Viêm Đường Tiết Niệu Ở Trẻ Em
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sự phát triển của bé. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm bệnh thông qua các triệu chứng điển hình. Từ đó tìm phương án điều trị phù hợp, giúp bé sớm khỏe mạnh. Các bậc phụ huynh cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này ở trẻ.
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em là bệnh lý gì?
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em là hiện tượng niệu đạo, thận, bàng quang của bé bị vi khuẩn, virus xâm nhập gây nhiễm trùng đường tiểu. Bệnh khiến cho các em nhỏ cảm thấy khó chịu, đau, buốt khi đi tiểu. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chức năng sinh sản sau này.
Hiện nay viêm đường tiết niệu ở trẻ em gái hay trai đều xảy ra khá nhiều. Tỷ lệ mắc chỉ đứng sau bệnh viêm hô hấp và bệnh đường tiêu hóa. Trong đó, số bé gái mắc nhiều hơn bé trai gấp 5 lần.
Đáng chú ý, thói quen ngồi bệt, chơi đùa của trẻ chính là một trong những yếu tố làm gia tăng khả năng bị bệnh. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý cảnh báo, giáo dục trẻ, đồng thời để ý đến các nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu ở trẻ để cảnh giác.
Nguyên nhân viêm đường tiết niệu ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu ở trẻ em, tuy nhiên, những tác nhân chính được bác sĩ chuyên khoa liệt kê gồm:
- Bố mẹ không đảm bảo vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ, lại đóng bỉm thường xuyên trong thời gian dài. Từ đó, vi khuẩn dễ có cơ hội xâm nhập và phát triển, tấn công vào đường tiết niệu.
- Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu do sự tấn công của vi khuẩn Enterococcus và Klebsiella pneumoniae.
- Nhiều trẻ bị sinh non hoặc suy dinh dưỡng nên cơ thể yếu ớt hơn những trẻ khác. Vì vậy bé dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, vi nấm gây bệnh.
- Những trẻ mắc bệnh đái tháo đường, liệt bàng quang trước đó hay bị hẹp bao quy đầu, mắc hội chứng thận hư… thì tỷ lệ bị viêm đường tiết niệu cũng sẽ cao hơn so với các bé khác.
- Thông thường, nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu ở bé gái cao hơn bé trai do cơ quan sinh dục và niệu đạo của bé gái ngắn. Vì thế, vi khuẩn dễ tấn công hơn.
Ngoài ra, có những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ, bao gồm:
- Sự tắc nghẽn, biến dạng của một trong các bộ phận sinh dục thuộc đường tiết niệu.
- Do các cơ quan trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên hệ tiết niệu vẫn còn hoạt động bất thường.
- Nhiều trẻ phải đối mặt với tình trạng chảy ngược nước tiểu do dị tật bẩm sinh.
- Thường xuyên lựa chọn các trang phục bó sát để cho trẻ mặc.
- Vấn đề vệ sinh sau khi đi ngoài không được đảm bảo sạch sẽ và không đúng cách.
- Số lần đi tiểu của trẻ quá nhiều hoặc trong thời gian dài trẻ nín nhịn tiểu.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm đường tiết niệu là khá nhiều. Trong đó đa phần đều liên quan đến thói quen sinh hoạt, chơi đùa của trẻ. Cha mẹ cần để mắt tới con, để phát hiện các biểu hiện bệnh sớm nhất có thể.
Dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu ở trẻ tùy từng vị trí và độ tuổi mà các triệu chứng cũng khác nhau đôi chút. Do đó, cha mẹ nên chú ý đến những biểu hiện sau đây để nhanh chóng có phương án xử lý phù hợp.
Dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ sơ sinh
- Trẻ có biểu hiện sốt cao từ 39 – 40 độ C, hoặc có thể hạ nhiệt độ so với bình thường.
- Làn da không còn hồng hào mà tái xanh.
- Cơ thể mệt mỏi, ngủ li bì.
- Hệ tiêu hóa bị rối loạn với các biểu hiện như ỉa chảy, buồn nôn.
Dấu hiệu trẻ bú mẹ bị viêm đường tiết niệu
- Trẻ có biểu hiện sốt cao, rét run.
- Tình trạng quấy khóc diễn ra thường xuyên và hay nôn.
- Trẻ bị chướng bụng, tiêu chảy, nước tiểu đục hơn bình thường.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ lớn
- Sốt cao xuất hiện ở trẻ.
- Nước tiểu có màu đục và mỗi lần đi tiểu thường buốt và tiểu rắt.
- Vùng thắt lưng bị đau.
- Lưỡi bẩn, môi khô và có mùi hôi từ hơi thở.
Viêm tiết niệu ở trẻ em có nguy hiểm không?
Trẻ em bị viêm đường tiết niệu rất dễ điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu để bệnh diễn biến nặng và không được khắc phục kịp thời, sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:
- Chức năng thận bị suy giảm, thậm chí gây suy thận.
