Thoái Hóa Đốt Sống Cổ
Trong số các bệnh lý về xương khớp hiện nay, thoái hóa đốt sống cổ là chứng bệnh được đánh giá có nguy cơ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nhất. Vì vậy cách điều trị hiệu quả nhất, sớm loại bỏ các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ trở thành mối quan tâm của nhiều người.
Thoái hóa đốt sống cổ là gì
Theo đặc điểm cấu trúc, cột sống cổ gồm có 7 đốt sống. Chúng được ngăn cách nhau bởi đĩa đệm cùng các dây thần kinh và dây chằng đi qua. Chức năng chính của đĩa đệm là hấp thu xung động, qua đó giúp cho phần cổ hoạt động linh hoạt và nhịp nhàng hơn đồng thời bảo vệ cho cổ tránh được các chấn thương.
Tuy nhiên theo thời gian, phần đĩa đệm này sẽ mất dần các chức năng, bề mặt đĩa đệm cũng xẹp dần, phần dây chằng trở nên xơ cứng. Riêng phần xương phát triển lệch dẫn đến sự chèn ép lên các dây thần kinh. Từ đó người bệnh thường xuyên xuất hiện những cơn đau dữ dội ở vùng cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ là căn bệnh khó tránh khỏi đối với những người trong độ tuổi trung niên. Theo thống kê, có đến 2/3 dân số ít nhất một lần trong đời gặp hiện tượng đau cổ.
Đặc biệt chứng bệnh này hiện đang có xu hướng trẻ hóa ở những đối tượng 30 – 35 tuổi. Nhất là những người làm việc với tư thế cúi cổ nhiều hoặc trong thời gian dài. Khi khởi phát, nếu bệnh không được điều trị sớm sẽ để lại những hệ lụy đáng tiếc, lâu dần dẫn đến tình trạng bại liệt.
Nguyên nhân gây bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Nghiên cứu về căn bệnh xương khớp này, người ta nhận thấy rằng chứng bệnh này khởi nguồn từ tác động của những nguyên nhân sau:
- Hoạt động sai tư thế: Khi các bạn làm việc ở một tư thế trong thời gian dài, ít vận động hoặc những công việc phải mang vác nặng,.... nhưng bị sai tư thế sẽ khiến các đốt sống cổ bị chây ỳ và thoái hóa.
- Cúi cổ nhiều: Những người làm công việc sử dụng máy tính nhiều, thường phải cúi cổ để tập trung vào màn hình cũng dễ bị thoái hóa hơn người khác.
- Do thói quen sinh hoạt: Kê cao gối khi ngủ, cúi hoặc ngửa cổ quá nhiều, ăn uống thiếu chất, chế độ ăn thiếu canxi, vitamin..., lạm dụng thuốc lá, bia rượu khiến sức khỏe xương khớp suy giảm trầm trọng.
Các tác nhân kể trên qua thời gian sẽ dẫn đến sự thay đổi của cột sống, làm sụn và xương cổ dần dần bị thoái hóa. Cụ thể những thay đổi này gồm có:
- Thoái hóa về đĩa đệm: Theo chức năng, tác dụng chính của đĩa đệm giống như một miếng lót giữa các đốt sống của cột sống. Tuy nhiên bắt đầu từ tuổi trung niên, hầu hết phần đĩa đệm này bắt đầu khô và sẽ co lại. Điều này khiến các đốt sống tiếp xúc với nhau khó khăn hơn.
- Thay đổi về xương: Phần đĩa đệm bị thoái hóa khiến phần xương ở cột sống tăng sinh để củng cố. Chính những gai xương này có thể sẽ là tác nhân chèn ép tủy sống và các rễ thần kinh.
- Xơ hóa dây chằng: Giữa các xương được nối với nhau bằng dây chằng. Song theo thời gian, phần dây chằng này cũng bị xơ hóa theo khiến hoạt động ở cổ không còn được linh hoạt.
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Đa phần những trường hợp thoái hóa đốt sống cổ không thể phát hiện bằng mắt thường bởi các triệu chứng không thể hiện rõ rệt như ở những bệnh lý khác, nhất là trong thời gian đầu. Nếu có, các triệu chứng đó bao gồm:
- Đau nhức ở hai bên bả vai, cổ, cánh tay, bàn tay và các ngón tay.
- Cánh tay yếu dần cảm giác như không có lực.
