Huyệt Thần Môn – Cánh Cửa Thần Của Tạng Môn
Huyệt Thần Môn – một điểm huyệt quan trọng trong Y học cổ truyền. Từ lâu huyệt vị này đã được biết đến với tác dụng điều hòa tâm trí và cải thiện sức khỏe tổng thể. Vị trí của huyệt nằm trên cổ tay, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng, lo âu và cải thiện giấc ngủ. Việc nắm được vị trí, tác động đúng cách lên Thần Môn huyệt không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đóng góp vào việc duy trì sự cân bằng về thể chất và tinh thần.
Thông tin chung về huyệt Thần Môn
Huyệt Thần Môn hay còn gọi là huyệt Đoài Lệ, huyệt Trung Đô, huyệt Đoài Xung, huyệt Duệ Trung,… Trước khi giải đáp vấn đề “huyệt Thần Môn có tác dụng gì”, các bạn cần nắm được những nội dung sau đây:
Huyệt Thần Môn là gì?
Huyệt Thần Môn trong Trung Y Cương Mục được miêu tả là nơi hội tụ những đường dương khí mạnh nhất của kinh Tâm. Đồng thời là huyệt thứ 7 của kinh thủ thiếu âm Tâm, thuộc Thổ Hành, huyệt Tả của kinh Chính Tâm.
Tham khảo: Huyệt Hợp Cốc Và Lợi Ích Với Sức Khỏe Khi Tác Động
Đây là huyệt vị đặc biệt vì khi châm vào kinh Tâm sẽ khiến cơ thể bị run, sốt, có triệu chứng khó chịu vùng tim. Tuy nhiên sau đó sẽ được giải nhiệt, thanh hỏa, an thần, cảm thấy dễ chịu cũng như khỏe mạnh hơn. Huyệt giúp trị chứng Thi Quyết do rối loạn kinh Biệt Phế, Tâm, Thận và Vị.
Vị trí huyệt Thần Môn
Huyệt Thần Môn nằm ở đâu là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về huyệt vị này. Huyệt nằm ở bờ trong cổ tay, ngay tại phần xương ngụ gần chỗ lõm của bờ ngoài gân cơ. Nói cách khác, Đoài Lệ huyệt nằm trên đường chỉ lằn cổ tay, tại phần lõm nơi giao nhau của đường cổ tay, đường huyệt từ rãnh của ngón áp út đi thẳng xuống.
Xét theo giải phẫu, phần da dưới vùng huyệt là gân cơ trụ trước, xương thấp và xương đậu. Nhóm thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh trụ, tiết đoạn thần kinh D1 chi phối vùng da huyệt.
Cách xác định huyệt Thần Môn khá đơn giản và rất dễ nhìn thấy. Theo đó, mọi người cần ngửa bàn tay lên, dóng 1 đường thẳng xuống khe giữa ngón áp út và ngón út xuống cổ tay. Lưu ý cần hơi gập bàn tay về phía cẳng tay để thấy đường lằn chỉ ở cổ tay hiện rõ. Giao điểm đường lằn chỉ cổ tay với đường thẳng vừa dóng xuống chính là vị trí huyệt vị mà bạn cần tìm.
Tác dụng của huyệt Thần Môn
Theo các ghi chép từ Y học cổ truyền, khi tác động đúng cách vào Thần Môn huyệt, huyệt đạo này có thể giúp thanh tâm nhiệt, an thần, thanh hỏa, điều khí huyết, lương vinh. Do đó, việc châm cứu hay bấm huyệt Thần Môn có thể mang tới hiệu quả điều trị một số bệnh lý như:
- Bệnh tim đập nhanh: Khi tác động lên Thần Môn huyệt sẽ giúp bổ sung khí cho Tâm nhằm cải thiện tình trạng tức ngực, hồi hộp, say tàu xe, đau tim và tim đập nhanh.
- Mất ngủ, ngủ không ngon giấc: Tâm bất an là một trong những nguyên nhân chính gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc. Lúc này việc day ấn lên huyệt sẽ giúp người bệnh dễ dàng chìm vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn. Đồng thời làm giảm tình trạng mệt mỏi, khó chịu khi thức dậy.
- Trị động kinh, chứng hay quên: Việc tác động vào huyệt sẽ giúp điều hòa khí huyết, dưỡng âm, giải tỏa căng thẳng thần kinh. Từ đó hỗ trợ điều trị bệnh động kinh, hay quên, giúp tăng khả năng tập trung.
Đọc thêm: Huyệt Cự Cốt Ở Đâu? Tác Dụng Tới Sức Khỏe Người Bệnh
Bên cạnh đó, huyệt vị này còn có khả năng hỗ trợ điều trị tình trạng chán ăn, táo bón, vàng da, bí tiểu, sản giật ở nữ giới.
Cách tác động lên huyệt Thần Môn
Trong Y học cổ truyền, huyệt Thần Môn được tiến hành tác động theo 2 cách như sau:
Phương pháp bấm huyệt
Bấm huyệt là phương pháp tác động không xâm lấn, an toàn và không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, việc day ấn cần thực hiện đúng kỹ thuật, dùng đủ lực để mang tới hiệu quả an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ và bảo vệ sức khỏe tim mạch tốt.
Các bước bấm huyệt Thần Môn được tiến hành như sau:
- Xác định vị trí huyệt.
- Đặt ngón tay cái lên huyệt, các ngón còn lại đỡ phía dưới cổ tay.
- Day ấn huyệt với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ từ 2 – 3 phút.
- Đổi tay, bấm huyệt tương tự với bên còn lại.
- Có thể thực hiện nhiều lần ở cả 2 bên để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tìm hiểu thêm: Huyệt Kiên Tỉnh Ở Đâu, Có Tác dụng Gì Với Sức Khỏe?
