Bệnh Ung Thư Mũi
Ung thư mũi là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên nhiều người vẫn còn coi thường và chủ quan. Việc sớm phát hiện triệu chứng và biết nguyên nhân gây bệnh là rất quan trọng để giúp chữa trị cũng như phòng tránh bệnh. Dưới đây là thông tin chi tiết về bệnh lý này, mời bạn đọc tham khảo.
Bệnh ung thư mũi là gì?
Ung thư mũi là tình trạng các tế bào ung thư phát triển quá mức gây ra những khối u trong khoang mũi, xoang mũi. Đây được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm nhất ở vùng mặt và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
Các chuyên gia chia bệnh ung thư mũi thành 2 loại chính đó là:
- Ung thư khoang mũi.
- Ung thư xoang cạnh mũi.
Theo nhiều thống kê, đây là bệnh lý khá hiếm gặp và đàn ông có nguy cơ mắc cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên không vì thế mà người bệnh chủ quan vì nó có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến đường hô hấp trên.
Các giai đoạn của ung thư hốc mũi
Dựa theo mức độ phát triển của ung thư mũi, bệnh có thể chia thành 4 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 0: Lúc này khối u ở lớp trên cùng của tế bào lót trong khoang mũi, không phát triển quá sâu. Ngoài ra, các tế bào ung thư không lan đến hạch bạch huyết lân cận hoặc xa các phần của cơ thể.
Giai đoạn 1: Khối u dù phát triển sâu hơn nhưng chỉ ở một phần của khoang mũi, không lan đến hạch bạch huyết hoặc di căn.
Giai đoạn 2: Khối u chiếm một phần khoang mũi hoặc cả khoang và không lây lan đến hạch bạch huyết hay di căn.
Giai đoạn 3:
- Trường hợp 1: Khối u xâm lấn đến một bên hoặc đáy của ổ mắt, xoang hàm trên, vòm miệng.
- Trường hợp 2: Khối u chưa xâm lấn ra bên ngoài khoang mũi hoặc cấu trúc các khu vực lân cận. Lúc này nó đã lan đến 1 phần hạch bạch huyết ở cùng 1 bên của cổ.
Giai đoạn 4:
- Giai đoạn 4A: Trường hợp 1 là khối u đã di căn vào một phần ổ mắt, da của má, mũi hoặc khu vực xoang trán. Còn trường hợp 2, khối u có thể hoặc không thể xâm lấn đến cấu trúc bên ngoài xoang mũi.
- Giai đoạn 4B: Trường hợp 1, khối u di căn vào mặt sau của ổ mắt, não, màng nhĩ, bộ phận xương sọ, dây thần kinh, vòm họng, mức độ tiến triển nhanh. Trường hợp 2, tế bào ung thư lan đến ít nhất 1 hạch bạch huyết với kích thước trên 6cm.
- Giai đoạn 4C: Khối u có thể hoặc không phát xâm lấn vào các cấu trúc bên ngoài khoang mũi, tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác bên trong cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư mũi
Các nhà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân chính gây bệnh ung thư mũi. Các nghiên cứu chỉ có thể đưa ra các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư khoang mũi, xoang cạnh mũi.
Hít phải chất độc
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư mũi là hít phải chất độc hại. Các chất đó là:
- Bụi từ gỗ (người làm nghề mộc).
- Bụi từ vải dệt.
- Bụi từ da giày.
- Bột dùng làm bánh.
- Niken và crom bụi.
- Khí của mù tạt.
- Hít phải radium.
- Formaldehyde.
- Khói thuốc lá.
- Dung môi hữu cơ.
Người bị nhiễm HPV
Tưởng như không liên quan nhưng nhiễm virus HPV cũng là nguyên nhân gây bệnh. Virus HPV là một nhóm gồm hơn 100 loại virus có liên quan và được phát hiện ở một số người bị ung thư mũi, dù tỷ lệ khá thấp.
Người bị ung thư võng mạc
Ung thư võng mạc di truyền có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư mũi nếu u nguyên bào võng mạc được điều trị bằng cách xạ trị.
Các triệu chứng ung thư mũi điển hình
Bệnh ung thư mũi có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, điển hình như:
- Nghẹt mũi, khó thở, thở mệt, thở khò khè.
- Một bên mũi tắc nghẽn.
- Đau ở khu vực trên hoặc dưới mắt.
- Chảy máu cam, chảy mủ từ mũi.
- Chảy nước mũi xuống họng.
- Mất khứu giác.
- Các bộ phận trên mặt bị tê đau.
- Răng bị tê và lung lay.
- Sưng mắt, đau mắt, nước mắt chảy liên tục.
- Mất thị lực hoặc thị lực sa sút.
- Thính lực kém, đau đầu.
- Khó mở miệng, nói chuyện khó khăn.
- Mở rộng hạch bạch huyết vùng cổ.
Không phải những ai bị triệu chứng này đều mắc ung thư mũi. Tuy nhiên có trên 5 triệu chứng trong số các dấu hiệu kể trên thì bạn nên đi khám để được chẩn đoán và có kết luận chính xác nhất.
Bệnh ung thư mũi có nguy hiểm không, có chữa được không?
Bệnh ung thư mũi có nguy hiểm không – câu trả lời là có. Đây là bệnh lý có thể đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh nếu như không khám chữa sớm. Đặc biệt với những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối, bệnh sẽ khó có thể chữa trị và người bệnh phải đối mặt với những trường hợp xấu nhất.
