Huyệt Hạ Quan
Trong Y học cổ truyền, huyệt Hạ Quan được ứng dụng phổ biến trong điều trị đau răng, liệt mặt, đau thần kinh tam thoa, viêm tai giữa,… Để giúp người bệnh có thể ứng dụng hiệu quả và an toàn huyệt đạo trong quá trình chữa bệnh, bài viết dưới đây Nhất Nam Y Viện sẽ cung cấp thông tin chi tiết về huyệt đạo này.
Giới thiệu tổng quan về huyệt Hạ Quan
Những đặc điểm liên quan đến huyệt Hạ Quan như ý nghĩa tên gọi, đặc tính của huyệt, vị trí và cách xác định đã được ghi chép cụ thể trong sách Trung Y Cương Mục như sau:
Đặc tính của huyệt
Theo từ điển Hán Việt, tên huyệt Hạ Quan có ý nghĩa như sau: “Hạ” có nghĩa ở dưới,
“Quan” có nghĩa là cửa, đối chiếu trên vị trí khuôn mặt chính là khoảng trống giữa khớp nối của xương hàm. Huyệt đạo có đặc tính như sau:
- Là huyệt thứ 7 của kinh Vị.
- La huyệt giao hội với đường kinh Túc Thiếu Dương.
Các đặc điểm này sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định đến tác dụng của huyệt đạo trong điều trị bệnh lý.
Vị trí và cách xác định huyệt
Huyệt đạo nằm ở dưới xương gò má, cách xác định huyệt hạ quan rất đơn giản, chỉ cần ngậm miệng lại, cắn khớp hàm thật chặt, sau đó đưa tay lên sờ vào vị trí gần tai sẽ thấy chỗ lõm sâu, đây chính là huyệt Hạ Quan cần tìm. Phía trên huyệt Hạ Quan là huyệt Thượng Quan (huyệt Khách Chủ Nhân).
Khi giải phẫu vị trí huyệt Hạ Quan, bạn sẽ thấy những đặc điểm như sau:
- Da dưới vùng huyệt là tuyến mang tai, chỗ bám bờ sau cơ nhai, tận sâu sẽ có cơ chân bướm ngoài.
- Thần kinh vận động của cơ là thần kinh sọ não số V.
- Vùng da huyệt đạo chịu sự chi phối của dây thần kinh sọ não số V.
Xem thêm: Huyệt Giáp Xa Nằm Ở Đâu? Cách Xác Định Vị Trí Chính Xác
Công dụng của huyệt Hạ Quan đối với sức khỏe
Theo ghi chép từ Y thư cổ, tác dụng huyệt hạ quan là sơ phong, hoạt lạc. Khi tác động khai thông huyệt đúng cách sẽ giúp điều trị các bệnh lý như:
- Liệt mặt (liệt dây thần kinh số 7): Đây là tình trạng cơ mặt mất khả năng chuyển động, có biểu hiện chảy xệ, tê cứng, môi co giật, mất khả năng bộc lộ cảm xúc, ù tai, giảm thính lực, thường xuyên chảy nước dãi và bị mất vị giác.
- Đau răng: Đau răng, ê buốt răng gây cảm giác khó chịu, chán ăn,… có thể chữa trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt đạo Hạ Quan.
- Đau thần kinh tam thoa: Đây là dây thần kinh xuất phát từ vị trí cột sống cổ rồi đi ra phía mặt và má. Khi dây thần kinh bị viêm đau sẽ khiến người bệnh gặp triệu chứng đau tại mặt, miệng, trán, cằm.
- Viêm khớp thái dương hàm: Chứng bệnh này sẽ gây những cơn đau theo chu kỳ, làm mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, đồng thời giảm chức năng khớp thái dương.
Tất cả chứng bệnh này có thể cải thiện tích cực khi áp dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt Hạ Quan.
Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt chuẩn Y học
Trong Y học cổ truyền hiện nay, huyệt Hạ Quan được các thầy thuốc áp dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt để khai thông trị bệnh. Kỹ thuật tác động quyết định lớn đến hiệu quả trị bệnh và độ an toàn sức khỏe, tỷ lệ gặp tai biến. Đối với mỗi phương pháp, kỹ thuật thực hiện sẽ có điểm khác biệt như sau:
Kỹ thuật châm cứu
Châm cứu là phương pháp sử dụng kim nhọn chích vào huyệt vị để kích thích dòng năng lượng trong cơ thể. Do đó, chuyên gia khuyến cáo không tự châm cứu tại nhà, phương pháp này cần được thực hiện bởi chuyên gia, thầy thuốc có chuyên môn, kinh nghiệm.
Hiện nay châm cứu được chia nhỏ thành nhiều liệu pháp như điện châm, thủy châm, cứu ngải,… tùy tình trạng bệnh lý, thầy thuốc sẽ áp dụng liệu pháp phù hợp.
Kỹ thuật châm cứu chuẩn Y học cổ truyền như sau:
- Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ vùng da quanh huyệt Hạ Quan, đồng thời rửa tay và khử trùng kim châm cứu.
- Bước 2: Để người bệnh nằm trong tư thế thoải mái, xác định vị trí huyệt Hạ Quan, sau đó dùng kim châm sâu 0.5 – 1 thốn, tiếp tục ôn cứu 5 – 10 phút. Mức độ kim sâu của kim và thời gian ôn cứu sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh và tình hình sức khỏe hiện tại của người bệnh.
- Bước 3: Rút kim, nhẹ nhàng massage xung quanh vị trí vừa châm cứu để kích thích dòng năng lượng của huyệt đạo.
Lưu ý, trước khi thực hiện châm cứu, người bệnh không sử dụng chất kích bởi sẽ làm ảnh hưởng đến tác dụng trị bệnh, đồng thời ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Ngoài ra, quá trình châm cứu cần được thực hiện tại không gian thoáng, kín gió để tránh người bệnh bị cảm trong quá trình điều trị.
Kỹ thuật bấm huyệt hạ quan
Phương pháp bấm huyệt sẽ sử dụng đầu ngón tay hoặc dụng cụ chuyên dụng để tác động bên bề mặt da vùng huyệt đạo. Tác động này sẽ giúp kích thích khả năng tự phục hồi và làm lành trong cơ thể. Kỹ thuật bấm huyệt được thực hiện như sau:
- Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ vùng da quanh huyệt Hạ Quan, đồng thời rửa tay và khử trùng dụng cụ chuyên dụng.
- Bước 2: Xác định huyệt hạ quan nằm ở đâu, sau đó dùng ngón tay day ấn lên đúng vị trí huyệt.
- Bước 3: Thời gian day ấn khoảng 3 – 5 phút, mỗi ngày thực hiện 2 lần vào buổi sáng và buổi tối là hiệu quả nhất.
Người bệnh có thể bấm huyệt tại nhà hỗ trợ cải thiện bệnh. Nhưng cần đảm bảo 2 yếu tố sau:
- Xác định đúng vị trí huyệt đạo, tránh tác động sai huyệt vị sẽ dẫn đến tai biến nguy hiểm.
- Điều chỉnh lực đạo day bấm huyệt phù hợp, không dùng lực quá mạnh (làm tổn thương vùng da huyệt), không dùng lực quá nhẹ (không có tác dụng khai thông, chữa bệnh).
- Có thể kết hợp sử dụng dầu gió, cao, tinh dầu,… trong quá trình bấm huyệt để kích thích gia tăng hiệu quả trị bệnh.
