tăng sinh bất thường gây ra khối u ác tính dẫn tới hiện tượng suy tuyến thượng thận, thậm chí là ung thư hệ bài tiết.
Triệu chứng điển hình của bệnh
Khi khối u phát triển trong tuyến thượng thận có thể gây ra sự thay đổi huyết áp đáng kể. Chính vì thế, các triệu chứng thường gặp của tình trạng này đều liên quan đến vấn đề huyết áp, tim mạch như sau:
- Người bệnh có thể xuất hiện những cơn tăng huyết áp kịch phát, xảy ra đột ngột với biểu hiện huyết áp tăng rất cao và nhanh, có thể đạt ngưỡng huyết áp từ 250 mmHg – 280 mm Hg/120 mmHg – 140 mm Hg.
- Trong một số trường hợp, cơn tăng huyết áp kịch phát có thể diễn ra khi người bệnh có nền cao huyết áp thường xuyên. Các cơn tăng huyết áp này có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.
- Vì huyết áp tăng đột ngột có thể khiến người bệnh có các triệu chứng như mệt mỏi, mất nước, rối loạn điện giải hoặc trụy mạch.
- Nhịp tim nhanh bất thường, > 100 lần/phút.
- Người bệnh có các biểu hiện da xanh, cơ thể ớn lạnh, hay vã mồ hôi.
- Người bệnh bị buồn nôn, khó thở và đau đầu.
- Một số biểu hiện ít gặp hơn như cảm giác lo lắng, bồn chồn và người bệnh có hiện tượng táo bón, sút cân.
Thông thường, các khối u có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng có thể phát tác khi người bệnh trải qua một sang chấn tâm lý hoặc quá căng thẳng và gắng sức.
U tuyến thượng thận có nguy hiểm không?
Nhiều người cho rằng, khối u tại thượng thận là khối u lành tính nên không gây ảnh hưởng đến cơ thể. Trên thực tế, bệnh lý này có thể rất nguy hiểm với sức khỏe người bệnh do sự thay đổi hormone cơ thể gây ra những biến chứng khó lường.
Các biến chứng của u tuyến thượng thận là:
- Các khối u có thể gây ra các cơn tăng huyết áp thường xuyên, kịch phát, gây suy yếu hệ thống tim mạch và có thể khiến người bệnh tử vong.
- Bệnh có thể gây ra các biến chứng như xuất huyết, suy tim, có dấu hiệu suy thận, tổn thương đáy mắt, trụy mạch và rối loạn nước – điện giải.
- Bệnh lý tuyến thượng thận có thể ảnh hưởng lớn đến các hormone tình dục, gây suy giảm ham muốn. Bệnh xảy ra ở nam giới có thể làm giảm lượng tinh trùng dẫn tới nguy cơ vô sinh.
- Người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như bệnh trầm cảm.
- Một số rất ít trường hợp u là các tế bào ác tính có thể phân chia và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể, biến chứng thành ung thư tuyến thượng thận.
Chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, an toàn
Hầu hết khi u tuyến thượng thận mới hình thành và phát triển sẽ không gây ra các biểu hiện lâm sàng cho người bệnh. Bệnh có thể được phát hiện ngẫu nhiên qua siêu âm. Bên cạnh đó, khi có các triệu chứng bệnh, nhất là xuất hiện các cơn tăng huyết áp kịch phát, người bệnh cần đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán u tuyến thượng thận một cách chính xác nhất, các bác sĩ sẽ dựa trên biểu hiện lâm sàng và thực hiện một số biện pháp chẩn đoán như sau:
- Chẩn đoán hình ảnh bằng các công nghệ cao như chụp CT, MRI, PET để phát hiện, tầm soát khối u.
- Các xét nghiệm sinh hóa giúp các bác sĩ định lượng được nồng độ hormone trong cơ thể để đưa ra hướng chẩn đoán bệnh.
- Có thể chụp X quang xương để phát hiện các triệu chứng ở xương.
Điều trị
Phương pháp điều trị chính và hiệu quả nhất đối với bệnh lý này là phẫu thuật loại bỏ khối u. Trước đó, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc huyết áp để kiểm soát huyết áp trong quá trình phẫu thuật.
- Các loại thuốc dùng trước phẫu thuật
Các loại thuốc dùng trước phẫu thuật loại bỏ khối u có thể là các thuốc chẹn alpha giúp động mạch và tĩnh mạch nhỏ mở, thư giãn; thuốc chẹn beta giúp điều hòa nhịp tim.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh sẽ được chỉ định một chế độ ăn nhiều muối để tích nước trong các mạch máu, ngăn chặn tình trạng tụt huyết áp trong khi phẫu thuật.
- Phẫu thuật loại bỏ khối u
Phẫu thuật u tuyến thượng thận thường được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Các bác sĩ có thể chỉ loại bỏ khối u, giữ lại các mô khỏe mạnh để tuyến thượng thận hoạt động bình thường.
Trong trường hợp u xuất hiện ở một bên tuyến thượng thận, có thể cắt bỏ 1 bên tuyến và giữ cho tuyến còn lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, nếu u tiến triển thành các khối u ác tính gây ung thư có thể được điều trị bằng các phương pháp xạ hình, hóa trị và các liệu pháp nhắm trúng đích.
Cách chăm sóc, phòng ngừa u tuyến thượng thận
Hiện nay chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này nên rất khó tìm được cách phòng ngừa căn bệnh này một cách hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa các biến chứng bệnh hiệu quả:
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm khối u và tiến hành tầm soát khối u. Điều này giúp hạn chế các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là cơ quan tim mạch.
- Kiểm soát huyết áp và theo dõi các cơn tăng huyết áp kịch phát. Đến ngay bệnh viện để kiểm tra nếu xuất hiện các cơn tăng huyết áp bất thường.
- Cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ít muối để bảo vệ chức năng nhiệm vụ của thận. Uống đủ nước mỗi ngày.
- Tránh mệt mỏi, căng thẳng và giữ tinh thần ổn định, tránh sang chấn tâm lý.
- Nên vận động, tập luyện thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe.
- Hoạt động tình dục đều đặn và lành mạnh để cải thiện chức năng thận.
- Khi có các dấu hiệu bệnh, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trên đây là những thông tin về bệnh u tuyến thượng thận. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, và dù là khối u lành tính nhưng có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, người bệnh không nên chủ quan và cần thực hiện việc điều trị theo đúng phác đồ chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!