- Thận bị ứ nước và lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng sưng phù thận.
- Áp xe thận.
- Nhiễm khuẩn khuyết sẽ làm gia tăng nguy cơ bị suy gan và dẫn đến tử vong.
Những biến chứng kể trên đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển, sức khỏe của trẻ. Do đó, khi phát hiện ra triệu chứng của bệnh, cha mẹ tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Cần sớm đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp, đúng chuẩn.
Khi nào nên cho trẻ bị viêm đường tiết niệu nhập viện
Viêm đường tiết niệu ở trẻ em nếu đã diễn biến nặng và nghiêm trọng, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Cụ thể có các trường hợp trẻ cần nhập viện do viêm đường tiết niệu như:
- Những trẻ dưới 6 tháng tuổi và có dấu hiệu của viêm đường tiết niệu.
- Đã áp dụng các biện pháp hạ sốt nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm và bé bị sốt cao liên tục.
- Trẻ bị khô môi, cơ thể xanh tái do mất nước nghiêm trọng.
- Việc cho trẻ uống thuốc không thể thực hiện như bình thường.
- Nguy cơ cao trẻ bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng thận.
Tiến hành chẩn đoán viêm đường tiết niệu
Bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm nước tiểu nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như chẩn đoán chính xác vị trí bị viêm nhiễm. Trường hợp, thận và bàng quang nghi ngờ bị viêm nhiễm, họ sẽ chỉ định thêm một số kiểm tra khác như:
- Tiến hành siêu âm bàng quang và thận: Nhằm kiểm tra xem những cơ quan này có xuất hiện các khối u hay dị vật bất thường hay không.
- Chụp X-quang: Phương pháp này nhằm kiểm tra xem có xuất hiện sỏi cản quang trong đường tiết niệu hay không.
- Chụp CT cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ: Phương pháp này nhằm kiểm tra chi tiết mức độ viêm nhiễm, nguyên nhân gây bệnh.
Sau khi đã có các kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ lên phương án điều trị phù hợp với mức độ, tình trạng, cũng như sức khỏe của bé.
Cách chữa viêm đường tiết niệu ở trẻ em
Để điều trị viêm đường tiết niệu, bác sĩ sẽ căn cứ vào cơ địa, sức khỏe của trẻ cũng như vị trí, cơ quan viêm nhiễm. Từ đó, mới chỉ định phương pháp điều trị hợp lý, đảm bảo hiệu quả cao, an toàn.
Chữa viêm đường tiết niệu bằng mẹo dân gian
Với những trường hợp bị viêm đường tiết niệu mức độ nhẹ, cha mẹ có thể chữa trị tại nhà cho trẻ bằng mẹo dân gian. Cách làm này vừa hiệu quả, an toàn mà lại tiết kiệm, cụ thể có một số mẹo sau đây:
Bài thuốc từ cây mã đề
Theo Đông y, mã đề là loại thảo dược có tính hàn, vị ngọt, quy kinh thận, bàng quang, phế, có công dụng tiêu thũng, lợi tiểu, tiêu phù, tiêu viêm và giảm độc tố trong cơ thể. Còn theo y học hiện đại, thành phần của cây chứa rất nhiều các loại vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin K, vitamin C, các dưỡng chất như allantonin, aucubin… Đây đều là những thành phần có khả năng chống lại phản ứng viêm trong cơ thể, đồng thời ức chế và làm giảm hoạt động của vi khuẩn . Do đó có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu, chứng tiểu buốt, tiểu rắt…
Chuẩn bị nguyên liệu
- Mã đề: 10g
- Cam thảo: 2g
Cách thực hiện:
- Rửa sạch mã đề và cam thảo (nếu cần). Sau đó, vớt ra cho vào nồi cùng 600ml nước.
- Hạ nhỏ lửa khi nước vừa sôi. Đun cho đến khi còn 200ml nước thì dừng lại
- Gạn nước này làm 3 phần và uống hết trong ngày.
Bài thuốc từ rau diếp cá
Y học cổ truyền ghi nhận diếp cá là loại dược liệu có vị hơi chua, tính mát, quy kinh chủ yếu vào can và phế quản. Chính vì vậy mà nó có tác dụng cao trong việc thanh nhiệt, giải độc, giảm phù thũng, thông tiểu tiện. Ngoài ra, diếp cá còn chứa hàm lượng lớn các hoạt chất kháng sinh tự nhiên, giúp tiêu diệt và ức chế vi khuẩn gây ra viêm như E.coli. tụ cầu, liên cầu… Thành phần quercitrin cực tốt cho bệnh nhân viêm đường tiết niệu, giúp giải nhiệt, ngừa tình trạng nóng trong và giúp lợi tiểu.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch 1 nắm lá rau diếp cá. Ngâm vào nước muối pha loãng để loại bỏ sạch bụi bẩn, tạp chất hoàn toàn.
