Suy thận giai đoạn cuối – Tìm hiểu cách chữa trị và lưu ý cho người bệnh
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênSuy thận giai đoạn cuối là tình trạng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng thận và tác động xấu đến sinh hoạt của người bệnh. Vậy suy thận mạn giai đoạn cuối có nguyên nhân do đâu, triệu chứng và cách điều trị như thế nào – Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Suy thận giai đoạn cuối là gì? Nguyên nhân do đâu?
Thông qua mức lọc cầu thận của người bệnh, suy thận được chia thành 5 mức, trong đó suy thận giai đoạn cuối là nặng nhất, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người mắc. Tình trạng này xảy ra khi chức năng thận bị suy giảm quá 90%, điều này đồng nghĩa với việc thận dường như ngừng hoạt động.
Nếu người bệnh ở giai đoạn cuối của bệnh suy thận, giá trị GFR (mức lọc cầu thận) chỉ còn tối đa là 14. Theo thống kê, đa số các trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng này mất khoảng 10 – 20 năm để bệnh tiến triển từ giai đoạn đầu thành giai đoạn cuối.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này, thông thường là do bệnh lý suy thận kèm theo biến chứng tăng huyết áp và tiểu đường. Bên cạnh đó, một số lý do khác gây nên tình trạng suy thận có thể kể đến như:
- Tắc nghẽn đường tiết niệu do sỏi thận, ung thư hoặc tăng sinh quá mức của tuyến tiền liệt trong thời gian dài.
- Những người đã hoặc đang bị viêm cầu thận mãn tính hoặc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
- Đối tượng bị trào ngược bàng quang, niệu quản khiến nước tiêu chảy ngược vào thận.
- Chứng bệnh này cũng xuất hiện ở người có bất thường bẩm sinh ở ổ bụng.
Triệu chứng suy thận mạn giai đoạn cuối
Suy thận mạn giai đoạn cuối là chứng bệnh dễ nhận biết vì các triệu chứng của nó được biểu hiện rất rõ rệt, bao gồm:
- Lượng nước tiểu của người bệnh giảm đáng kể, thậm chí họ có dấu hiệu khó đi tiểu.
- Người bị bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, sút cân không rõ nguyên nhân và suy nhược cơ thể.
- Mất vị giác, ăn không ngon, cảm giác chán ăn, buồn nôn hoặc nôn.
- Da của người bệnh thường khô và ngứa, dễ bị bầm tím khi có tác động nhẹ, có cảm giác tê và sưng phù chân, tay.
- Thường xuyên cảm thấy khát nước, xuất hiện tình trạng lú lẫn, mất tập trung.
- Người bệnh thường gặp các vấn đề về xương khớp, giới tính như: Rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới và chứng “bất lực” ở đàn ông.
Các triệu chứng của bệnh thận giai đoạn mãn tính thường tiến triển nhanh chóng, vì vậy bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Suy thận mạn giai đoạn cuối có nguy hiểm không?
Bệnh lý suy thận mạn giai đoạn cuối là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người mắc. Nó gây ra nhiều biến chứng trên cơ thể như:
- Phù, ứ dịch: Khi các chức năng của thận không làm việc hiệu quả, dịch sẽ tích tụ trong cơ thể, khiến chân tay của người bệnh sưng phù. Đồng thời tình trạng này còn khiến huyết áp tăng cao không kiểm soát.
- Thiếu máu: Bệnh suy thận mạn tính có thể dẫn tới tình trạng thiếu máu khiến bệnh nhân nhợt nhạt, xanh xao, mệt mỏi, khó thở.
- Sút cân: Khi bị bệnh, lượng protein không đủ để nuôi dưỡng cơ thể, dẫn đến tình trạng sụt cân đột ngột.
- Yếu xương: Khi bị suy thận, đồng nghĩa với việc thận bị tổn thương, khả năng hấp thụ canxi, vitamin D bị ảnh hưởng khiến người bệnh bị yếu xương, giòn và dễ gãy.
