Bé bị chàm cơ địa do đâu và những điều ba mẹ cần biết
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênBé bị chàm cơ địa có thể diễn ra trong khoảng thời gian dài và rất dễ tái phát. Nếu không có biện pháp chữa trị từ sớm thì chắc chắn làn da nhạy cảm của bé sẽ phải chịu nhiều tổn thương, có nguy cơ biến chứng cao. Điển hình như tình trạng nhiễm trùng da, hen suyễn, sốt cỏ khô, chậm phát triển,… Vì vậy, ba mẹ cần chủ động tìm hiểu và nắm rõ những thông tin sau đây.
Bé bị chàm cơ địa hay viêm da cơ địa do đâu?
Bé bị chàm cơ địa không phải là tình trạng hiếm gặp hiện nay, trong đó trẻ từ 1 – 6 tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc cao nhất. Chàm cơ địa hay viêm da cơ địa là một dạng tổn thương mãn tính, hầu hết đều có thể tự biến mất khi trẻ lớn dần và hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn tiếp tục tái phát bệnh ngay cả khi đã trưởng thành.
Theo thống kê, có đến 60% trẻ em bị chàm cơ địa trong năm đầu tiên sau khi chào đời, 30% trẻ bị chàm cơ địa khi bước vào 5 năm tiếp theo, tỷ lệ mắc ở trẻ trên 6 tuổi thấp hơn, chỉ chiếm khoảng 10%.
Chàm cơ địa trẻ em thường tiến triển theo hai giai đoạn cấp và mãn tính. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng ngoài da có thể đi kèm với tình trạng viêm mũi dị ứng, hen hay sốt cỏ khô.
Hiện nay, các nguyên nhân gây chàm cơ địa ở trẻ nhỏ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Đây cũng là lý do khiến quá trình điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia da liễu, bé bị chàm cơ địa có thể xuất phát từ những yếu tố sau đây:
- Di truyền: Theo số liệu thống kê, gần 80% bé bị chàm cơ địa có người thân cận huyết từng mắc các bệnh lý như viêm da cơ địa, hen suyễn, chàm eczema hay viêm mũi dị ứng. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với yếu tố di truyền.
- Thời tiết lạnh, khô: Thời tiết chuyển lạnh và độ ẩm giảm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh ngoài da như chàm, viêm da cơ địa, tổ đỉa bùng phát. Khi khí hậu chuyển biến tích cực và có dấu hiệu ấm lên, các triệu chứng chàm cơ địa ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ cũng sẽ có dấu hiệu thuyên giảm.
- Hệ miễn dịch yếu: Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu và làn da rất nhạy cảm, do đó trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hô hấp và mắc phải các vấn đề ngoài da như chàm cơ địa và một số bệnh mãn tính khác.
- Chế độ dinh dưỡng không phù hợp: Các chuyên gia da liễu cho rằng, trẻ bị chàm cơ địa có thể xuất phát từ thói quen ăn nhiều thực phẩm dễ gây dị ứng, các món khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ,…
Ngoài ra bé bị viêm cơ địa có thể do một số nguyên nhân khác như tiếp xúc với hóa chất, dị nguyên có hại, sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có nồng độ pH cao,…
Chàm cơ địa ở trẻ em có dấu hiệu gì?
Để nhận biết bệnh và có biện pháp khắc phục kịp thời, trước hết ba mẹ cần nắm rõ các triệu chứng cơ bản của bệnh chàm cơ địa ở trẻ em. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là các vết đỏ hồng do tổn thương trên da. Làn da bé có dấu hiệu khô ráp, bong tróc và ngứa ngáy rất khó chịu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hình thái tổn thương xuất hiện ở các bé bị chàm cơ địa rất đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào từng lứa tuổi và giai đoạn phát triển của bé.
Triệu chứng bệnh chàm cơ địa ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Xuất hiện các nốt ban màu hồng có hình móng ngựa, đặc biệt là ở vùng má và trán. Dần dần có thể lan sang cổ, vùng da quanh miệng và trên cơ thể.
- Theo thời gian, các tổn thương trên da sẽ ăn sâu và chuyển sang màu đỏ, kèm theo mụn nước li ti. Khi vỡ ra, những mụn nước này sẽ chảy dịch mủ và trở thành các vết loét.
- Một số trường hợp tiến triển đến giai đoạn nhiễm khuẩn thứ phát có thể xuất hiện vảy tiết.
- Một số triệu chứng kèm theo: Tiêu chảy, viêm tai giữa,…
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, ba mẹ cần hết sức lưu ý những dấu hiệu sau đây:
- Ban đỏ thường xuất hiện với hình đĩa, các vết chàm có xu hướng Liken hóa khiến da khô ráp, dày sừng và có nhiều nếp hằn.
- Vùng da bị tổn thương có thể xuất hiện nhiều vảy trắng, đặc biệt là ở khuỷu tay, lòng bàn tay, bàn chân và đầu gối.
