Dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật: Những điều cần lưu ý
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênDẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật là một trong những phương pháp chủ yếu hiện nay để điều trị cho bệnh nhân mắc sỏi ống mật chủ. Phương pháp này ra đời cách đây hơn 100 năm và được coi là thành tựu kinh điển của ngành y học. Hằng năm có hàng ngàn người được cứu sống nhờ phương pháp điều trị ngoại khoa này.
Dẫn lưu Kehr sau phẫu thuật sỏi đường mật là gì?
Hiện nay, các bệnh lý về sỏi đường mật ngày càng phổ biến. Phần lớn bệnh nhân có sỏi mật trong gan phải tiến hành mổ. Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ sẽ dùng các phương pháp dẫn lưu đường mật như dẫn lưu qua ống gan, dẫn lưu túi mật, dẫn lưu ống Kehr đặt trong lòng ống túi mật…
Trong đó, đặt dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật là phương pháp điều trị hàng đầu. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật lấy sỏi ống mật chủ có dẫn lưu Kehr là rất cao, lên đến 95%. Phương pháp này đảm bảo theo dõi được tình trạng đường mật và lấy hết sỏi khỏi cơ thể.
Ống dẫn lưu Kehr được làm từ cao su latex. Đây là loại cao su mềm, khi đặt vào trong cơ thể không gây kích ứng các mô. Vì vậy, có thể dễ dàng đặt vào trong cơ thể mà không làm tổn hại đến các bộ phận bên trong.
Ống Kehr còn được gọi là ống chữ T bởi hình dạng của nó gồm 3 chạc. Thiết kế như vậy giúp cho việc đặt ống được chắc chắn hơn. Khi bệnh nhân chuyển động thì ống sẽ không bị tụt ra ngoài.
Trên thành ống có các lỗ nhỏ, có tác dụng dẫn lưu mật đi ra ngoài và xuống tá tràng. Thông thường bệnh nhân sau phẫu thuật có lượng dịch rất nhiều, nên ống Kehr được thiết kế với rất nhiều lỗ ở dọc thành ống.
Mục đích của dẫn lưu Kehr sau mổ sỏi đường mật
Ống dẫn lưu Kehr có cấu tạo hình chữ T, khác biệt với các ống dẫn lưu loại khác. Một đầu của ống sẽ dẫn dịch mật vào đường tiêu hóa. Đầu còn lại dẫn dịch mật ra khỏi cơ thể qua da.
Ống dẫn lưu Kehr được sử dụng với các mục đích chính như sau:
- Ống tạo ra các đường dẫn để dịch mật cũng như bùn mật chảy khỏi cơ thể.
- Ống dẫn dịch mật nhiễm khuẩn ra khỏi cơ thể, từ đó làm giảm một phần áp lực cho đường mật.
- Thông qua ống dẫn lưu Kehr, có thể bơm rửa sạch đường mật sau ca phẫu thuật. Đây là công việc cần thiết, đảm bảo vệ sinh trong ca mổ.
- Dịch mật được dẫn ra ngoài qua ống dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật sẽ được bác sĩ nghiên cứu, quan sát. Kết quả thu được cho biết tình trạng đường mật của bệnh nhân hậu phẫu thuật. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra các y lệnh điều trị cần thiết.
- Ống dẫn lưu Kehr tạo ra đường hầm vững chắc trong cơ thể. Nhờ đó, các bác sĩ có thể dễ dàng tiến hành tán sỏi nội soi cho bệnh nhân sau khi kết thúc ca phẫu thuật đầu tiên 1 tháng.
- Ngoài ra, việc lắp ống vào cơ thể giúp ngăn ngừa tình trạng tắc đường mật hoặc hẹp đường mật sau các ca phẫu thuật.
Bệnh nhân thường được đặt ống dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật trong khoảng 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, một số người chưa khỏi hẳn, mà phải tiếp tục tán sỏi sau mổ hoặc đường mật bị tắc do mắc ung thư… Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị ngoại trú và mang ống dẫn lưu Kehr về nhà.
Cách đặt ống dẫn lưu Kehr sau mổ
Thông thường, ống dẫn lưu Kehr sẽ được đặt sau khi phẫu thuật lấy sỏi đường mật kết thúc. Bác sĩ sẽ đặt ống vào lòng đường ống mật, rồi khâu ống mật chủ. Thao tác này thường mất khoảng 45 phút.