- Có cảm giác tê và nhói ở hai bên cánh tay, bàn tay và các ngón tay.
- Cứng cổ, không quay đi quay lại được, nhiều khi phải quay cả người.
- Đau nhức vùng gáy.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải những biểu hiện như:
- Chóng mặt
- Mất khả năng giữ thăng bằng
- Rối loạn chức năng bàng quang khiến việc tiểu tiện bị mất kiểm soát.
Thoái hóa đốt sống cổ có chữa khỏi được không?
Khi mắc bệnh, không ít bệnh nhân băn khoăn là “Bệnh thoái hóa đốt sống cổ có chữa khỏi được không?”. Về điều này, các chuyên gia về xương khớp cho biết, bệnh thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý phức tạp.
Để chữa khỏi dứt điểm đòi hỏi cần có thời gian dài, phác đồ cụ thể. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần xác định tâm lý kiên trì chữa trị. Song song với việc điều trị bằng thuốc, các phương pháp trị liệu cũng cần được xem xét kết hợp. Có như vậy mới có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng sang các bệnh lý khác.
Cách điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Để điều trị thoái hóa đốt sống cổ hiệu quả, các bác sĩ cần chẩn đoán mức độ bệnh sau đó mới đưa ra phác đồ chữa trị phù hợp nhất. Để chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ chính xác, ngoài các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) phần cổ và làm các xét nghiệm cần thiết từ đó sẽ đưa ra kết luận cần điều trị hay không.
Các phương pháp điều trị hiện nay gồm có:
Thuốc tây chữa thoái hóa đốt sống cổ
Với ưu điểm tiện lợi, nhanh có tác dụng nên thuốc Tây là giải pháp được nhiều người lựa chọn. Phương pháp này chủ yếu được các bệnh viện, phòng khám sử dụng cho bệnh nhân muốn giảm đau nhanh, tiết kiệm thời gian điều trị. Khi điều trị thoái hóa đốt sống cổ bằng thuốc Tây, bác sĩ chủ yếu kê cho bệnh nhân những loại thuốc sau:
- Thuốc chống viêm: Ibuprofen, Aspirin, Diclofenac, Indomethacin, Dexamethasone, Hydrocortisone và Prednisolon...
- Thuốc giảm đau: Acetaminophen (Paracetamol), Aspirin, thuốc giảm đau nhóm Opioid...
- Thuốc giãn cơ: Notrixum, Acrium, Prenuff, Eretab...
- Thuốc chống động kinh: Phenytoin (sodanton), Valproat (depakin, encorat), Carbamazepin (tegretol), Oxcarbazepin (oxetol).
Mẹo dân gian chữa thoái hóa đốt sống cổ
Với tình trạng thoái hóa còn ở dạng nhẹ, người bệnh có thể tìm hiểu và áp dụng một số mẹo dân gian dưới đây để điều trị:
- Ngải cứu: Người bệnh dùng ngải cứu rửa sạch, giã nát rồi lọc lấy nước cốt, trộn thêm 2 thìa mật ong nguyên chất để uống hàng ngày. Duy trì thực hiện trong 10-15 ngày.
- Lá mật gấu: Rửa sạch, giã nát một nắm lá mật gấu và trộn với 300ml bia để uống vào 2 lần trong ngày.
- Cây cỏ xước: Sao khô cỏ xước rồi đem sắc với 500ml nước khi nào còn một nửa thì tắt bếp, chắt lấy nước cốt rồi chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
- Dền gai: Dùng dền gai chữa thoái hóa đốt sống cổ rất đơn giản bằng cách luộc hoặc xào như rau ăn hàng ngày hoặc có thể phơi khô dền gai và sắc lấy nước uống.
- Xấu hổ: Xấu hổ là một loại cây khá quen thuộc trong đời sống, thường xuất hiện ở đồng ruộng, bụi cỏ. Người bệnh dùng 200g xấu hổ rửa sạch bụi bẩn, cắt thành từng khúc rồi phơi khô. Đun xấu hổ lấy nước uống mỗi ngày.
- Xương rồng: Cây xương rồng được sử dụng rất nhiều trong các mẹo dân gian chữa bệnh xương khớp. Theo đó, dùng xương rồng bẹ sau khi loại bỏ hết phần gai thì đem nướng rồi đợi còn hơi ấm thì đắp lên vùng bị thoái hóa.
