Teo Tinh Hoàn
Tinh hoàn được ví như nhà máy sản xuất tinh trùng và là bộ phận quan trọng với nam giới. Vậy nên nếu bộ phận này gặp vấn đề, ngoài việc ảnh hưởng tới chức năng sinh lý, bệnh còn làm tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn và kéo theo một loạt các biến chứng khác. Trong đó, teo tinh hoàn chính là một trong số những vấn đề nghiêm trọng khiến nhiều nam giới lo lắng. Hãy cùng Nhất Nam Y Viện tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này thông qua bài viết dưới đây nhằm có thêm kiến thức hữu ích trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe sinh lý.
Teo tinh hoàn là gì?
Tinh hoàn bình thường sẽ có kích thước khoảng 4.5x2.5cm, nặng khoảng 10 - 15g. Hai tinh hoàn nằm phía trong bìu - đảm nhận chức năng chính là điều chỉnh nhiệt độ xung quanh tinh hoàn. Đôi lúc, nam giới sẽ có cảm giác như tinh hoàn của mình lớn hoặc nhỏ hơn bình thường nhờ sự bảo vệ của bìu.
Theo các cuộc nghiên cứu, 2 bên tinh hoàn của nam sẽ có kích thước khác nhau, một bên to và bên kia nhỏ hơn. Tuy nhiên sự chênh lệch này không quá lớn và khó có thể nhận thấy bằng mắt thường. Nếu có một bên to hoặc nhỏ hơn nhiều so với bên còn lại thì chứng tỏ tinh hoàn của bạn đang có vấn đề.
Teo tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn bị co lại và nhỏ hơn so với kích thước bình thường. Tình trạng này xảy ra do vùng sinh dục của nam giới gặp chấn thương hoặc do tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại từ môi trường bên ngoài. Teo tinh hoàn làm cản trở chất lượng đời sống tình dục, bên cạnh đó chúng còn gây ảnh hưởng tới khả năng “làm tình”, khiến nam giới không thể sinh sản tự nhiên.
Xem thêm: Giãn Tĩnh Mạch Tinh Hoàn Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Trị
Nguyên nhân teo tinh hoàn
Hiện tượng teo tinh hoàn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:
- Do yếu tố tuổi tác: Tương tự như phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh - mãn kinh, nam giới cũng có tình trạng suy giảm nội tiết tố sinh dục dẫn tới mãn dục mãn. Được biết, nồng độ testosterone ở nam sẽ cao nhất khi họ 25 tuổi. Sau 30 tuổi, nồng độ nội tiết nam giảm dần từ 0.8 - 1.4% mỗi năm. Testosterone càng thấp, tinh hoàn sẽ có nguy cơ teo lại càng cao.
- Sự mất cân bằng của các hormone: Đôi khi mất cân bằng hormone có thể khiến tinh hoàn bị co lại. Khi cơ thể không đảm bảo lượng hormone cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng ngưng giải phóng GnRH (gonadotropin). Nếu không có GNRH, tuyến yên của nam sẽ ngừng sản xuất hormone luteinizing nên tinh hoàn teo lại là điều dễ hiểu.
- Uống nhiều rượu bia: Rượu bia chính là nguyên nhân làm tổn thương mô testosterone và tinh hoàn. Nam giới uống nhiều rượu bia - đồ uống có cồn khác đều có khả năng khiến tinh hoàn bị teo lại một cách nhanh chóng. Bởi khi rượu được hấp thu vào cơ thể, chúng sẽ trải qua quá trình chuyển hóa, sinh ra những sản phẩm phụ gây tổn thương mô tinh hoàn, màng tinh hoàn cũng như những tế bào mầm ở đây,... Chưa kể, sự oxy hóa từ các enzym còn ngăn chặn quá trình trao đổi chất, khiến những tế bào bị tổn thương không còn khả năng phục hồi.
- Xoắn tinh hoàn: Đây là biểu hiện bằng những cơn đau dữ dội, đột ngột ở tinh hoàn. Bệnh xảy ra khi tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm lưu lượng máu tới tinh hoàn bị giảm hoặc tắc. Nếu xoắn tinh hoàn không được phát hiện, điều trị sớm sẽ gây tổn thương vĩnh viễn ở tinh hoàn hoặc gây teo, hoại tử, bắt buộc phải cắt bỏ.
