Viêm khớp ức sườn
Viêm khớp ức sườn là tình trạng người bệnh có cảm giác đau nhói trước ngực, ngay phía phần xương ức. Theo các chuyên gia y tế, bệnh cần được điều trị từ sớm và dứt điểm. Bởi vì, nếu để lâu ngày dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.
Viêm khớp ức sườn là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm khớp ức sườn là một bệnh lý thuộc về xương khớp trong đó khớp nối giữa xương ức và xương sườn bị viêm đau. Bệnh gây nên những cơn đau kéo dài, từng cơn, có thể ngắt quãng, có thể đau liên tục, hoặc đau mỗi khi vận động, hắt hơi,…
Viêm khớp ức sườn thường xảy ra ở người trung niên – những người từ 50 tuổi trở đi. Bởi vì những đối tượng này thường đã qua giai đoạn lao động vất vả, các khớp xương cũng có dấu hiệu bắt đầu thoái hóa và yếu đi.
Đồng thời, ở nhóm người này cũng mang nhiều bệnh nền hơn. Chính vì vậy mà họ dễ xảy ra tình trạng viêm và đau xương khớp. Bệnh viêm khớp ức sườn không mang tới quá nhiều nguy hại cho sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh lại ảnh hưởng tới cuộc sống và các sinh hoạt hàng ngày.
Khi các khớp sườn bị viêm sưng thì trong mọi hoạt động hàng ngày của người bệnh đều khiến cơn đau gia tăng. Do đó, khi mắc bệnh này, người bệnh có xu hướng nghỉ ngơi nhiều, lười vận động để tránh đau. Việc này kéo dài càng khiến xương khớp của người bệnh trở nên khô cứng, khó vận động hơn.
Nguyên nhân, triệu chứng bệnh viêm khớp ức sườn
Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh đến đời sống, bạn đọc cần tìm hiểu bệnh từ gốc rễ. Bên cạnh đó cần nắm bắt được các biểu hiện khi bị bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp ức sườn được xác định do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó có những nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp.
Nguyên nhân trực tiếp
- Do tổn thương trực tiếp vùng ngực: Ngực là vị trí rất dễ bị chấn thương khi có va chạm hoặc tác động mạnh. Các xương sườn nối với xương ức qua các khớp nối ức sườn, và tạo thành lồng ngực. Khi lồng ngực bị chấn thương, các khớp nối bị ảnh hưởng, gây viêm đau.
- Vận động gắng sức: Nhiều người do tính chất công việc nên phải hoạt động tay chân nhiều. Khi gắng sức, áp lực đặt lên lồng ngực và các khớp ức sườn gia tăng. Từ đó dẫn đến viêm khớp ức sườn.
Nguyên nhân gián tiếp
- Khối u trong lồng ngực: Tùy tình trạng khối u mà gây ảnh hưởng khác nhau. Khối u ác tính có thể dẫn đến di căn và ung thư xương, rất nguy hiểm cho người bệnh.
- Các bệnh về đường hô hấp: Các bệnh ho hen, cảm cúm kéo dài cũng khiến khớp ức sườn bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi lên cơn ho kéo dài.
- Cơ thể nhiễm khuẩn: Khi cơ thể suy yếu, vi khuẩn có điều kiện xâm nhập tới các bộ phận khác. Khi vi khuẩn đi đến các khớp ức sườn sẽ gây viêm nhiễm các khớp này.
- Các bệnh lý khác: Bệnh về miễn dịch, viêm khớp phản ứng, béo phì, thừa cân,…
- Nguyên nhân khác: có thể do sử dụng chất kích thích, ít vận động,….
Triệu chứng điển hình
Với các nguyên nhân gây bệnh đã đề cập ở trên thì bệnh viêm khớp ức sườn có các biểu hiện đặc trưng nào? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua các thông tin dưới đây:
Đau tức lồng ngực:
- Đau do bệnh viêm khớp ức sườn là đau theo từng cơn. Có thể đau ngắn hoặc cũng có thể đau dài, cơn đau dai dẳng gây khó chịu, bất tiện cho người bệnh.
- Đau ở trung tâm lồng ngực, lan dần sang 2 bên cạnh sườn. Hướng đau có thể chếch lệch lên trên về hướng 2 cánh tay.
- Đau nhiều khi hắt hơi, ho, vận động. Thậm chí khi nhai, nuốt thức ăn, uống nước cũng có cảm giác nhói đau.
Khó thở:
- Bệnh nhân có cảm giác nặng nề, khó chịu, khó thở hoặc phải thở ra hơi ngắn, thở gấp.
- Bệnh nhân có biểu hiện hụt hơi, đặc biệt khi có vận động dù nặng hoặc nhẹ.
- Hít thở khó khăn, khi đến cơn đau. Bệnh nhân có cảm giác không có hơi thở trong khoảng thời gian rất ngắn.