- Vớt rau ra rổ, đợi ráo nước. Đem rau đi xay nhuyễn. Sau đó, chắt lấy nước và cho vào nồi đun sôi.
- Gạn phần nước này ra, cho trẻ uống mỗi ngày 1 chén.
Bài thuốc từ râu ngô
Từ lâu râu ngô đã được xem là vị thuốc quý có vị ngọt, tính mát, giúp lợi tiểu, thanh nhiệt. Thường được dùng phổ biến trong việc điều trị viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, sỏi thận, tiểu đường… Mặt khác, một số thành phần dinh dưỡng có trong râu ngô như vitamin A, B, K cùng các khoáng chất thiết yếu giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Sử dụng râu ngô vào buổi sáng có thể thúc đẩy cơ thể bài tiết nước tiểu và thanh lọc thận hiệu quả.
- Cho 100g râu ngô rửa qua cho sạch. Cho vào nồi 200ml nước cùng với lượng râu ngô.
- Tiến hành đun sôi kỹ để râu ngô tiết hết các tinh chất vào nước.
- Gạn lấy phần nước này và cho con uống đều đặn vào sáng, tối nhằm sớm đạt hiệu quả trị bệnh cao.
Các mẹo dân gian trị viêm đường tiết niệu cho tác dụng tốt nhất nếu áp dụng khi mới chớm bệnh. Những cách làm này sẽ gia tăng hiệu quả nếu kết hợp với những phương pháp trị bệnh khác. Tuy nhiên, điều trị cho con bằng phương pháp này cha mẹ cần phải kiên trì trong thời gian dài. Để an toàn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ mẹo dân gian nào.
Điều trị bằng thuốc Tây
Viêm đường tiết niệu ở bé trai hay gái thường được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Tây. Căn cứ vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và sức khỏe, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường dùng bao gồm:
- Thuốc Amoxicillin: Đây là loại thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm; sử dụng với liều lượng cho trẻ là 50mg/kg/ngày và chia làm 3 lần. Thuốc có tác dụng tiêu diệt cũng như ức chế, ngăn ngừa những vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu.
- Thuốc Trimethoprim: Đây là thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng cho trẻ từ 4-6 mg/kg/ngày. Dùng đường uống hoặc tiêm với mỗi ngày 2 lần. Thuốc có tác dụng tiêu diệt và ngăn ngừa những vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu E.Coli, Proteus, Enterobacter…
- Thuốc Bactrim: Liều lượng áp dụng cho trẻ là từ 20-30mg/kg/ngày và sử dụng bằng đường uống. Thuốc có tác dụng điều trị các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Thuốc Augmentin: Liều lượng dùng cho trẻ là 50mg/kg/ngày, uống làm 2 lần và kéo dài từ 7 – 10 ngày.
- Thuốc Cephalosporin IG: Liều lượng áp dụng cho trẻ là 50mg/kg/ngày, chia làm 3 lần. Thuốc có tác dụng điều trị vi khuẩn E.coli.
Khi sử dụng thuốc Tây điều trị bệnh cho con, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng liều lượng, liệu trình nhằm đạt hiệu quả cao, tránh các tác dụng phụ.
- Trong quá trình sử dụng, nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào khác lạ thì cần nhanh chóng đưa con đi thăm khám để được bác sĩ xử lý kịp thời.
Chăm sóc và phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ nhỏ
Để hỗ trợ việc điều trị cũng như phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tuân thủ đúng liệu trình, phác đồ điều trị của bác sĩ. Tiến hành tái khám theo đúng quy định để bác sĩ kiểm tra về hiệu quả trị bệnh. Từ đó đưa ra hướng thay đổi liều lượng, phác đồ nếu cần.
- Luôn vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục cho trẻ đúng cách sau mỗi lần đi vệ sinh, tốt nhất là lau từ trước ra sau. Đối với trẻ nhỏ cần lau khô bằng khăn sạch và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh, đối với trẻ đã lớn, nên tập thói quen này để trẻ tự thực hiện sau khi đi vệ sinh xong.
- Khuyến khích trẻ uống nước thường xuyên và uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày, không nên để bé nhịn tiểu.
- Trong chế độ ăn nên tăng cường rau củ, hoa quả nhằm tăng lượng nước, giúp cho hệ thống bài tiết nước tiểu của trẻ tốt hơn.
- Đảm bảo môi trường sống của trẻ luôn thông thoáng, sạch sẽ nhằm ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus, vi nấm.
- Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng nhằm đẩy lùi các tác nhân gây bệnh.
Những thông tin trên đây đã giúp các cha mẹ hiểu rõ hơn về viêm đường tiết niệu ở trẻ em. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích và giúp các bậc phụ huynh sớm điều trị thành công căn bệnh , đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của con yêu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!