Khi Các Cầu Thận Bị Viêm Và Suy Thoái Dẫn Đến Tình Trạng Nào
Theo dõi Nhất Nam Y Viện trênKhi các cầu thận bị viêm và suy thoái có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất giúp bạn tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm.
Cầu thận bị viêm và suy thoái là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Cầu thận được cấu tạo từ 2 phần bao gồm: Tiểu cầu thận và bọc Bowman. Chức năng chính của cầu thận là lọc huyết tương để tạo ra dịch lọc cầu thận.
Khi các cầu thận bị viêm, tiểu cầu thận và mạch máu trong thận bị tổn thương khiến chức năng lọc máu và bài tiết dịch của thận bị suy giảm. Lâu dần, các cầu thận bị suy thoái gây nên tình trạng suy thận.
Cầu thận bị viêm và suy thoái có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm cầu thận:
- Nhiễm liên cầu tan huyết beta nhóm A: Bệnh thường khởi phát bằng một đợt viêm họng hay nhiễm khuẩn da. Sau 10 – 15 ngày, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng đầu tiên của viêm cầu thận cấp. Các type gây viêm cầu thận phổ biến nhất là: Type 4, 12, 13, 25, 31 và 49.
- Lupus ban đỏ: Đây là bệnh thuộc nhóm bệnh tự miễn. Bệnh lý này khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn và nhầm lẫn. Hệ quả là các kháng thể sinh ra tự tấn công mô thận khiến các cầu thận bị viêm và suy thoái.
- Đái tháo đường: Viêm cầu thận có thể là một biến chứng của đái tháo đường gây ra. Lượng đường trong máu quá cao khiến thận bị tổn thương trong quá trình lọc máu.
- Bệnh thận IgA (Bergers): Là bệnh viêm cầu thận nguyên phát do nguyên nhân xuất phát từ trong cơ thể. Vì một lý do không rõ, IgA do cơ thể sinh ra bị hệ miễn dịch nhận diện là vật lạ và bị tấn công. Quá trình này khiến các phức hợp kháng nguyên – kháng thể được tạo thành và ứ đọng tại cầu thận, gây viêm.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp không kiểm soát có thể tạo ra áp lực quá mức lên cầu thận và khiến cầu thận bị tổn thương.
- Các nguyên nhân khác bao gồm: Tác dụng phụ của thuốc, hóa chất, một số bệnh lý khác (viêm mao mạch dị ứng Henoch- Schonlein, viêm cầu thận trong bệnh Osler, viêm mạch nhỏ dạng nút, hội chứng Goodpasture,…)
Triệu chứng khi các cầu thận bị viêm và suy thoái
Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu. Việc nhận diện chính xác triệu chứng bệnh giúp bạn phát hiện sớm, thăm khám kịp thời và ngăn chặn nguy cơ biến chứng.
Một số dấu hiệu cho thấy rất có thể bạn đang bị đe dọa bởi bệnh viêm cầu thận:
- Phù: Đây là triệu chứng đặc trưng của các bệnh tại cầu thận. Bệnh nhân thường bị phù tại 2 mí mắt, mặt và 2 chân. Tình trạng này kéo dài trong 10 ngày và giảm đi khi bệnh thuyên giảm. Trường hợp viêm cầu thận mãn tính, bệnh nhân thường khó phát hiện ra triệu chứng phù.
- Tăng huyết áp: Chức năng lọc máu của thận bị suy giảm là nguyên nhân khiến nồng độ các chất trong máu tăng lên. Kéo theo đó là các cơn tăng huyết áp kịch phát gây đau đầu dữ dội, choáng váng và hôn mê. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tử vong trong bệnh viêm cầu thận cấp.
- Đái máu đại thể: Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán viêm cầu thận cấp. Nước tiểu của người bệnh có màu hồng nhạt, không đông. Tần suất đái máu đại thể trong thời gian đầu là 1 – 2 lần/ ngày, sau đó giảm dần rồi hết hẳn.
- Thiểu niệu: Người bệnh đi tiểu ít, dưới 500ml/ ngày và kéo dài 3 – 4 ngày trong tuần đầu tiên. Thời gian thiểu niệu có thể kéo dài trong khoảng 3 – 4 tuần hoặc nhiều hơn.
- Protein niệu tăng cao: Xét nghiệm nước tiểu cho thấy lượng protein niệu có thể đạt 0,5 – 2g/ ngày. Hàm lượng protein niệu là chỉ số đánh giá mức độ nghiêm trọng của viêm cầu thận.