- Tinh hoàn ẩn: Là một dị tật phổ biến ở trẻ, miêu tả tình trạng tinh hoàn không xuống bìu. Nếu không được điều trị, tinh hoàn ẩn có thể làm giảm số lượng tế bào sinh tinh, khiến tinh trùng chậm trưởng thành hoặc có khiếm khuyết. Kèm theo đó là hiện tượng suy giảm số lượng tế bào Leydig, các ống sinh tinh hạn chế, vôi hóa vi thể, tế bào Sertoli chưa trưởng thành, lâu dần sẽ gây vô sinh. Ngoài ra, tinh hoàn ẩn sau dậy thì, kể cả sau điều trị đều gây ra tình trạng thoái hóa xơ teo, giảm khả năng sinh tinh mà không phụ thuộc vào vị trí tinh hoàn thấp hay cao.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Là tình trạng giãn, xoắn của đám rối tĩnh mạch thừng tinh. Trường hợp phát hiện muộn, điều trị không đúng cách, giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây đau co tinh hoàn.
- Viêm tinh hoàn: Bệnh gây ra tình trạng đau, sưng to ở tinh hoàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn gây viêm tinh hoàn, tuy nhiên phần lớn các biến chứng đến từ việc bị mắc quai bị. Theo nghiên cứu, virus quai bị có ái tính cao với nhu mô tinh hoàn nên có thể gây phù nề nhu mô, sung huyết ống sinh tinh dẫn tới hoại tử. Kèm theo đó là quá trình hyalin hóa ống sinh tinh, xơ teo tinh hoàn. Lúc này, số lượng, chất lượng tinh trùng cũng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp nặng có thể gây mất tinh trùng trong tinh dịch.
- Ung thư tinh hoàn: Bệnh xảy ra khi một số tế bào ở tinh hoàn tăng trưởng bất thường vượt tầm kiểm soát. Các tế bào ung thư lúc này sẽ phân chia tạo thành những khối u tinh hoàn và gây ra tình trạng tinh hoàn bị teo. Ung thư tinh hoàn thường xuất hiện ở độ tuổi từ 15 - 35, một khi mắc bệnh, tỷ lệ sống sót là khá thấp, nhất là ở những trường hợp được phát hiện và điều trị muộn.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, teo tinh hoàn ở nam giới còn có thể do tổn thương ở tinh hoàn, tác dụng phụ của thuốc, các hóa chất hoặc các chất phóng xạ. Do tinh hoàn thiếu máu, máu không thể lưu thông tới tinh hoàn hoặc do bệnh nhân mắc virus quai bị, HIV dẫn tới biến chứng tinh hoàn bị teo.
Dấu hiệu teo tinh hoàn
Biểu hiện teo tinh hoàn thường rất dễ nhận biết, điển hình nhất chính là tình trạng co rút một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn. Tùy vào độ tuổi cụ thể, tinh hoàn bị teo ở nam giới sẽ có những biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như:
- Dấu hiệu teo tinh hoàn trước tuổi dậy thì thường khiến phần sinh dục phụ kém phát triển như lông mặt, lông mu ít,...
- Sau tuổi dậy thì, nam giới sờ nắn sẽ thấy tinh hoàn teo nhỏ so với kích thước tinh hoàn bình thường và không căng. Bên cạnh đó, nam giới còn bị suy giảm ham muốn tình dục, giảm khối lượng cơ cũng như mọc ít lông mặt, lông mu.
Teo tinh hoàn có nguy hiểm không?
Tinh hoàn bị teo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một hoặc cả hai tế bào mầm cơ bản đó là tế bào tinh trùng và tế bào sản xuất testosterone. Do đó, sẽ gây nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, rối loạn hormone nam và nhiều vấn đề khác. Cụ thể như:
- Rối loạn hormone giới tính: Chức năng của tinh hoàn sẽ bị ảnh hưởng hoặc ngừng hoạt động khi tinh hoàn ở nam giới teo lại. Khi tình trạng này xảy ra, hormone giới tính testosterone không thể sản xuất, điều tiết như bình thường. Từ đó khiến nam giới càng bị nữ tính hơn.
- Giảm khả năng sinh sản: Khi tinh hoàn gặp vấn đề, quá trình sản xuất tinh trùng cũng bị ảnh hưởng theo. Chất lượng, số lượng tinh trùng cũng bị suy giảm, làm cho quá trình thụ thai khó thành công. Tinh trùng lúc này sẽ khó có thể di chuyển đến nơi có trứng và thực hiện quá trình tạo phôi. Nguy hiểm hơn, tinh trùng có thể bị chết hàng loạt hoặc bị dị tật nên rất khó để nam giới có con tự nhiên.