Chẩn đoán viêm khớp ức sườn? Cách điều trị dứt điểm
Với các triệu chứng của bệnh viêm khớp ức sườn rất nhiều người nhầm lẫn với các bệnh thuộc về tim mạch và đường hô hấp. Do đó, khi bắt gặp các triệu chứng tương tự, người bệnh cần sắp xếp thời gian đến các cơ sở y tế có uy tín để thăm khám càng sớm càng tốt.
Cách thức chẩn đoán bệnh viêm khớp ức sườn
Khi bệnh nhân đến để khám bệnh, nhân viên y tế sẽ hỏi thăm bệnh nhân các thông tin cá nhân, thói quen sinh hoạt, làm việc cũng như tiền sử bệnh tật của người bệnh. Sau đó, kết hợp với các kết quả khác để đưa ra chẩn đoán về bệnh.
Cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chỉ số tốc độ máu lắng sẽ hỗ trợ rất nhiều trong nhận định diễn biến của bệnh viêm.
- Chụp X quang: Dựa vào hình ảnh chụp, bác sĩ sẽ đưa ra được nhận định về vị trí khớp ức sườn bị viêm và mức độ viêm nhiễm tại chỗ khớp nối đó.
- Xét nghiệm kháng thể: Để tìm ra trong cơ thể có xuất hiện các kháng thể kháng khuẩn hay không. Nếu có thì chứng tỏ cơ thể đang trong tình trạng nhiễm khuẩn. Do đó, khả năng mắc viêm khớp ức sườn do ảnh hưởng của vi khuẩn là rất cao.
Chẩn đoán phân biệt
Các biểu hiện của bệnh viêm khớp ức sườn đều là các dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, chúng ta cần phân biệt viêm khớp ức sườn với các bệnh và tình trạng khác như: Bệnh tim mạch (biểu hiện đau tức lồng ngực), bệnh về phổi (biểu hiện khó thở, hụt hơi), …..
Mẹo dân gian chữa viêm khớp ức sườn
Viêm khớp ức sườn không phải là một bệnh quá phức tạp. Có nhiều mẹo dân gian lưu truyền có thể chữa căn bệnh này hiệu quả.
Các mẹo chữa bệnh trong dân gian thường đơn giản và tiết kiệm chi phí. Nhưng vì là các mẹo được truyền lại nên đôi khi có sai khác đi so với nguyên bản.
Vì vậy người bệnh nên tìm hiểu kỹ càng để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân. Một số mẹo được nhiều người áp dụng như sau.
Dùng muối biển sạch
Chuẩn bị: Một bát muối biển sạch, khô; chảo đế dày, khăn bông dày.
Cách thực hiện:
- Làm nóng chảo. Cho muối vào, đảo đều ở lửa nhỏ.
- Khi muối hơi chuyển vàng nhạt thì tắt bếp. Ủ trong khăn bông dày.
- Đắp khăn ủ muối nóng lên vị trí đau.
- Chườm khoảng 15 đến 20 phút. Nếu nóng quá, có thể bỏ ra một lúc rồi tiếp tục chườm cho đến khi muối nguội.
Dùng lá lốt
Chuẩn bị: Lá lốt già, to, nguyên vẹn.
Cách thực hiện:
- Lá lốt đem đi rửa sạch, để khô.
- Hơ nóng lá lốt trên lửa nhỏ cho tới khi cảm giác lá nóng. Cần lưu ý là không để lá bị cháy đen, co lại khi hơ nóng.
- Lấy phiến lá lốt nóng đắp lên vị trí đau sưng.
- Mỗi ngày đều đắp từ 2 – 3 lần để thấy những hiệu quả tốt nhất.
Dùng gừng tươi
Chuẩn bị: Gừng tươi, muối hạt sạch.
Cách thực hiện:
- Gừng tươi rửa sạch, nạo nhỏ hoặc giã dập.
- Làm nóng chảo. Cho gừng vào đảo đều tay khoảng vài phút.
- Cho muối hạt vào chảo gừng. Đảo đến khi hỗn hợp nóng và muối hơi ngả vàng.
- Cho hỗn hợp vào khăn dày và đắp lên vị trí đau.
- Sử dụng khăn dày để tránh bỏng.
Để đem lại hiệu quả, người bệnh phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
Điều trị viêm khớp ức sườn bằng Đông y
Thuốc Đông y luôn được biết là các bài thuốc cổ, được chứng thực công dụng từ lâu đời. Sử dụng thuốc Đông y để chữa bệnh là phương pháp điều trị bệnh tận gốc và có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, chúng lại yêu cầu thời gian điều trị dài, mất công trong việc sắc thuốc và canh thuốc, vì thế những người bận, rộn, làm văn phòng sẽ khó thực hiện. Một số bài thuốc cổ truyền nổi tiếng được áp dụng để điều trị bệnh viêm khớp ức sườn là:
Bài thuốc số 1:
- Thành phần: Đại hoàng 30g, Sài hồ 15g. Qua lâu căn, Đương quy, Đào nhân mỗi vị 9g. Cam thảo, Xuyên sơn giáp và Hồng hoa mỗi vị 6g.