- Một số triệu chứng kèm theo: Dày sừng nang lông, bệnh vảy cá hay đục thủy tinh thể.
Bé bị chàm cơ địa nguy hiểm như thế nào?
Theo các bác sĩ da liễu, bé bị chàm cơ địa được xem là một bệnh lý lành tính, có nguy cơ biến chứng thấp. Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng biến mất và những tổn thương trên da cũng sớm phục hồi. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tiến triển đến giai đoạn mãn tính và tái phát nhiều lần.
Nếu ba mẹ không có biện pháp khắc phục kịp thời, trẻ có thể phải đối mặt với một số biến chứng như:
- Hiện tượng bội nhiễm lan rộng: Đây là tình trạng nhiễm trùng da do một số tác nhân như vi khuẩn, víu hay nấm. Bé bị bội nhiễm không chỉ khiến da tổn thương sâu mà còn phải chịu nhiều đau đớn.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe của bé: Chàm cơ địa ở trẻ em tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé nhưng các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu kéo dài sẽ khiến trẻ mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không sâu giấc. Từ đó khiến cơ thể suy nhược, trẻ chậm lớn và hệ miễn dịch suy giảm.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp: Theo thống kê, khoảng 75% bé bị chàm cơ địa có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn, viêm dị ứng hay chứng sốt cỏ khô. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các bệnh lý này hiện vẫn chưa được khoa học chứng minh.
Bên cạnh đó, chàm cơ địa nếu không được chữa trị đúng cách sẽ để lại các vết thâm sẹo, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến ngoại hình và sự tự tin khi trẻ lớn.
Cách điều trị bệnh an toàn, hiệu quả cao
Bé bị chàm cơ địa không còn là hiện tượng xa lạ với nhiều ba mẹ. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách chữa trị hiệu quả và an toàn nhất cho con. Trẻ nhỏ có cơ địa và làn da nhạy cảm, do đó quá trình điều trị cũng khó khăn hơn so với người lớn.
Tốt nhất ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở thăm khám trực tiếp để xác định mức độ viêm nhiễm và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Việc điều trị bệnh chàm cơ địa ở trẻ nhỏ có thể kết hợp nhiều phương pháp như sử dụng thuốc Tây, các bài thuốc Đông Y hoặc tắm nước lá tại nhà.
Dùng thuốc Tây trị chàm cơ địa cho bé
Đây là phương pháp trị chàm cơ địa ở trẻ em mang lại hiệu quả nhanh chóng nhất. Tùy theo tình mức độ bệnh, độ tuổi và thể trạng của từng bé, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kết hợp giữa thuốc uống và thuốc bôi nhằm làm giảm tốt đa các triệu chứng của bệnh.
Một số loại thuốc điều trị tại chỗ dùng cho bé bị chàm cơ địa:
- Nước sinh lý nồng độ thấp 0.9%, dung dịch thuốc tím Metin 1%, Nitrat bạc 0.25%, dung dịch Milian.
- Thuốc chứa Corticoid kết hợp với Acid Salicylic.
- Thuốc mỡ kháng sinh chứa Corticoid hoặc thuốc bôi ngoài da kháng Histamin.
Một số loại thuốc đường uống thường được chỉ định cho trẻ lớn:
- Nhóm thuốc kháng Histamin hệ H1.
- Nhóm thuốc kháng Erythromycin hay Tetracyclin thường được chỉ định trong những trường hợp có viêm nhiễm.
- Thuốc Corticoid đường uống, thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để hạn chế tác dụng phụ.
Các loại thuốc Tây trị chàm thường kèm theo một số tác dụng phụ nhất định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nếu sử dụng trong thời gian dài. Vì vậy, ba mẹ cần hết sức tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi cho bé dùng thuốc, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
Phương pháp Đông Y chữa bệnh chàm cơ địa ở trẻ nhỏ
Theo Đông Y, bệnh chàm cơ địa ở trẻ nhỏ còn được gọi với các tên là can tiễn hay ngưu bì tiễn. Bệnh có thể xảy ra ngay từ những năm tháng đầu đời và tiếp tục tái phát cho đến khi trưởng thành.
Các thầy thuốc Đông Y cho rằng, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm phong, nhiệt, thấp, lâu ngày sinh ra huyết táo, khiến da không được nuôi dưỡng đầy đủ.
Các bài thuốc Đông Y có tác dụng khi phong, tán huyết, thanh nhiệt, giải độc, giúp giảm nhanh các triệu chứng do chàm cơ địa gây ra. Ba mẹ có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây:
- Bài thuốc tiêu phong tán trị chàm cơ địa ở trẻ em: Chuẩn bị 12g hương truật, địa hoàng, hoa kim ngân, rau bồ cóc, tế tân, rau má, củ khúc khắc, 10g vân quy, dã hòe, kinh giới, 8g phòng phong, đại đao tử, tri mẫu, 6g thuyền thoái, 4g quốc lão. Đem các nguyên liệu rửa sạch rồi phơi khô, sau đó sắc với 2 lít nước cho tới khi còn ⅔ thì tắt bếp, chia mỗi ngày 3 lần uống 1 chén nhỏ sau bữa ăn.
