Amidan Phì Đại Ở Trẻ Nhỏ
Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là một tình trạng bất thường của đường hô hấp khi amidan của trẻ bị viêm nhiễm và có biểu hiện quá phát. Đây là tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng tại cổ họng của trẻ hoặc các cơ quan lân cận. Vì thế, cha mẹ cần lưu ý đến nguyên nhân và dấu hiệu bất thường để điều trị kịp thời.
Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là gì?
Theo chia sẻ của Thầy thuốc ưu tú, BSCKII Lê Phương – Viện phó Viện Nghiên cứu & Phát triển Y dược cổ truyền Dân tộc, amidan nằm ở hai bên họng, có tác dụng ngăn ngừa tác nhân xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp.
Một số trường hợp các tác nhân có thể xuất hiện ồ ạt, gây kích ứng tại amidan dẫn tới cơ quan này bị viêm nhiễm.Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là tình trạng amidan của trẻ bị sưng viêm gây tăng kích thước bất thường. Khi amidan bị phì đại, trẻ có cảm giác vướng ở cổ họng và gây khó khăn khi ăn uống, cản trở đường thở.
Tình trạng này có thể điều trị dứt điểm nhưng nếu điều trị không đúng cách có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho trẻ như sau:
- Trẻ có thể bị ngưng thở khi ngủ do amidan quá phát cản trở hô hấp.
- Trẻ bị suy nhược cơ thể, suy giảm nhận thức, trí tuệ kém phát triển.
- Có thể gặp phải các bệnh lý như áp xe quanh amidan, viêm họng, viêm mũi hoặc viêm tai giữa.
- Trẻ có nguy cơ cao bị viêm cầu thận, viêm khớp hoặc viêm cơ tim.
Dấu hiệu amidan phì đại ở trẻ nhỏ
Các biểu hiện amidan phì đại ở trẻ nhỏ ban đầu có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý về hô hấp khác. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ vẫn có thể phát hiện được tình trạng này thông qua những triệu chứng điển hình sau đây:
- Amidan của trẻ bị sưng to, tấy đỏ và có thể quan sát bằng mắt thường khi trẻ há miệng.
- Trẻ bị đau rát họng và các cơn đau có thể tăng lên khi trẻ nuốt hoặc thở.
- Hơi thở của trẻ có mùi hôi.
- Trẻ bị khó thở, khó nuốt và có triệu chứng nghẹn họng.
- Trẻ ngủ ngày nhiều nhưng ngủ không sâu giấc, thường ngáy to kèm triệu chứng khó thở.
- Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp phải ở trẻ là: Trẻ phản ứng chậm, mệt mỏi và không tập trung.
Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý đến tình trạng ho, sốt ở trẻ và chủ động đưa trẻ đi khám khi gặp phải các triệu chứng trên.
Nguyên nhân
Amidan phì đại là giai đoạn quá phát sau thời gian dài bị viêm amidan. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là:
- Amidan quá phát do bẩm sinh: Một số trẻ có kích thước và cấu trúc amidan bất thường có thể bị quá phát bẩm sinh.
- Yếu tố di truyền có tác động đến tình trạng amidan quá phát ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ bị bệnh trong gia đình có bố, mẹ có tiền sử bệnh luôn cao hơn.
- Do bệnh viêm amidan kéo dài: Khi bị viêm amidan kéo dài, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới amidan phì đại, kích ứng và tấy đỏ.
- Do bệnh lý đường hô hấp: Một số bệnh lý về đường hô hấp có thể khiến amidan bị phì đại.
- Các tác nhân gây kích ứng, dị ứng từ môi trường khiến trẻ gặp phải tình trạng trên.
- Một số trẻ phẫu thuật cắt bỏ amidan không thành công có thể để lại các di chứng.
Chẩn đoán amidan phì đại ở trẻ nhỏ
Khi trẻ có các dấu hiệu bị amidan phì đại, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và chẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ quan sát các dấu hiệu lâm sàng của trẻ và chỉ định một số phương pháp chẩn đoán như sau:
- Nội soi tai mũi họng bằng dụng cụ chuyên dụng để chẩn đoán tình trạng sưng, viêm và kiểm tra các cơ quan xung quanh và khoanh vùng lây lan của bệnh.
- Xét nghiệm dịch tiết từ mũi họng của trẻ.
- Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác.
Điều trị amidan phì đại ở trẻ nhỏ
Khi đã chẩn đoán chính xác tình trạng amidan phì đại ở trẻ, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh cho trẻ.
Sử dụng thuốc điều trị
Tình trạng phì đại amidan ở trẻ nhỏ chủ yếu là do nhiễm trùng quá phát. Do đó, để điều trị bệnh triệt để cần loại trừ được các tác nhân gây bệnh. Thông thường, trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị.
Một số loại kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị hiện tượng viêm amidan là: Penicillin; Ampicillin; Amoxicillin; Cefalexin… Nếu trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng hơn có thể được điều trị bằng kháng sinh nhóm Macrolid như Erythromycin hoặc Clarithromycin.Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số nhóm thuốc hỗ trợ điều trị như sau:
- Nhóm thuốc kháng viêm.
- Nhóm thuốc giảm ho.
- Nhóm thuốc hạ sốt hoặc giảm đau cho trẻ.
- Dung dịch súc họng hoặc thuốc xông mũi họng.
Việc sử dụng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi thuốc đã được chỉ định cho trẻ.
Phẫu thuật cắt amidan
Khi việc điều trị nội khoa bằng thuốc không đáp ứng điều trị bệnh, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa bằng biện pháp phẫu thuật cắt bỏ amidan. Đây là thủ thuật khá đơn giản và có tỷ lệ thành công cao.Tuy nhiên, amidan là cơ quan rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ, giúp bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây ra những bệnh lý hô hấp thông thường. Do đó, thủ thuật này chỉ nên áp dụng điều trị cho bệnh nhân gặp phải biến chứng nặng và không đáp ứng điều trị với các biện pháp khác.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện có cơ sở vật chất hiện đại để đảm bảo điều kiện điều trị, phẫu thuật tốt nhất cho trẻ.
Phòng ngừa phì đại amidan cho trẻ nhỏ
Tuy bệnh lý phì đại amidan ở trẻ nhỏ không đe dọa đến tính mạng của trẻ nhưng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm và làm chậm sự phát triển của trẻ trong quá trình điều trị. Vì thế, cha mẹ cần áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau đây để ngăn chặn bệnh lý này cho con em mình:
- Cần vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Giữ ấm cơ thể trẻ, đặc biệt khi thay đổi thời tiết.
- Sử dụng khẩu trang cho trẻ khi ra đường hoặc ở các nơi công cộng.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, từ đó giúp trẻ tăng sức đề kháng.
- Cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày và tăng cường dùng nước khoáng, nước hoa quả, nước canh.
- Giữ vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ và tạo thói quen vận động hàng ngày cho trẻ.
Amidan phì đại ở trẻ nhỏ là tình trạng khá nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên chủ quan và cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có triệu chứng bệnh để được điều trị đúng cách và hiệu quả.
Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Phương
- Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII
- Nguyên Phó Giám Đốc Bệnh viện YHCT Hà Đông
- Hơn 40 năm kinh nghiệm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!