Suy thận cấp
Suy thận cấp là một hội chứng suy giảm, mất chức năng thận tạm thời. Lúc này, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy suy thận cấp là gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh lý suy thận cấp như thế nào?
Suy thận cấp tính là gì? Có nguy hiểm không?
Suy thận cấp tính là hội chứng suy giảm chức năng thận hoặc mất chức năng thận tạm thời. Suy thận cấp diễn ra ở cả 2 bên thận dẫn tới tình trạng vô niệu, thiểu niệu, rối loạn cân bằng nước – điện giải khiến người bệnh bị phù nề và tăng huyết áp.
Tình trạng này diễn ra khi thận bị suy giảm rất nhanh chóng mức lọc cầu thận. Thời gian kéo dài một đợt suy thận cấp từ vài ngày đến vài tuần. Suy thận cấp có thể được điều trị khi loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, khi đó chức năng thận sẽ trở lại bình thường.
Suy thận cấp là tình trạng cấp tính rất nguy hiểm, khiến chức năng thận bị suy giảm nhanh chóng, thận bị tổn thương và bệnh diễn tiến rất nhanh.
Thông thường bệnh khởi phát và diễn tiến chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Do chức năng lọc máu của thận bị ảnh hưởng đột ngột, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao do nhiễm trùng.
Tuy nhiên, tình trạng này có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện kịp thời. Chức năng thận của người bệnh được phục hồi và bảo tồn nhờ các phương pháp điều trị tích cực.
Nguyên nhân gây suy thận cấp
Hiện nay, cơ chế gây ra bệnh suy thận cấp được phân loại thành 3 nhóm nguyên nhân như sau:
Nguyên nhân trước thận
Đây là các nguyên nhân gây ra tình trạng giảm lưu lượng máu tới thận từ đó làm giảm áp lực lọc máu của cầu thận. Tình trạng này có thể xuất hiện do các vấn đề dưới đây:
- Người bệnh bị chấn thương gây chảy máu và mất nước dẫn tới sốc do giảm thể tích.
- Người có bệnh lý nhồi máu cơ tim hoặc các vấn đề tim mạch khác có thể dẫn tới suy thận cấp do sốc cơ tim.
- Tình trạng nhiễm khuẩn huyết hoặc nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tử cung và viêm tụy cấp có thể khiến người bệnh bị sốc do nhiễm khuẩn.
- Sốc phản vệ dẫn tới tình trạng quá mẫn.
- Người bệnh bị sốc do chấn thương và sốc do tan máu cấp.
Các nguyên nhân tại thận
Đây là các nguyên nhân xuất phát từ các tổn thương thận do các bệnh lý về thận như sau:
- Bệnh lý về cầu thận và bệnh về các mạch máu nhỏ trong thận như viêm cầu thận, viêm mạch máu thận…
- Bệnh lý về mô kẽ thận do nhiễm khuẩn hoặc sự xâm nhập của tế bào ác tính.
- Các bệnh lý về ống thận do thiếu máu hoặc nhiễm độc thận.
Nguyên nhân sau thận
Nhóm nguyên nhân này chủ yếu do tình trạng tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu như sau:
- Tình trạng tắc ống thận.
- Tắc nghẽn tại thận do sỏi, hoại tử hoặc các cục máu đông.
- Tắc nghẽn niệu quản do sỏi niệu quản hoặc do chèn ép bởi u tử cung, u phúc mạc, u xơ tuyến tiền liệt.
- Tắc niệu đạo do bệnh lý về tuyến tiền liệt hoặc co thắt niệu đạo.
Các yếu tố nguy cơ
Bên cạnh nguyên nhân gây bệnh, một số đối tượng sau đây có nguy cơ bị suy thận cấp cao hơn:
- Người tuổi cao hoặc có các bệnh lý nền mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp hoặc suy gan mãn tính.
- Người có bệnh về nhiễm khuẩn, suy đa tạng hoặc chấn thương.
- Người tiếp xúc nhiều với hóa chất hoặc lạm dụng thuốc hạ huyết áp hoặc các thuốc điều trị bệnh lý khác.
Triệu chứng điển hình nhất
Suy thận cấp trải qua 4 giai đoạn bệnh. Mỗi giai đoạn có các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác nhau.
Giai đoạn 1: Người bệnh có các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau tức ngực, khó thở và xuất hiện tình trạng thiểu niệu, vô niệu trong 24 giờ đầu.
Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của tình trạng suy thận cấp với các triệu chứng nặng và có thể gây ra tử vong. Các triệu chứng có thể xuất hiện trong giai đoạn này là:
- Giai đoạn 2 kéo dài trong khoảng 1 đến 6 tuần.