- Chỉ số các thành phần khác trong nước tiểu thay đổi: Ở bệnh nhân viêm cầu thận, trong nước tiểu có thể xuất hiện hồng cầu niệu vi thể, trụ niệu. Thành phần ure và creatinin trong nước tiểu không tăng trừ khi xuất hiện dấu hiệu suy thận.
- Triệu chứng khác: Người bệnh sốt nhẹ khoảng 37,5 – 38,5 độ C, đau thắt lưng, đau chướng bụng, buồn nôn, tiêu chảy, có dấu hiệu suy tim hoặc thiếu máu.
Cầu thận viêm và suy thoái có nguy hiểm không?
Theo các bác sĩ, khi các cầu thận bị viêm và suy thoái, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Suy thận cấp: Chức năng lọc của cầu thận suy giảm khiến các chất thải tích lũy trong máu nhanh chóng. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh nhân cần phải chạy thận nhân tạo để lọc sạch máu.
- Suy thận mạn: Bệnh được xác định khi chức năng lọc của thận giảm xuống dưới 10% so với bình thường. Đây là một biến chứng nghiêm trọng khiến người bệnh phải chạy thận suốt đời hoặc thay thận mới để duy trì cuộc sống.
- Tăng huyết áp: Đây là bệnh lý kéo theo khi các cầu thận bị viêm hoặc suy thoái mà không được khắc phục.
- Hội chứng thận hư: Lúc này, các tổn thương không chỉ xuất hiện ở cầu thận mà còn ở các vị trí khác như màng đáy của mao mạch cầu thận, mô thận, mạch máu trong thận,…
Điều trị khi các cầu thận bị viêm và suy thoái
Khi phát hiện cầu thận bị viêm và suy thoái, người bệnh cần nhanh chóng nhập viện điều trị và theo dõi. Thuốc Tây cho tác dụng nhanh, phù hợp trong điều trị viêm cầu thận.
Các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến thường gồm:
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp viêm cầu thận do nhiễm liên cầu khuẩn. Kháng sinh được chỉ định thường là Penicillin tiêm bắp với liều: 1 triệu đơn vị cho người lớn và 500.000 đơn vị cho trẻ em. Trường hợp bệnh nhân dị ứng với Penicillin có thể thay thế bằng Erythromycin hoặc Tetracyclin.
- Thuốc chống viêm: Thường là nhóm chống viêm Corticoid (Prednisolon, Methylprednisolon,…). Thuốc giúp kiểm soát nhanh tình trạng viêm nên được chỉ định trong trường hợp bệnh tiến triển nhanh. Chống viêm Corticoid có rất nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ.
- Thuốc kiểm soát huyết áp: Được sử dụng phổ biến là nhóm chẹn kênh Canxi (Nifedipin, Felodipine, Amlodipine, Manidipine) hoặc nhóm ức chế men chuyển (Captopril, Enalapril, Perindopril). Nhóm thuốc này có tác dụng kiểm soát tình trạng tăng huyết áp từ đó ngăn các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, choáng váng,…
Lưu ý khi bị viêm và suy thoái cầu thận
Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần điều chỉnh một số thói quen dưới đây để có được hiệu quả tốt nhất:
- Ăn nhạt: Để giảm tải áp lực cho cầu thận trong thời gian này, người bệnh cần hạn chế ăn muối.
- Tránh vận động mạnh hay lao động quá sức: Thời gian nghỉ dưỡng thông thường khi các cầu thận bị viêm và thoái hóa là 6 tháng. Sau thời gian này, người bệnh có thể dần dần khôi phục chế độ làm việc, học tập như bình thường.
- Giảm lượng đạm và Kali: Bạn cần giảm lượng nhóm thực phẩm đạm và Canxi để tránh tình trạng tích tụ của các chất này tại thận.
- Cung cấp lượng nước phù hợp: Lượng nước bổ sung cho cơ thể trong thời gian này cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh uống quá nhiều nước khiến tăng áp lực cho cầu thận.
- Tránh tăng cân quá mức: Để xác định được cân nặng phù hợp, bạn có thể tính theo chỉ số BMI.
- Loại bỏ các chế phẩm chứa chất kích thích như: Rượu, bia, thuốc lá, cà phê,….
- Kiểm soát thực phẩm giàu đường: Bệnh nhân nên bổ sung thực phẩm cung cấp chất đường bột ở mức vừa phải. Đặc biệt, trong trường hợp chỉ số đường huyết tăng hoặc bệnh nhân bị tiểu đường cần giảm nhóm thực phẩm này theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khi các cầu thận bị viêm và suy thoái, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được điều trị sớm nhất. Tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng mẹo điều trị tại nhà làm bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!