Huyệt Ngọc Chẩm Và Những Điều Bạn Chưa Biết
Mỗi huyệt đạo trên cơ thể con người đều được liên kết với một cơ quan cụ thể và có thể được kích thích thông qua các phương pháp như châm cứu hay bấm huyệt. Trong bài viết này, hãy cùng Nhất Nam Y Viện tìm hiểu chi tiết về huyệt Ngọc Chẩm cũng như những công dụng của huyệt đối với sức khỏe.
Tổng quan về huyệt Ngọc Chẩm
Theo Y học cổ truyền, cơ thể con người bao gồm một mạng lưới các đường dẫn năng lượng, sự cân bằng và lưu thông của năng lượng này rất quan trọng với sức khỏe. Theo đó, huyệt Ngọc Chẩm có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, là huyệt đạo thứ 9 của kinh Bàng Quang và cũng là một trong nhóm Đầu Thượng Ngũ Hàng.
Xem ngay: Huyệt Ty Trúc Không ở vị trí nào?
Sở dĩ có tên gọi là Ngọc Chẩm bởi huyệt đạo này nằm ở vị trí ngang với xương chẩm, dưới vị trí của huyệt là cơ chẩm – nơi bám của cơ thang trên đường cong trên của xương chẩm. Chi tiết hơn, huyệt vị này nằm ngay sau huyệt Lạc Khước 1.5 thốn, nằm ngang với huyệt Não Hộ 1.3 thốn và nằm ngang với ụ chẩm 1.5 thốn.
Công dụng của huyệt
Theo quan điểm của Y học truyền thống Đông y, huyệt Ngọc Chẩm có tác dụng trong việc khu phong và trấn thống. Theo đó, khu phong được hiểu là một vùng hoặc một bộ phận của cơ thể bị bệnh liên quan đến gió và nước. Còn trấn thống thường liên quan đến các vấn đề đau đớn hoặc khó chịu. Với vị trí của huyệt Ngọc Chẩm, việc châm cứu và bấm huyệt đúng cách sẽ giúp điều trị hiệu quả các vấn đề liên quan đến chóng mặt, đau đầu hay đau mắt.
Phương pháp châm cứu và bấm huyệt Ngọc Chẩm
Châm cứu và bấm huyệt đều là các phương pháp Y học truyền thống. Châm cứu là phương pháp sử dụng kim châm mảnh và mỏng được châm vào điểm huyệt, nhằm kích thích năng lượng lưu thông trong cơ thể, điều trị bệnh tật. Cách châm cứu huyệt Ngọc Chẩm đúng cách:
- Đặt người bệnh nằm ngửa, sao cho cơ thể được thả lỏng và trong trạng thái thoải mái nhất có thể.
- Phải xác định vị trí huyệt chính xác, sau đó dùng kim châm chuyên biệt để châm xuống huyệt vị, châm ở độ sâu 0.3 đến 0.5 thốn. Trong khi châm đắc khí thì người bệnh sẽ cảm thấy căng tê và tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh huyệt.
- Cứu 1 – 3 tráng và ôn cứu trong 5 – 10 phút. Tùy từng tình trạng bệnh mà thời gian châm cứu và liệu trình châm cứu sẽ có sự khác nhau. Thông thường chỉ cần duy trì châm cứu từ 3 – 4 buổi thì người bệnh sẽ thấy các triệu chứng khó chịu giảm rõ rệt.
Tương tự như châm cứu, bấm huyệt cũng là cách sử dụng áp lực tay hoặc các dụng cụ hỗ trợ để tạo lực lên điểm huyệt. Tuy nhiên phương pháp bấm huyệt lại không dùng châm tác dụng sâu bên trong mà chỉ can thiệp bên ngoài. Hiệu quả của bấm huyệt cũng giống như châm cứu, có thể giúp giảm đau, giảm căng thẳng và cân bằng năng lượng.
Cách phối huyệt với các huyệt đạo khác
Huyệt Ngọc Chẩm có thể phối hợp với một số huyệt đạo khác để điều trị thêm một số chứng bệnh liên quan như:
- Kết hợp huyệt Ngọc Chẩm với các huyệt như Can Du, Cách Du, Đào Đạo, Đại Trữ và Tâm Du: Giúp điều trị chứng bệnh mồ hôi không ra, chân tay lạnh toát.
- Kết hợp huyệt Ngọc Chẩm với huyệt Hoàn Cốt: Giúp điều trị chứng đau mỏi cổ vai gáy.
- Kết hợp huyệt Ngọc Chẩm với huyệt Bá Hội, Ấn Đường, Đương Dương và Đầu Lâm Khấp: Giúp điều trị chứng nghẹt mũi.
- Kết hợp huyệt Ngọc Chẩm với huyệt Hợp Cốc, Bá Hội và Phong Trì: Giúp điều trị các chứng đau đầu.
Lưu ý, trong một vài trường hợp thực hiện châm cứu tại các cơ sở không uy tín, người bệnh rất dễ gặp tình trạng bị ngộ châm huyệt Ngọc Chẩm. Các triệu chứng giúp nhận biết là bị lở loét, chảy nước vàng. Trong trường hợp này, người bệnh cần phải châm huyệt Thiên Trì và huyệt Ủy Trung để giải. Trong lúc châm hai huyệt giải, cần phải lăn kim qua bên phải, đề tháp lên xuống khoảng 5 phút rồi mới rút kim ra.
Lưu ý khi châm cứu và bấm huyệt Ngọc Chẩm
Khi thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt Ngọc Chẩm, bạn hãy lưu ý tới một số vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị:
- Chỉ nên thực hiện châm cứu và bấm huyệt tại các cơ sở điều trị uy tín, đảm bảo chất lượng tay nghề bác sĩ. Bởi việc thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt cần sự hiểu biết chuyên sâu và kỹ năng, nên được thực hiện bởi người có kinh nghiệm và đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này.
- Chắc chắn rằng tay và dụng cụ làm việc đã được vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
- Thời gian trước và sau khi châm cứu, người bệnh không nên ăn quá no và không sử dụng chất kích thích, không vận động mạnh hoặc lao động nặng quá sức.
- Thông báo với bác sĩ hoặc người thực hiện nếu có bất kỳ vấn đề hoặc biến chứng nào xuất hiện.
- Một số đối tượng cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện châm cứu là bà bầu, người bị suy gan thận, người bị cao huyết áp, bệnh nhân bị rối loạn chức năng đông máu,….
- Thực hiện châm cứu và bấm huyệt theo liệu trình, kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
Mặc dù châm cứu và bấm huyệt Ngọc Chẩm có tác dụng nhiều trong việc chữa trị chứng bệnh đau đầu, đau mắt,… Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ liệu pháp nào, người bệnh cũng nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo rằng phương pháp này phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn.
Tham khảo thêm:
- Huyệt Ngư Yêu Và Những Công Dụng Tuyệt Vời Mà Bạn Nên Biết
- Huyệt Thần Đình Là Gì? Vị Trí, Công Dụng Và Cách Bấm Huyệt