Viêm mũi họng cấp
Viêm mũi họng cấp là một dạng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và cả người lớn khi có sự chuyển đổi thời tiết. Bệnh khởi phát do nhiều nhóm virus, vi khuẩn tồn tại ngay xung quanh chúng ta. Tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, viêm mũi họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng rất khó lường.
Viêm mũi họng cấp là gì?
Viêm mũi họng cấp hay viêm mũi họng cấp tính là hiện tượng viêm nhiễm ở vùng niêm mạc mũi và họng. Các triệu chứng của bệnh thường đi kèm với viêm VA, viêm Amidan. Viêm mũi họng cấp tính rất phổ biến trong nhóm bệnh về Tai mũi họng. Bệnh có thể xuất hiện một cách độc lập đơn lẻ, cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Triệu chứng của viêm mũi họng cấp
Bệnh nhân viêm mũi họng cấp có thể có những biểu hiện như sau:
- Viêm mũi họng cấp ở người lớn có thể gây sốt cao khoảng 38 – 39 độ, trẻ em có thể lên đến 40 độ kèm theo các triệu chứng khác như: đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức toàn thân, đầu óc không thể tập trung.
- Các biểu hiện như cảm cúm thường: sổ mũi, viêm họng, mũi có dịch nhầy,…
- Đau họng, đau khi nuốt nước bọt, cơn đau có thể lan từ vùng họng lên tai.
- Ho khan, ho có đờm, khàn giọng
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, dịch nhầy trong mũi chuyển từ dạng trong sang dạng đục,…
- Niêm mạc họng ửng đỏ, có xuất hiện các bựa trắng trên bề mặt amidan
- Niêm mạch mũi có biểu hiện xung huyết, dịch nhầy tiết liên tục
- Một vài trường hợp xuất hiện hạch góc hàm, hạch bị sưng gây đau khi nuốt, ấn tay thấy đau.
Những triệu chứng của viêm mũi cấp tính thường diễn ra vào thời điểm giao mùa và kéo dài từ 3 – 5 ngày. Bệnh sẽ tự khỏi nếu như cơ thể có sức để kháng khỏe và người bệnh chủ động chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, với những cơ địa yếu ví dụ trẻ nhỏ, diễn biến bệnh có thể trở nên phức tạp, khó lường hơn. Viêm mũi họng cấp tính có thể tiến triển trở thành mãn tính, gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi, viêm cầu thận cấp,…
Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp
Viêm mũi họng cấp chia làm 2 dạng chính: Viêm mũi họng cấp đơn thuần và viêm mũi họng loét.
Viêm mũi cấp đơn thuần
Nguyên nhân chính dẫn đến viêm mũi họng cấp đơn thuần là do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào cơ thể khi sức đề kháng giảm hoặc tiếp xúc dịch trong không khí. Trong đó, các trường hợp mắc bệnh di virus chiếm 60 – 80%.
Biểu hiện của dạng này là niêm mạc mũi họng ửng đỏ và có xuất hiện bựa trắng. Một vài loại vi khuẩn, virus được xem là nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
- Liên cầu beta tan huyết các nhóm A, B, C, G
- Vi khuẩn Hib: Lan qua đường tiếp xúc dịch bài tiết trong không khí, đối tượng dưới 2 tuổi thường dễ mắc loại vi khuẩn này nhất. Không chỉ gây viêm mũi họng cấp, vi khuẩn Hib còn có thể là nguyên nhân gây viêm màng não, viêm phổi, viêm nắp thanh môn,…
- Vi khuẩn Tụ cầu vàng (S.aureus): Là một loại vi khuẩn rất nguy hiểm vì có khả năng kháng kháng sinh rất cao. Loài vi khuẩn này được tìm thấy trên da, mũi của rất nhiều người nên việc xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng khá dễ dàng.
- Vi khuẩn Moraxella catarrhalis: Loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, dưới và nhiễm trùng tai khá phổ biến.