- Xuất hiện triệu chứng vô niệu, thiểu niệu kèm phù phổi hoặc suy tim ứ huyết. Lúc này, tùy từng bệnh nhân sẽ có lượng nước tiểu khác nhau. Nước tiểu có thể sẫm màu hơn và lẫn máu hoặc mủ, thậm chí có vi khuẩn trong nước tiểu.
- Creatinin huyết tương tăng, tăng ure máu.
- Người bệnh gặp phải tình trạng rối loạn điện giải, tăng kali máu.
Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn đái trở lại bình thường và thường kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày. Người bệnh có các triệu chứng:
- Có nước tiểu trở lại và lượng nước tăng dần.
- Người bệnh có thể phải đối mặt với các nguy cơ: mất nước do tiểu nhiều, tăng ure và kali máu, rối loạn điện giải.
Giai đoạn 4: Là giai đoạn phục hồi chức năng, có thể kéo dài trong khoảng 2 đến 6 tuần. Lúc này, người bệnh có chỉ số xét nghiệm nồng độ creatinin máu và ure máu tăng.
Chẩn đoán và điều trị bệnh đúng cách
Khi có bất cứ dấu hiệu nào của tình trạng suy thận cấp, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Các kỹ thuật chẩn đoán
Để xác định chính xác tình trạng suy thận cấp, các bác sĩ sẽ dựa trên các yếu tố sau đây để chẩn đoán bệnh:
- Người bệnh có các yếu tố nguy cơ hoặc xác định được nguyên nhân gây ra suy thận cấp.
- Người bệnh bị thiểu niệu hoặc vô niệu cấp tính.
- Xét nghiệm máu cho thấy ure và creatinin máu tăng nhanh.
- Mức lọc cầu thận giảm và xảy ra sau triệu chứng vô niệu.
Phương pháp điều trị
Sau khi chẩn đoán suy thận cấp, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị, cấp cứu người bệnh. Tùy vào nguyên nhân và giai đoạn bệnh sẽ có hướng điều trị cụ thể như sau:
Trong giai đoạn bệnh tấn công
- Lúc này, người bệnh cần được điều trị để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh bằng thuốc và các biện pháp can thiệp khác.
- Người bệnh cần được bù nước để hạn chế mất nước.
- Theo dõi tình trạng vô niệu, thiểu niệu.
Trong giai đoạn vô niệu, thiểu niệu
- Người bệnh cần được giữ cân bằng nước và điện giải.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị tăng kali máu và tiến hành lọc máu khẩn cấp nếu điều trị tình trạng này bằng nội khoa không có hiệu quả.
- Người bệnh cần được loại bỏ ổ nhiễm khuẩn nếu có, chế độ ăn uống giảm đạm, giảm muối và uống ít nước.
- Điều trị suy tim và tăng huyết áp đi kèm.
Người bệnh được chỉ định lọc máu nếu người bệnh không đáp ứng được với những biện pháp điều trị nội khoa. Người bệnh có tình trạng thừa dịch nặng gây ra phù phổi hoặc dọa phù phổi cấp.
Trong giai đoạn tiểu trở lại
Khi người bệnh có thể đi tiểu trở lại cần đo chính xác lượng nước tiểu trong 24h và theo dõi sát điện giải máu để điều chỉnh.
Người bệnh có thể bù dịch bằng truyền tĩnh mạch, uống oresol khi không có rối loạn điện giải nặng.
Giai đoạn phục hồi chức năng
- Người bệnh cần có chế độ ăn tăng đạm nếu mức ure máu trở lại bình thường.
- Theo dõi và tái khám định kỳ theo chỉ định.
- Theo dõi và điều trị các nguyên nhân khác nếu có.
Cách phòng ngừa suy thận cấp
Suy thận cấp là bệnh lý cấp tính rất nguy hiểm, diễn tiến nhanh và đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, để phòng ngừa bệnh lý này cần lưu ý những vấn đề sau:
- Người bệnh có các bệnh lý nền như tiểu đường, suy tim, cao huyết áp… cần có kiến thức về bệnh suy thận, các biến chứng suy thận để phát hiện sớm và phòng ngừa suy thận.
- Cần biết những loại thuốc có thể gây độc cho thận.
- Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý thận và người bệnh sau phẫu thuật cần dự phòng suy thận cấp.
- Cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động thường xuyên.
- Người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.
- Cần thăm khám sức khỏe định kỳ và tái khám theo đúng lịch hẹn.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng suy thận cấp. Người bệnh cần nắm vững những thông tin này để chủ động trong việc phòng tránh và điều trị bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!