Huyệt Nghinh Hương: Tìm Hiểu Công Dụng Và Cách Tác Động
Huyệt Nghinh Hương là một trong những huyệt đạo được ứng dụng nhiều trong Y học cổ truyền để trị các bệnh liên quan đến xoang, mũi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xác định vị trí và tác động và huyệt này đúng cách. Cùng Nhất Nam Y Viện tham khảo bài viết dưới đây để giải đáp toàn bộ những vấn đề này.
Tổng quan về huyệt Nghinh Hương
Nghinh Hương huyệt nằm trong số những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể con người, có tác dụng trị một số bệnh liên quan đến hô hấp. Những ghi chép trong Y thư cổ về huyệt đạo này như sau:
- Về tên gọi: Huyệt có tên gọi khác là Nghênh Hương, Xung Dương. Giải nghĩa tên gọi, “nghinh/nghênh” có nghĩa là đón nhận, “hương” là mùi hương. Huyệt này có công dụng thông mũi, đón nhận mùi hương của vạn vật vào cơ thể.
- Đặc tính huyệt: Là huyệt vị thứ 20 của kinh Đại Trường, huyệt hội của kinh Đại Trường và kinh Vị, thuộc Giáp Ất Kinh. Từ huyệt Nghinh Hương có mạch chạy tới mặt trong giao Túc Dương Minh Vị.
- Vị trí huyệt Nghinh Hương: Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, huyệt đạo này nằm ngay trên mặt, cách 2 bên cánh mũi khoảng 0,8cm (nửa thốn). Huyệt vị này là nơi giao nhau giữa rãnh mũi – miệng và đường ngang qua chân cánh mũi.
- Theo giải phẫu: Ngay dưới da huyệt này là bờ ngoài cơ nâng cánh mũi và môi trên, bờ ngoài của cơ nở cánh mũi và cơ ngang mũi, bờ trong của cơ gò má và cơ nạnh, bờ trên cơ vòng môi. Da vùng huyệt được chi phối bởi nhánh dưới hố mắt và dây thần kinh sọ não V.
- Cách xác định huyệt Nghinh Hương nằm ở đâu: Bạn dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp nhẹ 2 cánh mũi lại. Phần ngón tay tiếp xúc với điểm lõm 2 bên cánh mũi chính là huyệt cần tìm.
Xem thêm: Huyệt Thái Dương Nằm Ở Đâu? Công Năng Trị Bệnh Và Lưu Ý An Toàn
Huyệt Nghinh Hương có tác dụng chữa bệnh gì?
Huyệt Nghinh Hương ở hai bên cánh mũi nên có tác dụng thông khiếu, thanh khí hỏa, tán phong nhiệt rất tốt. Vì thế, từ xa xưa các thầy thuốc Đông y đã tác động vào huyệt này để trị một số bệnh như:
- Trị các bệnh về mũi: Do nằm gần mũi nên huyệt có tác dụng rất tốt trong việc thông mũi, tán phong, điều trị hiệu quả tình trạng chảy nước mũi, nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng.
- Giảm ngứa mặt, phù mặt, liệt mặt: Một trong những tác dụng của huyệt Nghinh Hương được nhiều người quan tâm chính là khả năng giúp cải thiện dấu hiệu phù mặt, liệt mặt. Theo các chuyên gia, tác động vào huyệt đạo này thường xuyên trong thời gian dài sẽ giúp cơ mặt giãn nở, khắc phục hiệu quả tình trạng tê bì, cứng cơ mặt.
- Điều trị giun chui ống mật: Trong Đông y, các thầy thuốc thường áp dụng cách châm cứu huyệt Nghinh Hương kết hợp cùng một số huyệt đạo để cải thiện cảm giác đau vùng hạ sườn phải, vùng thượng vị do giun chui ống mật gây ra.
Phối huyệt trị bệnh hiệu quả
Trong Đông y, để tăng tác dụng huyệt Nghinh Hương cũng như hiệu quả điều trị bệnh, có thể kết hợp với một số huyệt vị khác gồm:
- Phối với huyệt Hợp Cốc (Đại Trường 4): Trị chứng mặt sưng phù hoặc mắt sưng ngứa.
- Phối với huyệt Hòa Liêu (Đại Trường 19), huyệt Ngũ Xứ (Bằng Quang thứ 5) và huyệt Thượng Tinh (Mạch Đốc 23): Trị chứng mũi ngửi không thấy mùi.
- Phối với huyệt Thính Hội (Kinh Đởm thứ 2): Trị chứng tai ù tại nhà.
- Phối với huyệt Thượng Tinh (Mạch Đốc thứ 23): Trị chứng mũi nghẹt, ngửi không thấy mùi.
- Phối với huyệt Hợp Cốc (Đại Trường 4), huyệt Thủy Câu: Trị chứng sôi bị sưng.
- Phối với huyệt Ấn Đường, huyệt Hợp Cốc (Đại Trường 4): Trị chứng viêm mũi mãn tính.