- Suy giảm chức năng sinh dục: Tương tự như những trường hợp trên, khi tinh hoàn bị teo, hàm lượng testosterone sẽ suy giảm, ảnh hưởng tới ham muốn tình dục. Nam giới sẽ không còn hứng thú với chuyện “yêu”, quá trình “ân ái” diễn ra không thuận lợi và khó đạt được khoái cảm.
Phương pháp chẩn đoán
Để biết chính xác nguyên nhân gây nên tình trạng teo tinh hoàn ở nam giới. Đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân một vài vấn đề liên quan tới thói quen sinh hoạt thường ngày cũng như đời sống tình dục. Những thông tin này giúp bác sĩ xác định liệu rượu, chất kích thích hay nguyên nhân nào khác gây ra bệnh lý trên.
Sau khi có những thông tin cần thiết, bác sĩ sẽ kiểm tra tinh hoàn thông qua việc đo kích thước, kiểm tra kết cấu, độ cứng,... Phụ thuộc vào kết quả, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm những xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu nhằm tìm dấu hiệu bị nhiễm trùng.
- Siêu âm tinh hoàn nhằm kiểm tra các bất thường cũng như lưu lượng máu.
- Xét nghiệm nước tiểu để xem bệnh nhân có mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục không.
- Cuối cùng là xét nghiệm mức độ hormone để đánh giá tình trạng.
Cách điều trị teo tinh hoàn hiệu quả nhất
Cách điều trị teo tinh hoàn sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ bệnh lý cụ thể. Các phương pháp phổ biến thường được áp dụng trong trường hợp này là:
- Dùng kháng sinh cho những trường hợp có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc nhiễm bệnh qua đường tình dục.
- Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thuốc tăng kích thước tinh hoàn để hỗ trợ quá trình sản xuất tinh trùng, giúp nam giới có thể thụ tinh tự nhiên.
- Trong trường hợp lượng testosterone ở nam giới quá thấp, họ sẽ cần bổ sung hormone để cải thiện tình trạng tinh hoàn bị teo.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống, tránh xa rượu bia và các chất kích thích có hại khác. Bên cạnh đó cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao hợp lý, đồng thời nên xây dựng thói quen quan hệ tình dục lành mạnh, nghỉ ngơi đúng giờ, đủ giấc.
- Trường hợp nam giới bị mắc các bệnh nam khoa như xoắn tinh hoàn, viêm tinh hoàn thì cần điều trị, phẫu thuật.
Phần lớn các trường hợp bị teo tinh hoàn đều có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tới bệnh viện kiểm tra, thăm khám và điều trị sớm. Tỷ lệ thành công của ca điều trị sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh nên nam giới cần hết sức lưu ý.
Bên cạnh đó, nam giới cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và chất lượng. Với sự hỗ trợ của các trang thiết bị công nghệ hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giỏi, có chuyên môn tốt sẽ giúp chẩn đoán đúng nguyên nhân, bệnh lý và giúp hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng.
Biện pháp phòng tránh
Nam giới thực hiện nghiêm túc theo các biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa đáng kể nguy cơ bị teo tinh hoàn cũng như các biến chứng nguy hiểm. Cụ thể đó là:
- Loại bỏ các thói quen xấu, không lành mạnh như thủ dâm liên tục, lười vận động hoặc vận động quá sức, quan hệ tình dục thô bạo,...
- Vệ sinh dương vật thường xuyên để ngăn chặn việc nhiễm khuẩn và các bệnh lý nam khoa khác.
- Tránh mặc quần lót quá chật, nên chọn quần sịp được làm từ chất liệu vải cotton, không mặc những loại quần được sản xuất từ chất liệu nilon, thấm hút mồ hôi kém hay dễ gây ngứa ngáy.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân đối khẩu phần ăn hàng ngày để đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất là tinh bột, đạm, vitamin và các khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Ưu tiên tiêu thụ những thực phẩm tốt cho sức khỏe sinh lý như thịt gia cầm, thịt nạc, cá hồi, phô mai, cá ngừ, mầm lúa mì, thực phẩm giàu arginine - acid amin để tăng cường hormone, giãn nở mạch máu nhằm cải thiện kích thước tinh hoàn hiệu quả.