Cụ thể, kỹ thuật đặt ống dẫn lưu Kehr như sau:
- Bác sĩ chọn 1 ống dẫn lưu Kehr có độ mềm và đường kính phù hợp với từng bệnh nhân.
- Dùng dao phẫu thuật rạch một đường trên phía đỉnh của nhánh ngang. Mục đích là để khi rút ống ra, nhánh ngang sẽ gập đôi lại, chứ không vị đứt ở phần nối giữa 3 nhánh. Tùy từng trường hợp, có thể rạch để tạo thêm các lỗ trên ống nhằm dẫn lưu tốt hơn.
- Tiến hành sát khuẩn nơi đặt ống Kehr với dung dịch sát khuẩn betadine. Các thao tác được tiến hành từ trong ra ngoài, xung quanh vị trí đặt ống khoảng 5 cm.
- Khéo léo đặt ống Kehr vào ống mật chủ. Đặt ống phía trên vào trước, chú ý không để ống chạm vào đường phân chia ra ống gan của cơ thể. Ống phía dưới được đặt vào sau, sao cho không chạm vào bóng Vater.
- Sau khi ống được đặt cố định vào vị trí, tiến hành kỹ thuật khâu rời đơn giản ở vị trí mở ống mật chủ.
- Tiến hành bơm huyết thanh vào để chắc chắn vị trí hở đã được khâu lại kín. Như vậy, xung quanh chân ống Kehr đã được khâu cố định lại.
- Tiếp tục khâu thanh mạc của mạc nối tá tràng với gan. Cần tiến hành cẩn thận, tránh làm rách hoặc nhiễm trùng mạc nối.
- Nhẹ nhàng đưa đầu ngoài của ống dẫn lưu Kehr ra khỏi bụng, tại vị trí lỗ đối chiếu ở hạ sườn phải của bệnh nhân. Chú ý đảm bảo độ dài ống là phù hợp. Đặt ống Kehr xuống dưới gan.
- Kiểm tra cẩn thận ổ bụng. Tiến hành vệ sinh sạch sẽ, không để tình trạng chảy máu ổ bụng diễn ra.
- Sau khi khâu ổ bụng, cố định ống dẫn lưu Kehr
- Cuối cùng, nối ống Kehr với ống cao su. Có thể để ống vào túi, nhưng phải để thấp hơn đường mật để dịch có thể chảy ra ngoài được.
Các thao tác đặt ống dẫn lưu Kehr chỉ được tiến hành bởi các bác sĩ phẫu thuật có trình độ chuyên môn cao. Người không có chuyên môn không thể tự ý tiến hành bởi thao tác rất phức tạp. Người bệnh tuyệt đối không được tự đặt ống tại nhà do có thể gây ra sai sót, mất vệ sinh.
Lưu ý khi đặt ống dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật
Người bệnh vừa trải qua các ca phẫu thuật cần phải được chăm sóc đặc biệt. Đối với trường hợp đặt ống dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật, tình trạng ống dẫn và trình trạng của người bệnh cần được lưu ý cẩn thận.
Ống có thể có nguy cơ bị tụt
Thông thường nguyên nhân ống dẫn lưu bị tụt không phải do các bác sĩ đặt ống không cẩn thận. Đôi khi, xảy ra nhiễm trùng ổ bụng hoặc dịch mật bị rò rỉ ở chân ống lại là nguyên nhân.
Lúc này, ống Kehr không còn chắc chắn, đầu mối chỉ khâu vào ống có thể bị tụt làm ống không được cố định như ban đầu. Người bệnh cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức để được xử lý kịp thời.
Người bệnh có các dấu hiệu lạ
Sau khi đặt ống dẫn lưu Kehr, đôi khi bệnh nhân cảm thấy đau, căng tức bụng. Cơn đau ở vùng thượng vị lan xuống vùng hạ sườn phải, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Lúc này cần mở đầu ống dẫn lưu để loại bỏ bớt lượng dịch mật. Khi áp lực ở vùng ống mật được giảm bớt, bệnh nhân sẽ không còn thấy đau nữa.