Về câu hỏi bệnh ung thư xoang mũi có chữa được không, chuyên gia của Nhất Nam Y Viện trả lời như sau:
“Nếu ở giai đoạn đầu, các triệu chứng chưa rõ ràng, tế bào ung thư chưa di căn thì bệnh có thể xử lý được. Nhưng nếu để bệnh kéo dài đến giai đoạn 4, 5 thì việc chữa bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí cơ hội sống sót là rất thấp. Vậy nên người bệnh không được chủ quan và nên đi khám từ sớm.”
Cách chẩn đoán ung thư xoang mũi
Hiện nay, để chẩn đoán chính xác bệnh, người bệnh sẽ được gợi ý sử dụng phương pháp sinh thiết. Đây là cách chẩn đoán phổ biến và cho kết quả chính xác nhất.
Sinh thiết là thủ thuật sử dụng một mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi và áp dụng cho mọi bệnh nhân có nghi ngờ ung thư. Qua đây bác sĩ sẽ đánh giá được ung thư mức độ mấy, có nguy hiểm không. Có một số loại sinh thiết thường dùng như:
- Sinh thiết dùng kim tiêm
Bác sĩ đặt 1 kim mỏng, rỗng vào khối u hoặc hạch bạch huyết để lấy ra các tế bào. Các tế bào sau đó được soi dưới kính hiển vi để xác định chính xác bệnh. Kỹ thuật này dùng nhiều cho bệnh nhân bị sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Sinh thiết rạch và cắt bỏ
Bác sĩ cắt ra một mảnh nhỏ của khối u (với sinh thiết rạch) hoặc lấy toàn bộ khối u (với sinh thiết cắt bỏ). Mẫu thu được sẽ gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra và chẩn đoán.
- Sinh thiết nội soi
Tế bào khối u sâu trong mũi có thể lấy được bằng cách dùng nội soi. Các dụng cụ dài và mỏng được bác sĩ truyền qua nội soi để lấy mẫu sinh thiết.
- Sinh thiết mở
Nếu khối u bên trong xoang, bác sĩ sẽ cắt qua da bên cạnh mũi và xương dưới để tiếp cận chúng nhanh và chính xác nhất.
Khi sinh thiết, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc gây mê nên để kiểm soát các cơn đau nên bạn không cần quá lo lắng.
Làm sao điều trị bệnh ung thư mũi?
Việc điều trị bệnh ung thư khoang mũi sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ tổn thương cũng như giai đoạn của bệnh. Trong đó, phẫu thuật, xạ trị và hóa trị là những phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị ung thư mũi và nó cũng mang hiệu quả cao nhất. Vì đặc điểm hốc mũi và xoang mũi nằm gần với các dây thần kinh quan trọng, các cấu trúc như: Não, mắt, miệng, động mạch cảnh…. nên việc phẫu thuật khá khó khăn, không hề đơn giản.
Mục đích khi mổ đó là lấy toàn bộ khối u cùng 1 lượng nhỏ mô bình thường xung quanh. Bởi lúc này bác sĩ sẽ tiến hành cải thiện chức năng khu vực xung quanh khối u, đây là một việc làm khá quan trọng.
Trong tiến trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy ra các mô xung quanh vùng đã bị cắt bỏ để kiểm tra xem có bị ung thư không. Nếu không tức là các tế bào đã được loại bỏ, còn nếu vẫn còn thì khối u vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Xạ trị
Xạ trị dùng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và có rất nhiều mục đích:
- Dùng cho người bệnh có khối u khoang mũi nhỏ, dễ điều trị.
- Những người không thể phẫu thuật vì sức khỏe yếu.
- Là phương pháp dùng sau phẫu thuật nếu còn sót tế bào ung thư.
- Có thể dùng trước khi phẫu thuật để làm nhỏ khối u.
- Sử dụng để điều trị các hạch bạch huyết ở cổ dù chúng không chứa tế bào ung thư.
Hóa trị
Hóa trị dùng thuốc chống ung thư và đưa vào cơ thể bằng đường uống, đường tĩnh mạch. Những thuốc này có thể đi vào máu, đến toàn bộ cơ thể nên thích hợp với những ai bị ung thư mũi di căn.
Mục đích của hóa trị là:
- Dùng trước khi phẫu thuật cùng xạ trị để thu nhỏ khối u và giúp việc điều trị ngoại khoa đơn giản hơn.
- Dùng để ngăn những triệu chứng do khối u gây nên.
- Có thể dùng sau phẫu thuật để ngăn bệnh tái phát.
- Ngoài ra, hóa trị cũng dùng để kiểm soát sự phát triển của ung thư khi nó đã di căn và không thể xử lý được bằng phẫu thuật hay xạ trị.
Hướng dẫn phòng bệnh ung thư mũi
Để phòng tránh bệnh và đồng thời bảo vệ mũi tối đa trước những tác động xấu, bạn cần chú ý những vấn đề như sau:
- Luôn đeo khẩu trang khi đến những nơi khói bụi, đông người hoặc bị ô nhiễm.
- Giữ môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ, có thể dùng máy làm sạch không khí.
- Nên rửa mũi bằng nước rửa chuyên dụng mỗi ngày để giúp khoang mũi sạch khỏe.
- Nên tiêm phòng vacxin HPV để phòng tránh nhiều bệnh tật liên quan.
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.
- Không hút thuốc lá, tránh xa những khu vực có khói thuốc lá.
- Điều trị dứt điểm các bệnh như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm phế quản,…
- Nên đi khám sức khỏe định kỳ, quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn và không nên chủ quan khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh.
Trên đây là thông tin về bệnh ung thư mũi khá nguy hiểm bạn đọc có thể tham khảo. Hy vọng rằng qua đây bạn đã hiểu thêm về căn bệnh này, biết được một số cách chữa cũng như cách phòng tránh bệnh an toàn. Chúc bạn luôn khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!