- Dư thừa axit: Thận bị suy yếu sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn các axit ra khỏi cơ thể. Việc dư thừa axit gây nên các vấn đề như co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim,…
- Rối loạn Kali: Bệnh suy thận khiến lượng kali trong máu tăng cao, dẫn đến các vấn đề như: Rối loạn nhịp tim, ngưng tim hay ảnh hưởng tới thần kinh cơ.
- Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp khi bị suy thận mạn giai đoạn cuối đó là: Xơ vữa động mạch, bệnh cơ tim, van tim, viêm màng trong tim, tăng huyết áp, viêm thần kinh ngoại vi,…
Bệnh lý suy thận mạn giai đoạn cuối không thể chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp can thiệp chỉ có tác dụng thay thế chức năng thận và giúp người bệnh duy trì sự sống.
Suy thận mạn giai đoạn cuối sống được bao lâu là thắc mắc của nhiều người, không thể trả lời chắc chắn vì tuổi thọ của bệnh nhân còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, cách điều trị và khả năng đáp ứng của họ. Tuy nhiên trong trường hợp khả quan nhất, bệnh nhân có thể sống được trên 10 năm. Ngược lại trong trường hợp không có biện pháp can thiệp kịp thời hoặc chữa trị đúng cách, người bệnh có nguy cơ tử vong cao.
Cách điều trị cho người bệnh
Như đã nói ở trên, bệnh suy thận giai đoạn cuối không thể chữa khỏi hoàn toàn, mọi biện pháp can thiệp chỉ có tác dụng duy trì sự sống, tuy nhiên nếu bạn không tìm đến những cách chữa trị phù hợp, khả năng tử vong rất cao. Hiện nay có 3 phương pháp điều trị bệnh tốt nhất cho người bị suy thận mạn giai đoạn cuối, đó là:
Phương pháp lọc màng bụng
Đây là phương pháp sử dụng màng bụng của người bệnh để lọc màng, biến khoang bụng trở thành khoang lọc dịch. Qua đó, các chất bên trong cơ thể như: Kali, Ure, Creatinin và nước thừa sẽ khoáng tan từ khoang máu sang khoang dịch lọc.
Phương pháp lọc màng bụng khá đơn giản, không phụ thuộc vào máy móc, vì vậy người bệnh hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà. Cùng với đó, mỗi tháng bệnh nhân nên đến bệnh viện để nhận dịch lọc ít nhất một lần.
Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh sẽ được phẫu thuật để đặt ống thông trên người và cố định nó trong suốt thời gian lọc. Nếu bạn không thực hiện đúng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh, vị trí đặt ống thông có thể bị nhiễm trùng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Rò dịch ổ bụng, tăng đường máu, hoạt động của cơ hoành bị hạn chế,…
Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo là phương phổ biến thường dùng trong việc điều trị thay thế thận ở người bị suy thận giai đoạn cuối. Có đến 70% – 80% bệnh nhân được chỉ định thực hiện phương pháp này. Chạy thận nhân tạo tạo ra một vòng tuần hoàn ngoài cơ thể và dẫn máu ra các bộ lọc của máy để lọc máu, sau đó dẫn trở về cơ thể.
Thông thường, người bị suy thận giai đoạn cuối sẽ được chạy thận 3 lần mỗi tuần. Thời gian cho mỗi lần thực hiện khoảng 4 tiếng. Trước khi chạy thận, bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật FAV để thiết lập đường dẫn máu, đồng thời cần sử dụng thuốc Heparin để chống hiện tượng đông máu.
Phương pháp này có thể thay thế các chức năng của thận một cách hiệu quả. Kỹ thuật chạy thận phải được tiến hành tại bệnh viện để đảm bảo điều kiện vô khuẩn và tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Hạn chế của phương pháp này là người bệnh sẽ gắn liền với bệnh viện và máy móc, thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Đồng thời, họ có thể gặp các biến chứng như: Hạ huyết áp, buồn nôn, đau đầu, tai biến hay chuột rút trong quá trình chạy thận.