Xem thêm: Hướng Dẫn Chấm Cứu, Bấm Huyệt Và Phối Huyệt Thần Đình Trị Bệnh
Cách phối huyệt Hạ Quan trong ứng dụng trị bệnh
Ngoài tác dụng đơn huyệt, trong Y thư cổ ghi chép chi tiết về cách phối huyệt Hạ Quan cùng một số huyệt đạo tương hợp, cùng hệ kinh mạch để tăng hiệu quả trị bệnh. Cụ thể như sau:
Phối huyệt chữa bệnh liệt mặt
Trị liệt mặt bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt Hạ Quan sẽ giúp giảm đau, chống viêm, thúc đẩy tuần hoàn máu làm tăng tốc độ phục hồi sức khỏe. Phối huyệt châm cứu, bấm huyệt được ứng dụng trong điều trị bệnh lý này như sau:
Bấm huyệt:
- Các huyệt được phối hợp: Huyệt Tinh Minh + huyệt Ngư Yêu + huyệt Ấn Đường + huyệt Ty Trúc Không + huyệt Toản Trúc + huyệt Nghinh Hương + huyệt Quyền Liêu + huyệt Đồng Tử Liêu + huyệt Hạ Quan + huyệt Địa Thương + huyệt Giáp Xa + huyệt Quyền Liêu + huyệt Ế Phong + huyệt Thái Dương + huyệt Hạ Địa Thương + huyệt Phong Trì + huyệt Thừa Tương + huyệt Giảo Cơ.
- Cách thực hiện: Xác định vị trí chính xác các huyệt đạo trên. Sau đó day bấm lần lượt các huyệt đạo này khoảng 25 lần/huyệt. Mỗi ngày nên thực hiện 2 – 3 lần để thúc đẩy tốc độ chữa trị bệnh.
Châm cứu:
- Các huyệt được phối hợp gồm huyệt Hạ Quan + huyệt Toàn Trúc + huyệt Giáp xa + huyệt Dương Bạch + huyệt Tứ Bạch + huyệt Hợp Cốc + huyệt Ty Trúc Không + huyệt Địa Phương.
- Nếu xuất hiện triệu chứng bệnh cụ thể, sẽ chọn tổ hợp phối huyệt cụ thể như sau: Huyệt Hoàn Cốt và huyệt Ế Phong (tai ù và đau), phối cùng huyệt Trung Chữ (bị chóng mặt, đau đầu), phối cùng Phong Trì (trị cổ gáy đau cứng), phối cùng huyệt Túc Tam Lý (bệnh lâu ngày chưa khỏi).
Cách thực hiện quá trình phối huyệt châm cứu trị liệt mặt được thầy thuốc tiến hành theo các bước sau đây:
- Người bệnh nằm/ngồi trong tư thế thoải mái.
- Thầy thuốc tiến hành châm vào huyệt Giáp Xa và huyệt Địa Phương bên mặt liệt, kim được đâm theo hướng xiên vào nhau.
- Sau đó đâm kim vào huyệt Dương Bạch, huyệt Ty Trúc Không, huyệt Toàn Trúc và xuyên tới huyệt Ngư Yêu.
- Châm kim huyệt đạo Tứ Bạch, sau đó nghiêng kim 15 độ để xuyên tới huyệt Địa Thương.
- Cuối cùng, châm tả và lưu kim trong 30 phút. Thông thường, liệu trình châm cứu trị bệnh liệt mặt sẽ kéo dài khoảng 10 ngày để thấy được hiệu quả.
Phối huyệt trị đau thần kinh tam thoa
Để trị bệnh đau thần kinh tam thoa, thầy thuốc hướng dẫn cách phối huyệt trong châm cứu, bấm huyệt chi tiết như sau:
Bấm huyệt:
- Các huyệt phối hợp: Huyệt Thái Dương + huyệt Tứ Bạch + huyệt Toản Trúc + huyệt Hạ Quan + huyệt Hợp Cốc + huyệt Thừa Tương.
- Cách thực hiện: Day ấn lần lượt day ấn các huyệt đạo với tần suất như huyệt Thái Dương 50 lần, huyệt Tứ Bạch 50 lần, mỗi bên huyệt Toản Trúc 40 lần, mỗi bên huyệt Hạ Quan 50 lần, mỗi bên huyệt Hợp Cốc 10 lần và huyệt Thừa Tương 50 lần.