- Nam giới cân duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe tổng thể, hỗ trợ tăng cường lưu thông khí huyết, giúp cơ bắp dẻo dai, thân thể cường tráng,... Ngoài ra còn giúp tinh hoàn sản xuất nhiều tinh trùng, có đủ lượng máu cần thiết để duy trì chức năng.
- Tránh sử dụng các chất kích thích có hại như thuốc lá, cà phê, rượu bia,... Việc dung nạp hay tiêu thụ những chất này có thể làm rối loạn chức năng tinh hoàn, gây tụt huyết áp. Chưa kể, hàm lượng nicotin có trong thuốc lá còn gây ảnh hưởng xấu tới khả năng cương cứng cũng như tốc độ lưu thông máu tới tinh hoàn. Trong khi rượu bia, cà phê có thể khiến tinh trùng bị yếu, dễ dị dạng.
- Không ngồi làm việc hay lái xe liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, cứ 2 giờ bạn nên đứng dậy đi lại để thả lỏng cơ thể.
- Nếu thấy kích thước tinh hoàn có sự thay đổi bất thường, kèm theo cảm giác đau nhức thì cần tới bệnh viện thăm khám phân tích tinh dịch đồ, xét nghiệm máu, đo nồng độ hormone theo chỉ định từ bác sĩ.
- Nam giới bị nghi ngờ teo tinh hoàn hoặc gặp các vấn đề sinh lý khác đều không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Bởi điều này có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, gây ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác trong cơ thể.
- Nam giới nên tiêm vắc-xin quai bị để phòng nguy cơ mắc bệnh quai bị. Theo ghi nhận thực tế, số bệnh nhân bị teo tinh hoàn do quai bị chiếm tỷ lệ khá cao. Được biết, vắc-xin phòng quai bị sẽ được kết hợp thành mũi vắc-xin 3 trong 1, giúp phòng sởi, quai bị và rubella. Nhìn chung phác đồ tiêm khá đơn giản, cha mẹ có thể tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Một số câu hỏi khác
Ngoài những thông tin trên, bạn đọc có thể tham khảo thêm một vài vấn đề liên quan tới bệnh lý này qua những câu hỏi dưới đây.
Teo tinh hoàn có chữa được không?
Các cách điều trị teo tinh hoàn hiện nay phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp xuất phát từ yếu tố nhiễm trùng đường tình dục, các bệnh nhiễm trùng khác, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh để điều trị.
Với những bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương nội tiết, giảm ham muốn do teo tinh hoàn, cần thăm khám, thực hiện điều chỉnh nồng độ nội tiết. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân về chế độ ăn uống, luyện tập và sử dụng thuốc phù hợp. Còn những trường hợp bị teo tinh hoàn do tinh hoàn lạc chỗ, không nằm ở bìu mà nằm ở bụng thì cần chỉ định phẫu thuật.
Đối tượng bị giãn tĩnh mạch thừng tinh làm suy yếu đời sống tinh trùng có thể kết hợp vừa làm phẫu thuật tìm tinh trùng, vừa cột giãn tĩnh mạch thừng tinh. Tóm lại việc teo tinh hoàn có chữa được không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây bệnh cũng như yếu tố cơ địa, thói quen của nam giới.
Teo tinh hoàn nên ăn gì để cải thiện?
Khi bị teo tinh hoàn, nam giới nên ăn những thực phẩm tốt cho sinh lý, hỗ trợ phòng tránh biến chứng cũng như có khả năng củng cố sức khỏe, sức đề kháng như:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Là nhóm thực phẩm được biết đến với công dụng ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của một số vi khuẩn, virus. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc sản sinh interferon giúp tiêu diệt các loại virus, bảo vệ tinh hoàn hiệu quả hơn. Một số thực phẩm giàu vitamin C mà nam giới có thể bổ sung hàng ngày như chanh, ổi, dứa, cam, đu đủ,...
- Ăn tỏi: Tỏi là gia vị có chứa nhiều allicin giúp tăng cường máu đến tinh hoàn. Việc thêm tỏi vào chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp tinh hoàn hoạt động ổn định, giảm thiểu tình trạng bị viêm nhiễm. Đồng thời hỗ trợ kiểm soát quá trình tiết hormone testosterone, tăng số lượng tinh trùng cũng như khả năng thụ thai thành công.