Ngoài ra, do ống dẫn lưu được cơ thể coi là “dị vật”, nên ban đầu hệ thống miễn dịch sẽ có các phản ứng để đào thải ống ra khỏi cơ thể. Do đó, người bệnh có thể thấy nóng, đau, thậm chí sốt. Nhưng nếu tình trạng này diễn biến nghiêm trọng, cần lập tức đưa người bệnh đến khám bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, nếu người bệnh có biểu hiện vàng da, thì cần thông báo ngay cho bác sĩ. Nếu không xử lý kịp thời sẽ gây hại đến sức khỏe người bệnh.
Rò rỉ mật tại chân ống Kehr
Khi lượng dịch mật chảy ra quá nhiều sẽ làm ống dẫn lưu bị tắc. Lúc này, dịch có thể bị rò ở chân ống. Dịch mật có tính kiềm mạnh, nên nếu không xử lý kịp thời sẽ làm mòn vùng da bị tiếp xúc, gây chốc lở.
Do đó, nếu rò rỉ mật cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ để được bôi thuốc kịp thời.
Điều trị tán sỏi qua đường ống Kehr
Trường hợp bệnh nhân còn sót lại sỏi, thì dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật sẽ giúp lấy hết sỏi khỏi cơ thể. Thông thường, tán sỏi mật sẽ được tiến hành sau khi đặt ống Kehr 4 tuần. Khi đó, các mô xung quanh ống đã kịp liền lại thành đường hầm vững chắc. Thông qua đường hầm này, sỏi sẽ được lấy ra dễ dàng.
Cần lưu ý, khi rút ống Kehr ra cần thao tác từ từ, liên tục. Không được thao tác quá nhanh vì có thể gây xước mô trong cơ thể. Khi ống được rút ra hết, không cần khâu lại vết thương mà để cho tự lành.
Chăm sóc bệnh nhân có dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật
Trong trường hợp người bệnh phải mang ống dẫn lưu về nhà, trước khi xuất viện, các bác sĩ cần hướng dẫn cách chăm sóc người bệnh sỏi mật sau mổ và ống cụ thể.
- Ống dẫn lưu cần được bọc đầu bằng miếng gạc sạch và cố định chặt. Cần mở ống định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để mật dư thừa được chảy ra ngoài.
- Hằng ngày phải thay băng chân ống dẫn lưu. Tốt nhất là thay ngay sau khi tắm, bởi khu vực xung quanh ống đã được vệ sinh sạch. Trước khi thay băng cần rửa tay sạch, sát khuẩn vùng chân ống bằng betadine, rồi đắp gạc che phần chân ống Kehr.
- Khi tắm, bệnh nhân tránh để xà phòng dính vào ống thông. Cũng không nên xối trực tiếp vòi hoa sen vào chân ống, có thể gây tổn thương vùng da chưa lành và làm lệch ống.
- Khi nằm hoặc thay đổi tư thế cần chú ý đến ống dẫn lưu. Phải cẩn thận, không để ống bị căng hoặc bị đè lên, gây hỏng ống hoặc làm ống bị lệch.
- Cần theo dõi chặt chẽ lượng dịch mật thoát ra. Lượng dịch chảy ra ổn định trong khoảng dưới 200ml mỗi ngày được coi là bình thường.
- Người bệnh cần uống nhiều nước, tốt nhất là 2 lít mỗi ngày, để lượng dịch thoát ra dễ dàng. Trường hợp người bệnh thấy khát, khô miệng… thì cần bổ sung thêm nước. Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả, hay bất kỳ loại nước nào.
- Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chân tay thiếu sức lực, đó là do thiếu kali trong cơ thể. Lúc này có thể bổ sung kali bằng thuốc, hoặc các thực phẩm như chuối, nước dừa…
- Tuyệt đối tránh các thức ăn có nhiều chất béo như mỡ cá, mỡ, các món rán… Các chất béo sẽ gây kích thích dịch mật tiết ra. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật mổ lấy sỏi đường mật, dịch mật đang bị thiếu nên thức ăn không được tiêu hóa, gây ra tình trạng nặng bụng.
- Đến tái khám theo đúng ngày bác sĩ đã hẹn.
Trên đây là các thông tin liên quan đến kỹ thuật dẫn lưu Kehr sau mổ lấy sỏi đường mật. Hy vọng các thông tin cung cấp sẽ giúp bạn và người thân trong gia đình có thể chăm sóc bản thân tốt hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!