Ghép thận
Ghép thận là phương pháp sử dụng một quả thận từ người khỏe mạnh để ghép vào cơ thể người bệnh, thay cho quả thận đã mất chức năng hoạt động. Nếu phương pháp này thành công, bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường, không cần thường xuyên đến bệnh viện như các phương pháp khác.
Tuy nhiên, phương pháp này thường khó thực hiện vì nguồn hiến thận ít và để có một quả thận tương thích không phải là điều dễ dàng. Ngoài ra, chi phí cho mỗi lần ghép thận rất cao, bệnh nhân sau khi ghép thận phải uống thuốc hỗ trợ suốt thời gian về sau.
Địa chỉ khám chữa bệnh uy tín
Việc lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh uy tín có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh. Người bị suy thận giai đoạn cuối có thể tìm đến các bệnh viện sau:
Bệnh viện 108
Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 là bệnh viện Đa khoa chuyên sâu, tuyến cuối của ngành Quân y Việt Nam. Tại đây quy tụ đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm, bao gồm: 45 Giáo sư – Phó Giáo sư, hơn 600 Thạc sĩ – Bác sĩ, 146 Tiến sĩ và 1300 Điều dưỡng – Kỹ thuật viên.
Ngoài ra, bệnh viện có hệ thống chẩn đoán, điều trị khép kín, trang thiết bị hiện đại bậc nhất trong nước và khu vực. Người bệnh khi đến đây có thể hoàn toàn yên tâm khám và thực hiện các kỹ thuật điều trị.
Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Thủ đô Hà Nội – SĐT: 069 572 400.
Bệnh viện Bạch Mai
Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên nhận danh hiệu đặc biệt tại Việt Nam, đây cũng là địa chỉ khám chữa bệnh được nhiều người dân trên khắp cả nước tin tưởng và tìm đến. Bệnh viện hiện có đội ngũ trưởng khoa, giám đốc, y bác sĩ giỏi, chuyên môn cao và đều có trình độ sau đại học. Hiện nay bệnh viện đang phát triển trên 7 lĩnh vực: Tim mạch, Chẩn đoán hình ảnh, Thần kinh, Hồi sức – Cấp cứu, Hóa sinh, vi sinh, Y học hạt nhân và Ung bướu.
Rất nhiều bệnh nhân khi đến đây đều được thăm khám tận tình, kết quả điều trị cao và tỷ lệ bệnh tái phát ở mức thấp. Nếu đang gặp các vấn đề với thận, đặc biệt là chứng bệnh suy thận giai đoạn cuối, bạn có thể tìm đến địa chỉ: 78 Giải Phóng, Q.Đống Đa, thủ đô Hà Nội – SĐT: 024 3869 3731.
Bệnh viện E Hà Nội
Đây là bệnh viện Đa khoa Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, thành lập từ năm 1967. Bệnh viện E Hà Nội được đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, luôn tận tình và mang đến cho người bệnh dịch vụ khám và điều trị tốt nhất.
Các chuyên khoa khám chữa bệnh của bệnh viện bao gồm: Cơ xương khớp, Tiểu đường, Hệ tiêu hóa, Ung thư, Tiết niệu, Phụ khoa, Nam khoa, Hô hấp, Truyền nhiễm,.. Đây là một trong các địa điểm uy tín cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối tham khảo để điều trị.
Địa chỉ: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Q. Cầu Giấy, thủ đô Hà Nội – SĐT: 028 3754 3832.
Bệnh viện Thận Hà Nội
Bệnh viện Thận Hà Nội có tiền thân là Trung tâm Thận học & Lọc máu ngoài thận Hà Nội, được thành lập năm 2009, đến nay đã có hơn 10 năm hình thành và phát triển. Đây là đơn vị có sự hợp tác của Sở Y tế Hà Nội, UBND thành phố cùng tổ chức Midi – Pyrenees (Pháp) và thành phố Toulouse.