- Trứng: Đây là thực phẩm có chứa nhiều lipid, đạm cùng các loại vitamin. Nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao mà trứng cũng được xếp vào danh sách những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe tinh hoàn.
- Hàu biển: Ngoài việc cung cấp các loại khoáng chất, vitamin, hàu biển cũng có chứa nhiều dưỡng chất hữu ích trong việc đảm bảo chức năng của tinh hoàn. Nổi bật nhất trong số này chính là sắt, kẽm, omega 3 và vitamin D. Từ đó, hàu biển có thể điều hòa, kiểm soát quá trình sinh tinh nên cánh mày râu không nên bỏ qua thực phẩm này khi đang gặp các bệnh lý liên quan tới chức năng sinh lý, đặc biệt là tinh hoàn.
- Bông cải xanh: Do có chứa nhiều nước, chất xơ cùng các loại vitamin thiết yếu mà bông cải xanh có thể giúp làm giảm nồng độ cholesterol xấu. Từ đó hỗ trợ tinh hoàn hoạt động tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ bị xơ vữa mạch máu hay gặp phải các tổn thương khác.
- Thịt bò: Là một loại thực phẩm có chứa nhiều chất đạm, nhất là L-carnitine với khả năng giúp tinh hoàn khỏe mạnh, sinh tinh ổn định. Ngoài ra, thịt bò còn có chứa lượng vitamin B dồi dào, giúp giảm hiện tượng tinh trùng dị dạng và nâng cao sức khỏe sinh sản ở nam giới một cách hiệu quả.
Tinh hoàn bị teo có quan hệ tình dục được không?
Như chúng ta cũng biết, tinh hoàn là bộ phận đảm nhận vai trò quan trọng trong việc bài tiết hormone sinh dục nam testosterone. Chúng giúp điều khiển các hoạt động của hệ sinh dục, nhu cầu sinh lý nam.
Trường hợp tinh hoàn bị chấn thương hoặc bị tác động dẫn tới hiện tượng teo tinh hoàn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu - khả năng tình dục ở nam giới. Trong đó, những đối tượng bị teo một bên tinh hoàn phải cắt bỏ để bên tinh hoàn còn lại có thể đảm bảo hoạt động tình dục, khả năng sinh sản bình thường. Lúc này, nam giới vẫn có thể quan hệ tình dục và vẫn có thể có con tự nhiên.
Song với những nam giới bị teo cả hai bên tinh hoàn thì chức năng sinh lý sẽ bị ảnh hưởng theo. Cánh mày râu sẽ thấy thiếu tự tin trong chuyện chăn gối, đời sống tình dục lúc này cũng trở nên tẻ nhạt, khó đạt được khoái cảm.
Teo tinh hoàn có thể tái phát không?
Trên thực tế, teo tinh hoàn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh lý mà còn gây giảm ham muốn và tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Thời điểm phát hiện ra bệnh - nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị.
Song việc điều trị teo tinh hoàn không phải lúc nào cũng có thể phục hồi lại kích thước như ban đầu. Vậy nên khi thấy những triệu chứng bất thường ở tinh hoàn hoặc tại cơ quan sinh dục, cánh mày râu nên tới bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán.
Các bác sĩ khuyên phái mạnh nên xây dựng thói quen khám nam khoa định kỳ 1 - 2 năm một lần để đánh giá tình trạng tinh hoàn. Đồng thời xem nội tiết tố đang ở mức nào, có cần điều chỉnh nồng độ testosterone hay không. Thêm vào đó, bệnh nhân bị teo tinh hoàn sau điều trị cần có chế độ luyện tập thích hợp, dùng thuốc điều chỉnh trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục kết hợp với bổ sung testosterone.
Ngoài ra, nam giới cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và có lối sống lành mạnh. Bởi việc giảm khả năng sinh tinh không chỉ xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý mà còn do lối sống.
Trên đây là những thông tin liên quan tới tình trạng teo tinh hoàn và biện pháp khắc phục, phòng tránh hiệu quả. Trường hợp bạn thấy tinh hoàn của mình có những dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng sắp xếp thời gian tới bệnh viện thăm khám và điều trị. Việc phát hiện sớm sẽ giúp tinh hoàn có khả năng phục hồi cao cũng như giúp bạn hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!