Biện pháp châm cứu
Châm cứu là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao. Dưới đây là các bước tác động lên Thần Môn huyệt bằng cách châm cứu:
- Chuẩn bị với tư thế phù hợp theo hướng dẫn của thầy thuốc hoặc bác sĩ.
- Đặt ngửa cổ tay lên bàn để tiến hành xác định vị trí huyệt đạo.
- Châm kim thẳng, mũi kim hơi chếch qua phía xương trụ và sâu khoảng 0.3 — 0.5 thốn.
- Cứu từ 1 – 3 tráng, ôn cứu tiếp trong 3 – 5 phút.
Phối cùng các huyệt đạo khác
Khi được ứng dụng để chữa bệnh, huyệt Thần Môn thường được phối cùng nhiều huyệt đạo khác nhau để tăng hiệu quả điều trị. Theo các tài liệu Y học cổ truyền, Thần Môn huyệt có thể kết hợp với các huyệt đạo sau:
- Điều trị chứng tiểu nhiều bằng cách phối với huyệt Trung Phủ, huyệt Quan Môn.
- Phối với huyệt Thiếu Hải điều trị tay co rút.
- Phối cùng huyệt Đại Lăng, huyệt Thái Khê, huyệt Ẩn Bạch trị thổ huyết, tiểu ra máu.
- Điều trị mất ngủ, giúp an thần khi phối cùng huyệt Tam Âm Giao.
- Làm giảm chứng bệnh đi tiểu nhiều lần khi phối cùng huyệt Trung Phủ.
- Phối với huyệt Trung Quản, huyệt Vị Du, huyệt Tâm Du, huyệt Phong Long điều trị mất ngủ.
- Trị khí hư, tâm trọng lo sợ bằng cách phối cùng huyệt Trung Quản, huyệt Khí Hải, huyệt Túc Tam Lý.
- Chữa trị mất ngủ, suy nhược thần kinh thông qua huyệt Tam Âm Giao, huyệt Nội Quan.
- Điều trị rối loạn nhịp tim bằng cách phối với huyệt Nội Quan, huyệt Tâm Du, huyệt Dương Lăng Tuyền.
- Phối cùng huyệt Dịch Môn, huyệt Nội Quan, huyệt Cao Hoang, huyệt Giải Khê trị chứng mất ngủ, hay quên.
- Phối với huyệt Tâm Du điều trị dại khờ, si ngốc.
- Điều trị vàng mắt, vàng da, bí tiểu, mắt đỏ vằn thông qua huyệt Công Tôn, huyệt Chí Dương, huyệt Tiểu Trường Du, huyệt Uyển Cốt, huyệt Ủy Trung, huyệt Đởm Du,…
- Phối cùng huyệt Nội Quan, huyệt Thiếu Xung, huyệt Nhiên Cốc, huyệt Dương Lăng Tuyền trị đau tim, hồi hộp.
- Kết hợp với huyệt Bá Hội, huyệt Nội Quan trị lo sợ, bồn chồn không yên.
- Phối cùng huyệt Thiếu Thương, huyệt Tâm Du, huyệt Dũng Tuyền trị si ngốc.
- Điều trị hồi hộp bằng cách châm cứu huyệt Tâm Du và huyệt Nội Quan.
- Chữa hụt hơi, hồi hộp, lo sợ khi phối cùng huyệt Lãi Châu và huyệt Cự Khuyết.
Xem ngay: Huyệt Nhân Nghênh – Vị Trí, Tác Dụng Trong Điều Trị Bệnh
Lưu ý khi tác động lên huyệt Thần Môn
Khi tác động lên huyệt Thần Môn, để mang lại hiệu quả trị bệnh tốt, hạn chế các biến chứng đáng tiếc, mọi người cần tuân theo một số lưu ý sau đây:
- Cần xác định chính xác Thần Môn huyệt trước khi muốn tác động lên huyệt vị này.
- Người thực hiện châm cứu, bấm huyệt phải có kiến thức chuyên môn, năng lực cũng như tay nghề, kinh nghiệm cao. Với người bệnh, các bạn cần lựa chọn tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể, nếu cảm thấy khó chịu, đau đớn thì nên dừng lại, không nên cố gắng tiếp tục.
- Không châm cứu, bấm huyệt lên vùng da đang có vết thương hở, bị sưng đau để tránh làm vết thương trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời nên cắt gọn ngón tay nhằm hạn chế gây tổn thương khi thực hiện.
- Đảm bảo các dụng cụ hỗ trợ quá trình châm cứu, bấm huyệt phải được vô khuẩn, làm sạch và khử trùng trước khi thực hiện.
- Bệnh nhân không sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê trước hoặc sau khi châm cứu, bấm huyệt.
- Tránh kích thích lên huyệt vào thời điểm cơ thể người bệnh đang đói hoặc ăn quá no.
- Không bấm huyệt, châm cứu nếu đối tượng là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người bị bệnh nhiễm trùng hoặc người cao tuổi sức khỏe yếu.
- Trong quá trình trị liệu, nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như chóng mặt, đau đầu, đổ nhiều mồ hôi thì cần ngừng trị liệu. Đồng thời theo dõi sát sao để có những biện pháp xử lý kịp thời.
- Cố gắng duy trì tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng thần kinh, ăn uống thanh đạm, ngủ nghỉ đúng giờ để sớm cải thiện bệnh.
Trên đây là những thông tin về huyệt Thần Môn và những lưu ý liên quan khi tác động lên huyệt vị. Ngoài việc nắm được những kiến thức trên, mọi người cũng cần tìm đến những cơ sở Y học cổ truyền uy tín, chất lượng để thăm khám, chữa bệnh an toàn, tránh biến chứng đáng tiếc.