- Châm huyệt Nghinh Hương xuyên Tứ Bạch và Nhân Trung, Trung Quản, Đơm Nang, Túc Tam Lý: Trị chứng giun chui vào ống mật.
- Châm Nghinh Hương xuyên Tỵ Thông, Hợp Cốc, Khúc Trì và Thượng Tinh: Trị xoang và viêm mũi.
Cách tác động huyệt để điều trị một số bệnh lý
Để xác định huyệt Nghinh Hương ở đâu rất đơn giản, vì vậy, người bệnh có thể áp dụng bấm huyệt và châm cứu để trị bệnh, cụ thể:
Day, bấm huyệt
Day, bấm huyệt là cách tác động đơn giản nhất, được nhiều người thực hiện và cho cho thấy hiệu quả rõ rệt. Với mỗi bệnh lý, cách bấm huyệt có sự riêng biệt trong các bước tiến hành, cụ thể:
Bấm huyệt chữa nghẹt mũi
Sau khi xác định được vị trí của huyệt, dùng ngón trỏ và ngón cái tiến hành xoa và chà xát lên huyệt vị. Bị ngạt mũi bên nào bạn day huyệt ở cùng bên đó. Mỗi ngày thực hiện khoảng 5 lần, mỗi lần 3-4 phút.
Có thể xoa thêm dầu gió hoặc dán cao Salonpas lên huyệt. Việc này sẽ giúp huyệt nhanh chóng nóng lên, giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi hiệu quả.
Lưu ý: Phương pháp này phù hợp với tình trạng bệnh mới khởi phát. Nếu bị nghẹt mũi kéo dài trên 3 tuần, kèm theo dịch mũi xanh, vàng và sốt cao, ho, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
Cách bấm huyệt để chữa viêm xoang
Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến, gây ra các triệu chứng khó chịu như đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi. Để điều trị bệnh lý này, ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn kê người bệnh có thể kết hợp bấm huyệt Nghinh Hương theo các bước sau:
- Xác định vị trí của huyệt trên mặt theo hướng dẫn ở phần đầu bài viết.
- Dùng 2 ngón tay trỏ nhẫn và day huyệt đạo này trong vòng 2 phút.
- Mỗi ngày thực hiện từ 2 – 3 lần để mũi được thông thoáng, giảm đau nhức, chảy mủ, chảy máu cam.
Phương pháp này được đánh giá là đặc biệt có hiệu quả với những người bị viêm xoang do Tỳ khí hư nhược, kinh Phế phong nhiệt hoặc Tỳ vị thấp nhiệt. Tuy nhiên, phụ nữ đang mang thai, người mắc chứng đông máu không nên sử dụng liệu pháp này để chữa viêm xoang.
Xem thêm: Huyệt Thần Đình Trị Bệnh Gì? Hướng Dẫn Khai Thông Bấm Huyệt
Bấm huyệt chữa bệnh liên quan đến thần kinh mặt
Liệt dây thần kinh mặt, sưng tê má có thể khắc phục bằng cách xoa bóp, bấm huyệt. Sau khi xác định được vị trí của huyệt Nghinh Hương bạn tiến hành các bước tiếp theo như sau:
- Dùng tay day ấn lên huyệt vị khoảng 50 lần.
- Kết hợp ấn 50 lần các huyệt Giáp Xa và huyệt Hạ Quan. Tùy theo mức độ bệnh và chỉ dẫn của thầy thuốc, người bệnh có thể tác động khoảng 100 lần vào vị trí huyệt.
- Dùng cả bàn tay day phần mặt bị sưng hoặc liệt khoảng 40 đến 50 lần cho đến khi cảm thấy nóng lên.
- Tiếp đó, day 3 huyệt vị gồm Ế Phong, Thái Dương, Phong Trì, mỗi huyệt 50 lần.
- Thực hiện đều đặn các bước như vậy mỗi ngày để tình trạng bệnh được cải thiện nhanh chóng.
Lưu ý: Khi thực hiện bấm huyệt, người bệnh nên ở phòng kín gió, không nên mở cửa đột ngột vì có thể khiến cơ thể nhiễm gió độc. Mặt khác, cũng không nên để điều hòa, quạt thổi vào mặt.
Châm cứu chữa bệnh
Khác với bấm huyệt, châm cứu là liệu pháp sử dụng kim châm chuyên dụng để đâm xiên hoặc luồn dưới da. Liệu pháp này phức tạp cần có kỹ thuật tốt và lực đạo tác động chính xác. Do đó, nếu không thực sự có chuyên môn sâu về châm cứu, bạn không nên tự ý áp dụng phương pháp này tại nhà vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu châm cứu sai cách. Một số cách châm cứu trị bệnh thường được các chuyên gia áp dụng gồm:
- Châm cứu chữa chứng bệnh nghẹt mũi: Trước tiên cần xác định chính xác vị trí huyệt Nghinh Hương và chuẩn bị kim châm đã tiệt trùng. Tiếp đó, đưa các mũi kim châm vào da với độ sâu khoảng 0,3 – 0,5 thốn theo hướng đến huyệt Tỵ Thông. Hướng đi của kim châm sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của từng người.