Bài tập hỗ trợ điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Ngoài các loại thuốc chữa bệnh, để cải thiện những khó chịu mà bản thân đang gặp phải, mọi người có thể tham khảo và luyện tập theo các bài tập dưới đây:
- Bài tập gập cổ
Các bạn đứng thẳng, dang hai chân rộng bằng vai. Hai bàn tay đan vào nhau, lòng bàn tay hướng lên trên ép chặt vào trước vùng bụng. Phần cổ gập về phía trước. Các bạn chú ý giữ cho cằm chạm vào phần ngực.
Sau đó lật bàn tay úp xuống phía dưới, đầu ngửa ra phía sau từ 3 – 5 giây, hai tay duỗi thẳng. Bài tập này mọi người nên áp dụng luyện tập mỗi ngày 2 - 3 lần.
- Bài tập thả lỏng cơ cổ
Mỗi khi cảm thấy mỏi cổ các bạn hãy áp dụng ngay bài tập này. Người bệnh có thể áp dụng nhiều lần trong ngày vào bất cứ thời điểm nào.
Theo đó hãy dùng ngón tay trỏ, ngón giữa và áp út miết nhẹ từ chân tóc xuống dưới vùng cổ, hai vai và ngược lại. Lặp đi lặp lại thao tác này liên tục trong 5 phút với lực vừa phải. Chắc chắn các cơ và phần khớp vai sẽ được thả lỏng.
- Bài tập xoay cổ
Mỗi khi cảm thấy đau mỏi vùng cổ các bạn có thể áp dụng ngay bài tập này để thấy được sự cải thiện rõ rệt.
Thao tác đầu tiên là các bạn ngồi thư giãn, sau đó cúi thấp cổ. Lưu ý cúi đến khi cổ chạm cằm và giữ thẳng phần lưng. Tiếp đến, nghiêng cổ sang bên trái gập vào phần bả vai trái, để 3 – 5 giây thì đổi sang gập vào bả vai bên phải. Cuối cùng ngửa cổ ra phía sau, mắt nhìn lên trên trần nhà. Các thao tác này thực hiện ít nhất 2 lần, mỗi lần giữ 5 giây.
- Bài tập lực cân bằng
Các bạn để 2 tay ở phía trước trán nhằm tạo lực đẩy đầu về phía sau. Bên cạnh đó, đầu và cổ cũng tạo thành một lực chống lại lực của tay để giữ đầu ở vị trí thẳng đứng.
Tư thế này các bạn giữ trong thời gian 5 – 10 giây cho đến khi thấy khớp cổ mỏi thì từ từ hạ tay xuống và dừng lại. Bài tập này có thể áp dụng đều đặn hàng ngày để cải thiện triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ.
Lưu ý khi bị thoái hóa đốt sống cổ
Trong quá trình bị thoái hóa đốt sống cổ, người bệnh cần lưu ý một số lời khuyên dưới đây để điều trị hiệu quả cũng như ngăn ngừa căn bệnh xương khớp này tái phát hoặc biến chứng nguy hiểm hơn:
- Thăm khám ngay khi thấy các triệu chứng bất thường của cơ thể, tránh chủ quan để bệnh phát triển âm thầm.
- Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng.
- Song song với các phương pháp điều trị chuyên khoa, có thể sử dụng đồng thời các mẹo dân gian để chữa trị tại nhà nhưng không nên lạm dụng.
- Lựa chọn các địa chỉ khám chữa bệnh uy tín và có giấy phép hoạt động, bác sĩ có chuyên môn và kinh nghiệm.
- Khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng bệnh lý của bản thân để can thiệp kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.
- Người bệnh cũng cần tăng cường ăn một số nhóm thực phẩm tốt cho xương khớp như thực phẩm chứa nhiều Omega 3, ngũ cốc, trà xanh, các loại nấm... và kiêng khem các đồ ăn nhiều giàu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, món ăn quá mặn, rượu, bia, cà phê và thuốc lá.
Việc phát hiện sớm các triệu chứng sẽ giúp quá trình điều trị thoái hóa đốt sống cổ thuận lợi và đạt hiệu quả nhanh chóng. Vì vậy ngay khi thấy các biểu hiện bất thường của xương khớp và cơ thể thì người bệnh cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị nếu cần.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!