- Một số loại vi khuẩn kị khí
- Virus Adenovirus: Loại virus này có thể tồn tại trong ngoại cảnh rất lâu, gây bệnh thông qua dịch hô hấp, dịch niêm mạc, chất thải của người bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Không chỉ viêm mũi họng cấp, loại virus này còn là nguyên nhân của bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp cấp, viêm họng kết mạc, viêm dạ dày, viêm amidan…
- Virus Coxsackie nhóm A hoặc B, virus zona, EBV,…
- Virus Herpes: Đây là một loại virus rất phổ biến, là tác nhân gây nên các bệnh lý như: mụn nước sinh dục, viêm giác mạc, rối loạn hô hấp, viêm họng có bọng nước,…
Viêm mũi họng loét
Trường hợp mắc viêm mũi họng loét chỉ chiếm khoảng 5% tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra một hoặc 2 bên do:
- Ảnh hưởng của bệnh bạch cầu cấp, mất bạch cầu hạt
- Biến chứng của viêm họng có giả mạc (viêm họng bạch hầu),…
Viêm mũi họng cấp có nguy hiểm không? Có lây không?
Theo như những thông tin đã đề cập ở trên, có thể thấy, bệnh viêm mũi họng cấp rất dễ lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc trực tiếp như dịch nước bọt, dịch mũi hoặc gián tiếp khi sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân.
Bệnh ở cấp độ nhẹ có thể tự khỏi sau 3 – 5 ngày tự chăm sóc tại nhà. Sau thời gian này, nếu bệnh không thuyên giảm và có dấu hiệu nặng hơn có thể sẽ có nguy cơ biến chứng.
Viêm tấy, áp xe quanh amidan
Viêm tấy quanh amidan thường có biểu hiện đi kèm như: sốt cao, người mệt mỏi; đau họng, cơn đau có thể lan sang hai bên tai, đau mạnh hơn khi nuốt hoặc há miệng rộng; hơi thở có mùi. Khu trú thường chỉ ở một bên họng.
Viêm tấy có mủ có thể tự vỡ, nguy cơ mủ chảy vào khoang trước gây viêm tấy mủ quanh họng. Một số biến chứng liên quan đến viêm tấy quanh amidan: nhiễm khuẩn huyết, rạn vỡ mạch máu amidan, viêm tắc tĩnh mạch.
Áp xe quanh amidan với dấu hiệu đau họng lan rộng lên vùng tai, góc hàm, đặc biệt là khi nuốt; người bệnh có thể bị sốt cao 39 – 40 độ kèm cảm giác gai lạnh; cơ thể mệt mỏi, khô môi, lưỡi dày và có nhiều giả mạc,…
Áp xe có thể gây phù nề thanh quản, viêm tắc xoang hang, nhiễm khuẩn huyết, apxe thành bên họng,…
Áp xe thành sau họng
Người bệnh có triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, đau cổ họng, khó nuốt. Sau những triệu chứng này, hiện tượng sốt cao 39 – 40 độ sẽ xuất hiện kèm theo gai lạnh, khô môi, lưỡi dày, da mặt tái xanh,… Nếu khối áp xe không được xử lý, kích thước tăng khiến người bệnh khó thở, thở rít, hơi thở nặng mùi.
Áp xe thành sau họng không thể tự khỏi, không điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Viêm mũi xoang cấp
Dấu hiệu của viêm mũi xoang cấp gây đau nhức ở vùng mặt, vùng xoang hàm, vùng giữa lông mày, sau gáy, vùng đỉnh đầu, vùng răng hàm. Kèm theo cơn đau là tình trạng dịch nước mũi chảy nhiều, đặc và có màu vàng xanh; sổ mũi, nghẹt mũi và một vài triệu chứng khác như ù tai, nhức đầu, buồn nôn, sốt,..
Viêm mũi xoang cấp không điều trị sớm sẽ gây biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác, viêm xoang sàng xuất ngoại,… nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.
Viêm phổi
Đây là một biến chứng gần của viêm mũi họng cấp tính với các biểu hiện đi kèm như: tức ngực, khó thở, lú lẫn, ho có đờm, buồn nôn, suy nhược,…Viêm phổi là bệnh khá nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, tràn dịch màng phổi hay viêm màng ngoài tim.