- Cách châm cứu huyệt chữa viêm mũi dị ứng: Khi châm cứu vào huyệt Nghinh Hương, khí huyết được lưu thông tốt hơn. Từ đó, làm giảm các cơn đau dai dẳng, khó chịu ở người bị viêm mũi dị ứng. Cách châm cứu chữa viêm mũi dị ứng cũng tương tự như chưa nghẹt mũi, thời gian châm cứu phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.
- Châm cứu trị giun chui ống mật: Để khắc phục bệnh lý giun chui ống mật, bên cạnh việc dùng thuốc, các chuyên gia Đông y thường kết hợp châm cứu huyệt vị Nghinh Hương theo hướng mũi kim đến huyệt Tứ Bạch. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, các thầy thuốc sẽ châm cứu đồng thời một số huyệt đạo khác như Tứ Bạch, Chi Câu, Túc Tam Lý, Dương Lăng Tuyền,…
Hơ ngải cứu
Ngoài 2 phương pháp phổ biến là châm cứu và bấm huyệt thì hơ ngải cứu là một trong những cách tác động vào huyệt Nghinh Hương được nhiều người tin dùng. Cách làm này giúp giảm tình trạng nghẹt mũi do viêm mũi, viêm xoang và phòng ngừa tái phát bệnh.
- Chuẩn bị một nắm lá ngải cứu, rửa sạch rồi ngâm nước muối để ráo.
- Đem ngải cứu đi sao nóng, bọc vào một chiếc khăn vải sạch, đợi cho nguội bớt rồi đắp lên huyệt.
- Giữ nguyên cho đến khi khăn ủ gần hết nóng thì tháo ra, tình trạng ngạt mũi sẽ giảm đi, người bệnh cảm thấy dễ thở hơn.
Hiệu quả của phương pháp này đòi hỏi có thời gian và sự kiên trì trong quá trình thực hiện mới thấy rõ rệt. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý đến độ nóng của ngải cứu để tránh làm bỏng da mặt, để lại thâm sẹo.
Dùng miếng cao dán Salonpas
Sử dụng miếng dán Salonpas là cách tác động huyệt đạo khá đơn giản, an toàn và dễ thực hiện. Bạn chỉ cần cắt nhỏ miếng Salonpas thành từng ô vuông nhỏ với kích thước khoảng 0,1 – 1cm. Sau đó, đặt miếng cao lên vị trí huyệt Nghinh Hương, cảm giác ngạt mũi, nhức mũi sẽ giảm hẳn.
Điều cần lưu ý khi tác động lên huyệt
Việc xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt và các biện pháp tác động lên huyệt Nghinh Hương đem lại hiệu quả tốt cho người mắc các bệnh về xoang mũi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đem lại thành công cho quá trình trị liệu người bệnh cần lưu ý thêm các vấn đề quan trong dưới đây:
- Không tự ý châm cứu, bấm huyệt nếu không am hiểu về huyệt đạo. Việc tác động sai cách, sai vị trí huyệt đạo có thể làm gia tăng tình trạng bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
- Tốt nhất là tìm đến các cơ sở Đông y uy tín, có thầy thuốc y học cổ truyền nhiều kinh nghiệm để thực hiện châm cứu, bấm huyệt.
- Khi có vết thương hở, vết bầm tím tổn thương tại vùng huyệt không nên tự ý tác động. Việc châm cứu, bấm huyệt lúc này có thể làm tăng tổn thương sẵn có hoặc gây viêm nhiễm vùng huyệt.
- Không xoa bấm huyệt khi người bệnh vừa ăn no hoặc dùng các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có gas. Tác động vào huyệt khi cơ thể không tỉnh áo có thể gây biến chứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
- Kết hợp trị liệu thông qua huyệt đạo với chế độ ăn uống, tập luyện có khoa học, đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý. Hãy tăng cường rau xanh trong chế độ ăn, hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất kích thích…
Bài viết trên đây đã đưa ra lời giải đáp chi tiết cho băn khoăn huyệt Nghinh Hương có tác dụng gì, vị trí và cách tác động vào huyệt hiệu quả nhất. Khi gặp các dấu hiệu bệnh lý, bạn nên chủ động tìm đến các cơ sở Đông y uy tín để được tư vấn liệu trình và có biện pháp can thiệp phù hợp, tăng hiệu quả điều trị.
Xem thêm:
- Huyệt Thừa Tương: Cách Xác Định Vị Trí Và Tác Dụng Trị Bệnh, Cải Thiện Sức Khỏe
- Huyệt Đầu Duy Là Gì? Hướng Dẫn Khai Thông Và Phối Huyệt Chuẩn Y Học Cổ Truyền