Bệnh viện Thận Hà Nội có đội ngũ y bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, tốt nghiệp các trường đào tạo y khoa nổi tiếng. Cùng với đó, trang thiết bị máy móc và cơ sở vật chất của bệnh viện đều hiện đại, tiên tiến, giúp quá trình điều trị nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao.
Địa chỉ tại số 70 Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, thủ đô Hà Nội – SĐT: 043 773 2265.
Chế độ ăn uống đối với người bị suy thận
Cùng với việc tiến hành khám và thực hiện các biện pháp điều trị, người bị suy thận giai đoạn cuối cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày để hỗ trợ cải thiện tình hình sức khỏe và hạn chế các triệu chứng của bệnh.
Những thực phẩm người bị bệnh thận giai đoạn cuối nên ăn là:
- Chế độ ăn uống cho người bị suy thận giai đoạn cuối nên có các loại rau xanh chứa ít đạm, nhiều vitamin B, C, K như: Bí đỏ, bí xanh, đu đủ xanh, súp lơ, ớt chuông, hành tây, củ cải đỏ, bắp cải, rau cần, su su, dọc mùng,…
- Bổ sung các loại trái cây có chứa chất chống oxy hóa và khoáng chất như: Nho đỏ, việt quất, đu đủ chín, táo,….
- Bạn nên dùng các loại sữa có chứa các loại hạt như: Hạt óc chó, đậu đỏ, kiều mạch, macca,…
- Ăn nhiều ức gà, thịt thăn lợn, trứng, cá hồi,… để bổ sung dưỡng chất tốt cho sức khỏe người bệnh suy thận.
- Người bệnh nên ăn nhiều chất bột ít đạm như: Bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, miến,…
Những thực phẩm không tốt cho người bị suy thận mạn giai đoạn cuối:
- Người bệnh không nên ăn thực phẩm làm tăng kali trong máu: Thanh long, bơ, chuối, nho khô,…
- Một số loại rau cần hạn chế như: Rau ngót, rau dền, rau đay, rau muống, các loại đậu, nấm mèo.
- Tránh thực phẩm chứa nhiều Cholesterol: Mỡ, tim, gan, dầu dừa, lòng đỏ trứng, phô mai,…
- Bạn cũng nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều Photpho bao gồm: Lá lốt, đậu nành, hạt sen khô, tôm khô, nấm đông cô, thịt bò,…
- Thực phẩm chứa nhiều muối Kali không tốt cho người bệnh, vì vậy bạn cần tránh xúc xích, bánh mì, khoai tây chiên, mắm, cá khô,…
- Đặc biệt, người bị suy thận không nên uống quá nhiều nước để tránh hiện tượng phù nề và tăng huyết áp.
Những lưu ý cho người bệnh
Để có thể cải thiện sức khỏe, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc và cuộc sống, người bị bệnh suy thận giai đoạn cuối cần chú ý:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc để đảm bảo sức khỏe, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng béo phì.
- Thay đổi thực đơn dinh dưỡng phù hợp, chú ý đến những thực phẩm nên và không nên ăn đối với người bệnh để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
- Bạn nên vận động thường xuyên với các động tác nhẹ nhàng để tăng sức đề kháng và giảm các triệu chứng khó chịu.
- Tránh sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác vì chúng ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng của thận và khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.
- Người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đồng thời thăm khám sức khỏe định kỳ đúng theo chỉ dẫn.
- Nếu trong quá trình dùng thuốc hoặc tiến hành các kỹ thuật điều trị xảy ra các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.
Suy thận giai đoạn cuối là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng, vì vậy người bệnh cần chú ý và tìm các biện pháp điều trị phù hợp. Mặc dù vậy, bạn không nên quá lo lắng, căng thẳng dễ khiến cho bệnh tình nặng hơn. Hãy giữ tâm lý vui vẻ, lạc quan và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!