Châm cứu:
- Các huyệt phối hợp: Huyệt Hạ Quan + huyệt Toàn Trúc + huyệt Hiệp Thừa Tướng + huyệt Thái Dương + huyệt Tứ Bạch.
- Tổ hợp các huyệt phụ: Huyệt Thái Xung + huyệt Hợp Cốc + huyệt Phong Trì + huyệt Túc Tam Lý + huyệt Nội Đình + huyệt Hiệp Khê + huyệt Ngoại Quan.
Sau khi đã xác định được các bộ huyệt trên, tiến hành châm cứu theo thứ tự từng nhánh với hướng kim châm như sau:
- Nhánh 1: Châm kim xuống huyệt đạo Toàn Trúc (hoặc huyệt Thái Dương), hướng mũi kim xiên ra phía ngoài để truyền cảm giác đau đến trán bệnh nhân.
- Nhánh thứ 2: Châm kim xuống vị trí huyệt đạo Tứ Bạch, hướng mũi kim lên trên và ra ngoài để truyền cảm giác đau tới môi trên của người bệnh.
- Nhánh thứ 3: Châm kim xuống vị trí huyệt Hạ Quan (hoặc huyệt Hiệp Thừa Tướng), mũi kim hướng xuống phía dưới và vào trong để truyền cảm giác đau xuống môi dưới của người bệnh.
- Lưu kim châm 15 phút trên mặt.
- Với trường hợp ngoại cảm phong tả sẽ kết hợp châm cứu thêm huyệt Hợp Cốc, huyệt Ngoại Quan.
- Người bị âm hư hỏa vượng sẽ phối hợp châm cứu thêm huyệt Phong Trì và huyệt Thái Khê.
- Người bị bốc hỏa can vị sẽ phối hợp châm cứu thêm huyệt Nội Đình và huyệt Thái Xung.
Phối huyệt chữa bệnh viêm khớp thái dương hàm
Bệnh viêm khớp thái dương thuyên giảm rõ rệt khi áp dụng phương pháp tác động đơn huyệt Hạ Quan theo kỹ thuật như sau:
- Người bệnh ngồi trong tư thế thoải mái và xác định vị trí của huyệt đạo.
- Đầu tiên, dùng lòng bàn tay xoa nhẹ da để làm nóng mô, sau đó dùng tay vuốt nhẹ huyệt Hạ Quan theo chiều của cơ thái dương và cơ cắn.
- Tiếp tục dùng ngón giữa để day bấm huyệt Hạ Quan theo hình vòng tròn.
Thực hiện đều đặn hằng ngày, triệu chứng đau nhức sẽ giảm sau 3 – 5 tuần. Để hiệu quả nhanh hơn, thầy thuốc sẽ tiến hành châm cứu, phối huyệt đạo Hạ Quan với các huyệt khác như sau:
- Các huyệt phối hợp: Huyệt Hạ Quan + huyệt Thừa Tương + huyệt Giáp Xa + huyệt Nội Đình.
- Cách thực hiện: Người bệnh nằm trên giường, thầy thuốc sẽ xác định vị trí các huyệt đạo trên và bắt đầu châm kim, Các mũi kim sẽ đi xiên, hướng phía trước hoặc phía sau để kích thích tối đa cảm giá dưới da. Thời gian thực hiện châm cứu từ 5 – 10 phút tùy mức độ bệnh.
Bấm huyệt trị viêm tai giữa
Để giảm triệu chứng bệnh viêm tai giữa, Y học cổ truyền ghi chép hướng dẫn phối huyệt Hạ Quan cùng các huyệt đạo khác như sau:
- Bệnh ở giai đoạn nhẹ, có triệu chứng chung: Phối cùng huyệt Ế Phong + huyệt Thính cung + huyệt Thính hội + huyệt Nhĩ môn.