- Cách dùng: Sắc thuốc, uống mỗi ngày 1 thang thuốc. Dùng hằng ngày.
Bài thuốc số 2:
- Thành phần: Tang chi, nhẫn đông đằng mỗi vị 20g. Bạch thược và xích thược mỗi vị 15g. Tri mẫu 10g, Phòng phong 9g, Quế chi 6g và Bột linh dương 0,6g.
- Cách dùng: Sắc thuốc, uống mỗi ngày 1 thang thuốc. Chia thuốc thành hai phần để uống trong ngày.
Các bài thuốc Đông y chỉ có tính chất tham khảo, hỗ trợ điều trị viêm khớp ức sườn. Khi sử dụng cần cố gắng dùng trong thời gian dài mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Điều trị viêm khớp ức sườn Tây y
Dùng thuốc Tây y cũng như sử dụng các biện pháp hiện đại khác để điều trị bệnh luôn được ưu tiên sử dụng bởi vì tính thuận tiện và hiệu quả nhanh chóng mà nó mang lại. Tuy nhiên, một số loại thuốc chỉ có thể điều trị làm giảm triệu chứng mà không chữa dứt điểm nguyên nhân gây ra bệnh.
- Sử dụng thuốc giảm đau chống viêm thông thường: đó là các thuốc như paracetamol, codein hoặc các thuốc giảm đau chống viêm không steroid như ibuprofen, diclofenac….
- Tiêm steroid trực tiếp vào khớp đau: Biện pháp này chỉ áp dụng khi tình trạng diễn biến nặng khiến người bệnh vận động rất khó khăn.
- Cao dán: Thực tế, các miếng cao dán cũng chứa các chất chống viêm giảm đau được sử dụng để dán trực tiếp lên vùng khớp ức sườn bị đau do viêm.
Ngoài các biện pháp kể trên, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp điều trị kết hợp khác như châm cứu, xoa bóp, mát xa lồng ngực, chườm nóng vị trí đau,….. để tăng cường tối đa hiệu quả điều trị bệnh.
Người bệnh mắc viêm khớp ức sườn cần chú ý điều gì?
Tuy bệnh viêm khớp ít gây ra các biến chứng đặc biệt nguy hiểm, nhưng nếu bệnh tiến triển sẽ đem lại nhiều bất tiện và khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cũng nên chú ý để có thể phòng tránh và chữa trị bệnh một cách có hiệu quả nhất.
Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng luôn là một biện pháp giúp phòng tránh hiệu quả đối với các loại bệnh. Người bệnh mắc viêm khớp ức sườn cần chú ý các vấn đề sau để việc điều trị bệnh đạt hiệu quả tối đa:
- Xây dựng một chế độ ăn phù hợp với nhu cầu cơ thể. Ăn chín uống sôi, đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi bữa ăn cần có đầy đủ các nhóm chất : Tinh bột (cơm, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc…), chất béo tốt (dầu oliu, bơ thực vật, pho mát,…), đạm (thịt, cá, hải sản,…), rau xanh (rau cải, rau bina,….)
- Ăn nhiều rau xanh, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt là rau súp lơ, bắp cải, rau cải xanh,…
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ như các món chiên, xào, nướng… Các món ăn này chứa nhiều chất béo bão hòa. Đây là yếu tố kích thích các phản ứng viêm, làm tình trạng viêm càng trở nên trầm trọng hơn.
- Duy trì các chỉ số cơ thể ở mức bình thường. Tránh để tăng cân nhanh, thừa cân, béo phì. Để làm được điều này cần giảm thiểu lượng tinh bột đưa vào cơ thể như cơm nếp, cơm tẻ…
Luyện tập hằng ngày
Ngoài việc xây dựng chế độ ăn hợp lý thì việc luyện tập, vận động mỗi ngày cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn, làm tăng sức đề kháng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Khi luyện tập, người bệnh cần chú ý:
- Tăng cường vận động từ nhẹ nhàng đến nâng cao hơn.
- Xây dựng những bài tập phù hợp với sức khỏe cá nhân.
- Mát xa, xoa bóp, tập luyện các bài tập giãn cơ, tập cơ ngực để xương khớp được vận động và dẻo dai hơn.
Viêm khớp ức sườn là một bệnh lý mà bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải nếu không có kiến thức và cách phòng tránh hiệu quả nhất. Vì vậy, qua các thông tin bài viết cung cấp, mong rằng bạn đọc đã có cái nhìn tổng quát về bệnh viêm khớp ức sườn và tìm cho mình được biện pháp phòng ngừa thích hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!