Ngoài những biến chứng gần kể trên, bệnh viêm mũi xoang cấp có thể có nguy cơ biến chứng xa, ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể như: Viêm cầu thận, nhiễm trùng máu, viêm màng tim, viêm khớp,…
Có thể thấy, viêm mũi họng cấp tính hoàn toàn không thể chủ quan, những biến chứng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Người bệnh nên đặc biệt chú ý đến các triệu chứng tai mũi họng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Chẩn đoán viêm mũi họng cấp tính
Quy trình chẩn đoán viêm mũi họng cấp tính như sau:
Chẩn đoán lâm sàng: Theo dõi, quan sát các triệu chứng như:
- Sốt từ 38 – 40 độ kèm ớn lạnh, đau nhức đầu, mệt mỏi, mất sức, cơ thể đau nhức, không có cảm giác thèm ăn.
- Đau khi nuốt, cơn đau lan ra vùng hai bên tai; ho khan, ho có đờm; ngạt mũi, chảy nước mũi, dịch nước mũi chuyển sang màu đục; khàn giọng,…
- Niêm mạc họng ửng đỏ, xung huyết; amidan sưng to, có chấm mủ trắng, bựa trắng trên bề mặt; xung huyết niêm mạc mũi, dịch nhầy tiết nhiều,…
Chẩn đoán cận lâm sàng: Sử dụng cho những trường hợp viêm mũi họng cấp kéo dài và có biểu hiện biến chứng. Một vài xét nghiệm điển hình như: xét nghiệm vi trùng, xét nghiệm đề phòng dịch; xét nghiệm công thức bạch cầu,…
Phương án điều trị viêm mũi họng cấp
Phác đồ điều trị viêm mũi họng cấp sử dụng kháng sinh với mục đích hạ sốt, giảm đau, giảm viêm, cụ thể như sau:
- Thuốc kháng sinh: Penicillin, Cephalosporin, Rulide, Dynapac,… Chỉ định dùng theo liều, người bệnh nên chú ý về liều thuốc dành riêng cho người lớn và trẻ em; trường hợp bị dị ứng cần báo ngay với các bác sĩ để được đổi thuốc kịp thời.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm: Paracetamol, Aspirin, Alphachymotrypsine,… Các loại thuốc này thường sẽ gây ra một vài tác dụng phụ đối với dạ dày, tá tràng, hệ tiêu hóa nên người bệnh nên khai báo bệnh tình cho bác sĩ thật cụ thể và chi tiết trong quá trình thăm khám.
Viêm mũi họng cấp có thời gian biến chứng khá nhanh nên việc áp dụng mẹo vặt hay bài thuốc đông y không thực sự phù hợp. Trong những trường hợp bệnh nhẹ và không có tiên lượng biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể sử dụng các bài thuốc lá để cải thiện triệu chứng, tuy nhiên cần thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị trực tiếp.
Phòng ngừa viêm mũi họng cấp ở người lớn và trẻ em
Có thể thấy viêm mũi họng cấp khởi phát phần lớn đến từ môi trường tiếp xúc hằng ngày. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh ở cả người lớn và trẻ nhỏ đều rất quan trọng. Để đề phòng mắc bệnh viêm mũi họng cấp, hãy tuân thủ thực hiện phương án phòng ngừa như sau:
- Tăng cường bổ sung vitamin C, thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng tổng thể, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa.
- Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi tiếp xúc môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, nơi đông người.
- Nếu làm việc trong môi trường khói bụi cần sử dụng đồ bảo hộ lao động.
- Tránh xa rượu bia, thuốc là và các món đồ ăn sống, đồ ăn lên men.
- Chú ý giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng bàn chân, cổ, tai khi thời tiết chuyển sang mùa đông.
- Luôn vệ sinh chân, tay sau khi đi ra ngoài về; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Hạn chế để trẻ nhỏ dùng tay ngoáy tai, ngoáy mũi, cắn móng tay, ngậm tay.
- Nếu mắc các bệnh lý về xoang, họng cần điều trị sớm và triệt để.
- Nếu phát hiện cơ thể có những biểu hiện của bệnh viêm mũi họng cấp tính cần nhanh chóng thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
- Trẻ nhỏ cần tiêm phòng các bệnh lý liên quan khi đủ tuổi.
Viêm mũi họng cấp thực tế sẽ không quá nguy hiểm nếu chúng ta chủ động phòng ngừa và khắc phục sớm, đúng cách. Trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, con em và người thân trong gia đình là điều vô cùng cần thiết. Hy vọng những thông tin chuyên trang cung cấp sẽ có ích với bạn đọc trong việc tìm hiểu về bệnh lý này.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!