- Người bệnh viêm tai giữa có triệu chứng đau sau gáy và đau xương chũm: Phối cùng huyệt Phong trì.
- Bệnh viêm tai giữa xuất phát do nguyên nhân nóng trong: Phối cùng huyệt Ngoại Quan + huyệt Hợp Cốc.
Cách tiến hành bấm huyệt Hạ Quan phối cùng các huyệt đạo được thực hiện như sau:
- Để người bệnh ngồi thoải mái, xác định vị trí huyệt Hạ Quan và các huyệt đạo phối hợp.
- Tiến hành day ấn lần lượt các huyệt đạo, mỗi huyệt 50 lần theo chiều kim đồng hồ, sau đó lặp lần 1 lần nữa theo chiều ngược kim đồng hồ.
Xem thêm: Huyệt Ấn Đường Có Tác Dụng Gì? Các Khai Thông Trị Bệnh An Toàn
Lưu ý khi tác động huyệt Hạ Quan trị bệnh
Huyệt đạo có quan hệ mật thiết đến hệ thống thần kinh trong cơ thể. Nếu tác động sai cách sẽ dẫn đến tai biến nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nên, chuyên gia đưa ra những vấn đề cần lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt Hạ Quan:
- Trước khi bấm huyệt, cần xác định huyệt Hạ Quan ở đâu. Nếu chưa nắm rõ vị trí của huyệt, phải tham khảo bác sĩ, người có chuyên môn hướng dẫn.
- Không châm cứu, bấm huyệt lên vùng da đang có vết thương hở, bị sưng, viêm,… để tránh sưng, viêm.
- Đảm bảo yếu tố vệ sinh: Làm sạch vùng da huyệt, khử trùng dụng cụ trước khi châm cứu, bấm huyệt để tránh nhiễm trùng.
- Trước và sau khi châm cứu, bấm huyệt, người bệnh không ăn quá no hoặc quá đói, không sử dụng chất kích thích như bia rượu.
- Trong quá trình điều trị, nếu xuất hiện triệu chứng đổ mồ hôi bất thường, đau đầu, hoa mắt, khó thở,… cần báo với thầy thuốc để ngừng thực hiện, sau đó kiểm tra để xử lý tình trạng này.
- Trị bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt cần kiên trì trong thời gian dài để phát huy hiệu quả tốt nhất. Vậy nên người bệnh cần kiên trì theo đúng liệu trình đã xây dựng.
- Người bệnh cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục thể thao lành mạnh, khoa học theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để sức khỏe nhanh chóng được cải thiện.
- Những đối tượng chống chỉ định châm cứu, bấm huyệt: Phụ nữ đang mang thai, người bị rối loạn đông máu, bệnh nhân đang trị bệnh ngoại khoa như thủng dạ dày, viêm vòi trứng, viêm ruột thừa, người có sức khỏe quá yếu, suy gan thận nặng.
- Châm cứu, bấm huyệt được ứng dụng trong điều trị bệnh ở giai đoạn nhẹ. Nếu các triệu chứng tiến triển nặng hơn, người bệnh cần đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa để thăm khám và áp dụng hướng chữa trị phù hợp hơn.
Bài viết chia sẻ chi tiết về huyệt Hạ Quan, qua đó giúp bạn đọc hiểu rõ về huyệt đạo này và có phương pháp áp dụng hiệu quả trong cải thiện sức khỏe. Đây là huyệt đạo mang đến nhiều lợi ích, nhưng tốt nhất hay đến các phòng khám Đông y uy tín để được trị liệu an toàn nhất.
Xem thêm:
- Huyệt Bách Hội Và 4 Công Dụng Trị Bệnh Tuyệt Vời Khi Châm Cứu, Bấm Huyệt
- Huyệt Đầu Duy Nằm Ở Đâu? Hướng Dẫn Khai Thông Chuẩn Y Học Cổ Truyền