- Bài thuốc Thanh dinh thang cho bé bị chàm cơ địa: Chuẩn bị 8g trúc diệp, chi liên, huyết sâm, 12g khôi nhung, tế tân, mạch đông, đông đảng sâm, kim ngân hoa, rau má. Đem các nguyên liệu rửa sạch rồi để cho ráo nước, sau đó sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
Các bài thuốc Đông Y thường sử dụng dược liệu tự nhiên, do đó tương đối an toàn với cơ thể nhạy cảm của trẻ. Tuy nhiên, mỗi bé đều có thể trạng và khả năng hấp thụ khác nhau.
Vì vậy, ba mẹ không nên chủ quan tự ý bốc thuốc. Thay vào đó, hãy đưa bé đến các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được thầy thuốc thăm khám và kê thang thuốc phù hợp nhất.
Bé bị chàm cơ địa điều trị tại nhà như thế nào?
Ngoài việc điều trị theo phương pháp Đông Y hay Tây Y, bé bị chàm cơ địa cũng có thể cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh ngay từ khi mới khởi phát bằng một số mẹo dân gian sau đây:
- Tắm nước lá khế: Ba mẹ chuẩn bị khoảng 30g lá khế tươi, đem rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng. Sau 20 phút thì vớt ra rồi để cho ráo nước. Bỏ lá khế vào nồi đun sôi cùng 2 lít nước trên lửa nhỏ liu diu trong vòng 10 – 15 phút. Dùng nước lá có độ ấm vừa đủ để tắm cho bé, ba mẹ cũng có thể tận dụng phần bã lá để chà xát nhẹ nhàng lên vùng da bị chàm, thực hiện 2 – 3 lần/ tuần sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
- Tắm nước sài đất: Chuẩn bị khoảng 100g sài đất tươi, thực hiện tương tư như khi đun nước lá khế. Lưu ý khi nước chuyển sang màu vàng thì tắt bếp và để nguội bớt. Dùng nước cây sài đất để tắm rửa cho bé mỗi ngày một lần.
- Tắm nước lá kinh giới: Dùng 1 nắm lá kinh giới tươi, rửa sạch rồi ngâm nước muối loãng trong 10 phút. Bỏ vào máy xay nhuyễn để lọc lấy nước cốt, sau đó hòa chung với khoảng 2 lít nước ấm để tắm cho trẻ, mỗi tuần thực hiện 1 – 2 lần.
- Chữa chàm bằng lá trầu không cho trẻ: Với cách trị chàm bằng trầu không, người bệnh chỉ cần chuẩn 3 – 4 nắm lá trầu không tươi, rửa sạch rồi ngâm qua nước muối loãng, sau đó bỏ vào nồi đun lấy nước để tắm cho trẻ.
- Chữa chàm bằng tỏi cho bé tại nhà: Dùng 2 – 3 tép tỏi tươi, lột sạch vỏ, băm nhỏ rồi vắt lấy nước cốt. Sau đó hòa chung với ½ thìa nước sôi để nguội. Dùng tăm bông thấm dung dịch nước tỏi rồi thoa lên vết chàm trên da bé, sau 5 phút rửa sạch lại bằng nước ấm.
Ba mẹ cần lưu ý, phương pháp này chỉ phù hợp với những bé bị chàm cơ địa ở mức độ nhẹ. Nếu tổn thương trên da đã lan rộng và có dấu hiệu viêm nhiễm nặng, ba mẹ vẫn cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chàm cơ địa
Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên sâu, ba mẹ cũng cần thay đổi cách chăm sóc trẻ tại nhà theo các nguyên tắc sau đây:
- Dưỡng ẩm da thường xuyên: Ba mẹ nên tìm mua những sản phẩm kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ em, không chứa hương thơm và các chất có khả năng gây kích ứng. Làn da được cẩm ẩm đúng cách sẽ hạn chế nguy cơ bị chàm cơ địa.
- Lựa chọn sản phẩm cho bé: Chọn mua những sản phẩm vệ sinh da như sữa tắm, xà phòng dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các sản có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên an toàn cho da.
- Không để trẻ làm trầy xước da: Khi bé bị chàm cơ địa, chắc hẳn cảm giác ngứa ngáy sẽ khiến con bạn khó chịu vào muốn đưa tay lên gãi, chà xát da. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến da trầy xước và nhiễm trùng dễ hơn, vì vậy ba mẹ nên cho trẻ đeo bao tay và cắt móng tay thường xuyên.
- Mặc quần áo phù hợp: Quần áo của trẻ cần được làm từ chất liệu tự nhiên, thoáng khí và rộng rãi, không gây kích ứng da. Giặt quần áo cho trẻ thường xuyên và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh chàm cơ địa ở trẻ nhỏ. Bé bị chàm cơ địa cần được chăm sóc và điều trị đúng cách, tránh để các triệu chứng kéo dài gây ra thâm sẹo và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!